Chỉ với một cú click chuột, thông tin cá nhân của bạn có thể bị đánh cắp hay tài khoản ngân hàng nhanh chóng bị rút sạch. Đó chính là sức mạnh của phishing - một trong những mối đe dọa an ninh mạng nguy hiểm nhất hiện nay. Chưa dừng lại ở đó, các cuộc tấn công phishing còn xuất hiện với rất nhiều hình thức khác nhau và ngày càng trở nên tinh vi hơn bao giờ hết, vậy nên việc hiểu rõ mánh lừa đảo này và cách phòng chống chúng là vô cùng quan trọng.
Phishing là gì?
Phishing là một hình thức lừa đảo trực tuyến, trong đó kẻ tấn công mạo danh các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân đáng tin cậy để đánh cắp thông tin nhạy cảm như mật khẩu, số thẻ tín dụng hoặc dữ liệu cá nhân. Ngày nay, các cuộc tấn công phishing càng tinh vi nhờ vào công nghệ AI để tạo ra những mánh lừa đảo có vẻ chân thực hơn bao giờ hết.
Phishing khởi đầu như một phần của các hoạt động trực tuyến trên mạng AOL, khi kẻ tấn công giả danh là nhân viên hỗ trợ kỹ thuật và yêu cầu người dùng cung cấp thông tin tài khoản của họ. Kể từ đó, phishing đã phát triển từ một mánh lừa đảo đơn giản thành mối đe dọa phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người dùng và tổ chức toàn cầu.
Các loại hình tấn công phishing thường gặp
Phishing đã và đang không ngừng phát triển với nhiều hình thức mới. Hiểu rõ về các loại tấn công phổ biến sẽ giúp bạn nhận diện và phòng tránh chúng hiệu quả hơn. Dưới đây là 8 loại phishing phổ biến nhất hiện nay kèm theo dấu hiệu nhận biết và ví dụ thực tế.
1. Phishing qua email
Phishing qua email vẫn là hình thức phổ biến và nguy hiểm nhất trong năm 2024. Kẻ tấn công gửi email giả mạo, thường mạo danh các tổ chức uy tín như ngân hàng, mạng xã hội hoặc công ty nơi nạn nhân làm việc. Mục đích của họ là lừa người dùng cung cấp thông tin nhạy cảm hoặc nhấp vào liên kết độc hại.
Dấu hiệu nhận biết lừa đảo qua email:
- Địa chỉ email người gửi khả nghi. Thông thường các địa chỉ email này sẽ có sự thay đổi nhỏ so với địa chỉ chính thức hoặc sử dụng tên miền giống nhưng lại không phải của tổ chức thật.
- Yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm như đòi hỏi thông tin đăng nhập, số thẻ tín dụng hoặc số an sinh xã hội kèm theo lý do khẩn cấp hoặc đe dọa (ví dụ: tài khoản bị khóa nếu không cung cấp thông tin)
- Chứa liên kết hoặc tệp đính kèm đáng ngờ. Những đường link này có thể chứa các mã độc.
2. Phishing website
Với phishing website, những kẻ tấn công tạo ra những bản sao gần như hoàn hảo của các trang web uy tín, từ ngân hàng trực tuyến đến nền tảng thương mại điện tử. Mục đích cuối cùng của phishing website là đánh cắp thông tin đăng nhập, dữ liệu cá nhân hoặc chi tiết tài chính của nạn nhân một cách tinh vi.
Những dấu hiệu phishing website đáng ngờ cần chú ý:
- Phishing website đến từ nhiều trang web giả mạo không có kết nối bảo mật hoặc sử dụng chứng chỉ SSL không hợp lệ hoặc trình duyệt có thể hiển thị cảnh báo về kết nối không an toàn hoặc chứng chỉ không đáng tin cậy.
- Kẻ tấn công thường sử dụng tên miền hoặc subdomain gần giống nhưng có sự thay đổi khó nhận thấy, chẳng hạn như "arnazon.com" thay vì "amazon.com".
- Giao diện có bất thường chẳng hạn như logo có thể bị mờ hoặc không sắc nét như bản gốc hay layout web có thể không cân đối như bản gốc.
3. Smishing
Kết hợp giữa SMS và lừa đảo phishing, smishing là một chiến thuật ngày càng phổ biến vì kẻ tấn công tận dụng sự phụ thuộc ngày càng tăng của người dùng vào thiết bị di động. Kẻ tấn công khéo léo sử dụng tin nhắn SMS để dụ dỗ nạn nhân nhấp vào liên kết độc hại hoặc tiết lộ thông tin nhạy cảm.
Những dấu hiệu cảnh báo smishing:
- Nguồn gốc tin nhắn đáng ngờ đến từ số điện thoại lạ hoặc số ngắn không xác định. Kẻ tấn công thường sử dụng công nghệ spoofing để giả mạo số điện thoại của các tổ chức uy tín. Đơn cử là vụ giả mạo tin nhắn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2023, nhiều người đã mất tiền trong tài khoản sau khi cung cấp thông tin cá nhân.
- Yêu cầu bạn truy cập link rút gọn để che giấu địa chỉ thực sự của trang web độc hại khiến người dùng khó nhận biết điểm đến cuối cùng của đường dẫn.
- Tin nhắn có nội dung quá hấp dẫn, gây tò mò bằng cách hứa hẹn những phần thưởng lớn, những ưu đãi đặc biệt để dụ dỗ người dùng truy cập vô đường dẫn.
4. Vishing
Vishing là sự kết hợp giữa voice và tấn công giả mạo, có thể hiểu là một dạng lừa đảo thông qua các cuộc gọi điện thoại. Điều này khiến người nghe dễ bị đánh lừa hơn bởi sự trực tiếp và cá nhân hóa mà phương thức này mang lại. Đáng nói hơn, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ AI, kẻ xấu có thể giả mạo giọng nói để lừa đảo một cách tinh vi và khó phát hiện.
Trong một số trường hợp, các cuộc gọi vishing còn được dàn dựng kỹ lưỡng bao gồm việc giả giọng của người thân, bạn bè hoặc nhân viên của tổ chức mà nạn nhân tin tưởng, tạo ra cảm giác khẩn cấp hoặc nguy hiểm nhằm ép buộc nạn nhân hành động ngay lập tức mà không có thời gian suy nghĩ kỹ càng.
Những dấu hiệu vishing đáng ngờ cần cảnh giác:
- Cuộc gọi đến từ số lạ hoặc số đã bị thay đổi. Bên cạnh đó, người gọi thường tạo cảm giác khẩn cấp, đòi hỏi thông tin hoặc hành động ngay lập tức đe dọa hậu quả nghiêm trọng nếu nạn nhân không tuân theo yêu cầu.
- Nếu cuộc gọi có tiếng ồn lạ, chất lượng âm thanh kém, hoặc âm thanh bất thường, đây có thể là dấu hiệu của một cuộc gọi giả mạo hoặc bị dàn dựng.
5. Spear phishing
Spear phishing là một dạng tấn công lừa đảo nhắm đến mục tiêu cụ thể. Khác với phishing attack thông thường, khi kẻ tấn công gửi email hoặc tin nhắn hàng loạt đến nhiều người, hình thức lừa đảo phishing spear tập trung vào một cá nhân để tạo ra thông điệp lừa đảo có tính thuyết phục cao. Dựa trên các dữ liệu thu được, chúng tạo ra các email hoặc tin nhắn có vẻ đáng tin cậy như đến từ sếp, đồng nghiệp hoặc một đối tác quen thuộc.
Nội dung của tấn công giả mạo spear thường chứa các liên kết độc hại hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm như mật khẩu hoặc thông tin tài khoản ngân hàng. Điều làm cho cách thức lừa đảo này nguy hiểm hơn là tính cá nhân hóa của nó. Bởi vì thông điệp được xây dựng dựa trên thông tin thực tế về nạn nhân nên khả năng họ rơi vào bẫy rất cao.
Dấu hiệu của spear phishing:
- Bạn nhận được email có vẻ hợp lý và còn được tối ưu cá nhân hóa. Những email này thường chứa các chi tiết riêng biệt như tên, chức danh hoặc các dự án mà nạn nhân tham gia, làm cho email trông đáng tin hơn.
- Yêu cầu người dùng thực hiện hành động khẩn cấp, nhanh chóng. Kẻ tấn công thường sử dụng áp lực thời gian để ép buộc nạn nhân phải hành động ngay lập tức mà không kịp suy nghĩ kỹ như cung cấp thông tin đăng nhập hoặc mở tệp đính kèm độc hại.
- Liên kết hoặc tệp đính kèm đáng ngờ được gửi đến cho bạn. Các email có thể chứa các liên kết dẫn đến trang web giả mạo hoặc tệp đính kèm có phần mềm độc hại.
6. Clone phishing
Clone phishing (lừa đảo bằng bản sao) là một hình thức tấn công tinh vi trong đó kẻ xấu tạo ra một bản sao gần như hoàn hảo của một email hoặc trang web hợp pháp mà nạn nhân đã tương tác trước đó. Kỹ thuật này đánh vào lòng tin của người dùng bằng cách giả mạo một cách chính xác những gì họ đã quen thuộc, khiến việc phát hiện trở nên khó khăn hơn.
Dấu hiệu nhận biết của clone phishing:
- Sao chép email hoặc trang web hợp pháp: Kẻ tấn công sẽ tìm một email hoặc trang web mà nạn nhân từng tương tác. Điều này thường đến từ các tổ chức uy tín như ngân hàng, công ty hoặc các dịch vụ trực tuyến đáng tin cậy.
- Thay thế nội dung độc hại: Sau khi sao chép email hoặc trang web, chúng sẽ thay thế các liên kết và tệp đính kèm hợp pháp bằng nội dung độc hại như liên kết dẫn đến trang web lừa đảo hoặc phần mềm chứa mã độc.
- Gửi từ địa chỉ trông có vẻ hợp pháp: Kẻ tấn công sẽ sử dụng địa chỉ email trông giống như của tổ chức chính thống hoặc một người mà nạn nhân tin tưởng. Điều này khiến email hoặc trang web giả mạo trở nên đáng tin cậy hơn.
- Thông báo cập nhật hoặc gửi lại thông tin: Nội dung email thường tuyên bố rằng đây là bản cập nhật hoặc gửi lại của một email trước đó. Điều này khiến nạn nhân ít nghi ngờ và dễ dàng nhấp vào liên kết hoặc tải xuống tệp đính kèm.
7. Pharming
Pharming là một hình thức phishing attack tinh vi hơn nhắm vào cơ sở hạ tầng mạng thay vì chỉ nhắm vào người dùng cá nhân. Kẻ tấn công không chỉ đánh lừa người dùng bằng email hoặc tin nhắn giả mạo, mà thay vào đó, họ thao túng các hệ thống mạng cơ bản như DNS (Domain Name System) hoặc tệp hosts trên máy tính của nạn nhân. Điều này cho phép chúng chuyển hướng người dùng từ các trang web hợp pháp sang các trang web giả mạo mà nạn nhân không hề hay biết.
Cách nhận ra pharming:
- Trình duyệt không hiển thị giao thức HTTPS: Các trang web hợp pháp thường sử dụng HTTPS (thể hiện qua biểu tượng ổ khóa), trong khi các trang web bị giả mạo bởi Pharming có thể chỉ hiện thị HTTP, thiếu đi yếu tố bảo mật.
- Chuyển hướng lạ khi truy cập trang web thường xuyên: Nếu bạn nhận thấy mình bị chuyển hướng từ một trang web quen thuộc sang một trang khác mà không rõ lý do, đây có thể là dấu hiệu của Pharming.
- Hiệu suất máy tính bất thường: Nếu máy tính của bạn bị nhiễm phần mềm độc hại do Pharming, bạn có thể nhận thấy máy chạy chậm hơn, có nhiều quảng cáo pop-up, hoặc các tệp không rõ nguồn gốc xuất hiện trên máy.
- Yêu cầu thông tin nhạy cảm đột ngột: Các trang web giả mạo thường yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân hoặc đăng nhập, đặc biệt là trong các tình huống bất thường như yêu cầu khẩn cấp.
Social media phishing (lừa đảo qua mạng xã hội) là một dạng tấn công khai thác sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội và sự tin tưởng của người dùng vào các kết nối trên đó. Với sự phát triển của mạng xã hội, kẻ tấn công đã tận dụng các nền tảng này để tiếp cận và lừa đảo nhiều người dùng.
Dấu hiệu nhận biết tấn công giả mạo qua social:
- Ưu đãi và cuộc thi giả mạo: Các tài khoản hoặc trang mạng xã hội cung cấp các chương trình ưu đãi, quà tặng hoặc thông báo chiến thắng một cuộc thi mà bạn chưa từng tham gia thường là dấu hiệu lừa đảo. Những ưu đãi này thường yêu cầu bạn nhập thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết không an toàn.
- Yêu cầu đăng nhập lại: Nếu một trang web hoặc ứng dụng yêu cầu bạn nhập lại thông tin đăng nhập tài khoản mạng xã hội của mình mà không có lý do rõ ràng, đặc biệt là khi giao diện trang bất thường, có thể đó là một trang giả mạo để đánh cắp thông tin của bạn.
- Hồ sơ không chính chủ: Khi tài khoản kẻ gian có vẻ giống như của người thân quen nhưng hồ sơ không khớp hoàn toàn (thiếu ảnh, thông tin cá nhân không đúng) hoặc người đó hành xử không giống bình thường, đó có thể là một tài khoản giả mạo và bạn đang trở thành mục tiêu lừa đảo.
Cơ chế hoạt động của các cuộc tấn công phishing
Phishing attack là một hình thức lừa đảo, kẻ tấn công thường giả mạo danh tính các tổ chức hoặc cá nhân uy tín để tạo lòng tin, sau đó hướng dẫn nạn nhân thực hiện những hành động sai lầm dẫn đến việc đánh cắp thông tin nhạy cảm.
Bước 1: Thu thập thông tin
Kẻ tấn công bắt đầu bằng việc thu thập thông tin cá nhân của nạn nhân, thường từ các nguồn công khai như mạng xã hội, diễn đàn, hoặc các cơ sở dữ liệu bị rò rỉ. Thông tin này có thể bao gồm tên, địa chỉ email, số điện thoại và các thông tin cá nhân khác giúp chúng tạo ra các cuộc tấn công giả mạo hiệu quả hơn.
Bước 2: Tạo email hoặc trang web giả mạo
Dựa trên thông tin thu thập được, kẻ tấn công thiết kế các email hoặc trang web giả mạo có giao diện gần giống như của các tổ chức uy tín hoặc dịch vụ mà nạn nhân tin tưởng. Ví dụ, họ có thể tạo một email giả mạo từ ngân hàng yêu cầu cập nhật thông tin tài khoản hoặc một trang web giả mạo của dịch vụ trực tuyến yêu cầu đăng nhập.
Bước 3: Gửi email hoặc tin nhắn lừa đảo
Email hoặc tin nhắn giả mạo được gửi đến nạn nhân với các liên kết hoặc tệp đính kèm độc hại. Thường thì các tin nhắn này có vẻ như là thông báo quan trọng hoặc yêu cầu khẩn cấp, tạo cảm giác bức thiết để nạn nhân hành động ngay lập tức mà không kiểm tra kỹ lưỡng.
Bước 4: Kêu gọi hành động
Trong email hoặc tin nhắn, kẻ tấn công thường yêu cầu nạn nhân thực hiện một hành động cụ thể, chẳng hạn như nhấp vào liên kết để cập nhật thông tin, tải xuống tệp đính kèm, chuyển khoản hoặc cung cấp thông tin cá nhân trực tiếp trên trang web giả mạo.
Bước 5: Lợi dụng thông tin
Khi nạn nhân nhập thông tin cá nhân hoặc đăng nhập vào trang web giả mạo, kẻ tấn công thu thập các dữ liệu này và sử dụng chúng để chiếm đoạt tài khoản, thực hiện giao dịch gian lận hoặc bán thông tin cá nhân trên thị trường chợ đen.
Bước 6: Ẩn danh và duy trì sự lừa đảo
Kẻ tấn công thường xuyên thay đổi các phương thức tấn công và địa chỉ email để duy trì hoạt động lừa đảo và giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện. Chúng có thể sử dụng các kỹ thuật ẩn danh như VPN, proxy hoặc máy chủ giả mạo để che giấu địa chỉ IP thực sự. Ngoài ra, chúng cũng thường xuyên thay đổi nội dung email và các liên kết giả mạo để tránh bị phát hiện và chặn bởi các hệ thống bảo mật hoặc bộ lọc spam. Những biện pháp này giúp chúng tiếp tục lừa đảo nhiều nạn nhân hơn mà không bị truy vết hoặc ngăn chặn.
Hậu quả nghiêm trọng mà phishing gây ra cho cá nhân, tổ chức
Phishing attack có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính, danh tiếng, an toàn thông tin của các cá nhân và tổ chức.
- Tổn thất tài chính: Lừa đảo phishing có thể dẫn đến tổn thất tài chính nghiêm trọng từ việc thanh toán không hợp lệ, các khoản bồi thường hoặc chi phí khắc phục sự cố. Cá nhân có thể mất tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc phải chịu các khoản chi phí không mong muốn, trong khi tổ chức có thể phải chi trả cho việc khôi phục hệ thống và bồi thường cho khách hàng.
- Thiệt hại về danh tiếng: Khi thông tin về một cuộc tấn công giả mạo trở nên công khai, danh tiếng của tổ chức có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến sự mất lòng tin từ khách hàng, đối tác và cộng đồng, ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh doanh và giảm doanh thu.
- Mất mát dữ liệu nhạy cảm và quan trọng: Với cá nhân, điều này có thể bao gồm thông tin cá nhân và tài khoản tài chính, trong khi tổ chức có thể mất dữ liệu khách hàng, thông tin nội bộ quan trọng và tài liệu nhạy cảm.
Hướng dẫn phòng chống lừa đảo phishing
Phòng chống phishing đòi hỏi sự chú ý và thực hiện các biện pháp bảo mật phù hợp từ cả cá nhân và tổ chức. Áp dụng các phương pháp phòng ngừa và tăng cường nhận thức có thể giúp giảm thiểu nguy cơ bị tấn công và bảo vệ thông tin quan trọng.
1. Đối với cá nhân
- Xác thực thông tin: Luôn kiểm tra kỹ các email hoặc tin nhắn lạ trước khi nhấp vào liên kết hoặc cung cấp thông tin cá nhân. Đảm bảo nguồn gốc của thông tin là đáng tin cậy và kiểm tra kỹ địa chỉ email, liên kết và nội dung yêu cầu.
- Sử dụng phần mềm bảo mật: Cài đặt và thường xuyên cập nhật phần mềm chống virus và chống malware để bảo vệ thiết bị khỏi các mối đe dọa. Phần mềm bảo mật giúp phát hiện và ngăn chặn các mã độc và tấn công giả mạo.
- Kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA): Bảo vệ tài khoản trực tuyến bằng xác thực hai yếu tố để tăng cường bảo mật. Xác thực hai yếu tố cung cấp lớp bảo vệ bổ sung bằng cách yêu cầu mã xác minh ngoài mật khẩu.
2. Đối với tổ chức, doanh nghiệp
- Đào tạo nhân viên: Cung cấp đào tạo định kỳ về nhận diện và các kỹ thuật lừa đảo phishing cho nhân viên. Đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong tổ chức đều hiểu rõ các dấu hiệu và biết cách phản ứng đúng cách khi gặp phải các tình huống nghi ngờ.
- Triển khai giải pháp bảo mật: Sử dụng các công cụ bảo mật như bộ lọc email, hệ thống phát hiện xâm nhập và mã hóa dữ liệu để bảo vệ hệ thống và thông tin quan trọng giúp phát hiện và ngăn chặn các cuộc lừa đảo phishing trước khi chúng có thể gây hại.
- Xây dựng quy trình phản ứng: Thiết lập quy trình phản ứng nhanh chóng để xử lý các cuộc tấn công giả mạo và giảm thiểu thiệt hại. Quy trình này nên bao gồm các bước xác minh, thông báo cho các bên liên quan và các biện pháp khắc phục để bảo vệ thông tin và hệ thống của tổ chức.
Kết luận, phishing attack đã trở thành một mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng trong không gian mạng. Những hình thức lừa đảo này không chỉ nhắm vào cá nhân mà còn gây nguy hại cho các tổ chức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn thông tin. Để đối phó với các cuộc tấn công phishing, việc nâng cao ý thức và áp dụng các biện pháp bảo mật là vô cùng cần thiết. Phương Nam Vina với cam kết bảo vệ thông tin khách hàng, luôn khuyến khích người dùng cẩn trọng và sử dụng các công cụ bảo mật tiên tiến. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa công nghệ và nhận thức, chúng ta có thể phòng chống hiệu quả các cuộc tấn công phishing và bảo vệ tài sản số của mình một cách an toàn.