“Có những điều bạn cần quan tâm hơn giá cả” là một trong những nguyên tắc cơ bản mà các nhà kinh doanh cần phải nắm được khi thực hiện chiến lược marketing 4P. Với bốn thành phần chính bao gồm: Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Vị trí) và Promotion (Quảng cáo), 4P đã nhanh chóng trở thành giá trị cốt lõi để làm tiền đề phát triển cho các mô hình sau này.
Trong số các yếu tố trên, địa điểm kinh doanh được xem là một yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng thường bị nhiều doanh nghiệp bỏ quên nhất. Tuy nhiên đôi lúc, đây lại là yếu tố quyết định đến sự thành bại của một chiến dịch hơn cả ba yếu tố còn lại. Vì thế mà rất nhiều chủ doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí tương đối cao để sở hữu cho mình một vị trí kinh doanh thuận lợi, đắt đỏ. Vậy địa điểm kinh doanh là gì? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một vài thông tin hữu ích về việc thành lập địa điểm kinh doanh để các cá nhân, doanh nghiệp có thể dễ dàng khởi tạo thành công.
- Địa điểm kinh doanh là gì?
- Các đặc điểm của địa điểm của kinh doanh
- Ưu điểm khi lựa chọn đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh
- Trình tự và thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh
- Một số vấn đề cần lưu ý khi đăng ký địa điểm kinh doanh
- Phân biệt trụ sở, chi nhánh và địa điểm kinh doanh
- Những câu hỏi thường gặp khi đăng ký địa điểm kinh doanh
Địa điểm kinh doanh là gì?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, khái niệm địa điểm kinh doanh là gì được giải đáp như sau: “Địa điểm kinh doanh chính là nơi mà doanh nghiệp sẽ tiến hành thực hiện hoạt động kinh doanh cụ thể”.
Dựa trên điều khoản này thì chúng ta có thể hiểu rằng, địa điểm kinh doanh chính là nơi mà doanh nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình. Hiểu một cách đơn giản thì đây chính là nơi diễn ra các giao dịch mua bán tại nhiều tỉnh thành khác nhau với mục đích làm tăng doanh thu, giảm chi phí vận chuyển hoặc tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc khách hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế thì địa điểm này sẽ không có con dấu, không có tư cách pháp nhân và cả chức năng đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp. Một điều đặc biệt nữa là doanh nghiệp có quyền được thành lập địa điểm kinh doanh mà không phải phụ thuộc vào trụ sở chính hay chi nhánh. Điều này đã tạo nên sự linh hoạt, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc lựa chọn thành lập địa điểm kinh doanh nói riêng và các đơn vị phụ thuộc nói chung.
Các đặc điểm của địa điểm của kinh doanh
Nhằm giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về khái niệm địa điểm kinh doanh là gì thì trong nội dung dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các đặc điểm của yếu tố này, bao gồm:
- Là nơi thực hiện các hoạt động mua bán, kinh doanh tất cả những mặt hàng thuộc ngành nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký.
- Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được phép trùng tên với trụ sở chính.
- Khi thành lập địa điểm kinh doanh thì doanh nghiệp cần phải gửi hồ sơ tới Phòng Đăng ký kinh doanh tại địa phương mà họ muốn mở địa điểm.
- Được phép mở địa điểm kinh doanh khác với địa chỉ của trụ sở chính hay chi nhánh của doanh nghiệp.
- Tên của địa điểm cần phải bắt buộc có chữ “địa điểm kinh doanh” + tên doanh nghiệp.
- Vì không có mã số thuế riêng nên mọi hoạt động hạch toán thuế đều sẽ do phía công ty kê khai thuế tập trung vào.
- Bởi vì không có mã số thuế riêng nên mọi hoạt động đều sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Chính vì thế mà địa điểm này sẽ không được xem là một pháp nhân hay một loại hình doanh nghiệp.
Ưu điểm khi lựa chọn đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh
So với việc mở chi nhánh hay văn phòng đại diện, thành lập địa điểm kinh doanh chiếm nhiều lợi thế hơn khi sở hữu các ưu điểm đắt giá, điển hình như:
- Thành lập địa điểm kinh doanh không có mã số thuế mà chỉ có mã số đơn vị trực thuộc.
- Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh nhanh chóng, đơn giản hơn rất nhiều.
- Các loại thuế cũng rất đơn giản khi chỉ nộp thuế môn bài hàng năm là 1.000.000 VNĐ.
- Khi doanh nghiệp không còn có nhu cầu kinh doanh tại địa điểm đó nữa thì họ có thể làm thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng, gọn gàng.
- Nếu như chi nhánh cần phải khắc con dấu riêng thì địa điểm kinh doanh không yêu cầu làm việc này, nhờ đó mà doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiết kiệm được nhiều chi phí.
Trình tự và thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh
Như đã nhấn mạnh ở trên, việc thành lập địa điểm kinh doanh đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều so với việc mở chi nhánh hay văn phòng. Tuy nhiên, dù đơn giản thì khi thành lập địa điểm, doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện theo một trình tự và thủ tục đăng ký như quy định để hoạt động kinh doanh được diễn ra hợp pháp, tuân theo Pháp luật.
1. Quy định về tên địa điểm kinh doanh
Theo như Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về việc đăng ký doanh nghiệp có quy định tên của địa điểm kinh doanh cần đảm bảo theo các quy tắc sau:
- Tại Điều 40 và 41 của Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định về tên địa điểm kinh doanh như sau:
+ Tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái có trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ số và ký hiệu.
+ Tên địa điểm kinh doanh cũng cần phải bao gồm tên doanh nghiệp và kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh”.
+ Tên địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn ngay tại trụ sở của địa điểm kinh doanh.
- Ngoài sử dụng tên địa điểm kinh doanh bằng tiếng Việt, doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp đăng ký bằng tên nước ngoài và tên viết tắt. Cần lưu ý là tên bằng tiếng nước ngoài chính là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang, còn tên viết tắt sẽ được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc bằng tên nước ngoài.
- Trong phần tên riêng của địa điểm kinh doanh không được sử dụng cụm từ “doanh nghiệp”, “công ty”.
- Đối với những doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì sẽ được giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tiến hành tổ chức.
2. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh: Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và Đầu tư.
- Việc nộp hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh sẽ được nộp qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ sau đó sẽ được gửi trực tuyến tới Phòng đăng ký kinh doanh cấp thành phố / tỉnh nơi địa điểm kinh doanh sẽ được đặt trụ sở.
3. Hồ sơ thông báo lập địa điểm kinh doanh
Để thành lập và đăng ký địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị các loại hồ sơ sau đây:
- Thông báo về việc lập điểm kinh doanh: theo như mẫu quy định tại Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi quyết định thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp sẽ cần phải gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm. Nội dung thông báo này sẽ gồm có:
+ Mã số của doanh nghiệp.
+ Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc là tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh sẽ được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh được đặt trụ sở).
+ Tên của địa điểm kinh doanh.
+ Địa chỉ địa điểm kinh doanh.
+ Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh.
+ Họ tên, chữ ký người đại diện Pháp luật của doanh nghiệp đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp. Hoặc họ tên, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.
- Quyết định thành lập địa điểm kinh doanh của công ty.
- Bản sao chứng thực Chứng minh nhân dân (CMND) / Căn cước công dân (CCCD) và hộ chiếu còn hạn của người nộp hồ sơ.
- Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục lập địa điểm kinh doanh.
4. Trình tự đăng ký địa điểm kinh doanh
Để có thể hoàn thành xong giai đoạn thông báo lập địa điểm kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ theo các bước sau:
Bước 1: Gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh
Trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ khi quyết định thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp sẽ cần phải thông báo về việc lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi mà bạn sẽ đặt địa điểm.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, doanh nghiệp của bạn sẽ được xếp vào một trong ba trường hợp sau:
- Đối với hồ sơ hợp lệ, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Đối với hồ sơ chưa hợp lệ, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho doanh nghiệp bằng văn bản nội dung cần bổ sung, sửa đổi.
- Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp.
Một số vấn đề cần lưu ý khi đăng ký địa điểm kinh doanh
Trong quá trình đăng ký địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo một số vấn đề sau để giúp cho quá trình đăng ký được diễn ra thuận lợi:
- Thứ nhất: trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ khi quyết định thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp của bạn sẽ cần phải gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh tại địa phương sẽ đặt địa điểm theo Điểm b khoản 2 Điều 31 Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT.
- Thứ hai: việc thông báo lập địa điểm kinh doanh sẽ do người đại diện của doanh nghiệp ký trong trường hợp mà địa điểm này trực thuộc doanh nghiệp. Hoặc sẽ do người đứng đầu chi nhánh ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh theo như điểm c khoản 2 Điều 31 Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT.
- Thứ ba: doanh nghiệp mới được thành lập kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2020 sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên. Trong khoảng thời gian được miễn lệ phí môn bài thì doanh nghiệp thành lập địa điểm kinh doanh cũng sẽ được miễn lệ phí môn bài theo như quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC.
- Thứ tư: đối với các địa điểm kinh doanh trong cùng thành phố, tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính thì doanh nghiệp sẽ tiến hành kê khai và nộp thuế cho địa điểm kinh doanh. Còn với trường hợp địa điểm kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi Công ty đặt trụ sở chính thì địa điểm kinh doanh sẽ phải đăng ký mã số thuế phụ thuộc tại Cục thuế nơi mà địa điểm kinh doanh được đặt.
Phân biệt trụ sở, chi nhánh và địa điểm kinh doanh
1. Chi nhánh khác địa điểm kinh doanh ở điểm nào?
Theo như quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã nhấn mạnh: “Chi nhánh chính là đơn vị phụ thuộc vào doanh nghiệp và có nhiệm vụ thực hiện một phần hay toàn bộ chức năng của doanh nghiệp, bao gồm trong đó cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngoài ra, ngành nghề kinh doanh của chi nhánh cũng phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”. Cùng với khái niệm này với những thông tin đã được phân tích ở trên, ta sẽ có ngay một bảng phân biệt địa điểm kinh doanh và chi nhánh như sau:
Tiêu chí | Chi nhánh | Địa điểm kinh doanh |
Con dấu | Được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng biệt | Không được phép đăng ký cũng như sử dụng con dấu riêng |
Chế độ kế toán - kê khai thuế | - Chi nhánh có quyền được lựa chọn hạch toán phụ thuộc hay hạch toán độc lập với doanh nghiệp. - Chi nhánh có thể được phép đăng ký và sử dụng cùng hoặc khác mẫu hóa đơn với doanh nghiệp. | - Chế độ kế toán của địa điểm kinh doanh sẽ hoàn toàn bị thuộc vào trụ sở chính của doanh nghiệp hay chi nhánh chủ quản. - Địa điểm kinh doanh sẽ sử dụng chung một mẫu hóa đơn với trụ sở chính của doanh nghiệp hay chi nhánh chủ quản. |
Tổ chức và hoạt động | Có quyền thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. | Chỉ được phép thực hiện hoạt động kinh doanh do doanh nghiệp chỉ đạo và không có chức năng đại diện theo ủy quyền. |
2. Phân biệt trụ sở chính và địa điểm kinh doanh
Theo như quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã nhấn mạnh: “Trụ sở chính của doanh nghiệp được đặt trên lãnh thổ của Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới của đơn vị hành chính. Ngoài ra, trụ sở phải có số điện thoại, fax, email và thư điện tử (nếu có)”. Còn như đã được đề cập ở trên thì địa điểm kinh doanh chỉ đơn giản là nơi mà doanh nghiệp sẽ tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Cũng từ hai khái niệm này mà chúng ta sẽ nhìn ra được một số điểm khác biệt rõ rệt của trụ sở chính và địa điểm kinh doanh như sau:
- Thứ nhất: địa điểm kinh doanh sẽ phụ thuộc vào trụ sở chính và nơi đăng ký phải căn cứ vào nơi đặt trụ sở chính. Vì thế, doanh nghiệp sẽ không được phép thành lập địa điểm kinh doanh ngoài phạm vi cấp tỉnh / thành phố nơi mà doanh nghiệp đang đặt trụ sở chính. Còn về chế độ thuế, địa điểm kinh doanh cũng sẽ không có mã số thuế riêng và phải hạch tiến hành hạch toán phụ thuộc vào công ty.
- Thứ hai: địa điểm kinh doanh phải là nơi thực hiện hoạt động kinh doanh. Cụ thể, trụ sở chính có thể chỉ là nơi mà công ty đăng ký trên Giấy phép kinh doanh và cũng là nơi để khách hàng liên hệ với công ty mà không phải là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, địa điểm kinh doanh lại là nơi làm việc, diễn ra một hoạt động kinh doanh cụ thể. Do đó mà trên thực tế, một số doanh nghiệp sẽ đăng ký trụ sở chính của mình tại một địa chỉ có thể đáp ứng tốt các điều kiện quy định về trụ sở, nhưng thực chất nó lại không diễn ra một hoạt động kinh doanh nào.
Những câu hỏi thường gặp khi đăng ký địa điểm kinh doanh
1. Thành lập địa điểm kinh doanh mà không thông báo có bị xử phạt không?
Sau khi thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp sẽ cần phải thực hiện thủ tục thông báo thành lập địa điểm kinh doanh của mình. Theo đó, thủ tục nộp hồ sơ về việc thông báo địa điểm kinh doanh sẽ được diễn ra như sau:
- Công ty sẽ tiến hành kê khai thông tin của mình để tạo tài khoản đăng ký kinh doanh, hoặc có thể sử dụng chữ ký số.
- Công ty sẽ kê khai thông tin, tải toàn bộ các giấy tờ, tài liệu cần thiết và tiến hành xác thực hồ sơ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Lưu ý kèm theo đó chính là thông báo thành lập địa điểm kinh doanh.
- Sau khi hoàn thành hồ sơ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành gửi Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh qua kênh trực tuyến.
- Khi đã tiếp nhận hồ sơ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và gửi thông báo phản hồi lại cho công ty của bạn. Tất nhiên, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì họ sẽ yêu cầu bạn bổ sung hay chỉnh sửa thêm.
Nếu thời hạn vượt quá 30 ngày kể từ khi gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh mà Phòng đăng ký kinh doanh lại không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì điều này có nghĩa là, hồ sơ đăng ký điện tử của doanh nghiệp không còn hiệu lực. Ngoài ra, theo quy định hiện nay thì doanh nghiệp khi thành lập địa điểm kinh doanh nhưng lại không thông báo sẽ bị phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 VNĐ.
2. Có thể thành lập nhiều địa điểm kinh doanh trong cùng một tỉnh / thành phố không?
Theo như quy định về địa điểm kinh doanh, việc thành lập địa điểm cho công ty hiện nay có thể được lập ở cùng tỉnh hay khác tỉnh với doanh nghiệp. Ngoài ra cũng không cấm việc thành lập địa điểm kinh doanh cho công ty ở một nơi hay nhiều địa phương khác nhau. Vì thế, công ty của bạn có thể thành lập nhiều địa điểm kinh doanh khác nhau trong cùng một tỉnh / thành phố.
3. Có thể đổi văn phòng đại diện thành địa điểm kinh doanh được không?
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào về thủ tục chuyển đổi văn phòng đại diện sang thành địa điểm kinh doanh. Vì lý do này, bạn sẽ không thể nào thực hiện hoạt động đổi địa điểm đã đăng ký làm văn phòng đại diện trước đó thành địa điểm đăng ký kinh doanh được.
Như vậy, những nội dung mà Phương Nam Vina đã chia sẻ ở trên đã phần nào giúp bạn hiểu được địa điểm kinh doanh là gì? Theo đó, đây chính là nơi mà các doanh nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu cũng như các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Vậy nên thông qua bài viết này, chúng tôi hi vọng bạn sẽ chọn được một địa điểm kinh doanh phù hợp và nắm rõ các thủ tục đăng ký cụ thể để hoạt động buôn bán được diễn ra thuận lợi hơn.
Tham khảo thêm:
Lợi thế cạnh tranh là gì? Các cách xác định lợi thế cạnh tranh
Lợi nhuận là gì? Những điều cần biết về lợi nhuận trong kinh doanh
Chiến lược kinh doanh là gì? 7 bước xây dựng chiến lược kinh doanh