Bạn có bao giờ cảm thấy bực bội khi đang lướt web thì đột nhiên hàng loạt quảng cáo bất ngờ xuất hiện, liên tục nhảy nhót trên màn hình? Đó có thể là dấu hiệu cho thấy thiết bị của bạn đã bị nhiễm adware - một loại phần mềm độc hại chuyên hiển thị quảng cáo và thu thập thông tin cá nhân của người dùng. Adware có thể dễ dàng xâm nhập vào hệ thống mà không cần báo trước, chỉ thông qua một lần nhấp chuột hoặc một phần mềm tải về từ nguồn không an toàn. Ban đầu chỉ là những quảng cáo phiền toái vô hại, nhưng về lâu dài, adware có thể xâm phạm sâu hơn vào thông tin cá nhân và làm chậm hệ thống của bạn.
Adware là gì?
Adware (viết tắt của cụm từ Advertising Supported Software) là một loại phần mềm có mục đích hiển thị quảng cáo cho người dùng. Thông thường, adware được tích hợp trong các chương trình hoặc ứng dụng miễn phí, giúp nhà phát triển kiếm doanh thu từ quảng cáo thay vì thu phí người dùng. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại adware đều vô hại – một số loại adware có thể theo dõi hoạt động của người dùng và xâm phạm quyền riêng tư.
Lịch sử thú vị nhưng cũng đầy rắc rối của adware
Adware - những phần mềm quảng cáo khó chịu mà chúng ta thường gặp ngày nay đã có một hành trình phát triển khá dài và đầy biến động.
- Khởi đầu với mục tiêu hỗ trợ quảng cáo: Vào những năm 1990, adware xuất hiện như một công cụ giúp các doanh nghiệp phân phối quảng cáo dựa trên sở thích người dùng, nhằm tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo trực tuyến.
- Bùng nổ cùng Internet nhưng nhanh chóng biến tướng: Khi Internet phát triển mạnh, adware trở thành phương tiện quảng cáo phổ biến. Tuy nhiên, các nhà phát triển bắt đầu cài đặt adware ẩn trong các phần mềm miễn phí, thu thập dữ liệu người dùng mà không được phép.
- Đỉnh điểm xâm phạm quyền riêng tư: Đến đầu những năm 2000, adware trở nên nổi tiếng nhờ khả năng thu thập thông tin cá nhân, theo dõi hoạt động duyệt web mà người dùng không hề hay biết. Điều này dẫn đến nhiều tranh cãi và việc adware bị coi là một dạng phần mềm độc hại (malware).
- Hiện tại trở nên dạng và phức tạp: Phần mềm quảng cáo đang ngày càng thông minh, có khả năng theo dõi hành vi của người dùng để hiển thị ads phù hợp, gây tăng sự tò mò và kích thích người dùng click vào. Nhiều adware còn được ngụy trang thành các phần mềm hữu ích, khiến người dùng dễ nhầm lẫn và cài đặt.
Cách thức hoạt động của phần mềm adware
Adware (phần mềm quảng cáo) hoạt động bằng cách hiển thị các quảng cáo không mong muốn trên máy tính hoặc thiết bị của người dùng. Mặc dù adware có thể xuất phát từ các ứng dụng hợp pháp, nhưng khi không được quản lý tốt, nó dễ dàng trở thành một mối nguy hại, ảnh hưởng đến trải nghiệm và bảo mật của người dùng.
1. Lây nhiễm
Adware thường ẩn mình tinh vi trong các phần mềm hoặc ứng dụng miễn phí và người dùng vô tình cài đặt chúng vào thiết bị khi tải ứng dụng. Quá trình lây nhiễm thường diễn ra lặng lẽ, không hề có thông báo rõ ràng khiến người dùng hoàn toàn bất ngờ.
Không những thế, phần mềm adware cũng có thể xâm nhập thiết bị qua nhiều con đường khác nhau như:
- Phần mềm miễn phí: Đây là cách thức phổ biến nhất, khi các nhà phát triển chèn adware vào ứng dụng để tạo nguồn thu từ quảng cáo.
- Trang web không an toàn: Chỉ cần truy cập vào các trang web không bảo mật, phần mềm quảng cáo có thể tự động tải xuống và cài đặt mà không cần sự cho phép của người dùng.
- Email: Adware có thể được phát tán qua các tệp đính kèm trong email hoặc thông qua các liên kết lừa đảo (phishing) nhằm dụ người dùng nhấp vào.
2. Thu thập dữ liệu người dùng
Một trong những mục đích chính của adware là thu thập dữ liệu về thói quen và hoạt động trực tuyến của người dùng. Vậy nên, phần mềm quảng cáo sẽ lặng lẽ theo dõi và thu thập các thông tin như:
- Những trang web mà người dùng truy cập.
- Thời gian người dùng dành cho các trang web.
- Các từ khóa người dùng tìm kiếm.
- Các sản phẩm hoặc dịch vụ mà người dùng quan tâm.
- Thông tin cá nhân như địa chỉ email, lịch sử mua sắm.
Dữ liệu này được thu thập để phân tích và tạo hồ sơ người dùng, giúp adware có thể hiển thị những quảng cáo phù hợp nhất dựa trên sở thích cá nhân của họ.
3. Hiển thị quảng cáo
Sau khi thu thập đủ thông tin, phần mềm adware sẽ bắt đầu hiển thị quảng cáo tới người dùng dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như:
- Pop-up (cửa sổ bật lên): Các cửa sổ quảng cáo bật lên khi người dùng đang duyệt web, gây phiền phức và gián đoạn trải nghiệm.
- Banner (biểu ngữ): Quảng cáo được chèn vào các trang web, làm thay đổi giao diện của trang hoặc làm tăng thời gian tải trang.
- Chuyển hướng trang: Thay đổi cài đặt trình duyệt và tự động chuyển hướng người dùng đến các trang web quảng cáo mà họ không hề có ý định truy cập.
4. Khả năng biến tướng thành phần mềm độc hại
Trong một số trường hợp, adware có thể không chỉ dừng lại ở việc hiển thị quảng cáo mà còn tiến xa hơn, biến tướng thành các dạng phần mềm độc hại khác như spyware (phần mềm gián điệp) để thu thập thông tin cá nhân như mật khẩu, số thẻ tín dụng hoặc thông tin đăng nhập mà không có sự đồng ý của người dùng.
Các loại adware phổ biến nhất hiện nay
Adware tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Để bảo vệ bản thân khỏi những mối đe dọa này, chúng ta cần hiểu rõ về các loại adware phổ biến nhất.
1. Adware hiển thị quảng cáo
Adware dạng này vô cùng phổ biến, chúng tập trung vào việc chèn các quảng cáo vào nội dung bạn truy cập, gây phiền toái và gián đoạn trải nghiệm người dùng. Các dạng quảng cáo phổ biến của loại adware này gồm:
- Quảng cáo banner, pop-up: Đây là hình thức quảng cáo quen thuộc nhất. Khi người dùng truy cập vào một trang web, những banner hoặc cửa sổ quảng cáo pop-up sẽ xuất hiện liên tục trên màn hình. Các quảng cáo này thường không dễ đóng lại, hoặc nếu bạn đóng một pop-up, quảng cáo khác có thể tiếp tục hiện lên.
- Quảng cáo trong văn bản: Adware có thể chèn các liên kết quảng cáo vào chính nội dung văn bản của trang web. Những từ hoặc cụm từ cụ thể sẽ được bôi đậm và chuyển thành liên kết. Khi người dùng nhấp vào, họ sẽ bị chuyển hướng đến các trang web quảng cáo khác. Điều này gây nhầm lẫn cho người đọc vì họ không dễ nhận ra đâu là nội dung thật, đâu là quảng cáo.
- Quảng cáo video: Một số adware hiển thị quảng cáo dưới dạng video tự động phát trên trang web bạn truy cập. Những video này thường gây cản trở trải nghiệm, tiêu tốn băng thông và thậm chí làm chậm tốc độ tải trang. Nhiều trường hợp video quảng cáo còn không thể tắt, khiến người dùng phải chờ đợi hoặc bị bắt buộc xem.
2. Adware thay đổi cài đặt trình duyệt
Một số adware không chỉ hiển thị quảng cáo mà còn thay đổi cài đặt trong trình duyệt của bạn, ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức bạn duyệt web. Những thay đổi này thường diễn ra mà người dùng không hề hay biết, và thường rất khó để khôi phục lại cài đặt ban đầu.
- Thay đổi trang chủ: Tự động thay đổi trang chủ của trình duyệt mà không có sự đồng ý của bạn. Mỗi lần mở trình duyệt, bạn sẽ thấy một trang web quảng cáo hoặc một trang tìm kiếm giả mạo xuất hiện đầu tiên. Điều này không chỉ gây khó chịu mà còn khiến bạn dễ dàng bị lừa truy cập vào các trang web có nội dung không an toàn.
- Thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định: Khi bạn tìm kiếm thông tin, loại adware này sẽ chi phối và đưa bạn đến các trang không an toàn hoặc chứa nhiều quảng cáo. Kết quả tìm kiếm thường không liên quan hoặc bị chèn thêm quảng cáo, làm cho trải nghiệm tìm kiếm của bạn trở nên kém hiệu quả.
- Cài đặt các tiện ích mở rộng không mong muốn: Một số adware cài đặt các tiện ích mở rộng (extensions) không mong muốn vào trình duyệt của bạn. Những tiện ích này có thể theo dõi hoạt động duyệt web, chèn thêm quảng cáo hoặc thậm chí thay đổi cài đặt trình duyệt mà không thể dễ dàng gỡ bỏ. Những tiện ích này thường ẩn mình rất kỹ, gây khó khăn trong việc phát hiện và loại bỏ.
3. Adware thu thập dữ liệu
Đây là loại adware đáng lo ngại nhất vì chúng có thể đánh cắp thông tin cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư mà bạn không hề hay biết.
- Thu thập thông tin cá nhân: Một số loại adware có thể truy cập và thu thập thông tin cá nhân từ thiết bị của bạn như địa chỉ email, số điện thoại và thậm chí là thông tin thẻ tín dụng. Những thông tin này sau đó có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu quảng cáo hoặc bán cho các bên thứ ba mà bạn không hề cho phép.
- Theo dõi lịch sử duyệt web: Theo dõi toàn bộ lịch sử duyệt web của bạn để hiển thị các quảng cáo nhắm mục tiêu dựa trên sở thích và thói quen của bạn. Điều này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư mà còn có thể gây nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm.
Tác hại của phần mềm adware
Mặc dù ddware không nguy hiểm trực tiếp như virus hay phần mềm tống tiền, nhưng vẫn gây ra nhiều phiền toái và rủi ro đáng kể cho người dùng.
- Làm phiền người dùng: Các quảng cáo xuất hiện dày đặc, gây gián đoạn quá trình làm việc, học tập và giải trí. Bên cạnh đó, những cửa sổ quảng cáo xuất hiện đột ngột, làm người dùng phân tâm và khó chịu.
- Gây hại đến hệ thống: Phần mềm quảng cáo tiêu tốn tài nguyên hệ thống, khiến máy tính hoạt động chậm chạp hơn, đồng thời có thể gây ra các xung đột với các ứng dụng khác trên thiết bị của bạn. Nguy hiểm hơn, adware có thể tạo ra các lỗ hổng bảo mật, cho phép các loại mã độc khác xâm nhập vào hệ thống.
- Xâm phạm quyền riêng tư: Adware thu thập thông tin cá nhân, thói quen duyệt web để phân tích và bán cho bên thứ ba nhằm phục vụ mục đích quảng cáo hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác.
- Rủi ro bảo mật: Phần mềm quảng cáo có thể tạo ra các lỗ hổng bảo mật, cho phép các loại mã độc khác như virus, ransomware xâm nhập vào hệ thống hoặc chuyển hướng bạn đến các trang web không an toàn.
- Phí dịch vụ: Trong một số trường hợp, phần mềm quảng cáo có thể dẫn đến việc bạn phải trả thêm phí cho các dịch vụ mà bạn không đăng ký.
Dấu hiệu nhận biết thiết bị, hệ thống đã nhiễm adware
Adware thường hoạt động âm thầm, nhưng chúng cũng để lại nhiều dấu hiệu giúp người dùng dễ nhận biết.
- Quảng cáo xuất hiện bất thường: Bạn thấy các cửa sổ bật lên (pop-up) hoặc quảng cáo không mong muốn xuất hiện liên tục, ngay cả khi không truy cập trang web có quảng cáo.
- Hiệu suất hệ thống chậm: Máy tính hoặc thiết bị di động của bạn trở nên chậm chạp, ứng dụng tải lâu hơn và hay bị treo. Điều này có thể do phần mềm adware tiêu tốn tài nguyên hệ thống ngầm.
- Trang chủ trình duyệt bị thay đổi: Nếu trang chủ trình duyệt của bạn chạy chậm, bị treo hoặc tự động thay đổi thành một trang web lạ mà bạn không thiết lập, đó là dấu hiệu cho thấy adware có thể đã xâm nhập vào trình duyệt.
- Xuất hiện thanh công cụ hoặc tiện ích lạ: Các thanh công cụ hoặc tiện ích không rõ nguồn gốc bất ngờ xuất hiện trên trình duyệt mà bạn không cài đặt.
- Chuyển hướng trang web: Khi bạn nhấp vào liên kết, trình duyệt tự động chuyển hướng bạn đến các trang web lạ hoặc quảng cáo, ngay cả khi không phải là trang bạn mong muốn.
- Tăng đột biến sử dụng dữ liệu: Nếu thiết bị của bạn tiêu thụ lượng dữ liệu lớn hơn mức bình thường, adware có thể đang chạy ngầm và tải nội dung quảng cáo mà bạn không hay biết.
Cách loại bỏ phần mềm quảng cáo adware
Bị nhiễm adware quả thật rất phiền phức. Nhưng đừng lo, chỉ với một chút kiến thức và các công cụ phù hợp, bạn hoàn toàn có thể tự mình loại bỏ chúng.
- Xóa các phần mềm không xác định: Vào Control Panel -> Programs -> Programs and Features để xem danh sách các chương trình đã cài đặt. Nếu phát hiện bất kỳ chương trình nào không rõ nguồn gốc, hãy xóa bỏ ngay.
- Sử dụng phần mềm diệt virus và chống adware: Quét kỹ lưỡng toàn bộ máy tính của bạn để tìm và loại bỏ adware cũng như các loại mã độc khác. Ngoài ra, bạn nên đảm bảo phần mềm diệt virus luôn được cập nhật phiên bản mới nhất để phát hiện và loại bỏ các loại adware mới xuất hiện.
- Làm sạch trình duyệt: Vào phần quản lý tiện ích mở rộng của trình duyệt (Chrome, Firefox, Edge...) và xóa bỏ những tiện ích mà bạn không cài đặt hoặc không thường xuyên sử dụng. Trong nhiều trường hợp, việc đặt lại cài đặt mặc định của trình duyệt có thể giúp loại bỏ phần mềm quảng cáo hiệu quả.
- Kiểm tra các tệp tin hệ thống: Sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm các tệp tin có đuôi .exe, .dll hoặc các tệp tin có tên lạ trong thư mục hệ thống. Sau đó bạn hãy xóa các tệp tin này, tuy nhiên hãy cẩn thận để không xóa nhầm các tệp tin hệ thống quan trọng.
Bí quyết phòng tránh adware hiệu quả
Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, đúng không nào? Để tránh gặp phải những rắc rối do adware gây ra, bạn hãy áp dụng những biện pháp phòng ngừa sau:
- Cẩn trọng khi tải và cài đặt phần mềm: Chỉ tải phần mềm từ các nguồn chính thức như trang web của nhà phát triển hoặc cửa hàng ứng dụng uy tín (App Store, Google Play). Tránh tải phần mềm từ các trang web không rõ nguồn gốc vì đó có thể là nơi ẩn náu của adware.
- Đọc kỹ các bước cài đặt phần mềm: Khi cài đặt, nhiều phần mềm miễn phí thường đi kèm các “offer” bổ sung, chính là adware. Đừng bấm “Next” quá nhanh! Hãy chọn cài đặt tùy chỉnh (Custom/Advanced) và bỏ chọn các phần mềm không cần thiết.
- Cẩn trọng khi click vào quảng cáo: Khi duyệt web, tránh nhấp vào những liên kết hoặc quảng cáo có vẻ khả nghi. Pop-up quảng cáo hứa hẹn trúng thưởng hoặc khuyến mãi hấp dẫn thường là cái bẫy cài đặt phần mềm adware. Vậy nên, hãy luôn cảnh giác và đóng chúng ngay lập tức.
- Cập nhật hệ điều hành và phần mềm thường xuyên: Cập nhật hệ điều hành và các phần mềm quan trọng để vá những lỗ hổng bảo mật và ngăn chặn adware xâm nhập.
- Tích hợp phần mềm chống malware: Hãy luôn bảo vệ thiết bị bằng phần mềm diệt virus có tích hợp tính năng chống adware. Các chương trình này sẽ giúp bạn phát hiện và chặn các mối đe dọa trước khi chúng có cơ hội tấn công.
- Sử dụng trình chặn quảng cáo (ad blocker): Trình chặn quảng cáo giúp ngăn chặn các quảng cáo gây phiền toái và giảm thiểu rủi ro click nhầm vào các quảng cáo độc hại.
Trong cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa người dùng và các loại mã độc, adware vẫn luôn là một đối thủ đáng gờm. Tuy nhiên, bằng việc trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng ngừa phần mềm quảng cáo mà Phương Nam Vina vừa gợi ý, bạn hoàn toàn có thể bảo vệ thiết bị của mình khỏi những mối đe dọa này. Hãy luôn nhớ rằng, sự an toàn của dữ liệu cá nhân và thiết bị phụ thuộc rất lớn vào ý thức và hành động của chính bạn.
Tham khảo thêm:
Cyber attack là gì? Kiến thức quan trọng về tấn công mạng
Scam là gì? Các loại scam thường gặp và cách phòng tránh
Spyware là gì? Các loại phần mềm spyware và cách phòng tránh