Influencer marketing là gì? 5 bước triển khai hiệu quả

Trong cuộc sống hiện đại, khi mà những hình thức tiếp thị truyền thống đang dần bị lãng quên thì các xu hướng marketing online đã nhanh chóng thay thế để trở thành bá chủ. Nếu như trước kia, các doanh nghiệp thường chủ yếu thuê diễn viên, ca sĩ nổi tiếng để làm hình ảnh thương hiệu cho mình thì giờ đây, họ thích việc sản phẩm, dịch vụ của mình được PR bởi những người có tầm ảnh hưởng. Đó không nhất thiết phải là các ngôi sao hàng đầu trong ngành giải trí mà đơn giản có thể là những người sở hữu lượng follow lớn như các blogger, vlogger.

Trong lĩnh vực tiếp thị, họ được biết đến với tên gọi influencer - người có sức ảnh hưởng đến một cộng đồng và là một “kênh” truyền thông được yêu thích nhất hiện nay. Vậy influencer marketing là gì? Làm cách nào để doanh nghiệp có thể triển khai chiến lược influencer marketing hiệu quả? Theo dõi nội dung dưới đây để cùng chúng tôi giải đáp rõ hơn về xu hướng tiếp thị đang bùng nổ này nhé.


Influencer marketing là gì? 5 bước triển khai hiệu quả
 

Influencer là gì?

Hiểu một cách đơn giản nhất thì influencer chính là những người có tiếng nói và sức ảnh hưởng, chủ yếu là trên các nền tảng trực tuyến. Bằng “trọng lượng” của mình, họ cho thấy được khả năng tác động đến suy nghĩ và hành vi đưa ra quyết định của những người trong cộng đồng của mình hay thuộc một phạm vi lớn hơn. Ngoài thuật ngữ social media influencer chỉ những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thì digital influencer cũng là một khái niệm mà chúng ta cần nắm rõ bởi họ là những người sáng tạo nội dung trên tất cả các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, bao gồm cả social media, website cho đến mobile app,....

Những chủ đề mà các influence hay chia sẻ thường xoay quanh lối sống, du lịch, làm đẹp, thời trang hay ẩm thực,.... Thông qua những nội dung được đăng tải trên các kênh truyền thông, họ sẽ thu hút được một lượng lớn người theo dõi và được định vị là người đáng tin cậy. Tùy thuộc vào sự yêu mến, ủng hộ của mọi người mà các influence trên thị trường sẽ có sức ảnh hưởng nhất định và sự chênh lệch không giống nhau.

Họ có thể chỉ là những người bình thường sau đó trở nên có sức ảnh hưởng từ các nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội dựa vào địa vị, mối quan hệ hay kiến thức. Hoặc đó cũng có thể là những người nổi tiếng được nhiều người biết đến như MC Trấn Thành, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc hay ca sĩ Mỹ Tâm,.... Chính sự khác biệt này mà các doanh nghiệp đã quyết định chia influencer thành ba loại riêng biệt, bao gồm:

- VIPs / Celebrities (Người nổi tiếng / Người của công chúng): những người có danh tiếng và thu hút được sự chú ý của truyền thông lẫn công chúng như ca sĩ, diễn viên, MC, người mẫu, vận động viên,....

- Professional Influencers (Người có kiến thức chuyên môn cao trong lĩnh vực): đây là những chuyên gia trong lĩnh vực có sức ảnh hưởng bởi kiến thức chuyên môn cao. Họ cũng xây dựng được cho mình mức độ tin tưởng cao từ người dùng và khả năng liên kết ngành hàng cao.

- Citizen Influencers (Người có trên 5000+ friends và followers): họ là những người thường xuyên chia sẻ về ngành hàng và tạo được nhiều sự chú ý. Hoặc là những người tiêu dùng có chia sẻ về ngành hàng khi sử dụng hoặc kinh nghiệm đánh giá về sản phẩm.

Việc hiểu được khái niệm influencer là gì sẽ giúp các bạn tránh đi sự nhầm lẫn với khái niệm (Key Opinion Leader). Theo đó, KOL là những người có kiến thức, chuyên môn cao về một lĩnh vực nào và thậm chí, họ cũng không cần phải sử dụng các trang mạng xã hội nhưng nhiều người vẫn biết đến họ. Ví dụ, Shark Phạm Thanh Hưng không phải là một influencer nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng lại là một KOL điển hình trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ thông tin và kỹ thuật. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và tư duy của mình, Shark Hưng đã nhanh chóng được nhiều người biết đến khi họ có mối quan tâm dành riêng cho các ngành nghề này.


Influencer là gì?
 

Influencer marketing là gì?

Influencer marketing là một hình thức tiếp thị sử dụng chính những người có tầm ảnh hưởng để truyền tải thông điệp của nhãn hàng đến với công chúng. Thay vì phải sử dụng nhiều hình thức quảng cáo để tiếp cận với một nhóm khách hàng cụ thể, doanh nghiệp sẽ trả tiền cho những người có sức ảnh hưởng để họ thực hiện điều đó.

Ngày nay, khi niềm tin của người tiêu dùng đang trở thành một chìa khóa thành công cho thương hiệu thì lúc này, việc tự giới thiệu sản phẩm / dịch vụ đến với khách hàng tiềm năng vẫn chưa đủ. Đây cũng chính là lý do influencer marketing được xem như là một xu hướng mới của ngành truyền thông, quảng cáo. Theo nghiên cứu và nhận định từ SEMrush, thị trường influencer marketing đã mang đến giá trị là 15 tỷ đô vào năm 2022. Bạn có thể trực tiếp lên Google Trends và gõ cụm từ “influencer marketing” để thấy được sự tăng trưởng mà nó mang lại lớn như thế nào.


Influencer marketing
 

Tầm quan trọng của influencer trong chiến dịch marketing thương hiệu

Ngày nay, các chiến lược influencer marketing đang dần trở nên phổ biến và được ứng dụng rất nhiều. Thông qua những trải nghiệm thực tế, influencer sẽ cung cấp tiếng nói về những cảm nhận cá nhân của mình về một sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.

Hiểu theo cách ngắn gọn thì họ sẽ đóng vai trò là “bên thứ ba” và cung cấp những thông tin, kiến thức một cách tự nhiên, gần gũi đến với nhóm người xem. Qua đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về một thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ, từ việc ngờ vực, do dự và sau đó là bắt đầu thừa nhận và sẵn sàng dùng thử. Bởi lẽ, nếu họ chỉ là một người bình thường đứng lên giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ thì phần trăm mà khách hàng tin tưởng sau khi nghe tiếp thị là rất thấp. Đó chính là lý do vì sao mà việc sử dụng influencer online marketing sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được lòng tin chắc chắn hơn đối với khách hàng.

Ngoài ra, những người ảnh hưởng cũng có một lượng fan nhất định của mình trên cộng đồng. Khi hợp tác với họ thì tức là doanh nghiệp đã có sẵn cho mình được một tệp khách hàng tiềm năng từ chính người hâm mộ của influencer đó. Đây là một lợi ích vô cùng quan trọng bởi nếu doanh nghiệp của bạn mới vừa thành lập hay có quy mô nhỏ thì việc tiếp cận, xây dựng lòng tin với khách hàng sẽ khó hơn rất nhiều so với những đối thủ đi trước. Vì thế, việc tận dụng triệt để tiếng nói và độ hot của influencer sẽ giúp chúng ta phát triển chiến lược kinh doanh tốt hơn, qua đó giúp việc tiếp cận khách hàng trở nên nhanh chóng, đơn giản.

Đồng thời, với sự sụp đổ của các hình thức tiếp thị truyền thống thì việc tận dụng người có sức ảnh hưởng được xem là một chiến lược marketing đúng đắn khi người tiêu dùng ngày càng trở nên thờ ơ với các TVC, quảng cáo,.... Thay vào đó, họ muốn tự mình có thể nghiên cứu, tìm hiểu và trực tiếp lắng nghe từ những người mà bản thân cảm thấy tin tưởng, điển hình như những người có sức ảnh hưởng mà mình đang theo dõi. Một khi influencer xây dựng được lòng tin nơi khách hàng về sản phẩm, dịch vụ đang quảng cáo thì chắc chắn, doanh nghiệp của bạn sẽ tạo được sự khác biệt rất lớn so với đối thủ trong thị trường cạnh tranh hiện nay.


Khái niệm influencer
 

Ưu nhược điểm của influencer marketing

Marketing thông qua những người có sức ảnh hưởng đang dần tạo nên một xu hướng và mang lại các kết quả đầy khởi sắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bất kể là điều gì thì đều sẽ mang tính chất mặt phải - mặt trái và phương thức này cũng vậy. Do đó, nếu muốn triển khai tốt chiến lược influencer marketing này thì doanh nghiệp cần hiểu rõ những ưu nhược điểm của nó để tạo nên những kế hoạch cho riêng mình.

1. Ưu điểm của Influencer marketing

- Không cần ngân sách lớn: Nếu bạn không có nhiều ngân sách cho quảng cáo thì việc lựa chọn influencer marketing là giải pháp hoàn hảo. Tùy thuộc vào mục tiêu tiếp thị và ngân sách có thể chi trả, doanh nghiệp sẽ lựa chọn các influencer phù hợp bởi không phải người ảnh hưởng nào cũng có chi phí quá cao.

- Đạt được sự tin tưởng của người tiêu dùng: Để có thể duy trì và xây dựng một cộng đồng những người hâm mộ của mình, các influencer phải thường xuyên tương tác cũng như giao lưu với họ để xây dựng mối quan hệ thân thiết và sự tin tưởng của khán giả, từ đó dễ dàng chia sẻ về sản phẩm, dịch vụ để mọi người đón nhận một cách tự nhiên nhất.

- Tác động đến việc mua hàng của người tiêu dùng: Khi cộng tác cùng những influencer phù hợp với thương hiệu của bạn, doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các khách hàng mục tiêu. Chính những lời nhận xét, giới thiệu và đánh giá của các influencer sẽ tác động tích cực đến việc mua hàng của nhóm đối tượng này.

- Mở rộng phạm vi tiếp cận: Khi đã lựa chọn được influencer phù hợp với sản phẩm thì chắc chắn, thương hiệu của bạn sẽ dễ dàng tiếp cận được một lượng lớn người dùng, có thể là hàng nghìn hay thậm chí hàng triệu người tùy thuộc vào lượt theo dõi của influencer. Cũng chính từ đây, cơ hội để doanh nghiệp tạo ra đơn hàng là hoàn toàn không giới hạn.

2. Nhược điểm Influencer marketing

- Hợp tác với Influencer không phù hợp: Nếu bạn cộng tác với một người có sức ảnh hưởng không phù hợp, điều đó có thể gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cũng như danh tiếng của doanh nghiệp. Vậy nên, bạn cần nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn influencer phù hợp cho thương hiệu của mình.

- Khó đo lường kết quả: Để biết được liệu một chiến lược tiếp thị có thật sự hiệu quả hay không sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào khâu đo lường. Vậy nên, dù cho bạn có thật sự tìm được một influencer phù hợp đi chăng nữa nhưng nếu không thực hiện việc đo lường thì chiến dịch đó cũng không thể nào đạt được thành công.


Influencer online marketing
 

6 hình thức influencer marketing phổ biến hiện nay

1. Nội dung được tài trợ - Sponsored Content

Với nội dung được tài trợ, influencer online marketing và thương hiệu sẽ tiến hành hợp tác cùng nhau trong khoảng một thời gian ngắn, chủ yếu là một vài bài đăng trên kênh social media của người có sức ảnh hưởng. Thông thường, thương hiệu sẽ tiến hành gửi một bản tóm tắt nội dung của chiến dịch để influencer nắm bắt và sau đó, chính họ (influencer) sẽ là người quyết định nội dung và hình thức của bài viết. Bởi cũng chỉ có họ mới hiểu được đặc điểm, tính cách của những người theo dõi mình để từ đó tạo ra nội dung, phương thức quảng bá phù hợp.

2. Đánh giá sản phẩm - Review

Ngoài việc cho đăng tải bài viết, các influencer cũng có thể thực hiện nhiệm vụ đánh giá sản phẩm hoặc dịch vụ trên các kênh social media của mình. Lúc này, thương hiệu sẽ có vai trò cung cấp sản phẩm, dịch vụ miễn phí cho những người có sức ảnh hưởng và họ sẽ cho đăng một bài đánh giá, nhận xét (review) cụ thể, đồng thời giải đáp toàn bộ thắc mắc cho những người theo dõi của mình được biết.

Một trong số những ví dụ tiêu biểu nhất của hình thức review này đó chính là các video unbox hay còn gọi là video “đập hộp”. Trong đó, các influencer sẽ chưa được nhìn thấy sản phẩm trước đó và tất nhiên, họ cũng chưa sử dụng bao giờ. Chính điều này sẽ mang đến cho người xem những lời đánh giá, nhận xét vô cùng chân thật về sản phẩm để qua đó xây dựng được lòng tin từ họ.

3. Cuộc thi và quà tặng - Competition and giveaways

Việc tổ chức cuộc thi và kèm theo quà tặng chính là một trong những cách để bài đăng của thương hiệu trên các kênh social media của influencer nhận được nhiều sự tương tác từ phía người theo dõi. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dùng về sản phẩm, thương hiệu và thường phù hợp đối với những doanh nghiệp mới thành lập. Một số cuộc thi và quà tặng phổ biến hiện nay gồm có:

- Tham gia trực tiếp trên bài đăng của Influencer: đây là hình thức để followers like bài viết, bình luận, hashtag trong hình ảnh hay tag bạn bè vào post.

- Tham gia với thương hiệu bên ngoài post: like và theo dõi kênh social media của thương hiệu hoặc truy cập website để đăng ký thông tin qua biểu mẫu (forms) hay danh sách email (mailing list).

4. Hợp tác sản phẩm và nội dung - Product and content collaborations

Loại hình influencer marketing này thường được áp dụng cho ngành công nghiệp thời trang và chăm sóc sắc đẹp là chủ yếu. Tại đây, các influencer sẽ là người tạo ra dòng sản phẩm làm đẹp, phụ kiện thời trang hoặc quần áo từ chính thương hiệu riêng của mình sau khi đã xây dựng được một cộng đồng những người yêu thích sản phẩm. Sau đó, với sức ảnh hưởng của mình thì các influencer sẽ trực tiếp quảng bá cho thương hiệu và kêu gọi hành động một cách trực tiếp, rõ ràng đến những người theo dõi họ.

5. Đại sứ dài hạn - Long term ambassadors

Giống như những người nổi tiếng thường làm phát ngôn viên cho chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp, influencer cũng sẽ làm đại “đại sứ” của thương hiệu trong một khoảng thời gian dài. Thông thường, thời gian hợp tác giữa “đại sứ” và thương hiệu thường kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm và sức ảnh hưởng của họ sẽ giúp doanh nghiệp của bạn luôn là sự ưu tiên hàng đầu của những người theo dõi influencer.

6. Tiếp quản nền tảng của thương hiệu - “Takeovers” on your platform

Đây là hình thức mà các influencer sẽ tiếp quản kênh social media của thương hiệu trong khoảng thời gian ngắn. Họ sẽ thường trực tiếp chia sẻ những câu chuyện đầy thú vị về hội trường hoặc cuộc sống hàng ngày của mình thông qua các bài post, video để lôi cuốn người dùng quan tâm, tham gia vào. Hiện nay, Snapchat đang là nền tảng social media duy nhất trên thị trường cho phép tài khoản thương hiệu có thể đăng tải những nội dung được tiếp quản của người có sức ảnh hưởng mà không cần phải đăng nhập.


Influencer marketing tại Việt Nam
 

Quy trình 5 bước thiết kế chiến dịch influencer marketing

Xét về bản chất, influencer marketing thật ra cũng giống những campaign (chiến dịch) thông thường. Trong đó, người ảnh hưởng sẽ có vai trò là một kênh truyền thông đại diện cho doanh nghiệp và để đạt được thành công, bạn cần tiến hành thiết kế chiến dịch influencer marketing theo quy trình gồm 5 bước sau:

1. Thiết lập KPIs và brief

Thiết lập KPIs và Brief là bước đầu tiên mà bạn cần phải làm khi bắt đầu triển khai chiến dịch marketing của mình. Bước này sẽ xoay quanh những thông tin và kế hoạch chung cho cả chiến dịch, sau đó chuyển hóa sang một chiến dịch influencer marketing cụ thể.

Trước tiên, bạn cần hiểu rõ những thông tin tổng quan trong campaign brief (sản phẩm / dịch vụ, mục tiêu chiến dịch, bối cảnh, big idea, key message, target audience,...). Từ đây, bạn sẽ nắm được những yêu cầu cụ thể về vai trò và cả nội dung để phục vụ cho việc viết influencer brief thêm hiệu quả. Thông thường, một influencer brief sẽ gồm ba nội dung lớn, cụ thể: What? (Influencer sẽ cần phải làm gì?), How? (Influencer sẽ cần phải triển khai như thế nào?) và Influencer KPI (những chỉ tiêu mà influencer cần đạt được).

Phần quan trọng nhất của bước này chính là influencer KPI sẽ được trích xuất từ mục tiêu truyền thông trong chính campaign brief của chiến dịch. Nhìn chung, influencer KPI của một chiến dịch sẽ gồm hai nhóm mục tiêu chính:

- Output: các thỏa thuận công việc giữa influencer và thương hiệu, chẳng hạn như số lượng bài viết, chất lượng nội dung, thông điệp cần truyền tải, thời gian đăng tải, số lần tham dự sự kiện,....

- Outcome: kết quả sẽ đạt được từ những nội dung do chính influencer tạo ra từ việc tương tác (like, comment, share, click), nhận biết (reach, view), hành động (để lại thông tin, tham dự cuộc thi, tải app,...).

Việc làm rõ những KPI này với influencer sẽ giúp thương hiệu của bạn có thể thúc đẩy họ tạo được những nội dung tương thích với mục tiêu mà chiến dịch đã đề ra.

2. Chọn mặt gửi vàng - Xác định influencer đồng hành cùng chiến dịch

Lựa chọn influencer phù hợp với mục tiêu và ngân sách mà doanh nghiệp đưa ra là một trong những bước quan trọng đủ để khiến bất cứ ai cũng phải đau đầu. Vậy nên, để tránh trường hợp lựa chọn các influencer dựa trên cảm tính thì đầu tiên, bạn cần tiến hành sàng lọc những người có sức ảnh hưởng này theo tiêu chí 3R (relevance, relevance và relevance), cụ thể:

- Target audience relevance: sự tương thích về nhân khẩu học giữa nhóm người theo dõi của Influencer với đối tượng mục tiêu mà thương hiệu hướng đến.

- Personality relevance: sự phù hợp về hình ảnh cá nhân, tính cách của người có sức ảnh hưởng với hình ảnh của chính thương hiệu.

- Content relevance: sự phù hợp về những quan điểm nội dung, thể loại do influencer tạo ra với định hướng thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải đến cho người xem.

Tiêu chí thứ hai khi lựa chọn influencer phù hợp đó là dựa vào ngân sách của doanh nghiệp. Theo đó, bạn phải biết cách cân bằng về số lượng, vai trò giữa những người có sức ảnh hưởng sao cho vừa tối ưu được chi phí, vừa đảm bảo mang lại kết quả truyền thông.

Bên cạnh đó, trong một chiến dịch influencer marketing thì chỉ nên có một đại sứ thương hiệu cùng với 2 - 3 influencer để sáng tạo nội dung, đồng thời giúp doanh nghiệp lan tỏa thông điệp. Việc có quá nhiều đại sứ thương hiệu sẽ khiến người xem cảm thấy bối rối về mặt hình ảnh và việc có quá nhiều nội dung được chia sẻ sẽ khiến cho thông điệp bị lan man, thiếu trọng tâm.

3. Sáng tạo nội dung cùng influencer

Sáng tạo nội dung không đơn thuần chỉ là việc influencer cho đăng tải thông điệp của thương hiệu trên các kênh truyền thông của mình. Thay vào đó, nhiệm vụ của những người có sức ảnh hưởng là tạo ra các nội dung mới hoặc điều chỉnh thông điệp thương hiệu thành câu chuyện của chính influencer dựa theo đặc điểm và phong cách thường ngày của họ.

Trong quá trình sáng tạo nội dung với influencer, doanh nghiệp cần lưu ý đến ba yếu tố quan trọng dưới đây:

Content Format

- Chia sẻ hình hoặc link: đây là dạng nội dung đơn giản, phổ biến, việc phê duyệt và thảo luận cũng sẽ nhanh hơn nhưng độ tương tương tác sẽ không cao.

- Chụp hình / bộ hình sản phẩm: định dạng này thường đi cùng với bài viết đánh giá, chia sẻ quan điểm của mình và thường được nhiều thương hiệu yêu thích vì khả năng tương tác ổn.

- Video content: đây không phải là video do thương hiệu làm và được người có sức ảnh hưởng chia sẻ, đó phải là những video do chính influencer tự quay và tự biên tập.

- Livestream: đây là một xu hướng influencer marketing tại Việt Nam rất phổ biến nhằm tạo ra tương tác trực tiếp giữa thương hiệu, người có sức ảnh hưởng và người theo dõi.

Trách nhiệm của Influencer

- Xây dựng nội dung: influencer sẽ sáng tạo các loại nội dung khác nhau, từ viết bài, chụp hình cho đến quay video,....

- Đại diện hình ảnh: influencer sẽ tham dự vào các sự kiện do thương hiệu tổ chức hay xuất hiện trên bao bì sản phẩm, biển quảng cáo, ấn phẩm truyền thông của doanh nghiệp,....

- Chia sẻ: bao gồm tổng số lượt bài viết cần phải chia sẻ, số lượng từ trong mỗi post hay số lượng kênh và thời gian tiến hành đăng tải.

Tùy biến thông điệp

Từ thông điệp của thương hiệu, influencer sẽ tiến hành chuyển thể để biến chúng thành thông điệp của riêng mình sao cho đúng chuyên môn, phong cách vốn có và quan trọng là phải phù hợp với followers, cũng như đảm bảo đạt được mục tiêu thương hiệu.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xây dựng một bản kế hoạch content để phục vụ cho việc quản lý nội dung của tất cả influencer, bao gồm 5 phần chính như sau:

- Danh sách influencer với vai trò và từng giai đoạn tham gia cụ thể.

- Văn phong của influencer.

- Chủ đề hay thông điệp chủ đạo được định hướng cho từng influencer.

- Loại nội dung mà người có sức ảnh hưởng sẽ sáng tạo.

- Thời gian cụ thể mà các influencer cần làm trong việc triển khai, gửi nội dung và chỉnh sửa. 


Influencer Việt Nam
 

4. Phân phối nội dung trên các kênh phù hợp

Sau khi đã hoàn thành xong những thỏa thuận công việc với influencer, doanh nghiệp sẽ cần phân phối những nội dung này thông qua hai kênh chính sau:

- Kênh offline: tham gia các sự kiện, talkshow, giao lưu với cộng đồng và chụp hình sản phẩm,....

Kênh online: các kênh social chính thức của influencer (Facebook, Youtube, Instagram, Tik Tok,...).

Khi tiến hành đăng tải nội dung trên các kênh online thì doanh nghiệp phải đảm bảo sự chính xác của các thông tin về platform, công cụ, thời gian và tần suất đăng bài cụ thể,.... Còn đối với kênh offline, thời gian chính là yếu tố cực kỳ quan trọng vì lịch trình của các influencer thường xuyên bị thay đổi và điều đó có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện của họ. Vậy nên bạn cần cụ thể hóa những thông tin này bằng văn bản để tránh gặp phải trường hợp bất tiện không nên có.

Ngoài ra, việc phản hồi các câu hỏi, thắc mắc của những người tương tác cũng là một vấn đề quan trọng trong influencer marketing. Để đảm bảo cho việc này được diễn ra trôi chảy, doanh nghiệp nên có những tài liệu hướng dẫn cụ thể về cách tương tác, phương hướng trả lời và cả những nội dung bị giới hạn cho influencer.

5. Đo lường và đánh giá

Đo lường chính là bước cuối cùng và có mối liên quan mật thiết với các mục tiêu đã được đặt ra ban đầu. Việc đo lường và đánh giá sẽ được triển khai thông qua ba nhóm: output, outcome và mục tiêu truyền thông.

- Output: số lượng nội dung đã thỏa thuận với người có sức ảnh hưởng để đăng tải. Doanh nghiệp của bạn có thể kiểm tra thông qua nội bộ agency hoặc làm việc trực tiếp với influencer để theo dõi tiến độ sản xuất, đăng tải và đối chiếu với những kế hoạch đã được đề ra ban đầu.

- Outcome: là những đánh giá sơ bộ hiệu quả chất lượng nội dung mà influencer đã đăng tải thông qua các mục tiêu được đặt ra ban đầu từ việc nhận biết, tương tác cho đến hành động,.... Sâu hơn nữa đó cón là những thông tin về nhân khẩu học của nhóm người dùng đã tương tác, cảm xúc lẫn mức độ quan tâm qua các từ khóa trong mục thảo luận. Cuối cùng, doanh nghiệp cũng cần phải so sánh tỷ lệ earned media (kênh lan truyền từ các bình luận, đánh giá, chia sẻ của khách hàng) và paid media (kênh truyền thông trả phí) để đánh giá mức độ hấp dẫn và lan tỏa tự nhiên của nội dung. 

- Mục tiêu truyền thông: các chỉ số trong mục tiêu truyền thông sẽ được đo lường trong hai báo cáo brand health tracking và social listening do chính thương hiệu thực hiện.

Ngoài ra, bạn cũng nên đánh giá sâu từng influencer để có được cái nhìn trực diện vào sự phù hợp, điểm yếu, điểm mạnh. Từ đó rút ra được cho mình những bài học để áp dụng cho các chiến dịch influencer marketing sau này.

Xu hướng influencer marketing được ưa chuộng hiện nay

Không thể phủ nhận một điều, influencer marketing đang ngày càng khẳng định được sức mạnh của mình. Sau một quá trình dài theo dõi những kết quả mà xu hướng influencer marketing mang lại cho doanh nghiệp, rất nhiều thương hiệu đã quyết định lựa chọn đầu tư vào hình thức này để triển khai chiến dịch tiếp thị thêm thành công hơn nữa. Trong năm 2024 này, nếu bạn cũng đang muốn áp dụng digital influencer cho chiến lược marketing của mình thì việc tham khảo các xu hướng dưới đây sẽ là tư liệu quý giá để doanh nghiệp có thể thực hiện dễ dàng:

- Sự trỗi dậy của Gen Alpha: Là những thanh thiếu niên được kết nối với các thiết bị công nghệ từ sớm, Gen Alpha đa phần đều đã có hồ sơ trên mạng xã hội và họ có xu hướng chi tiền cho các trò chơi và phần mềm giải trí trực tuyến. Vì vậy, các influencer có xu hướng khai thác nhóm khách hàng này để nâng cao nhận thức cho mọi người. Dự đoán rằng, Gen Alpha sẽ là thế hệ người tiêu dùng tương lai lớn nhất và cũng có khả năng chi tiêu mạnh nhất trong lịch sử.


Influencer nghĩa là gì?
 

- Khám phá các đề xuất siêu cá nhân hóa: Trong một không gian kỹ thuật số với sự lớn mạnh của truyền thông xã hội như hiện nay, niềm tin chính là thứ bị hao hụt đi rất nhiều. Trong vài năm qua, các doanh nghiệp thường đẩy mạnh việc chi tiêu quảng cáo vào những người có sức ảnh hưởng nhỏ do mức độ tin cậy cao. Thậm chí, một cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy, các influencer có dưới 100.000 người theo dõi chính là nhóm đối tượng được các thương hiệu để ý nhiều nhất. Bởi họ tin rằng, những influencer này sẽ có khả năng kết nối với khách hàng tốt hơn so với các đồng nghiệp nổi tiếng trong ngành.

- Trả tiền các khoảnh khắc lan truyền như một kỹ thuật marketing: Các thương hiệu như Glossier và Wingstop đã trả tiền cho các nội dung lan truyền được tạo một cách tự nhiên trên Tik Tok có cảm xúc tích cực về thương hiệu, dù cho nội dung đó không thật sự phù hợp với thông điệp tổng thể mà doanh nghiệp đưa ra. Việc trả tiền cho các khoảnh khắc được lan truyền lớn mạnh là một cách nhanh chóng để quảng bá thông điệp. Đồng thời cho thấy thương hiệu của bạn phản ứng nhanh nhạy và hòa hợp với xu hướng người dùng.

- Xu hướng hôm nay, ngày mai biến mất: Tik Tok đang phát triển thần tốc với 800 triệu lượt người dùng và dự kiến mỗi năm nền tảng này có thêm gần 10 triệu người tải, gần gấp đôi mức tăng gộp của Facebook, Instagram và Pinterest. Trên thực thế, TikTok là kênh thường xuyên cập nhật nhiều trend nhất và hầu như các xu hướng đều bắt nguồn từ các video trên nền tảng này. Điều đó đặt ra những thách thức mới cho các thương hiệu trong việc tận dụng xu hướng để thu hút người dùng. Các thương hiệu cần theo dõi, cập nhật xu hướng thường xuyên nhằm đảm bảo rằng, họ sẽ nắm bắt kịp thời các trend đang hot để triển khai influencer hiệu quả.


Influencer marketing nghĩa là gì?
 

Những lưu ý cho một chiến dịch influencer marketing thành công

Có thể nói, influencer marketing là một không gian mới vô cùng thú vị để hợp tác giữa thương hiệu cùng với những người có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên ngày nay, có quá nhiều thương hiệu và influencer nhận ra giá trị của lĩnh vực này nên dần dần, họ cũng liên tục tham gia vào các hoạt động có liên quan đến influencer marketing. Với tình hình này, doanh nghiệp cần làm gì khi tạo ra một chiến dịch influencer marketing mới để mang lại nhiều ấn tượng cho khách hàng nhưng vẫn không bị hòa lẫn vào các chiến dịch trong cùng một thời điểm?

- Rõ ràng về mục tiêu: đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại chiến lược influencer marketing. Thông thường, mỗi thương hiệu sẽ vạch ra cho mình những mục tiêu khác nhau nhưng chủ yếu sẽ được chia thành ba nhóm sau:

+ Gia tăng độ nhận diện cho thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ.

+ Lan truyền và tạo cảm hứng từ việc trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu đến với khách hàng sử dụng thông qua việc review, đánh giá.

+ Có được hành động cụ thể của người dùng đối với sản phẩm, dịch vụ (đặt hàng, đăng ký dịch vụ, phản hồi,...).

- Cân bằng thông điệp của khách hàng với ngôn ngữ của influencer: Một influencer nổi tiếng thì chắc chắn, họ phải có lý do nào đó để nhận được sự yêu mến của cộng đồng. Do đó, bạn không thể ép buộc họ sử dụng một ngôn ngữ quá khác biệt với phong cách sống thường ngày. Điều này chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng trái ngược không đáng có từ lượng người theo dõi sẵn có.

- Không nên bỏ qua micro-Influencers (những người có ảnh hưởng nhỏ): Khi mục tiêu chiến dịch của bạn là đánh vào toàn bộ thị trường thì lúc này, việc lựa chọn những mega-influencer (người có sức ảnh hưởng cao cấp) phù hợp sẽ là một điều vô cùng khó khăn. Nhất là khi hiệu quả của một chiến dịch thường rất khó để đo lường và rủi ro mang lại cũng khá cao. Vậy nên, hãy bắt đầu từ việc hợp tác với những micro-influencer để rất nhiều người cùng nói về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của bạn nhằm tạo ra sự cộng hưởng cũng như tiếp cận đến nhiều tệp khách hàng khác nhau.


Chiến dịch influencer marketing
 

Những chiến dịch Influencer marketing tạo được tiếng vang lớn trên thị trường

1. Lắc xì cùng Momo

Chiến dịch Lắc xì của Momo đã mang lại rất nhiều lợi ích cho thương hiệu này khi thành công tiếp cận được với hơn 30 triệu người dùng Việt Nam. Trong đó, có hơn 5 triệu người chơi cùng với hơn 100 triệu lượt lắc đã tạo ra vô vàn những con số ấn tượng cùng một ngân sách đáng mơ ước. Góp phần thành công cho chiến dịch này không thể không kể đến sự góp mặt của việc thực hiện influencer marketing tại Việt Nam.

Chiến dịch Lắc xì cùng Momo có sự xuất hiện của những tên tuổi lớn hàng đầu trong showbiz như: Trấn Thành, Hari Won, Đức Phúc, Erik, DJ Mie, Hồng Thanh, Ngân Sát Thủ, Quỳnh Anh Shyn,.... Với các tệp người theo dõi khác nhau, những influencer này đã giúp Momo tiếp cận và gia tăng độ nhận diện thương hiệu với khách hàng mục tiêu một cách dễ dàng, hiệu quả hơn. Điều này đã được minh chứng một cách rõ ràng thông qua những con số biết nói như:

- Chương trình Lắc xì năm 2021 đã có hơn 39 triệu Heo Vàng được quyên góp.

- Sau 5 tuần tham gia thử thách, chương trình mùa 3 đã nhanh chóng thu hút hơn 11 triệu người chơi với gần 400 triệu lượt lắc. Trong đó, có hơn 8 triệu người dùng ví Momo đã sử dụng tính năng Chuyển tiền / Lì xì của app.

- Có khoảng gần 250 triệu bao lì xì cùng thẻ quà tặng được gửi tới ví của người dùng Momo.

2. Tiki đi cùng sao Việt

Sau khi tìm hiểu và nắm bắt được lợi thế Việt Nam là một trong 5 thị trường lớn của Youtube với trung bình mỗi người Việt sẽ dành khoảng hơn 100 phút mỗi ngày cho việc xem video. Ngay lập tức, Tiki đã tận dụng điều này để tài trợ cho các Music Video (MV) của một số nghệ sĩ Việt với mục đích trải dài trên diện rộng.

Theo đó, với dự án “Tiki đi cùng sao Việt”, thương hiệu đã tài trợ cho những sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình nhất vẫn là âm nhạc. Với “phát pháo” đầu tiên đến từ MV của Masew và B-Ray - hai nhân tố nổi danh trong làng nhạc underground Việt Nam. Ngay sau đó, không để thời cơ bị nguội lạnh thì Tiki lại tiếp tục ủng hộ và tài trợ cho các sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ trẻ Việt Nam như: Đức Phúc, Chi Pu, Min,.. với thành công được ghi nhận là những ca khúc này đều lọt top trên Youtube.

Bên cạnh đó, chính việc triển khai dự án influencer online marketing này mà Tiki cũng đã mang về rất nhiều kết quả ấn tượng khác nhau, điển hình như:

- Tỷ lệ cài đặt ứng dụng trên Tiki tăng hơn 17%.

- Lượng mua hàng trên ứng dụng tăng trưởng gấp 2,7 lần.

- Doanh số bán hàng sau chiến dịch tăng gấp 3,3 lần.


Digital influencer
 

Trên đây là những chia sẻ của Phương Nam Vina về lĩnh vực influencer marketing tại Việt Nam. Hi vọng thông qua bài viết này, chúng tôi đã giúp các bạn giải đáp được câu hỏi influencer marketing là gì và cách triển khai chiến lược này một cách hiệu quả. Có thể thấy, việc hiểu được điều này sẽ giúp bạn có thể dễ dàng lựa chọn được những influencer phù hợp cho doanh nghiệp để mang lại những kết quả tương xứng không chỉ về hình ảnh mà còn nâng cao doanh thu, lợi nhuận đáng kể.

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website Top 12 mô hình marketing hiệu quả cho doanh nghiệp

icon thiết kế website Nằm lòng 5 bước trong quy trình nghiên cứu marketing

icon thiết kế website Marketing 4.0 là gì? Các xu hướng marketing trong thời đại 4.0

Bài viết mới nhất

Copyright là gì? Từ A - Z về Copyright © All Rights Reserved

Copyright là gì? Từ A - Z về Copyright © All Rights Reserved

Copyright © All Rights Reserved là một cụm từ pháp lý thường xuất hiện ở footer website hay cuối tác phẩm nhằm khẳng định quyền tác giả.

 
Giải pháp kinh doanh online hiệu quả cho doanh nghiệp

Giải pháp kinh doanh online hiệu quả cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các giải pháp kinh doanh online chính là chìa khóa để doanh nghiệp vững bước trên cuộc đua chinh phục thị trường.

POC là gì? Vai trò và quy trình thực hiện Proof of Concept

POC là gì? Vai trò và quy trình thực hiện Proof of Concept

Khi đối mặt với ý tưởng, giải pháp hoặc công nghệ mới, POC là công cụ quan trọng giúp bạn xác thực tính khả thi và hiệu quả trước khi triển khai.

Self employment là gì? Góc nhìn toàn diện về hoạt động tự doanh

Self employment là gì? Góc nhìn toàn diện về hoạt động tự doanh

Self employment (hoạt động tự doanh) là một cơ hội tuyệt vời để bạn trở thành người làm chủ công việc và nhanh chóng đạt được tự do tài chính.

Chi phí cơ hội là gì? Cách tính chi phí cơ hội và ví dụ thực tế

Chi phí cơ hội là gì? Cách tính chi phí cơ hội và ví dụ thực tế

Hiểu rõ chi phí cơ hội không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực mà còn mở ra những cơ hội phát triển bền vững và thành công.

Budget là gì? Các bước thiết lập kế hoạch ngân sách hiệu quả

Budget là gì? Các bước thiết lập kế hoạch ngân sách hiệu quả

Ngân sách là một công cụ quản lý tài chính không thể thiếu đối với doanh nghiệp để kiểm soát chi tiêu và đảm bảo các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn.

zalo