Khi mà thị trường đang không ngừng cạnh tranh như hiện nay, việc phân tích và đánh giá chính xác về môi trường bên ngoài chính là yếu tố hàng đầu để các doanh nghiệp có thể đạt được vị thế bền vững. Vậy nên, hiểu về mô hình PEST sẽ giúp doanh nghiệp của bạn có thể nắm được “bức tranh” tổng quan về môi trường mà mình đang hoạt động, từ đó nhận ra được những cơ hội lớn và phát hiện, ngăn chặn các thách thức tiềm ẩn bên trong. Vậy PEST là gì? Mô hình này có vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp? Tìm hiểu bài viết này để có câu trả lời chính xác nhé.
- Mô hình PEST là gì?
- Nguồn gốc của mô hình PEST
- Giải mã 4 yếu tố cốt lõi của mô hình PEST
- Những lợi ích mô hình PEST mang lại cho doanh nghiệp
- Một số biến thể của mô hình PEST
- Khi nào doanh nghiệp nên thực hiện phân tích PEST?
- Hướng dẫn cách áp dụng mô hình PEST trong marketing
- Ví dụ về mô hình PEST trong các doanh nghiệp hàng đầu
- Hạn chế của mô hình PEST trong marketing
Mô hình PEST là gì?
Mô hình PEST là một công cụ giúp doanh nghiệp phân tích các yếu tố ngoại cảnh quan trọng bao gồm 4 yếu tố sau: P (Politics) - Chính trị; E (Economic) - Kinh tế; S (Social) - Xã hội và T (Technology) - Công nghệ. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế tổng thể nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Do đó, việc nghiên cứu, phân tích các yếu tố PEST là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược và kế hoạch kinh doanh hiệu quả, đồng thời thích ứng linh hoạt với những biến động của môi trường bên ngoài.
Nguồn gốc của mô hình PEST
Khái niệm về mô hình PEST xuất hiện lần đầu vào những năm 1960 và được phát triển bởi Francis J. Aguilar - một chiến lược gia kinh doanh người Mỹ. Ban đầu, mô hình này chỉ tập trung vào các yếu tố chính là Xã hội, Kinh tế, và Chính trị. Tuy nhiên theo thời gian, mô hình này đã được mở rộng và thêm các yếu tố Công nghệ, Môi trường tự nhiên vào. Từ đó tạo nên các phiên bản nâng cao như PESTEL và STEEPLE nhằm giúp quá trình phân tích môi trường kinh doanh trở nên toàn diện hơn.
Giải mã 4 yếu tố cốt lõi của mô hình PEST
Như đã nhấn mạnh, mô hình PEST được phát triển để giúp doanh nghiệp có thể hiểu rõ “bức tranh” tổng quan về các yếu tố Chính trị, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội và công nghệ. Theo đó, việc phân tích 4 yếu tố này sẽ được thực hiện như sau:
1. Chính trị (Political) - Ảnh hưởng của quyền lực
Chữ P (Political) trong phân tích PEST là yếu tố đại diện cho vấn đề chính trị. Cụ thể, mọi doanh nghiệp hợp pháp đều sẽ chịu ảnh hưởng từ chính phủ của quốc gia nơi họ hoạt động. Vì vậy, bất kể những thay đổi nào về chính trị và pháp luật cũng đều có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến doanh nghiệp. Thông thường, các khía cạnh được xem xét ở yếu tố P sẽ bao gồm:
- Quy định về việc làm: Các quy định về mức lương tối thiểu, đóng góp quỹ hưu trí, an toàn lao động và bảo hiểm y tế có thể làm cho việc tuyển dụng nhân viên trở nên khó khăn hơn.
- Môi trường: Mức lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nếu chính phủ yêu cầu quy trình sản xuất ít gây ô nhiễm hơn hoặc áp đặt các khoản thuế để xử lý sản phẩm sau khi sử dụng.
- Chính sách của chính phủ: Các luật pháp mà chính phủ ban hành có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp của bạn nói riêng?
- Bảo vệ sở hữu trí tuệ: Hệ thống pháp luật và tòa án của quốc gia có công nhận quyền sở hữu trí tuệ (IP) không? Việc bảo vệ trước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền có khó khăn không?
- Quyền sở hữu tài sản: Doanh nghiệp có đủ quyền để bảo vệ và khai thác tài nguyên, tài sản của mình không?
- Tính ổn định: Môi trường chính trị bất ổn (chủ yếu xảy ra tại các quốc gia thường xuyên thay đổi chính phủ) sẽ gây khó khăn trong việc thiết lập kế hoạch. Tuy nhiên thì ở các quốc gia ổn định hơn, việc một đảng lên nắm quyền có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và lợi nhuận của bạn hay không?
- Thuế quan: Nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và / hoặc xuất khẩu sản phẩm, thuế quan sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá thành sản xuất và tính cạnh tranh về giá cả?
- Thuế: Chính sách thuế của chính phủ hiện tại ảnh hưởng như thế nào đến dòng tiền, các khoản khấu trừ thuế và biên lợi nhuận của doanh nghiệp bạn?
- Hạn chế thương mại: Liệu sẽ có sự trừng phạt (hoặc dự kiến) nào trong việc kinh doanh đối với một quốc gia mà bạn đang có ý định nhắm tới không?
2. Kinh tế (Economic) - Mạch nhịp thị trường
Một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh là các yếu tố kinh tế (Economic). Vậy nên khi phân tích, bạn cần xem xét chúng một cách toàn diện trong cả khoảng thời gian ngắn hạn và dài hạn dựa trên các vấn đề sau:
- Khả năng truy cập tín dụng: Người tiêu dùng hoặc khách hàng doanh nghiệp có sẵn sàng sử dụng tín dụng để mua sắm các sản phẩm / dịch vụ có giá trị lớn từ công ty của bạn không?
- Mức đầu tư của doanh nghiệp: Các công ty trong thị trường mục tiêu của bạn có xu hướng thay thế máy móc và thiết bị thường xuyên hơn, hay họ chủ trì sử dụng chúng trong thời gian dài?
- Chi phí sinh sống: Giá cả tăng cao có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp bởi chi phí nhà ở ngày càng tăng cao, công ty cần phải chi trả lương cao hơn cho nhân viên để đối phó với những khoản chi tiêu đó.
- Sự tăng trưởng hoặc suy thoái kinh tế: Trong một nền kinh tế đang phát triển, người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sẽ thoải mái hơn khi chi tiêu cho các sản phẩm / dịch vụ. Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường đầu tư.
- Tỷ giá hối đoái và lãi suất: Các quốc gia với nền kinh tế ổn định ít bị ảnh hưởng bởi biến động của tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, các quốc gia này thường có lãi suất cao hơn để kiềm chế lạm phát cục bộ.
- Toàn cầu hóa: Khi các quốc gia loại bỏ hoặc giảm bớt thuế quan cùng các hạn chế, điều này sẽ giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và cải thiện cuộc sống cho khách hàng, nhân viên.
- Lạm phát: Khi mức lạm phát tăng cao, giá trị của đồng tiền sẽ giảm nhanh chóng. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng lên nhưng không muốn tăng giá sản phẩm, dẫn đến giảm lợi nhuận.
- Chi phí lao động và trình độ kỹ năng của lao động: Sự thiếu hụt lao động có trình độ kỹ năng sẽ làm tăng chi phí lao động, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đôi khi, thiếu hụt lao động có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đến mức đòi hỏi các công ty phải đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo.
- Điều kiện thị trường: Các thị trường đang phát triển như thế nào? Thị trường có quy mô lớn không? Có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh và điều này làm thay đổi giá cả, chi phí ra sao?
- Thói quen tiêu dùng: Người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp mục tiêu có đang chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm và dịch vụ của bạn không? Họ có thay đổi cách tiêu tiền không?
- Mức thuế: Trong trường hợp tất cả các yếu tố PEST còn lại tương đương nhau, một công ty có thể ưu tiên các quốc gia hoặc tiểu bang có mức thuế thấp hơn để đầu tư.
Chữ S trong phân tích PEST đại diện cho những yếu tố liên quan đến môi trường xã hội của một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể trên thị trường. Mục đích chính là để doanh nghiệp có thể hiểu được cách hình thành nên nhu cầu của người tiêu dùng và điều gì đã thôi thúc họ đưa ra quyết định mua sắm sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể, các yếu tố Social trong PEST sẽ được phân tích như sau:
- Thái độ đối với công việc: Ảnh hưởng đến cách mà nhân viên hoàn thành công việc và cách mà họ đang đóng góp vào quá trình sản xuất hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.
- Xu hướng / thị hiếu / mốt: Quản lý các xu hướng, thị hiếu và mốt là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công của bất kỳ sản phẩm mới nào vì thường có một khoảng thời gian lớn giữa việc tạo ra một sản phẩm và việc ra mắt nó.
- Giáo dục: Chất lượng giáo dục có sự chênh lệch giữa các địa phương và quốc gia; mức độ giáo dục thấp đòi hỏi một sự đầu tư lớn vào việc đào tạo nhân viên và thường gắn liền với mức lương thấp.
- Mô hình việc làm và xu hướng thị trường lao động: Sự phát triển của việc làm bán thời gian và tự do làm việc đang làm thay đổi cách doanh nghiệp tuyển dụng và quản lý nhân viên. Ngoài ra, việc tìm kiếm nhân viên phù hợp có thể gặp khó khăn do yêu cầu đặc biệt và dẫn đến chi phí lao động cao hơn.
- Thay đổi trong quan điểm thế hệ: Các thế hệ khác nhau có những quan điểm và kỳ vọng khác nhau về công việc cùng sự phát triển về nghề nghiệp, dẫn đến việc phải điều chỉnh cách thưởng và đánh giá hiệu suất của nhân viên.
- Sức khỏe của nhân viên: Các doanh nghiệp ngày nay đang đầu tư vào sức khỏe vật lý và tinh thần của nhân viên để giảm thiểu tình trạng nghỉ làm và tăng cường hiệu suất lao động.
- Thống kê dân số: Hiểu về thống kê dân số của một khu vực hoặc thị trường có thể giúp doanh nghiệp phát triển chiến lược nhân sự và tiếp thị hiệu quả hơn.
- Tốc độ tăng trưởng dân số: Các khu vực với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh có thể mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhưng cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh gay gắt và thách thức về tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực.
4. Công nghệ (Technological) - Động lực phát triển
Trong thời đại của sự bùng nổ thông tin như hiện nay, yếu tố công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp gần hơn với khách hàng. Vậy nên, doanh nghiệp cần cập nhật và áp dụng các tiến bộ công nghệ vào chiến lược tiếp thị để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, đồng thời tạo ra kết nối sâu hơn với họ.
- Trí tuệ nhân tạo (AI): Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo có thể giúp công ty tối ưu hóa hiệu suất và năng suất trong các quy trình làm việc.
- Tự động hóa và robot hóa: Xu hướng tự động hóa ngày càng phổ biến trong nhiều ngành, giúp tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên liệu, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và giảm thiểu chi phí sản xuất.
- Bảo mật mạng và bảo vệ dữ liệu: Các cuộc tấn công mạng tiếp tục đe dọa doanh nghiệp, vì vậy cần phải cân nhắc thu thập và bảo vệ dữ liệu một cách chặt chẽ.
- Công nghệ đột phá: Các công nghệ đột phá như ứng dụng di động có thể mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, nhất là trong lĩnh vực tài chính.
- Đổi mới: Với tốc độ đổi mới công nghệ nhanh chóng, doanh nghiệp cần xem xét việc đầu tư vào đổi mới để cạnh tranh và thích ứng với sự thay đổi trong ngành.
- Làm việc từ xa: Công nghệ và hạ tầng hiện nay cho phép nhân viên có thể làm việc từ xa, điều này cần được xem xét để thúc đẩy sự linh hoạt khi làm việc.
- Nghiên cứu và phát triển: Công ty có thể xem xét đầu tư vào R&D tại các khu vực có chính sách thuế ưu đãi để kích thích sự sáng tạo và phát triển.
- Mạng xã hội: Đầu tư vào mạng xã hội có thể giúp công ty quảng cáo sản phẩm / dịch vụ và tuyển dụng nhân viên. Doanh nghiệp cũng nên xem xét việc sử dụng các ứng dụng giao tiếp như Slack và Asana để cải thiện tương tác giữa nhân viên.
Những lợi ích mô hình PEST mang lại cho doanh nghiệp
Như đã chia sẻ, mô hình PEST chính là công cụ giúp doanh nghiệp có thể phân tích các yếu tố bên ngoài sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của mình. Cụ thể, dưới đây chính là vai trò của mô hình PEST đối với các doanh nghiệp.
- Phát hiện cơ hội và thách thức: Bằng việc hiểu rõ các yếu tố bên ngoài, nhà lãnh đạo có thể nắm bắt thị trường và phát triển các chiến lược phù hợp để tận dụng cơ hội và giảm thiểu các rủi ro. Đây cũng được xem là cơ sở để xây dựng kế hoạch dự phòng hiệu quả, tạo ra điều kiện cho sự phát triển bền vững hơn.
- Xác định các yếu tố quyết định trong môi trường kinh doanh: Các yếu tố liên quan đến chính trị, kinh tế, và xã hội đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, yếu tố kinh tế có thể quyết định đến giá cả và mức độ cạnh tranh trên thị trường. Các yếu tố chính trị sẽ ảnh hưởng đến chính sách và quy định kinh doanh, còn yếu tố xã hội có thể tác động đến nhu cầu và ưu tiên của khách hàng.
- Đánh giá chiến lược: Mô hình PEST giúp doanh nghiệp đánh giá xem chiến lược hiện tại của họ hoạt động như thế nào và có cần chỉnh sửa không để nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, hiểu rõ các yếu tố bên ngoài cũng sẽ giúp doanh nghiệp lập kế hoạch dài hạn, tối ưu hóa hoạt động và tăng cường sự cạnh tranh.
Một số biến thể của mô hình PEST
Trong quá trình sử dụng, các doanh nghiệp thường thêm vào một số yếu tố mới để giúp cho việc phân tích mô hình PEST trở nên toàn diện hơn, cụ thể:
- Mô hình PESTLE / PESTEL: Cung cấp cái nhìn toàn diện về các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, luật pháp và môi trường.
- Mô hình STEEPLE: Tập trung vào các yếu tố xã hội / nhân khẩu học, kinh tế, chính trị, công nghệ, môi trường, luật pháp và đạo đức.
- Mô hình SLEPT: Tập trung vào xã hội, luật pháp, kinh tế, chính trị và công nghệ.
- Mô hình PESTLIED: Bao gồm các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, công nghệ, quốc tế, môi trường và nhân khẩu học.
Khi nào doanh nghiệp nên thực hiện phân tích PEST?
Hiện nay, việc phân tích PEST với 4 yếu tố gồm Political, Economic, Social và Technological hoàn toàn có thể được thực hiện bất kỳ khi nào mà doanh nghiệp của bạn muốn. Tuy nhiên thì vẫn sẽ có một số thời điểm mà việc phân tích PEST sẽ càng trở nên cần thiết hơn, điển hình cần phải kể đến một số trường hợp sau:
- Khi chính phủ ban hành chính sách mới.
- Khi có sự thay đổi lãi suất hoặc sự ra đời của công nghệ mới.
- Khi thành lập doanh nghiệp.
- Khi doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường mới.
- Khi doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Khi môi trường kinh doanh có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của bạn cũng nên áp dụng việc phân tích mô hình PEST thường xuyên, định kỳ để không bị lỗi thời mới môi trường hiện tại.
Hướng dẫn cách áp dụng mô hình PEST trong marketing
Để chiến lược phát triển doanh nghiệp có hiệu quả và khai thác đúng thị trường mục tiêu, nhà quản trị cần áp dụng PEST một khách khéo léo. Cụ thể, cách thực hiện sẽ được đề cập trong nội dung sau đây.
Bước 1: Phân tích các yếu tố PEST
Phân tích PEST là một công cụ quan trọng để giúp doanh nghiệp hiểu rõ những yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và khách hàng của mình. Trong quá trình này, những người làm tiếp thị cần xem xét các yếu tố luật pháp và vấn đề chính trị để đưa ra kế hoạch tiếp thị phù hợp.
Quan trọng hơn, họ cũng cần hiểu rõ về tình hình kinh tế và xã hội để cho ra mắt các sản phẩm / dịch vụ sao cho phù hợp với nhu cầu và nằm trong khả năng chi trả của khách hàng. Không chỉ vậy, họ cũng cần phải cập nhật thường xuyên về các vấn đề công nghệ để đảm bảo sản phẩm / dịch vụ của mình có thể dễ dàng tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Bước 2: Phân tích cơ hội
Thông qua quá trình phân tích PEST, những nhà tiếp thị có thể thấu hiểu sâu hơn về các yếu tố tác đến hoạt động kinh doanh và tâm lý mua sắm của khách hàng. Từ đó, họ có thể dễ dàng phát hiện ra những cơ hội mới, chẳng hạn như việc phát triển sản phẩm / dịch vụ phù hợp với thị trường hay mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường mới để thúc đẩy gia tăng doanh số.
Cũng nhờ vào việc phân tích này, nhà tiếp thị có thể tạo ra chiến lược tiếp thị linh hoạt hơn và phản ứng nhanh chóng với nhu cầu của khách hàng, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội mà môi trường kinh doanh mang lại.
Bước 3: Phân tích các rủi ro
Ngoài việc tìm ra cơ hội, doanh nghiệp cũng cần nhìn vào các rủi ro có thể ảnh hưởng xấu đến họ. Điều này có thể là các thay đổi trong luật pháp, công nghệ mới chưa kịp nắm mắt, nhu cầu thị trường hoặc sự cạnh tranh từ đối thủ. Hiểu rõ các mối đe dọa giúp doanh nghiệp chuẩn bị tinh thần và phát triển các chiến lược đối phó nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với công ty.
Bước 4: Hành động
Điều quan trọng cuối cùng để đạt được thành công là bắt tay vào triển khai các hành động và kế hoạch đã được thiết lập trước đó. Các hành động cụ thể cần phải được phối hợp một cách liên tục thông qua toàn bộ quy trình, bắt đầu từ việc quản lý và phổ biến trong các bộ phận, sau đó lan rộng đến từng cá nhân trong tổ chức.
Ngoài ra, để đảm bảo sẽ không có bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong khi áp dụng mô hình PEST thì doanh nghiệp cần phải theo dõi và đánh giá thường xuyên, qua đó tiến hành điều chỉnh, cải thiện chiến lược sao cho phù hợp.
Ví dụ về mô hình PEST trong các doanh nghiệp hàng đầu
Để giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về mô hình PEST trong marketing thì ngay sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách mà các doanh nghiệp đang áp dụng phân tích PEST hiệu quả như thế nào.
1. Mô hình PEST của Vinamilk
Vinamilk là một trong những thương hiệu sữa hàng đầu hiện nay tại Việt Nam. Trải qua nhiều năm phát triển, Vinamilk ngày càng chứng minh được vị thế số 1 của mình so với các đối thủ cùng ngành nhờ vào việc áp dụng thành công mô hình PEST như sau:
- Chính trị: Trong lĩnh vực pháp luật và chính trị, Vinamilk tập trung vào việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, điều mà người tiêu dùng tại Việt Nam đặc biệt quan tâm. Vì vậy mà khi nhắc đến những sản phẩm sữa chất lượng thì Vinamilk luôn là cái tên hàng đầu được nhắc đến.
- Kinh tế: Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế đã đặt ra những thách thức lớn đối với ngành sản xuất, đặc biệt là khi có nhiều thương hiệu sữa mới xuất hiện trên toàn cầu. Ngoài ra, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào cũng là một vấn đề không nhỏ mà Vinamilk đang phải đối mặt.
- Xã hội: Người tiêu dùng Việt Nam ngày nay đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp sữa phát triển nhanh chóng.
- Công nghệ: Vinamilk thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, đảm bảo rằng sản phẩm của họ luôn đạt chất lượng cao và mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng. Điều này giúp Vinamilk giữ vững lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghiệp sữa.
2. Mô hình PEST của Apple
Khi nói đến các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, Apple luôn là cái tên điển hình được nhiều người đề cập đến. Để có được vị thế vững chắc như hiện tại, Apple cũng đã áp dụng phân tích mô hình PEST thành công như sau:
- Yếu tố chính trị: Ngoài Hoa Kỳ thì Apple còn có một khoản doanh thu lớn đến từ thị trường nước ngoài với giá trị lên đến 113,8 tỷ đô la. Vì vậy, bất kỳ biến động chính trị nào cũng có thể gây ra tác động tiêu cực đối với công ty. Cụ thể, hiện tại thì Apple gặp khá nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các vấn đề bất ổn liên quan đến chính trị ở Trung Quốc hoặc các vụ tấn công khủng bố ở Anh.
- Yếu tố kinh tế: Biến động của tỷ giá hối đoái đã tạo ra thách thức lớn cho Apple trong việc giữ giá cả cạnh tranh và lợi nhuận ổn định tại các thị trường toàn cầu. Điều này yêu cầu công ty phải liên tục điều chỉnh chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc tăng giá trị của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền khác như Euro và Nhân dân tệ cũng đã làm cho giá thành của sản phẩm Apple tại một số thị trường chính như Trung Quốc tăng mạnh.
- Yếu tố xã hội: Dưới sự ảnh hưởng của "ông lớn công nghệ Apple", các sản phẩm của họ đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của địa vị xã hội. Vì các sản phẩm đều có mức giá khá cao nên chúng sẽ mang đến sự sang trọng và vị thế cho những người sử dụng.
- Yếu tố công nghệ: Apple đang phải đối mặt với một thách thức lớn khi phải xử lý rác thải điện tử, đặc biệt là các thiết bị chứa pin lithium. Việc loại bỏ và tái chế các sản phẩm này đòi hỏi một khoản tiền đầu tư lớn nên nó đã tạo ra áp lực tài chính không nhỏ cho công ty. Vậy nên, để đối phó với thách thức này thì Apple cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ tái chế và phát triển các giải pháp bền vững. Đồng thời, việc tập trung vào việc thiết kế sản phẩm tinh tế và độc đáo cũng sẽ giúp Apple duy trì, phát triển lợi thế cạnh tranh, cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.
3. Mô hình PEST của Coca Cola
Khi nhắc đến các thương hiệu nước giải khát nổi tiếng nhất hiện nay, Coca Cola luôn là cái tên được đề cập đến đầu tiên. Góp phần cho sự thành công như hiện tại thì cần phải kể đến mô hình PEST đã được CoCa Cola phân tích, áp dụng hiệu quả như sau:
- Yếu tố chính trị: Coca Cola luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý về thuế và luật sửa đổi liên quan đến ngành nước uống có ga. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của nền chính trị trên thế giới cũng khiến cho Coca Cola bị tác động không nhỏ vì đây là một thương hiệu toàn cầu. Chẳng hạn như các thay đổi của chính phủ nước sở tại hay những bất ổn về dân sự sẽ khiến hoạt động kinh doanh của Coca Cola bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Yếu tố kinh tế: Mức lãi suất cho vay thấp đã giúp Coca Cola có thể xoay vòng vốn hiệu quả. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ đã làm giảm thiểu thời gian, chi phí nghiên cứu sản phẩm và sản xuất ra thị trường. Nhờ vậy mà Coca Cola có thể luôn cho ra mắt những sản phẩm mới với mức giá thấp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
- Yếu tố văn hóa xã hội: Với trụ sở tại Hoa Kỳ, Coca Cola đã được hưởng lợi từ khả năng chi trả cao của người dân, nhưng lối sống lành mạnh và xu hướng hạn chế nước ngọt có ga của nhiều người Mỹ đặt ra thách thức cho chiến lược kinh doanh của thương hiệu. Còn tại Việt Nam, mặc dù nước ngọt có ga vẫn đang rất phổ biến nhưng sự gia tăng nhận thức về sức khỏe và nhu cầu giữ gìn vóc dáng đã làm cho giới trẻ chuyển sang nước lọc, từ đó khiến Coca Cola gặp nhiều trở ngại khi tung ra sản phẩm mới.
- Yếu tố công nghệ: Trong thời đại Internet bùng nổ, Coca Cola đã dễ dàng hơn trong việc giới thiệu TVC đến khách hàng qua các kênh như Facebook, YouTube, TikTok, đồng thời kết hợp với các chương trình ưu đãi, giảm giá. Chưa kể, công nghệ hiện đại còn giúp Coca Cola bắt đầu chuyển từ chai thủy tinh sang lon thiếc và chai nhựa. Điều này mang lại hiệu quả doanh thu vượt bậc cho thương hiệu nhờ tính tiện dụng cao, an toàn của hai loại vật liệu trên.
4. Mô hình PEST của Viettel
Thành lập từ năm 1989, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội còn được biết đến với tên gọi khác là Viettel. Tính đến nay, trải qua hàng thập kỷ thì Viettel đã trở thành tập đoàn chiếm nhiều thị phần nhất trong lĩnh vực viễn thông. Bằng cách áp dụng phân tích mô hình PEST, Viettel đã tìm hiểu thị trường kinh doanh của mình trên các khía cạnh khác nhau, cụ thể:
- Yếu tố chính trị: Viettel ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị do có sự bảo lãnh của Bộ Quốc Phòng, từ đó giúp họ dễ dàng chuẩn bị thủ tục hành chính và giấy phép kinh doanh. Không chỉ vậy, Việt Nam còn có nền chính trị ổn định và đã ban hành nhiều chính sách mở cửa sau khi gia nhập WTO, điều này đã tạo điều kiện cho Viettel mở rộng quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế toàn cầu.
- Yếu tố kinh tế: Với tình hình kinh tế hiện tại và tương lai, Viettel sẽ có nhiều lợi thế khi nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông tăng cao. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những thách thức như chính sách tiền tệ nghiêm ngặt, giảm tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát. Đồng thời, việc nâng cấp công nghệ, cải thiện dịch vụ khách hàng, quản lý chi phí và đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ cũng là những vấn đề mà Viettel phải giải quyết.
- Yếu tố xã hội: Tính đến ngày 4 tháng 5 năm 2023, Việt Nam đang có khoảng 99 triệu người. Với sự trẻ hóa của dân số thì đây chính là một môi trường rất tiềm năng cho Viettel trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông. Đặc biệt, nhóm người lao động và sinh viên là những đối tượng chính có nhu cầu sử dụng Internet để giao tiếp, học tập và làm việc, điều này càng tạo điều kiện thuận lợi cho Viettel mở rộng thị trường.
- Yếu tố công nghệ: Viettel là một doanh nghiệp nổi tiếng nhạy bén với sự thay đổi của công nghệ. Theo đó, họ đã áp dụng công nghệ vào chiến lược sản xuất và nghiên cứu sản phẩm để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo vùng phủ sóng ổn định. Trong đó, việc áp dụng công nghệ cáp quang FTTx và thử nghiệm phát sóng 5G đầu tiên tại Việt Nam là minh chứng cho sự tiên phong và sáng tạo của Viettel trong ngành viễn thông.
Hạn chế của mô hình PEST trong marketing
Mặc dù việc phân tích PEST sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng đồng thời, nó cũng có những hạn chế mà bạn cần lưu ý như sau:
- Môi trường thay đổi nhanh: Sự biến động và đa dạng của môi trường làm cho quá trình phân tích trở nên lỗi thời ngay sau khi hoàn thành, đặc biệt là trong thời đại thông tin hiện nay.
- Nhiều ước tính: Doanh nghiệp cần phải đưa ra nhiều giả định về các yếu tố và điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị sai sót hoặc dự đoán không chính xác.
- Dữ liệu lớn: Số lượng thông tin phân tích trong PEST đôi khi quá lớn, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thật cẩn trọng và lựa chọn kỹ lưỡng để tìm ra thông tin có ích.
- Khả năng không chính xác: Thông tin thu thập từ nguồn bên ngoài thường không hoàn toàn đáng tin cậy, dễ gây ra rủi ro cho tính chính xác của quá trình phân tích.
Với những thông tin vừa được chia sẻ, Phương Nam Vina hi vọng bạn đã hiểu về mô hình PEST là gì và cách sử dụng mô hình PEST trong marketing. Đồng thời có thể áp dụng việc phân tích PEST hiệu quả vào trong công việc kinh doanh của mình một cách thành công nhất.
Tham khảo thêm:
7P trong marketing là gì? Tất tần tật về mô hình 7P