Lập trình website là một công việc đang thu hút khá nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, đây lại là một lĩnh vực nếu không có đam mê và sở thích thì chắc chắn sẽ chẳng có ai theo đuổi được đến cùng. Vậy nên, để giúp cho công việc xây dựng web trở nên dễ dàng hơn thì tìm hiểu ngôn ngữ lập trình PHP gần như là kiến thức căn bản nhất. Vậy PHP là gì? Trong bài viết này, hãy cùng đội ngũ marketing Phương Nam Vina giải mã ngôn ngữ PHP một cách chi tiết để bạn áp dụng vào trong công việc của mình được hiệu quả nhất.
- PHP là gì?
- Ứng dụng của ngôn ngữ lập trình PHP
- Lịch sử phát triển của PHP
- Ưu và nhược điểm của ngôn ngữ PHP
- Phân biệt PHP
- Có ý kiến cho rằng PHP đang lỗi thời, điều này có đúng không?
- Vậy có nên sử dụng ngôn ngữ PHP?
- Những nền tảng nổi tiếng sử dụng ngôn ngữ lập trình PHP
- Lập trình viên PHP và những điều cần biết
PHP là gì?
PHP là một ngôn ngữ lập trình hoặc dạng mã lệnh được viết tắt từ thuật ngữ Personal Home Page. Trong đó, ngôn ngữ PHP chủ yếu sẽ được phát triển dành cho các ứng dụng nằm trên máy chủ. Khi các lập trình viên viết phần mềm bằng ngôn ngữ PHP, chuỗi lệnh ngay lập tức sẽ được xử lý trên server để sinh ra mã HTML. Dựa vào đó, các ứng dụng trên trang web của bạn sẽ được hoạt động một cách dễ dàng hơn.
Ngôn ngữ PHP được đánh giá là phù hợp với việc lập trình website vì dễ kết nối với các trang web có sử dụng HTML để chạy trên những trình duyệt web. Cũng chính vì điều này mà ngôn ngữ PHP luôn là sự lựa chọn của các lập trình viên bởi khá dễ học và cũng là ngôn ngữ web dev phổ biến nhất mà họ sẽ được tìm hiểu ngay khi mới bước chân vào nghề.
Ứng dụng của ngôn ngữ lập trình PHP
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngôn ngữ lập trình PHP sẽ chủ yếu tập trung vào việc xây dựng kịch bản hoạt động từ hệ thống máy chủ. Vậy nên, bạn có thể thực hiện các thao tác khác nhau ngoài việc tạo nên những dữ liệu, nhận dữ liệu cookie hay nội dung website. Tuy nhiên, xét về ứng dụng của ngôn ngữ PHP thì có rất nhiều, cụ thể:
Xây dựng hệ thống back-end cho các website hoặc web-app
Back-end chính là một thuật ngữ chỉ quá trình xử lý từ phía server, trong đó ngôn ngữ lập trình từ phía server sẽ có tác dụng phân giải các luồng request (luồng dữ liệu yêu cầu) từ phía người dùng. Sau đó tiến hành làm việc với cơ sở dữ liệu để truy xuất hay cập nhật, cuối cùng là trả lại các luồng response (luồng dữ liệu phản hồi) về phía người dùng.
Theo thống kê gần đây cho thấy, có khoảng 78,9% trong tổng số những trang web trên toàn cầu hiện nay sử dụng PHP làm ngôn ngữ để xử lý phía server. Trong đó, nổi bật nhất cần phải kể đến các website thuộc nền tảng như: Wordpress, Drupal, Joomla, Silverstripe, Moodle, MediaWiki, Digg,....
Xây dựng hệ thống back-end cho các ứng dụng di động
Với sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các PHP framework như: Zend, Laravel, Codeignitor,... lập trình viên hoàn toàn có thể tự mình xây dựng một hệ thống back-end cho các app di động hiện nay với cơ chế RESTFUL API nhanh chóng, dễ dàng và bảo mật hiệu quả.
Tạo ra các phần mềm xử lý ảnh và thiết kế đồ hoạ
Với kiến trúc mã nguồn cùng thư viện hỗ trợ sẽ xử lý tốt các dữ liệu có trong tập tin hình ảnh như: gif, jpeg, xpm, wbmp hay png,... PHP đã được ứng dụng khá phổ biến trong việc thiết kế đồ họa và phần mềm xử lý ảnh.
Lịch sử phát triển của PHP
Vào năm 1994, PHP đã chính thức được tạo ra bởi một lập trình viên người Canada gốc Đan Mạch Rasmus Lerdorf với tên gọi ban đầu là Personal Home Page. Đây là trang chủ cá nhân được sử dụng để có thể theo dõi tình hình truy cập đến bản sơ yếu lý lịch của ông trên mạng Internet.
Sau một quá trình phát triển và được đóng góp, xây dựng bởi rất nhiều người thì đến năm 1998, PHP đã được công bố với một cái tên mới với mục đích xóa bỏ ngăn cách việc chỉ áp dụng cho mục đích cá nhân. Vậy nên, cái tên PHP đã được hiểu là từ viết tắt của Hypertext Preprocessor - Bộ xử lý siêu văn bản. Theo dòng thời gian và sự phát triển của công nghệ, PHP đã không ngừng được đổi mới và nâng cấp với quá trình thay đổi như sau:
- PHP / FI: trong thời kỳ đầu, PHP / FI là viết tắt của Personal Home Page / Forms Interpreter với một số chức năng cơ bản, sử dụng các biến Perl, có thể thông dịch tự động các biến của form và cú pháp HTML nhúng.
- PHP / FI 2.0: sau một thời gian dài chỉ được công bố dưới dạng các bản beta thì đến tháng 11 / 1997, PHP / FI 2.0 đã chính thức được ra mắt. Tuy nhiên sau đó nó đã được thay thế hoàn toàn bởi sự xuất hiện các bản alpha đầu tiên của PHP 3.0.
- PHP 3: đây chính là phiên bản đầu tiên cho người xem thấy được sự gần gũi với các phiên bản PHP sau này. Phiên bản này do Andi GutMans và Zeev Surasky tạo ra từ năm 1997 bởi họ nhận thấy phiên bản trước đã không hoàn thành tốt trong việc phát triển các ứng dụng thương mại điện tử mà họ đang xúc tiến trong một dự án của trường đại học.
- PHP 4: ngay sau khi PHP 3.0 được ra mắt thì Andi và Zeev đã cùng nhau bắt tay viết lại phần lõi của PHP. Mục đích cho việc này chính là để cải thiện tốc độ xử lý các ứng dụng phức tạp và cải tiến tính module của cơ sở mã PHP. Tuy nhiên, khá đáng tiếc là PHP 3.0 lại không được thiết kế để xử lý các ứng dụng phức tạp như thế này một cách hiệu quả. Vì vậy mà đến năm 2000, PHP 4.0 xuất hiện với số nhà phát triển lên đến hàng trăm, triệu site đã công bố cài đặt PHP.
- PHP 5: mặc dù sự ra đời của PHP 4 đã mang đến thành công to lớn nhưng cộng đồng PHP vẫn chỉ ra những điểm yếu kém của ngôn ngữ này. Điển hình là với khả năng hỗ trợ lập trình hướng đối tượng (OPP), không hỗ trợ giao thức máy khách mới của MySQL 4.1 và 5.0, xử lý XML, hỗ trợ dịch vụ website yếu. Những yếu điểm này chính là mục đích để Andi và Zeev viết Zend Engine 2.0 - lõi của PHP 5.0, đồng thời cho ra mắt vào năm 2004 sau một chuỗi dài các bản beta. Mặc dù vậy thì PHP 5 vẫn bị nhận xét là vẫn còn một số lỗi đáng kể, điển hình đó chính là lỗi xác thực HTTP.
- PHP 6: phiên bản PHP 6 được kỳ vọng là sẽ lấp đầy những khuyết điểm của PHP ở phiên bản hiện tại như hỗ trợ Unicode, hỗ trợ namespace, sử dụng PDO làm API chuẩn cho việc truy cập cơ sở dữ liệu,.... Tuy nhiên, phiên bản này vẫn chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm bởi sau đó PHP đã bỏ hẳn phiên bản 6 để lên hẳn 7.
- PHP 7: với việc sử dụng bộ nhân Zend Engine mới mà PHP cho tốc độ nhanh gấp hai lần. Chưa dừng ở đó, phiên bản này còn cực kỳ mạnh mẽ vì thêm vào nhiều tính năng, cú pháp mới để giúp cho PHP trở nên mạnh mẽ hơn.
Ưu và nhược điểm của ngôn ngữ PHP
1. Ưu điểm
PHP chiếm được ưu thế hiện nay trên thị trường chính vì những lợi ích mà ngôn ngữ lập trình này mang lại. Về cơ bản, PHP có 4 ưu điểm nổi bật dưới đây:
- Tính đơn giản và linh động: PHP sử dụng mã nguồn mở nên quá trình cài đặt cũng như sử dụng rất dễ dàng. Không chỉ vậy, ngôn ngữ này còn phù hợp với newbie (người mới) trong lĩnh vực lập trình. Chỉ cần bỏ thời gian ra khoảng 3 - 6 tháng để học chăm chỉ là bạn có thể thuần thục nó.
- Cộng đồng hỗ trợ lớn: vì là một ngôn ngữ nên các diễn đàn, hội nhóm chuyên sâu của PHP cũng rất đông đảo với những chuyên gia thuộc hàng ngũ đầu ngành. Chưa kể, thị trường tuyển dụng cho lĩnh vực PHP cũng chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt.
- Thư viện phong phú: có nhiều sách hướng dẫn cùng các tài liệu tham khảo có sẵn, từ đó cung cấp một nguồn kiến thức hữu ích cho các lập trình viên mới có thể tham khảo và làm quen dần.
- Cơ sở dữ liệu đa dạng: PHP cho phép kết nối với hầu hết các loại cơ sở dữ liệu như MS-SQL, MySQL, mSQL, SQLite, PostgreSQL,.... Nhờ đó mà bạn sẽ không bị giới hạn và có thể chọn cơ sở dữ liệu tối ưu nhất cho ứng dụng của mình.
2. Nhược điểm
Mặc dù xét về mặt lợi ích, ngôn ngữ lập trình PHP đóng một vai trò quan trọng cho quá trình phát triển web. Nhưng bên cạnh đó, nó vẫn còn tồn tại một số nhược điểm nhất định. Trong đó, hạn chế lớn nhất có thể kể đến chính là lỗi bảo mật đến từ hai nguyên nhân chính dưới đây:
- Bản chất của mã nguồn PHP: vì PHP có mã nguồn mở nên được công khai, điều này cũng có nghĩa là các lỗ hổng của mã nguồn sẽ được tìm thấy. Do đó, trước khi kịp sửa chữa thì các lỗi này đã có thể bị khai thác để phục vụ cho mục đích không tốt.
- Một số ứng dụng bằng ngôn ngữ PHP được thiết kế bởi người chưa có nhiều kinh nghiệm: PHP vốn là một ngôn ngữ phù hợp với các lập trình viên mới vào nghề. Vậy nên mà sẽ có một số trang web cũng như ứng dụng được phát triển bởi những người thiếu kinh nghiệm, điều này khiến hiệu suất vận hành và khả năng bảo mật của web, ứng dụng bị kém đi.
Phân biệt PHP
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mỗi một ngôn ngữ tất nhiên đều sẽ có những đặc điểm nổi bật cùng các tiện ích mang lại cho người dùng. Tuy nhiên, dù như thế nào thì PHP vẫn là lựa chọn số 1 của người dùng vì sự khác biệt so với những ngôn ngữ khác.
- PHP: là ngôn ngữ lập trình nhưng không chạy trên một trình duyệt mà chủ yếu tương thích với một máy chủ web. Khi mở một trang web nào đó, máy chủ sẽ chạy tập lệnh PHP được liên kết để trả về cho website của bạn.
- CSS: là ngôn ngữ được sử dụng để trang trí, tạo phong cách cho trang web trông đẹp mắt hơn. Trên CSS có tất cả những hiệu ứng khác nhau để cho thể giúp cho website trở nên nổi bật và dễ thu hút thêm sự chú ý của người xem.
- HTML: là ngôn ngữ siêu văn bản, sử dụng để tạo lập một trang web hoàn chỉnh. Thông thường, HTML sẽ chủ yếu được dùng để lên cấu trúc cơ bản cho một website. Hiện nay, bất cứ trang web nào cũng cần phải sử dụng ngôn ngữ HTML để thiết kế website.
- Javascript: là ngôn ngữ lập trình cung cấp cho trang web của bạn sức mạnh nhất định. Khi sử dụng Javascript, lập trình viên có thể đặt những phép tính, điều kiện khác nhau để có thể kiểm tra khả năng phản ứng của website trong điều kiện thực tế.
Có ý kiến cho rằng PHP đang lỗi thời, điều này có đúng không?
Ngày nay, trong lĩnh vực công nghệ đang có một sự tranh luận gay gắt về việc liệu PHP có đang trên đà suy thoái hay không. Nguyên nhân bắt nguồn là sự xuất hiện và ngày càng phổ biến của các ngôn ngữ lập trình phù hợp với máy chủ như: Java, Python hay NodeJS,....
Tuy nhiên trên thực tế, ngoại trừ NodeJS ra mắt vào năm 2009 thì cả Python (1991) và Java (1993) đều có tuổi đời lâu hơn cả PHP. Trong khi đó, PHP được viết dựa trên ngôn ngữ C vào năm 1995 và chính thức ra mắt vào năm 1997. Đến nay, ngôn ngữ này đã trải qua 7 phiên bản chính thức phát hành và sắp tới đây, phiên bản thứ 8 sẽ được ra mắt. Đó là chưa kể khi xét về chất lượng, những câu lệnh của PHP đã được cải thiện rất nhiều từ phiên bản thứ 5 trở về sau.
Bên cạnh đó, một số người cũng nhận xét rằng PHP mắc nhiều lỗi bảo mật nhưng trên thực tế, kể cả các website nổi tiếng không sử dụng PHP như Google hay trang web của chính phủ, ngân hàng,... đôi khi cũng dính lỗi bảo mật và thậm chí xuất hiện cả tình trạng Downtime.
Vậy liệu PHP có lỗi thời như một số người vẫn thường hay nói? Câu trả lời chắc chắn là không. Mặc dù không phải là một xu hướng lập trình hiện tại nhưng hãy nhìn vào những trang web lớn như: Facebook, Wikipedia, VK.com hay kể các CMS phổ biến nhất trên Internet là WordPress, Joomla, Drupal,... cũng đều sử dụng PHP.
Ngoài ra thì có thể bạn chưa biết, theo thống kê của W3Techs, có khoảng 78,9% website hiện nay đang sử dụng PHP. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cứ 10 website mà bạn truy cập thì có đến 8 trang web sử dụng PHP.
Xét về tính sẵn có của công việc thì PHP cũng được xếp hạng tốt hơn nhiều so với các lập trình khác trên nền tảng việc làm của Indeed. Nhất là khi đã có rất nhiều nhà phát triển PHP đã kiếm được tiền từ việc tạo ra chủ đề và plugin WordPress. Theo ước tính, các nhà phát triển PHP trung bình ở Mỹ đã kiếm được 86.000 đô la cho mỗi năm.
Vậy có nên sử dụng ngôn ngữ PHP?
Hiện nay, tất cả mọi quốc gia trên toàn thế giới dù lớn hay nhỏ cũng đều đang dần chuyển mình và có những bước tiến trên con đường hướng tới công nghệ 4.0. Do đó, tất cả mọi công việc hay tác vụ đều được sử dụng trên các thiết bị di động hay máy tính bàn.
Trong khi đó, với cuộc sống hiện đại thì rất nhiều người cũng có xu hướng sử dụng từ hai hoặc nhiều thiết bị thông minh để truy cập Internet nên website đã nhanh chóng được hình thành để đáp ứng nhu các nhu cầu khác nhau của mọi người. Trong đó, PHP là một ngôn ngữ lập trình quan trọng để tạo ra các website.
Với việc sử dụng ngôn ngữ lập trình PHP thì mọi người có thể dễ dàng hơn trong việc tạo ra các website với nhiều chức năng khác nhau. Đặc biệt là với những ưu điểm đã được trình bày ở trên, nếu bạn muốn trở thành một developer website chuyên nghiệp thì việc lựa chọn ngôn ngữ PHP để lập trình website là sự lựa chọn đúng đắn.
Những nền tảng nổi tiếng sử dụng ngôn ngữ lập trình PHP
Mặc dù có nhiều ngôn ngữ lập trình hot trong làng công nghệ như Javascript hay Python, nhưng PHP vẫn là ngôn ngữ lập trình được ưu tiên sử dụng với tỷ lệ rất cao. Điển hình cần phải kể đến những nền tảng nổi tiếng sử dụng ngôn ngữ lập trình PHP dưới đây:
- Facebook: đây là website PHP nổi tiếng nhất hiện nay và cho phép người dùng tạo hồ sơ để kết nối với nhau, từ đó xây dựng một cộng đồng trực tuyến khổng lồ. Bên cạnh đó, Facebook cũng là nền tảng quảng cáo tiếp cận phổ biến dành cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp hiện nay.
- Wikipedia: một trong những nguồn thông tin lớn nhất thế giới và là bách khoa toàn thư cho bất kỳ chủ đề nào, Wikipedia cũng được xây dựng bằng ngôn ngữ PHP.
- Hệ thống quản lý nội dung (CMS): là hệ thống quản lý nội dung thịnh hành nhất hiện nay trên toàn thế giới, điển hình trong đó phải kể đến Facebook được xây dựng bằng PHP. Ngoài ra, các hệ thống quản lý nội dung khác cũng sử dụng ngôn ngữ PHP là Drupal, Joomla và Magento.
- iStockPhoto: trang web cho phép các designer có thể đăng tải các hình ảnh, video, vector dạng stock và nhận hoa hồng bằng cách người dùng tải xuống file gốc về máy.
- Canva: trang web thiết kế đồ họa trực tuyến hàng đầu với các tính năng kéo, thả đơn giản, cho phép người dùng có thể tạo ra các ấn phẩm cao cấp.
- Baidu: dịch vụ tìm kiếm số 1 của Trung Quốc và đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Google). Baidu có trụ sở chính tại Bắc Kinh và công ty này cũng nổi tiếng với dịch vụ Internet, nghiên cứu trí thông minh nhân tạo,....
Lập trình viên PHP và những điều cần biết
1. Nhân viên lập trình PHP - PHP developer là gì?
Các lập trình viên PHP chính là những kỹ sư có vai trò thiết kế phần mềm trên web từ máy tính chủ bằng cách sử dụng ngôn ngữ PHP. Trong công việc hàng ngày, lập trình viên sẽ thường đảm nhận những nhiệm vụ như sau:
- Lập trình web: lập trình viên sẽ sử dụng ngôn ngữ PHP để thiết kế website theo yêu cầu. Như đã nhấn mạnh ở trên, hiện nay có rất nhiều trang web được xây dựng dựa trên PHP, trong số đó nổi tiếng có thể kể đến Facebook, Youtube, WordPress hay Wikipedia. Tất nhiên, với những ưu điểm mang lại thì không phải ngẫu nhiên PHP lại được các trang web hàng đầu trên thế giới sử dụng. Qua đó, chúng ta cũng có thể thấy được mức độ phổ biến cũng như tầm quan trọng của các lập trình viên website theo PHP hiện nay.
- Phát triển ngôn ngữ PHP: vốn dĩ được biết tới là một mã nguồn mở nên việc liên tục cập nhật cũng như phát triển thêm mới các ứng dụng từ PHP cũng là một công việc rất cần thiết.
- Quản trị website: song song với quá trình web được vận hành thì việc quản trị website cũng được xem là một công việc cần thiết. Tuy nhiên, công việc này sẽ thường ít yêu cầu về chuyên môn PHP nên mức thu nhập cũng sẽ không cao nên các lập trình viên sẽ ít lựa chọn hơn.
Bên cạnh những công việc trên, lập trình viên PHP sẽ có thêm trách nhiệm viết các ứng dụng website từ máy chủ bằng ngôn ngữ PHP. Họ cũng được giao thêm nhiệm vụ phát triển và mã hóa các thành phần phụ trợ, đồng thời kết nối các ứng dụng với dịch vụ web khác. Ngoài ra, PHP developer cũng sẽ hỗ trợ các công việc Front-End hay lập trình backend để tích hợp vào trong ứng dụng.
2. Những điều một lập trình viên PHP cần có
Nhìn vào thực tế hiện nay, nghề lập trình viên PHP chính là một công việc được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn do lợi thế cơ hội nghề nghiệp mở rộng, lương cao. Đương nhiên, để có thể trở thành một lập trình viên PHP chuyên nghiệp và đạt được những thành tựu trên thì bạn cần đảm bảo những yếu tố sau:
- Kiến thức chuyên môn vững vàng: để trở thành một lập trình viên PHP thì điều đầu tiên mà bạn cần phải nắm đó chính là những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về PHP. Hiện nay, rất nhiều trường đại học hay các trung tâm đào tạo sẽ đều giảng dạy về ngôn ngữ lập trình PHP. Tuy nhiên, để tăng tay nghề cho bản thân mình thì bạn có thể tìm hiểu thêm cũng như thực hành các kiến thức khác từ bên ngoài.
- Tiếng Anh chính là một lợi thế: hiện nay, có khả năng sử dụng tiếng Anh chính là một lợi thế lớn trong tất cả các ngành, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là tấm vé để bạn vươn mình ra thế giới để từ đó phát triển không ngừng. Nhất là với xu thế hiện nay, chỉ một vào năm nữa thì yêu cầu về tiếng Anh sẽ là điều bắt buộc và phổ biến trong việc tuyển dụng lập trình viên. Vậy nên, việc luôn trau dồi khả năng tiếng Anh sẽ là một công việc cần thiết nếu bạn không muốn bị tụt hậu lại so với các đồng nghiệp.
- Kỹ năng tự học tốt, yêu thích việc tìm tòi: nếu là một dân IT thì bạn phải là người hiểu rõ về ngành công nghệ của mình biến đổi ra sao. Do đó, kỹ năng tự học rất quan trọng đối với bất cứ người nào trong lĩnh vực này để có thể không ngừng cải tiến bản thân. Hiển nhiên, các kiến thức này sẽ không bao giờ được dạy hoặc cung cấp sẵn có, thay vào đó bạn cần phải chủ động tìm hiểu thêm các kiến thức mới của ngành.
3. Thu nhập của nghề lập trình viên PHP có cao không?
So với thị trường lao động hiện nay thì mức lương trung bình của một lập trình viên PHP là tương đối cao. Tại Việt Nam, các lập trình viên PHP sơ cấp có ít kinh nghiệm hoặc trình độ chưa cao thì có thể được trả từ 15 - 17 triệu đồng / tháng. Còn những người có kinh nghiệm trên 1 năm thì mức lương được chi trả sẽ lên đến 25 triệu / tháng. Mức thu nhập có thể thấp hơn hoặc cao hơn vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như vị trí, quy mô công ty hay nhu cầu của từng thị trường.
Tuy nhiên trên thực tế, những người làm nghề lập trình viên có chuyên môn cao thì mức thu nhập mà họ nhận được sẽ cao hơn rất nhiều do nguồn nhân sự tại vị trí này đang khá khan hiếm. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cho bạn mức lương xứng đáng với năng lực mà bạn đang sở hữu.
Như vậy, qua những nội dung được chia sẻ ở trên thì Phương Nam Vina đã giải đáp cho bạn một cách chi tiết về ngôn ngữ lập trình PHP là gì cũng như các vấn đề xoay quanh nó. Theo đó, việc tìm hiểu về ngôn ngữ PHP chắc chắn sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng phát triển và có thể xây dựng bất kỳ trang web nào mà mình muốn. Chúc bạn thành công!