Có thể nói, sự ra đời của mạng xã hội giống như một mối liên kết ảo để bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể bày tỏ suy nghĩ mà đôi khi, nhưng điều đó lại khó để mở lời trực tiếp. Nhất là khi đời sống ngày càng phát triển, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật để mọi người chia sẻ những khoảnh khắc đẹp hay các cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Nếu trên thế giới vốn nổi tiếng với các trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Tiktok, Twitter,... thì mạng xã hội Việt Nam cũng đang dần từng bước vươn xa. Vậy mạng xã hội nào do người Việt Nam phát triển? Để giải đáp cho câu hỏi này, đội ngũ marketing Phương Nam Vina mời bạn theo dõi nội dung dưới đây để cùng chúng tôi tổng hợp nhé.
Danh sách mạng xã hội Việt Nam do chính người Việt phát triển
Chính sự phát triển của công nghệ mà mạng xã hội liên tục được cập nhật, cải tiến để cho ra mắt nhiều tính năng khác nhau. Ngoài các chức năng cơ bản như: gọi điện, nhắn tin, phát trực tiếp, chia sẻ trạng thái,... thì bạn còn có thể xem video, tham gia hội nhóm yêu thích,.... Đặc biệt, nhờ có mạng xã hội mà mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh được kết nối gần nhau hơn, nhất là một số người bạn ở xa lâu không liên lạc. Bên cạnh các trang mạng thế giới nổi tiếng, tại Việt Nam cũng có nhiều mạng xã hội của người Việt sáng tạo ra. Tiêu biểu cần phải kể đến những cái tên nổi bật dưới đây:
1. Mạng xã hội Zalo
Trong danh sách các mạng xã hội Việt Nam, Zalo chính là cái tên được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Phiên bản đầu tiên của Zalo chính thức được ra mắt vào ngày 08/08/2012 do VNG sáng lập.
Trong những năm đầu tiên, Zalo được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng chat đa phương tiện. Tuy nhiên, với sự đón nhận nồng hậu của người Việt mà ứng dụng đã ngày càng lớn mạnh và mở ra nhiều tính năng mới hữu ích như: chia sẻ thông tin, cập nhật tin tức, hình ảnh, video, trạng thái,... trên dòng thời gian tương tự nhiều mạng xã hội khác.
Hiện nay, Zalo vẫn duy trì vị thế top 1 mạng xã hội Việt Nam với hơn 100 triệu tài khoản người dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, trang mạng này đã có đến 75 triệu người dùng thường xuyên với hơn 2 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày. Đặc biệt, thành tựu lớn nhất của mạng xã hội này phải kể đến đó chính là thời gian sử dụng Zalo của người Việt Nam giao động trong khoảng 2,12 giờ / ngày, một con số cực kỳ ấn tượng.
Đặc điểm nổi bật:
- Kết bạn với mọi người thông qua danh thiếp, số điện thoại, nhóm chat chung hay tìm kiếm gần đây,....
- Thông qua trang cá nhân, người dùng có thể cho đăng tải bài viết trên dòng thời gian dưới hình thức văn bản, hình ảnh, video, file hoặc một đường dẫn nào đó.
- Giới thiệu bạn bè của mình cho người khác.
- Vận hành tốt trên nhiều hệ điều hành khác nhau.
- Nhắn tin, gọi điện thường hoặc gọi video chất lượng cao.
- Nạp tiền, thanh toán hóa đơn cùng một số loại thanh toán khác.
- Hỗ trợ chuyển file, dữ liệu từ máy tính vào điện thoại và ngược lại.
- Có thể xem, thả cảm xúc hoặc bình luận vào bài đăng của người khác.
- Hệ thống biểu tượng cảm xúc đa dạng, được đánh giá là đẹp nhất hiện nay.
2. Mạng xã hội Việt Nam Lotus
Được công ty Công nghệ truyền thông VCCorp phát hành vào ngày 16/09/2019, Lotus là mạng xã hội của Việt Nam đặt yếu tố nội dung lên hàng đầu. Với số tiền đầu tư ban đầu lên đến 1.200 tỷ đồng cùng slogan “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, ứng dụng Lotus đã chứng minh đây không phải là một mạng xã hội kiểu mới dành riêng cho giới trẻ Việt Nam mà sẽ tạo ra một cái nhìn khác biệt so với những gì mà người dùng mạng ngày nay vẫn thường thấy.
Đặc điểm nổi bật:
- Người dùng có thể dễ dàng tích điểm thưởng Token đổi quà.
- Mọi thông tin được cập nhật một cách nhanh chóng, chính xác.
- Tính năng Rich Media giúp cho việc ghi chú, viết blog dễ dàng hơn.
- Triển khai thêm nhiều tiện ích cho người dùng, ví dụ như đặt vé máy bay.
- Người dùng có thể tự do đăng tải nội dung, chia sẻ bài viết, hình ảnh đa dạng và đặc biệt không bị giới hạn dung lượng.
- Tính năng mở rộng tương tác được tích hợp với nhiều nút thể hiện biểu tượng cảm xúc khác nhau như: “Đọc”, “Impact”, “Fan”, “Xem”.
- Có thể dễ dàng chia sẻ, tương tác với những người nổi tiếng để từ đó nâng cao ý thức của mình thông qua những chiến dịch đình đám như “Cuộc chiến trộm nhựa”.
Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội Lotus vẫn còn hoạt động nhưng lại không được người dùng Việt đánh giá cao. Nguyên do đến từ chính sách người dùng khá phức tạp cùng nhiều yếu tố nội dung được cho là chưa thể hiện tính sáng tạo đến từ phía người sử dụng.
3. Mạng xã hội Zing Me
Được VNG ra mắt vào năm 09/2009, Zing Me được xem như là mạng xã hội mở đầu cho kỷ nguyên số tại thị trường Việt Nam và đã từng có một khoảng thời gian tạo nhiều tiếng vang trong công chúng. Thậm chí vào năm 2011, Zing Me đã đạt đến 6,8 triệu người truy cập, đây là một con số không tưởng và còn cao gấp hai lần so với mạng xã hội Facebook lúc bấy giờ.
Đặc điểm nổi bật:
- Hệ thống thanh toán ổn định và rất uy tín.
- Là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các game thủ.
- Người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản Zing là có thể sử dụng được.
- Thành viên của Zing không thể đăng tải bài viết lên trên trang cá nhân của mình.
- Zing Me cực kỳ nổi tiếng với các trò chơi điện tử như: Gunny, Nông trại vui vẻ, Khu vườn trên mây,....
Mặc dù là mạng xã hội nổi tiếng nhất tại thời điểm đó nhưng kể từ năm 2012, Zing Me bắt đầu có sự thụt lùi nghiêm trọng so với các trang mạng xã hội khác. Nguyên nhân lớn nhất bắt nguồn từ việc ứng dụng đã chọn sai nhóm khách hàng mục tiêu khi chỉ tập trung vào game thủ. Bên cạnh đó còn do sự thiếu đầu tư của chính cha đẻ VNG dẫn đến giao diện không được phát triển. Về lâu về dài, Zing Me không còn đủ sức thu hút người dùng nên vào tháng 01/2020, mạng xã hội này đã chính thức ngừng hoạt động.
4. Mạng xã hội Tamtay.vn
Trong số các trang mạng xã hội tại Việt Nam, Tamtay.vn chính là trang mạng đầu tiên được người Việt thiết kế và thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Tầm Tay. Chính thức ra mắt vào năm 2007, mục đích của Tamtay.vn chính là mang đến cho người dùng một không gian rộng lớn để có thể dễ dàng lưu trữ, chia sẻ trạng thái, hình ảnh cũng như kết nối cộng đồng lại với nhau.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/04/2018 thì Tamtay.vn đã chính thức ngừng hoạt động. Chia sẻ lý do về việc ngưng vận hành, ban quản trị mạng xã hội này cho biết Tamtay.vn đã hoàn thành sứ mệnh của mình, khách hàng cũng cần có những sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu kết nối đa nền tảng của thời đại hiện nay.
5. Mocha - Mạng xã hội của Việt Nam
Mocha là một trong số các mạng xã hội thông dụng ở Việt Nam được phát triển bởi Viettel Telecom và chính thức có mặt từ cuối tháng 04/2015. Với các tiện ích đầy thú vị cùng nhóm khách hàng mục tiêu là giới trẻ, Mocha đã thành công thu hút 1 triệu người dùng chỉ sau 5 tháng được ra mắt.
Vào thời gian đầu, Mocha chỉ là một công cụ giao tiếp dùng để nhắn tin, gọi điện miễn phí cho thuê bao di động thông thường, Nhưng đến cuối năm 2018, ứng dụng này đã nhanh chóng nâng cấp thành mạng xã hội dành riêng cho giới trẻ. Ước tính đến tháng 06/2019 thì Mocha đã nhanh chóng có hơn 7 triệu người sử dụng thường xuyên hàng tháng.
Đặc điểm nổi bật:
- Nhắn tin, gọi điện hoàn toàn miễn phí.
- Liên kết với những ứng dụng khác của Viettel như: MyGo, ViettelPay, My Viettel,....
- Kho lưu trữ nội dung đa dạng, phong phú với hơn 1 triệu bài hát và 10.000 giờ phim.
- Kết hợp nhiều tính năng mở rộng được yêu thích dành cho giới trẻ như: nghe nhạc, chơi game, đọc báo, xem phim,....
Sở hữu nhiều tiện ích ấn tượng, đến nay Mocha vẫn là trang mạng xã hội Việt Nam được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ. Thậm chí đến cuối năm 2019, mạng xã hội này có mức tăng trưởng người dùng rất khủng lên đến 58%.
6. Mạng xã hội Biztime
Biztime là trang mạng xã hội của Việt Nam được phát triển dựa trên công nghệ Big Data do Vũ Văn Anh cùng những người cộng sự sáng lập vào tháng 01/2017. Theo người sáng lập, Biztime được ví như dòng thời gian cho công việc và cuộc sống. Đây là nơi phục vụ cho nhu cầu được kết nối bạn bè, giao dịch hoặc kinh doanh của người dùng. Với sự phát triển không ngừng nghỉ, Biztime đã vinh dự có mặt trong top 25 startup Việt năm 2018 và đạt giải thưởng cao nhất ở một cuộc thi do Vnexpress tổ chức. Tính đến tháng 08/2018, số lượng người dùng của mạng xã hội này cũng đã lên đến 100.000 người sử dụng thường xuyên.
Đặc điểm nổi bật:
- Hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau.
- Ngăn chặn các tin nhắn spam và tin nhắn giả mạo, lừa đảo.
- Nhờ có ứng dụng Biztime Messenger mà người dùng dễ dàng nhắn tin cho nhau một cách thuận tiện.
- Tích hợp nhiều tính năng thú vị như: khoảnh khắc 24h, tìm bạn xung quanh, chợ mua bán,....
- Thay vì kết bạn, người dùng Biztime sẽ subscribe (theo dõi) để có thể nhận và xem các thông tin trên news feed một cách an toàn.
Hiện tại, Biztime vẫn đang còn hoạt động tại thị trường Việt Nam. Nhưng với mong muốn soán ngôi Facebook trong tương lai thì mạng xã hội này vẫn chưa đủ sức hút để gây ấn tượng đặc biệt cho người dùng.
7. Mạng xã hội Vietnamta
Vietnamta là trang mạng xã hội được phát triển bởi ông Diệp Quang Văn với nhiều tính năng thú vị dành cho người Việt. Được ra mắt vào năm 2019 nhưng chỉ sau một ngày ra mắt, Vietnamta đã có đến hơn 1.000 lượt tải về và nhận được 950 lượt đánh giá từ phía người dùng. Vào cuối tháng 01/2019, theo khảo sát thì mạng xã hội này đang có 30.000 người sử dụng thường xuyên hàng tháng.
Đặc điểm nổi bật:
- Sử dụng được trên nhiều nền tảng khác nhau.
- Chức năng “lưu lại” trong tin nhắn để hỗ trợ người dùng có thể tìm kiếm tin nhắn một cách dễ dàng.
- Nhờ trang bi tính năng cá nhân hóa mà người dùng có thể dễ dàng truy cập theo mục đích sử dụng mà không cần phải tốn nhiều thao tác phức tạp.
- Tích hợp nhiều tính năng như nghe nhạc trực tuyến, nhóm, viết blog,... trong cùng một ứng dụng duy nhất.
Hiện tại, Vietnamta cũng là một trong số ít các trang mạng xã hội Việt Nam vẫn còn hoạt động trên thị trường. Tuy nhiên, ứng dụng này cũng không nhận được quá nhiều sự yêu thích vì các tính năng khá giống với Facebook.
8. Hahalolo - Mạng xã hội của người Việt
Khác biệt với nhiều trang mạng hiện nay ở Việt Nam, Hahalolo là mạng xã hội chuyên về du lịch được phát triển bởi Công ty Cổ phần Mạng xã hội Du lịch Hahalolo và cho ra mắt vào tháng 06/2019. Chỉ sau hơn 1 tháng được ra mắt, ứng dụng này đã nhanh chóng cán mốc 500.000 người dùng. Đến nay, mạng xã hội Hahalolo vẫn còn hoạt động với nhiều mục tiêu to lớn hơn nữa trong tương lai.
Đặc điểm nổi bật:
- Là đơn vị trung gian cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch với khách hàng.
- Tích hợp mô hình dịch vụ du lịch trực tuyến và thương mại điện tử (e-commerce).
- Người dùng có thể dễ dàng kết bạn và trò chuyện với nhau mà không bị giới hạn về cả không gian lẫn thời gian.
9. Mạng xã hội Gapo
Gapo được ra mắt vào ngày 23/07/2019 và được sáng lập bởi Công ty cổ phần công nghệ Gapo (Gapo Technology). Với mục tiêu hướng đến là tạo ra một trang mạng xã hội dành cho giới trẻ Việt Nam, Gapo đã nhanh chóng tạo được ấn tượng lớn với người dùng khi thu hút tận 2 triệu người đăng ký chỉ sau 2 tháng vừa ra mắt. Đến tháng 11/2020 thì con số này lại tiếp tục tăng lên đến 6 triệu người dùng hàng tháng.
Đặc điểm nổi bật:
- Dễ dàng kết bạn theo vị trí.
- Sử dụng được trên nhiều nền tảng khác nhau.
- Kết hợp chức năng cá nhân hóa và trang trí bài viết cá nhân.
- Hệ thống biểu tượng cảm xúc cực kỳ ấn tượng do được thiết kế riêng.
- Tính năng định danh tài khoản chính chủ nên ngăn chặn tình trạng mạo danh, đánh cắp tài khoản.
Đến nay, Gapo vẫn là mạng xã hội Việt Nam được sử dụng phổ biến trong cộng đồng giới trẻ, nổi bật trong đó là các bạn học sinh, sinh viên. Thế nhưng hiện tại, mạng xã hội này đang đánh mất kha khá điểm trong mắt người dùng do một số lỗi chức năng cùng khâu kiểm định nội dung còn nhiều thiếu sót.
Thực trạng sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam
1. Các mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam
Kể từ khi xuất hiện từ năm 1997 cho đến nay, Internet đã tạo ra một cuộc cách mạng khi làm nên nhiều thay đổi lớn trong xã hội, kinh tế và cả chính trị. Cũng từ đây, nhiều hình thức giải trí trên mạng cũng theo đó mà trở nên phong phú và hiện đại hơn bao giờ hết. Theo số liệu của ComScore - công ty chuyên đo lường và đánh giá hiệu quả các giải pháp marketing trực tuyến đã cho biết, có đến hơn 30 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam. Trong đó, có khoảng 87,5% người đã và đang sử dụng mạng xã hội, phần lớn là giới trẻ ở độ tuổi từ 15 - 34.
Theo nhịp sống hiện đại, giới trẻ tại Việt Nam hiện nay cũng không cưỡng lại được trước sự phổ biến của mạng xã hội, bằng chứng là các trang mạng có độ phủ sóng toàn cầu như: Facebook, Tiktok, Instagram, Twitter, Youtube,... với nhiều tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, học tập, giao tiếp, tìm kiếm thông tin, kinh doanh,... của giới trẻ, thanh thiếu niên.
Trong danh sách các trang mạng xã hội kể trên thì Facebook chính là cái tên nổi bật nhất. Có thể nói, kể từ sau khi Yahoo chính thức bị khai tử, Zing Me bị thụt lùi thì Facebook chính thức chiếm lĩnh thị trường mạng xã hội tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Facebook, Việt Nam chính là quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội này tăng nhanh nhất trên thế giới với khoảng 35 triệu người dùng. Điều này cũng có nghĩa là số lượng người dùng đang chiếm hơn 1 / 3 dân số tại nước ta, trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là bộ phận giới trẻ.
Mặc dù Facebook rất phổ biến nhưng do nhu cầu và mục đích sử dụng đa dạng thì hầu như mỗi người đều sở hữu ít nhất hai mạng xã hội song song. Theo như kết quả khảo sát, Facebook đang đứng đầu với tỷ lệ 67% người dùng trên cả nước, theo sau là Youtube (56,3%), Instagram (24,5%),.... Tại Việt Nam, mặc dù có nhiều mạng xã hội phát triển nhưng cái tên nổi bật nhất lúc này chỉ có Zalo với 74,7 triệu người sử dụng vào tháng 02/2022. Trong khi đó, dân số của Việt Nam là khoảng 100 triệu người và ước tính có 75 triệu người sử dụng Internet. Như vậy, hầu như ai dùng Internet hiện nay cũng đều dùng Zalo như một công cụ nhắn tin, gọi điện và giải trí,....
2. Tại sao người Việt không chuộng dùng mạng xã hội Việt?
Trước tiềm năng của mạng xã hội mang lại, nhiều công ty tại Việt Nam cũng đã bắt đầu cho sáng lập các nền tảng của riêng mình. Tất nhiên, lúc mới ra mắt thì ai cũng sẽ kỳ vọng mạng xã hội của mình sẽ thu hút được người truy cập, đặc biệt là với sự ủng hộ của người Việt. Thế nhưng thực tế lại cho thấy, người dùng chỉ hứng thú với các mạng xã hội này trong một thời gian ngắn. Khi tìm ra lời giải đáp cho vấn đề này, không khó để chúng ta nhận ra có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, mạng xã hội Việt Nam chưa phát triển là do các công ty chưa có sự nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng về nhu cầu của người dùng. Chính vì vậy mà khi mạng xã hội được ra mắt, chúng không thể mang đến sự gần gũi, thân thiện như những ông lớn Facebook hay Youtube đã làm thành công trước đó.
Thứ hai, mạng xã hội của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh to lớn với nhiều đối thủ có tiếng tăm trên toàn cầu. Trong khi công nghệ của nước ta vẫn đang loay hoay tìm đường phát triển thì Facebook, Instagram hay Twitter đã đi trước đó hàng trăm ki lô mét. Đó là chưa kể, các trang mạng xã hội Việt Nam vẫn chưa thật sự sáng tạo, còn đi theo lối mòn nên không mang đến sự mới mẻ cho người dùng. Nếu không thay đổi thì lâu dần, hứng thú của người dùng chắc chắn sẽ giảm.
Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với các "gã khổng lồ" Facebook, Google?
Theo số liệu của Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam (Bộ TT&TT) cho biết, các nền tảng mạng xã hội đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay bao gồm: Facebook, Youtube, Instagram, Zalo và Mocha. Trong đó, chỉ có hai doanh nghiệp Việt Nam duy nhất góp mặt trong bảng xếp hạng này là Zalo và Mocha, đây cũng là hai mạng xã hội có quy mô đủ để cạnh tranh với các đối thủ từ nước ngoài.
Ngoài những doanh nghiệp đã được liệt kê ở trên, các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện thêm hai cái tên mới vào năm 2019 là Gapo và Lotus. Mặc dù nhận được nhiều lời khen ngay từ khi ra mắt và thu hút lượng truy cập cao trong thời gian ngắn nhưng tính đến thời điểm hiện tại, cả Gapo và Lotus vẫn đang dậm chân tại chỗ và chưa có bước tiến chuyển mình để chinh phục người dùng. Còn với Mocha, tuy lượng người sử dụng không thể sánh được với Zalo nhưng quy mô của nền tảng này đã tăng tới 2,67 lần so với hai năm trước đó. Điều này cũng cho thấy triển vọng của mạng xã hội này khi sánh đôi bên cạnh Zalo trong việc cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc tế.
Cơ hội nào cho các mạng xã hội Việt Nam tại thị trường trong nước?
Có một sự thật là hiện nay, tuy mạng xã hội không tốn phí tạo tài khoản nhưng bù lại, chúng sẽ thu thập dữ liệu người dùng. Điều này cũng có nghĩa, thay vì thanh toán bằng tiền thì người dùng sẽ phải trả các thông tin cá nhân cho mạng xã hội để có thể sử dụng sản phẩm.
Nếu bạn vẫn chưa tin thì Facebook chính là một ví dụ điển hình trong việc dùng dữ liệu người dùng để làm công cụ “hái ra tiền”. Ngay từ bước tạo tài khoản đầu tiên, mạng xã hội này đã yêu cầu người dùng phải cấp số điện thoại, email, tên, tuổi, giới tính, địa chỉ,.... Sau đó trong quá trình hoạt động, Facebook còn nghiễm nhiên thu thập thêm các vị trí, ghi nhớ thói quen, hành động và nội dung tìm kiếm của người dùng. Toàn bộ các thông tin này sẽ được sử dụng để phục vụ cho chiến dịch quảng cáo trả phí đúng đối tượng.
Tương tự như Facebook, Google cũng thực hiện theo cách này nhưng với quy mô bao quát hơn rất nhiều. Bạn có thể thấy, thông qua các công cụ như: Youtube, Google Search, Google Maps, Gmail,... gã khổng lồ này đã nhanh chóng nắm trong tay một nguồn dữ liệu khổng lồ đến từ người dùng.
Vậy liệu có cách nào đảm bảo rằng nguồn dữ liệu khủng từ người dùng sẽ được phục vụ cho những mục đích lành mạnh. Vụ bê bối Cambridge Analytica liên quan tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 là minh chứng cho những hiểm họa lớn về vấn đề an ninh từ mạng xã hội. Theo đó, công ty Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu của ít nhất 50 triệu người dùng Facebook với mục tiêu quảng cáo cho khách hàng và cả chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump.
Chính scandal này của Facebook đã khiến cho nhiều chính phủ của các quốc gia cảm thấy lo ngại về vấn đề nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Đây cũng là lý do vì sao mà Trung Quốc, Triều Tiên gần như ngăn cấm hoàn toàn sự hiện diện của các nền tảng nước ngoài như: Facebook, Youtube, Google,....
Cũng có một số quốc gia cho phép các nền tảng này hoạt động, nhưng họ lại giải quyết bằng cách đưa mạng xã hội trong nước lên cạnh tranh một cách sòng phẳng. Nga, Hàn Quốc là hai trong số các quốc gia thành công trong việc đưa thị phần mạng xã hội nội địa chiếm ưu thế trong nước với VK (Vkontakte) và Kakaotalk, Naver,....
Còn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê cho thấy thì Facebook hiện đang có 60 triệu người sử dụng thường xuyên. Điều này có nghĩa, với 74,7 triệu người dùng thì Zalo đã vượt mặt Facebook về số lượng người sử dụng thường xuyên. Lý do là vì Facebook thu hút đến 90% giới trẻ tại Việt Nam trong độ tuổi từ 16 - 35 thì Zalo còn được yêu thích bởi nhóm người trung niên, cao tuổi vì giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Như vậy, cũng giống như Nga và Hàn Quốc, Việt Nam cũng đã tìm ra con đường riêng để bảo vệ cho “bộ não của người Việt” bằng cách thúc đẩy sự phát triển của nền tảng mạng xã hội nội địa.
Một điểm thứ hai mà các bạn cũng cần phải biết đó là mạng xã hội nước ngoài tại Việt Nam chỉ phục vụ cho lĩnh vực giải trí, thu hút người dùng để qua đó kiếm tiền bằng cách quảng cáo. Chính vì vậy mà các nền tảng này vẫn chưa thật sự đi sâu vào thị trường ngách của từng quốc gia cũng như các sản phẩm, dịch vụ. Nhưng so với Facebook, Youtube, Instagram hay Tiktok, mạng xã hội tại Việt Nam dù ra đời sau nhưng lại nhắm tới thị trường ngách với đối tượng hướng đến là người dùng trong nước.
Ví dụ, Zalo là mạng xã hội của người Việt nên nền tảng này sẽ tập trung vào tệp database có sẵn để từ đó tăng cường thêm trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, Zalo cũng có thể thu thập được insight của khách hàng để qua đó mang tới những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tiêu chí của người Việt.
Với những thông tin mà Phương Nam Vina vừa chia sẻ trên đây, hi vọng các bạn sẽ nắm được danh sách các mạng xã hội Việt Nam do người Việt phát triển. Mặc dù tốc độ phát triển nhanh nhưng không thể phủ nhận, hiện nay vẫn còn nhiều bình luận chỉ trích, so sánh mạng xã hội Việt Nam với những ông lớn khác. Điều này không chỉ tạo ra sức ép với những nhà sáng lập mà còn là một sự so sánh đầy khập khiễng về nhiều mặt.
Vậy nên, thay vì phải đào sâu vào vấn đề mạng xã hội Việt Nam sẽ trở thành đối thủ so với Facebook, Google,... các doanh nghiệp Việt Nam hãy tự tin xây dựng các mạng xã hội của riêng mình để tạo ra một lượng người trung thành, từ đó hòa nhịp vào sự phát triển của thế giới. Tin chắc rằng, một khi công nghệ của Việt Nam vẫn còn phát triển thì trong tương lai không xa, chúng ta sẽ đón nhận một mạng xã hội nội địa đúng nghĩa như cách mà Zalo đang làm hiện tại.