Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sở hữu nhiều tên miền cho một website mà không tốn nhiều chi phí hay gặp khó khăn trong quá trình quản lý chưa? Đây vốn tưởng chừng là điều không thể thì nay đã trở thành hiện thực với Alias - một công cụ bí mật giúp gia tăng độ nhận diện thương hiệu và giúp website thu hút khách hàng tiềm năng hiệu quả. Vậy Alias là gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn trong nội dung dưới đây nhé.
- Alias là gì?
- Alias domain là gì?
- Đặc điểm của Alias domain
- Những lợi ích Alias domain mang lại cho website
- Nên sử dụng Aliases lúc nào?
- Hình thức hoạt động của Alias domain
- Hướng dẫn cấu hình Aliases trong Cpanel
- So sánh chức năng của domain, subdomain, Addon domain và Alias domain
- Những lưu ý quan trọng khi sử dụng Alias domain
- Một số câu hỏi thường gặp về Aliases domain
Alias là gì?
Alias là một thuật ngữ trong tiếng Anh và có nghĩa là “bí danh” hoặc “tên gọi khác”. Còn ở trong lĩnh vực công nghệ thông tin, "Alias" được hiểu là tên gọi bổ sung hoặc thay thế cho một tập tin, lệnh, địa chỉ, tên miền hay trang web. Thông thường, thuật ngữ này sẽ được hiểu là Alias domain - một loại Alias thịnh hành thuộc lĩnh vực web hosting.
Alias domain là gì?
Trong ngôn ngữ của công nghệ thông tin, Alias là tên miền phụ của một tên miền chính nhưng lại có cấu trúc hoàn toàn tương tự với domain chính. Do đó, khi truy cập vào Alias/Parked Domain hoặc tên miền chính thì bạn sẽ nhận được cùng một nội dung y hệt dù đang ở trên hai trang web khác nhau.
Khi người dùng truy cập website bằng Alias domain, họ sẽ nhanh chóng được điều hướng đến trang web chính mà không cần phải điều chỉnh URL trên trình duyệt. Chẳng hạn, nếu bạn đang sở hữu một website với tên miền chính là phuongnamvina.com thì hoàn toàn có thể tạo thêm một web Alias như myphuongnamvina.com, sau đó liên kết nó với trang phuongnamvina.com.
Hiện nay, website alias còn được người trong ngành gọi bằng những cái tên khác như tên miền xếp chồng hay con trỏ tên miền tới gốc. Bởi lẽ, nếu website là ngôi nhà, tên miền là cửa chính thì Aliases sẽ giống như nhiều cánh cửa phụ khác nhau để đưa người dùng đến domain chính.
Đặc điểm của Alias domain
Với khả năng điều hướng người dùng đến website chính thông qua các tên miền phụ, Alias domain thường được sử dụng để phục vụ cho các mục đích như:
- Tạo ra các phiên bản website khác nhau cho từng khu vực: Bạn có thể tạo ra nhiều phiên bản khác nhau cho website của mình dựa vào các khu vực địa lý. Ví dụ, bạn có thể đăng ký các Alias domain như phuongnamvina.vn hay phuongnamvina.co.uk để phục vụ cho tệp khách hàng ở thị trường Việt Nam và Anh Quốc.
- Tạo nhiều phiên bản website cho từng thiết bị: Với web Alias, bạn có thể đăng ký các tên miền phụ khác nhau như phuongnamvina.tv, phuongnamvina.app hoặc phuongnamvina.mobi,... để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trên tivi, ứng dụng, điện thoại hoặc máy tính,...
- Tạo các landing page khác nhau cho từng chiến dịch tiếp thị: Nhờ có Alias domain mà bạn có thể tạo ra nhiều landing page với các tên miền như phuongnamvina.gift, phuongnamvina.sale hoặc phuongnamvina.promo,... để quảng bá các chương trình tặng quà, bán hàng hoặc khuyến mãi,....
- Tạo ra các tên miền cô đọng và dễ nhớ: Bạn có thể tạo ra cho mình các tên miền phụ ngắn gọn, dễ nhớ nếu như tên miền chính khá dài và phức tạp. Ví dụ, bạn có thể đăng ký một website Alias với tên miền pnvn.com và trỏ nó đến tên miền chính là phuongnamvina.com.
Những lợi ích Alias domain mang lại cho website
Việc sử dụng web Alias chắc chắn sẽ mang đến cho website của bạn rất nhiều lợi ích khác nhau. Trong đó, nổi bật cần phải kể đến những điểm nổi bật dưới đây:
- Nâng cao nhận diện thương hiệu: Bằng cách sử dụng nhiều tên miền khác nhau để truy cập vào cùng một trang web, bạn sẽ tạo ra sự tiện lợi cho người dùng và mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng Alias domain để tạo ra các thương hiệu mới cho sản phẩm / dịch vụ mà không cần phải xây dựng một trang web riêng biệt.
- Thuận tiện cho quảng cáo: Với Alias domain, bạn có thể áp dụng để chạy quảng cáo cho các sự kiện hoặc một số chương trình tạm thời mà không cần phải điều chỉnh website chính của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang áp dụng chương trình khuyến mãi cho các sản phẩm / dịch vụ của mình thì có thể sử dụng Alias với tên miền có đuôi .sale phía sau.
- Giảm chi phí duy trì: Nhờ việc sử dụng Alias mà bạn chỉ cần duy trì một tài khoản hosting và một cơ sở dữ liệu cho nhiều tên miền khác nhau, qua đó giúp tiết kiệm thời gian quản lý và chi phí vận hành website hiệu quả.
Nên sử dụng Aliases lúc nào?
Các chức năng của Aliases thường được hỗ trợ trên Windows hosting, trong khi Parked domain thường xuất hiện trên Linux hosting. Chính vì thế mà bạn sẽ thấy hai chức năng này được áp dụng phổ biến trong các tình huống dưới đây:
- Sử dụng nhiều địa chỉ tên miền cho một website: Khi bạn muốn sử dụng nhiều địa chỉ tên miền cùng lúc trên một trang web thì việc sử dụng Aliases chính là giải pháp hiệu quả. Ví dụ, thay vì phải nhập địa chỉ dài như "facebook.com" thì người dùng giờ đây chỉ cần gõ "fb.com" là có thể truy cập được vào mạng xã hội này.
- Sử dụng một tài khoản email với nhiều đuôi tên miền khác nhau: Khi bạn muốn một tài khoản email có thể sử dụng được với nhiều đuôi tên miền khác nhau thì Aliases cũng là một sự lựa chọn phù hợp. Ví dụ, nếu bạn đang sở hữu khoảng 10 tài khoản tên miền phụ là @domain.com nhưng lại muốn nhận email bằng tên miền chính, đồng thời đăng ký dịch vụ email doanh nghiệp với tên miền @domain.com.vn thì Aliases sẽ giúp bạn nhanh chóng giải quyết các vấn đề về truy cập. Theo đó, người dùng không cần phải đăng nhập vào từng tài khoản riêng lẻ để kiểm tra email mà chỉ cần mở hộp thư trên email chính là có thể tổng hợp lại toàn bộ.
Hình thức hoạt động của Alias domain
Về cơ bản, Alias domain sẽ hoạt động bằng cách thêm một tên miền mới vào hệ thống hosting của tên miền gốc. Khi đó, Alias Domain sẽ chạy chung cùng một cấu trúc file hoặc thư mục với tên miền gốc với 2 loại mã nguồn cùng 2 URL riêng biệt.
Hai URL này có thể hoạt động độc lập hoặc không, nhưng khi URL bắt đầu chạy dữ liệu từ lần thứ hai trở đi thì nó sẽ phụ thuộc vào cấu hình URL của mã nguồn mà tên miền gốc sử dụng. Ví dụ: Nếu bạn có một tên miền chính là phuongnamvina.com và một tên miền Alias là pnvn.com thì khi truy cập vào pnvn.com, nó sẽ chạy dữ liệu đồng thời với phuongnamvina.com và sử dụng cùng cấu trúc file và thư mục. Tuy nhiên, khi người dùng truy cập vào URL này từ lần thứ hai trở đi thì nó sẽ phụ thuộc vào cấu hình URL của phuongnamvina.com.
Hướng dẫn cấu hình Aliases trong Cpanel
Trong Web Host Manager (WHM) của cPanel, mỗi tài khoản hosting đều đi kèm với một domain và được gọi là domain gốc hoặc domain chính của host. Do đó, khi muốn thêm một domain mới chạy trên cùng một host với domain gốc thì bạn cần sử dụng chức năng Aliases.
Chức năng Aliases này sẽ được cung cấp sẵn trong phần Domain của giao diện quản trị cPanel ngay sau khi bạn đăng nhập vào hệ thống. Vì vậy, để cấu hình Aliases trong cPanel thì bạn hãy thực hiện theo các bước sau:
1. Tạo Aliases domain trong Cpanel
Trước khi bắt đầu tạo Aliases trong cPanel, có một điều quan trọng mà bạn cần chắc chắn đó là tên miền của mình đã được kết nối đúng với hosting đã cấu hình. Nếu tên miền chưa được trỏ đến đúng hosting thì quá trình cấu hình Aliases sẽ không thể tiến hành. Đồng thời, tên miền cũng cần được đăng ký từ một nhà cung cấp uy tín bởi cPanel có thể từ chối thêm Aliases nếu phát hiện tên miền không hợp lệ. Sau khi đã đáp ứng được yêu cầu trên thì để tạo Aliases, bạn cần thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản hosting của bạn và chọn mục "DOMAINS", sau đó chọn chức năng Aliases.
Bước 2: Nhập tên miền Aliases mới và nhấn vào "Add Domain" (thêm tên miền). Nếu tên miền được chấp nhận thì bạn sẽ thấy thông tin đăng ký của nó được hiển thị cùng với các thông tin khác.
2. Chỉnh sửa Aliases trong Cpanel
Các Aliases (tên miền bí danh) sau khi đã được thêm vào trong cPanel thì có thể dễ dàng chỉnh sửa hoặc thay đổi bất kỳ khi nào bạn muốn. Để làm được điều này, bạn cần thực hiện theo hướng dẫn của 3 bước sau:
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản cPanel và chọn mục Aliases trong phần "DOMAINS".
Bước 2: Chọn "Manage Redirection" từ danh sách các tên miền đã được thêm vào.
Bước 3: Trong giao diện quản lý chuyển hướng, bạn có thể tùy chỉnh các Alias Domain theo ý muốn và sau đó nhấn "Save" để hoàn tất quá trình chỉnh sửa.
3. Tìm kiếm Aliases domain trong Cpanel
Khi bạn đã tạo ra nhiều Aliases và cần chỉnh sửa một tên miền bí danh cụ thể trong số đó thì việc tìm kiếm có thể trở nên phức tạp. Vậy nên, để dễ dàng và thuận tiện hơn trong quá trình tìm kiếm Aliases thì bạn có thể nhập từ khóa cần tìm vào ô tìm kiếm và nhấn nút Go.
4. Xóa Aliases domain trong Cpanel
Trong trường hợp không còn cần sử dụng các tên miền Aliases nữa thì bạn có thể dễ dàng xóa chúng từ trình quản lý, cụ thể:
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản cPanel và tìm kiếm chức năng Aliases trong phần "DOMAINS".
Bước 2: Chọn tên miền bạn muốn xóa và nhấn vào nút "Remove" để loại bỏ Aliases tương ứng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tận dụng tính năng tìm kiếm Aliases kết hợp với chức năng xóa Aliases trong cPanel để tìm kiếm và xóa Aliases một cách thuận tiện. Để đảm bảo không bị thao tác nhầm thì bạn hãy xác nhận lại một lần nữa trước khi xóa tên miền Aliases.
So sánh chức năng của domain, subdomain, Addon domain và Alias domain
Các thuật ngữ Domain, Subdomain, Addon Domain và Alias/Parked Domain đều là những khái niệm có mối liên quan mật thiết đến việc quản lý tên miền và hosting trên Internet. Tuy nhiên thực tế thì giữa chúng đều sẽ có các chức năng khác nhau và để phân biệt, bạn hãy cùng tìm hiểu tiếp nội dung dưới đây:
- Domain: Đây là tên miền chính đại diện cho website của bạn và có vai trò xác định địa chỉ trang web trên Internet. Hiện nay, mỗi domain sẽ được đăng ký và quản lý bởi một công ty đăng ký tên miền (domain registrar), người dùng cũng thường nhập domain để truy cập vào một website cụ thể.
- Subdomain: Là tên miền phụ thuộc vào tên miền chính và được dùng phổ biến để chia trang web thành nhiều phần khác nhau. Về cơ bản, subdomain vừa có thể được dùng để xây dựng những website riêng biệt, vừa áp dụng cho việc phân chia các nội dung trên một trang web lớn.
- Addon Domain: Là một tên miền độc lập được thêm vào trong cùng một tài khoản hosting, Addon Domain cho phép người dùng có thể quản lý nhiều trang web khác nhau. Mỗi trang web này đều sẽ có tên miền riêng biệt và không phụ thuộc vào tên miền chính của hosting.
- Alias / Parked Domain: Đây là một tên miền phụ được sử dụng để tạo ra các đường dẫn thay thế để chuyển hướng người dùng đến tên miền chính hoặc tên miền Addon. Chức năng của Alias / Parked Domain là giúp cho việc quản lý và truy cập trang web trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là khi bạn muốn sử dụng nhiều tên miền khác nhau để truy cập vào cùng một trang web.
Những lưu ý quan trọng khi sử dụng Alias domain
Mặc dù mang đến nhiều loại ích khác nhau nhưng khi sử dụng Alias domain, bạn cũng cần phải lưu ý đến một số vấn đề quan trọng sau:
- Tránh trùng lặp nội dung: Khi sử dụng nhiều tên miền để truy cập vào cùng một trang web thì rất có thể, bạn sẽ gặp phải các vấn đề về trùng lặp nội dung, khiến cho quá trình SEO bị ảnh hưởng và có thể gây tác động xấu đến thứ hạng của website. Do đó, để giải quyết vấn đề này thì bạn có thể sử dụng thẻ meta canonical để chỉ định tên miền chính cho trang web hoặc áp dụng chuyển hướng 301 để định tuyến các tên miền phụ về tên miền chính.
- Chú ý đến SEO: Trong quá trình sử dụng Alias domain, bạn cũng cần phải quan tâm đặc biệt đến các yếu tố SEO như từ khóa, tiêu đề, mô tả, liên kết,... để tối ưu web hiệu quả. Đồng thời đừng quên lựa chọn tên miền có liên quan đến nội dung, mục tiêu của trang web nhằm giúp người dùng và công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về nội dung của website.
Một số câu hỏi thường gặp về Aliases domain
Bên cạnh những thông tin vừa được chia sẻ thì ngay dưới đây, chúng tôi cũng sẽ giúp bạn làm rõ thêm về một số câu hỏi đang nhận nhiều sự quan tâm của người dùng.
1. Có nên thêm alias domain khi đã có subdomain, addon domain?
Mặc dù đều là tên miền nhưng khái niệm Alias domain hoàn toàn khác biệt với subdomain và addon domain. Theo đó, Alias domain chính là các tên miền thứ cấp và được sử dụng như là bí danh của tên miền chính. Mặc dù có hai tên miền riêng biệt nhưng thực tế thì chúng chỉ trỏ về cùng một trang web.
Ngược lại, addon domain và subdomain là các tên miền phụ độc lập đã được tách ra từ tên miền chính, đồng thời được lưu trữ các thư mục riêng trên cùng một server. Về cơ bản, cả hai loại tên miền này đều không có bất kỳ liên kết nào với tên miền chính, cũng như có thể chứa các nội dung hoàn toàn riêng biệt.
2. Lý do có 2 cách gọi Parked domain / Alias domain cho cùng 1 thuật ngữ?
Tùy thuộc vào hệ điều hành và giao diện quản lý hosting mà người dùng có thể bắt gặp các thuật ngữ khác nhau để chỉ Alias/Parked domain. Cụ thể như trong hệ điều hành Linux, đặc biệt là trong giao diện quản lý hosting Cpanel thì người dùng sẽ sử dụng thuật ngữ "Parked Domain" để chỉ tên miền Alias/Parked domain. Còn với hệ điều hành Windows, thuật ngữ "Alias domain" lại thường được dùng phổ biến hơn để mô tả cách sử dụng tên miền Alias/Parked domain.
3. Liệu có nên sử dụng nhiều Aliases domain không?
Trên thực tế, quyết định sử dụng nhiều Aliases domain phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp. Nếu muốn tránh tình trạng giả mạo hoặc đánh cắp thương hiệu, việc mua và sử dụng nhiều tên miền phụ như: .com, .net, .org, .com.vn, .vn để chuyển hướng về domain chính có thể là một sự lựa chọn hữu ích đối với website doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp của bạn không muốn tốn kém nhiều chi phí thì có thể sử dụng Alias domain và trỏ tất cả chúng về tên miền chính của mình.
Trên đây là những thông tin về Alias domain mà Phương Nam Vina muốn chia sẻ đến bạn. Không thể phủ nhận, việc tạo ra các web Alias đã mang đến cho website doanh nghiệp rất nhiều lợi ích khác nhau và nâng cao hình ảnh thương hiệu đến mọi đối tác, khách hàng cả trong nước lẫn quốc tế. Vì vậy, tùy thuộc vào mục tiêu của doanh nghiệp là gì mà bạn có thể lựa chọn và sử dụng Alias sao cho thật hiệu quả, chính xác.
Tham khảo thêm:
Apache là gì? Những điều cần biết về Apache web server