Trong lĩnh vực kinh doanh, quá trình thâm nhập thị trường được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được mọi doanh nghiệp hướng đến khi cung cấp một sản phẩm, dịch vụ bất kỳ. Bởi đôi khi ngay cả khi bạn biết được sản phẩm, dịch vụ của mình rất phù hợp với thị trường đó nhưng để có thể kinh doanh thành công lại là một vấn đề nan giải. Vì thế, thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường chính là cách để doanh nghiệp có thể giải quyết được các vấn đề trên. Vậy làm sao để có thể xây dựng hiệu quả chiến lược thâm nhập thị trường? Hãy cùng chúng tôi theo dõi nội dung dưới đây để có được lời giải đáp chính xác nhé.
- Chiến lược thâm nhập thị trường là gì?
- Tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường
- Các trường hợp nên sử dụng chiến lược thâm nhập thị trường
- Cách tính toán mức độ thâm nhập thị trường
- Các chiến lược thâm nhập thị trường thành công không nên bỏ lỡ
- Một số sai lầm cần tránh khi thâm nhập thị trường
- Ví dụ về chiến lược thâm nhập thị trường của các thương hiệu nổi tiếng
Chiến lược thâm nhập thị trường là gì?
Thâm nhập thị trường hay Market penetration là thuật ngữ dùng để chỉ việc doanh nghiệp tiến hành bán sản phẩm hay dịch vụ của mình vào trong một thị trường mới. Mức độ mà mặt hàng đó thâm nhập vào thị trường sẽ được doanh nghiệp đo lường dựa trên tổng số lượng sản phẩm mà khách đã sử dụng so với quy mô của thị trường mục tiêu.
Ngoài ra, khái niệm chiến lược thâm nhập thị trường là gì cũng được hiểu theo một nghĩa khác đó là cách mà doanh nghiệp đánh giá mức độ tiềm năng của thị trường và vị trí mà mình đang đứng. Từ đây, bạn có thể dễ dàng nhận định xem liệu doanh nghiệp của mình có chiếm được thị phần thông qua những chiến lược kinh doanh bài bản hay không. Nếu như tổng thị trường lớn, doanh nghiệp nào mới tham gia sẽ dễ dàng giành được phần thắng. Còn nếu thị trường đang rơi vào tình trạng bị bão hòa thì các doanh nghiệp mới rất khó để có thể tăng trưởng lại doanh thu.
Thông thường, chiến lược xâm nhập thị trường sẽ được áp dụng vào chu kỳ đầu tiên trong vòng đời của sản phẩm và dịch vụ - tức là ở giai đoạn giới thiệu ra thị trường. Bởi lúc này, đối với một sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới thì người tiêu dùng sẽ không có bất cứ một thông tin cụ thể nào. Trong khi đó, nếu muốn bán được sản phẩm thì bạn cần phải giúp khách hàng hiểu rõ về mặt hàng mà mình đang kinh doanh. Từ đây, họ mới có thể nhanh chóng đưa ra được quyết định, sự lựa chọn phù hợp cho nhu cầu của mình.
Tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường
Hiện nay, rất nhiều người vẫn đang có cái nhìn và đánh giá sai lầm về tầm quan trọng của chiến lược thâm nhập thị trường bởi nó chỉ diễn ra ở giai đoạn đầu của chu kỳ sản phẩm. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải hiểu rằng trong kinh doanh thì việc khách hàng mục tiêu nhận diện được sản phẩm đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu họ không biết đến sản phẩm của bạn, cũng như không có nhu cầu cụ thể thì chắc chắn, dù hàng hóa chất lượng đến đâu cũng không thể giúp bạn đạt được doanh thu như mong muốn. Mặt khác, chiến lược thâm nhập thị trường cũng không được triển khai theo hướng độc lập mà cần phải có sự kết hợp được với các loại chiến lược khác tùy theo mục đích của doanh nghiệp.
Vì thế, ngoài việc giới thiệu sản phẩm đến công chúng thì chiến lược này còn hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến quá trình bán hàng, đồng thời siết chặt mối quan hệ với khách hàng thêm hiệu quả. Do đó mà tầm quan trọng của chiến lược thâm nhập thị trường là điều mà chúng ta không ai có thể phủ nhận được.
Các trường hợp nên sử dụng chiến lược thâm nhập thị trường
Để giúp cho chiến lược thâm nhập thị trường trở thành một mũi nhọn hữu hiệu giúp doanh nghiệp hướng đến những lợi ích tốt đẹp nhất thì đầu tiên, bạn hãy áp dụng đúng chiến lược này vào trong một số trường hợp dưới đây:
- Thâm nhập khi thị trường hiện tại vẫn chưa bị bão hòa về một sản phẩm hay dịch vụ nhất định.
- Khi doanh số bán hàng cùng các chi phí marketing trong quá khứ có mối tương quan, gắn kết chặt chẽ.
- Khi tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của khách hàng hiện tại đang có sự gia tăng đáng kể.
- Khi thị phần của đối thủ cạnh tranh chính với bạn đang có xu hướng suy giảm nhưng lượng tiêu thụ sản phẩm của toàn ngành lại đang có dấu hiệu đi lên.
- Khi những lợi thế kinh tế tăng lên nhờ quy mô và đã mang lại những lợi thế cạnh tranh cơ bản cho doanh nghiệp.
Cách tính toán mức độ thâm nhập thị trường
Thâm nhập thị trường được đánh giá vừa là một phương thức hoạt động vừa là một phép đo lường hiệu quả. Vì vậy, không có lý do gì mà bạn lại không tích cực tham gia vào việc thâm nhập vào một thị trường nhất định để có thể thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận.
Trong đó, phép đo thực tế chính là đánh giá cụ thể liên quan đến việc doanh nghiệp dự đoán sẽ bán được bao nhiêu hay phần trăm doanh thu nhận được trên tổng thị trường hiện đang có. Với cách này, bạn có thể tự mình đánh giá bằng công thức sau:
Mức độ thâm nhập thị trường = (Số lượng khách hàng / quy mô thị trường mục tiêu) x 100.
Ví dụ, nếu thị trường mục tiêu của lĩnh vực điện thoại di động trong một quốc gia là 100 triệu người và hiện tại, có 25 triệu người trong số đó đang sử dụng smartphone. Lúc này, mức độ thâm nhập thị trường của ngành smartphone sẽ là 25%. Về lý thuyết, chúng ta thấy được vẫn còn hơn 75 triệu khách hàng tiềm năng sẽ sử dụng điện thoại thông minh trong tương lai và cũng sẽ có đến 75% thị trường vẫn chưa được khai thác. Từ cách tính này, chúng ta sẽ thấy được tiềm năng phát triển của các nhà sản xuất smartphone trong tương lai như thế nào, liệu có đáng để đầu tư vào ngành này hay không.
Các chiến lược thâm nhập thị trường thành công không nên bỏ lỡ
Có rất nhiều cách để doanh nghiệp của bạn có thể đưa sản phẩm, dịch vụ của mình vào trong thị trường. Mỗi một cách sẽ có những ưu điểm khác nhau nên để mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn có thể tham khảo một số chiến lược thâm nhập thị trường đang rất “được lòng" các doanh nghiệp hiện nay.
1. Chiến lược giá thâm nhập thị trường
Chiến lược giá thâm nhập thị trường (Penetration pricing) được áp dụng khi doanh nghiệp chuẩn bị đưa vào thị trường một sản phẩm hay dịch vụ mới. Với chiến lược này, doanh nghiệp sẽ định mức giá cho sản phẩm, dịch vụ này thấp hơn so với mức giá đang phổ biến trên thị trường tại thời điểm đó.
Mục đích của việc sử dụng chiến lược này đó chính là khích lệ người mua có thể nhanh chóng mở rộng thị trường, đồng thời tăng cường mức độ tiêu thụ sản phẩm hay dịch vụ. Sau một khoảng thời gian, doanh nghiệp sẽ dần được khách hàng chấp nhận và giành được thị phần lớn, thậm chí xa hơn là dẫn đầu thị trường. Thông thường, việc định giá thâm nhập thị trường sẽ phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô lớn bởi càng sản xuất nhiều sản phẩm thì giá thành của đơn vị sẽ càng thấp.
2. Chiến lược điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ
Tùy theo tình hình của thị trường và định hướng doanh nghiệp mà các công ty sẽ quyết định có nên áp dụng chiến lược tăng hay giảm giá. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù cho có chọn chiến lược nào thì bạn cũng đều phải có những kế hoạch để lường trước được phản ứng của khách hàng cũng như đối thủ với sự thay đổi bất ngờ này.
Chiến lược tăng giá
Khi lượng cầu vượt quá cung thì hầu hết các doanh nghiệp đều có kế hoạch tăng sản phẩm hoặc dịch vụ để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp là các công ty sẽ chủ động tăng giá không phải do tình trạng cung cầu mà thực chất là vì mức giá đầu vào tăng nhanh, hay đôi khi là do chiến lược định vị sản phẩm có sự thay đổi.
Về cơ bản, chiến lược tăng giá sẽ khiến cho tâm lý của khách hàng thay đổi theo hướng tiêu cực khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của công ty. Vậy nên, khi quyết định thực hiện và áp dụng theo chiến lược tăng giá, doanh nghiệp của bạn nên kèm theo các chương trình ưu đãi khác nhau, chẳng hạn như: freeship, mua một tặng một, bán hàng combo,.... Cách này không chỉ giúp doanh nghiệp giữ chân được khách hàng mà còn hỗ trợ giữ nguyên thị phần trước đó của mình không bị xê dịch.
Chiến lược giảm giá
Ngược lại với cầu vượt cung khiến doanh nghiệp phải tăng giá thì cung vượt cầu cũng buộc các công ty phải cân nhắc có nên giảm giá sản phẩm, dịch vụ hay không. Khi thực hiện chiến lược giảm giá, một điều chắc chắn là sản phẩm hay dịch vụ của công ty bạn sẽ tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ khác trên thị trường. Đây cũng là một trường hợp mà doanh nghiệp giảm giá không phải là do cung vượt cầu mà là bởi để xây dựng vị thế, sức ảnh hưởng của mình so với đối thủ.
Tuy nhiên, trên thực tế thì chiến lược xâm nhập thị trường bằng cách giảm giá sẽ khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm hay thua lỗ. Chưa kể, điều đó còn làm thay đổi cảm nhận của khách hàng theo chiều hướng tiêu cực về sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp. Họ cho rằng những mặt hàng mà bạn bày bán không thật sự chất lượng hay gần hết hạn sử dụng mới tiến hành giảm sâu để tiêu thụ nhanh chóng.
3. Tăng cường quảng bá
Tăng cường quảng cáo (Aggressive advertising) là một chiến lược xâm nhập thị trường bằng cách sử dụng các hình thức quảng cáo trên nhiều “mặt trận” khác nhau. Mục đích đó chính là có thể tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách rộng rãi, lâu dài.
Một số hình thức quảng cáo thường được sử dụng phổ biến hiện nay như: khẩu hiệu, treo băng rôn, biển quảng cáo, báo in, radio, truyền hình, thông tin đại chúng,.... Song song với việc áp dụng các loại hình tiếp thị này, các nhà chiến lược marketing cũng đừng quên bổ sung thêm một số kỹ thuật quảng bá mới mẻ, sáng tạo để tăng doanh số bán hàng, cũng như cải thiện chất lượng và hiệu quả của chiến dịch.
4. Xây dựng kênh phân phối
Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay thì loại hình, số lượng cũng như chất lượng của các kênh phân phối đang ngày càng trở nên đa dạng, đồng thời liên tục thay đổi không ngừng để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu của người mua hàng. Thông qua việc thấu hiểu và tăng cường các kênh phân phối, doanh nghiệp của bạn có thể sở hữu được một chiến lược xâm nhập thị trường phù hợp để dễ dàng “trao” hàng hóa đến tay người dùng nhanh chóng, chính xác.
Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý rằng tùy vào mỗi kênh phân phối mà chúng sẽ có những đặc điểm riêng biệt và phù hợp với các lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hướng đến. Vì vậy, để biết được liệu kênh phân phối đó có phù hợp với mình hay không thì bạn hãy tham khảo về cách mà các kênh này đang hoạt động như thế nào, cụ thể:
Kênh tiêu dùng trực tiếp
Đây là kênh phân phối chỉ có duy nhất hai thành phần chính đó là nhà sản xuất và bản thân người tiêu dùng. Theo đó, đối với kênh này thì nhà sản xuất sẽ đóng vai trò là người bán trực tiếp sản phẩm của mình đến tận tay của khách hàng.
Kênh phân phối truyền thống
Không giống với kênh tiêu dùng trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay khách hàng, kênh phân phối truyền thống sẽ sở hữu một hệ thống phân phối chủ động. Tức là bao gồm nhiều cấp bậc khác nhau từ nhà bán sỉ cho đến bán lẻ, sau đó thì mới đến tay khách hàng qua những địa điểm như: chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa,....
Kênh phân phối hỗn hợp
Kênh phân phối hỗn hợp chính là sự kết hợp của hai kênh là: kênh tiêu dùng trực tiếp và kênh phân phối truyền thống. Mục đích của sự kết hợp này đó chính là tạo ra một hệ thống phân phối đa dạng, từ đó hỗ trợ cho việc tăng cường tối đa các điểm tiếp xúc với người tiêu dùng.
5. Cải tiến sản phẩm, dịch vụ
Cải tiến sản phẩm, dịch vụ để xâm nhập thị trường là một hoạt động bao gồm các bước: cải tiến kiểu dáng, tính năng và chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Đây cũng chính là một trong các chiến lược thâm nhập thị trường hiệu quả và mang lại lợi ích kéo dài chu kỳ sống của sản phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp kéo dài nguồn doanh thu ổn định.
6. Liên minh chiến lược
Liên minh chiến lược (Strategic alliances) chính là những thỏa thuận, hợp tác của các doanh nghiệp hay những đối tác có chung một thị trường mục tiêu, sản phẩm và dịch vụ tương tự nhau. Mục đích của chiến lược liên minh đó chính là tạo ra những lợi ích chung để giúp các doanh nghiệp liên minh có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh hơn so với những đối thủ ở ngoài.
Không chỉ vậy, việc mua và liên kết với những doanh nghiệp khác trong ngành cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn có thể dễ dàng vươn đến mục tiêu lớn hơn, hạn chế tình trạng rủi ro. Bên cạnh đó, việc thâm nhập thị trường bằng cách liên minh chiến lược còn mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích khác như: tiếp cận thị trường quốc tế, tiếp cận kênh phân phối mới, truy cập công nghệ mới, tiếp cận thị trường mới với sản phẩm, dịch vụ mới, cải thiện lòng tin, giảm chi phí cũng như rủi ro của các chiến lược,....
Một số sai lầm cần tránh khi thâm nhập thị trường
Đối với mỗi doanh nghiệp, quá trình phân tích và xâm nhập thị trường là điều vô cùng quan trọng bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển sau này. Do đó, nếu bạn chủ quan và vấp phải sai lầm thì sẽ dẫn đến tình trạng bị lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cả nguồn lực đầu tư cho mình. Vậy nên, để tránh vấp phải những rủi ro không mong muốn trong quá trình xâm nhập thị trường thì doanh nghiệp cần tránh những sai lầm dưới đây:
- Không biết bản thân nên làm gì tiến hành xâm nhập thị trường, từ đó dẫn đến việc làm không đúng chủ đích và lãng phí công sức.
- Sử dụng nguồn thông tin không đáng tin cậy.
- Chỉ dùng một nguồn thông tin duy nhất cho toàn bộ chiến lược.
- Lạm dụng việc khảo sát định tính.
- Chỉ muốn được xác nhận ý kiến từ trước.
- Không tập trung vào những kết quả phân tích thị trường.
- Đưa ra câu hỏi quá dài, không đủ rộng và cũng chẳng có đủ sâu.
- Những thông tin này chỉ mang tính bao quát chung và chưa thể phân tích rõ ràng, cũng như chưa thể phân tích rõ ràng, giải quyết vấn đề cụ thể cho doanh nghiệp.
Ví dụ về chiến lược thâm nhập thị trường của các thương hiệu nổi tiếng
1. Chiến lược thâm nhập thị trường của Vinamilk
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam hay còn được biết đến với tên gọi khác phổ biến hơn là Vinamilk, đây là một trong những thương hiệu chuyên cung cấp những sản phẩm được làm từ sữa hàng đầu của nước ta. Ngoài việc chiếm thị phần lớn trong khu vực nội địa, Vinamilk còn có tham vọng thâm nhập và bành trướng các sản phẩm của mình đến với các thị trường lớn hơn tại những quốc gia phát triển. Cụ thể, với chiến lược thâm nhập thị trường hiệu quả, Vinamilk đã có những bước tiến hành công vào các quốc gia lớn tại Châu Á và Châu Âu. Trong đó, Trung Quốc là một thị trường lớn với dân số đông nên Vinamilk đã tiến hành triển khai chiến lược thâm nhập như sau:
Kết hợp mô hình bán hàng truyền thống và kinh doanh trực tuyến:
Tại siêu thị Hợp Mã (thuộc Alibaba) tại Hồ Nam, Trung Quốc, các sản phẩm sữa chua của Vinamilk đã bắt đầu được bày bán. Chỉ sau một thời gian ngắn, mặt hàng của Vinamilk đã chính thức lọt vào top 3 sản phẩm bán chạy nhất tại siêu thị Thiên Hồng, Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, nắm bắt được xu hướng sử dụng Internet đang ngày càng tăng cao mà Vinamilk đã tận dụng các kênh thương mại điện tử như Alibaba để bày bán sản phẩm, đồng thời hợp tác với các trang thương mại điện tử như Lucky, Daily Fresh tại Hồ Bắc để đẩy mạnh doanh số.
Xây dựng giá trị thương hiệu là điều cốt lõi:
Khi nhắc đến một thị trường coi trọng nền văn hóa nước nhà nhất thì chắc chắn, Trung Quốc chính là cái tên đứng đầu. Ngay cả chính bản thân ông Châu Lập Cường - Chủ tịch Công ty YiYiYuan cũng khẳng định: “Có rất nhiều công ty lớn đã đến thị trường Trung Quốc với mục tiêu giành được thị phần. Nhưng sau đó, họ đã gặp phải thất bại và rút khỏi ngay lập tức vì không có bất kỳ chiến lược nào phù hợp với văn hóa của người Trung”.
Vậy nên về phía Vinamilk, chiến lược của thương hiệu này đó chính là định vị và nâng cao giá trị thương hiệu tại thị trường tỷ dân bằng tiếng Trung Quốc. Điều này sẽ giúp cho thương hiệu Vinamilk được nhiều người Trung chú ý và biết đến. Ngoài ra, thương hiệu Sữa hàng đầu của Việt Nam cũng biết cách tận dụng các trang mạng xã hội mà chỉ có người Trung Quốc mới sử dụng, chẳng hạn như: Weibo và Youku,... để thay thế cho Facebook và Youtube thông thường.
2. Chiến lược xâm nhập thị trường của Coca - Cola
Để nhắc đến một ví dụ về chiến lược thâm nhập thị trường thành công thì chắc chắn, chúng ta không thể nào không nhắc đến Coca - Cola. Đây là một trong những thương hiệu quốc tế có giá trị cực cao trong thị trường nói chung và lĩnh vực nước giải khát toàn cầu nói riêng.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều người sau khi đọc đến đây sẽ cho rằng vì Coca-Cola đã có sẵn vị thế trên thị trường nên dù có đưa ra các sản phẩm cũ vào thị trường mới thì cũng là điều không hề khó khăn. Thế nhưng, bạn cần phải biết rằng mức độ cạnh tranh của lĩnh vực nước giải khát hiện nay là rất cao. Vì thế, sẽ không bao giờ có sự đảm bảo tuyệt đối nào để giữ vững vị thế của bạn, dù cho bạn có đang ở trên đỉnh cao nhất.
Đánh giá kỹ lưỡng để điều chỉnh sản phẩm:
Không thể phủ nhận Coca - Cola chính là một thương hiệu toàn cầu và hầu hết các sản phẩm của hãng cũng không đi quá xa để tiếp cận khách hàng của mình. Thế nhưng, để có thể tạo nên những giá trị đặc biệt này đó chính là cả một quá trình mà hãng không ngừng tìm hiểu để từng bước xâm nhập thị trường. Ở mỗi một thị trường, Coca - Cola sẽ có những đánh giá về nhu cầu của người dùng cực kỳ kỹ lưỡng. Sau đó, họ sẽ áp dụng để điều chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp với từng khu vực nhưng vẫn không làm mất đi chất lượng tổng thể.
Áp dụng những kênh phân phối đang phát triển nhất:
Cùng với đó, khi tiến hành đưa sản phẩm hiện tại vào trong thị trường mới, Coca - Cola cũng không hề xây dựng một hệ thống phân phối mới theo như cách vẫn được các doanh nghiệp khác áp dụng. Thay vào đó, thương hiệu này sẽ trực tiếp sử dụng luôn các kênh phân phối đang phát triển nhất tại quốc gia rồi dần dần mới cho triển khai các kênh mang nét đặc trưng riêng của mình.
3. Chiến lược thâm nhập thị trường của Trung Nguyên
Ra đời lần đầu vào giữa năm 1996, Trung Nguyên đã nhanh chóng xây dựng sự uy tín trong lòng người tiêu dùng. Đến nay thì thương hiệu này đã nhanh chóng đưa sản phẩm của mình đến với mọi người dân Việt Nam mà còn mở rộng ra toàn thế giới. Tất nhiên, để đạt được thành công này thì Trung Nguyên đã cho triển khai những chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế một cách bài bản.
Chiến lược chọn lựa thị trường:
Ban lãnh đạo của Trung Nguyên đã đưa ra một bản đánh giá thị trường cà phê trên toàn thế giới và lựa chọn ra 3 quốc gia mà họ muốn hướng đến là: Mỹ, Trung Quốc và Singapore. Tất nhiên, đây là những tính toán của “ông lớn” ngành cà phê Việt khi mà 3 thị trường này đều là các cửa ngõ chính của thế giới, đồng thời có nền kinh tế phát triển ổn định.
Xuất khẩu:
Tính đến năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến với hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, điển hình như: Mỹ, Anh, Nga, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Asean,.... Đến năm 2011 thì cà phê hòa tan G7 của Công ty Cà phê Trung Nguyên chính thức được đưa vào hệ thống siêu thị bán lẻ của hai tập đoàn hàng đầu thế giới là E-Mart (số 1 của Hàn Quốc) và Costco (thứ 3 của Mỹ).
Nhượng quyền kinh doanh:
Trung Nguyên chính là thương hiệu đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền trong nước và quốc tế từ năm 1998. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn xuất hiện trên thị trường, Trung Nguyên đã có khoảng 1000 quán cà phê nhượng quyền trên cả nước và 8 quán ở nước ngoài như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Ba Lan, Ukraina.
Đối tượng khách hàng của hệ thống này thường hướng đến những ai muốn thưởng thức giá trị mà cà phê mang lại. Vì vậy, các quán này sẽ chỉ phục vụ những loại cà phê chất lượng tốt nhất với công nghệ hiện đại cùng đội ngũ phục vụ chu đáo, am hiểu kỹ lưỡng về chất lượng đồ uống. Điều này giúp thương hiệu không chỉ thể hiện được tinh hoa của cà phê mà còn cung cấp sự thỏa mãn, giá trị tinh thần của sản phẩm.
Chiến lược dựa trên giá trị cốt lõi:
Giá trị cốt lõi chính là yếu tố để giúp cho doanh nghiệp hình thành được một nội quy chung và thống nhất để phát triển. Giá trị này sẽ bao gồm tất cả những gì mà công ty, doanh nghiệp thực hiện để tạo niềm tin cho đối tác, khách hàng qua cung cách ứng xử. Qua đó hình thành nên một tâm lý chung, tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh.
Trên đây là những thông tin về chiến lược thâm nhập thị trường mà Phương Nam Vina muốn chia sẻ đến bạn. Có thể thấy được rằng, mở rộng quy mô và tăng trưởng mục tiêu luôn là định hướng phát triển mà bất cứ doanh nghiệp nào hiện nay cũng đều hướng đến. Vì vậy, chiến lược thâm nhập thị trường chính là điều mà các thương hiệu cần phải làm để cạnh tranh với doanh nghiệp đối thủ và thống lĩnh thị trường hiệu quả. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ có thể hiểu hơn về các chiến lược thâm nhập thị trường và lựa chọn ra được cho mình một chiến lược phù hợp với doanh nghiệp. Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm:
Top 12 mô hình marketing hiệu quả cho doanh nghiệp
Thị trường ngách là gì? Làm thế nào để xác định thị trường ngách
Chiến lược kinh doanh là gì? 7 bước xây dựng chiến lược kinh doanh