Celeb là gì? Nghệ thuật sử dụng celeb trong marketing

Khi tiếp thị các sản phẩm hoặc dịch vụ trên thị trường, việc doanh nghiệp phải cạnh tranh với hàng triệu nội dung quảng cáo mỗi ngày là điều không thể tránh khỏi. Do đó, để giành được chiến thắng trong cuộc chiến thu hút sự chú ý này, các marketer phải không ngừng nghĩ ra những ý tưởng, nội dung mới để lôi kéo người xem. Nhìn chung tất cả các chiến thuật này đều mang tính hiệu quả, nhưng nhà quảng cáo sẽ cần tốn rất nhiều kỹ năng và thời gian để có thể triển khai hoàn chỉnh, mang lại thành công như mong đợi. Vì vậy, việc sử dụng chiến lược celeb chính là phương án tối ưu để giúp doanh nghiệp lôi kéo sự chú ý của người dùng vào thương hiệu, sản phẩm ngay lập tức.

Vậy celeb là gì? Tại sao celeb lại trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn cho các chiến dịch quảng cáo trên thị trường? Theo dõi nội dung dưới đây để cùng chúng tôi làm rõ những câu hỏi này, đồng thời biết cách áp dụng nghệ thuật sử dụng celeb hiệu quả trong kế hoạch tiếp thị của mình một cách phù hợp nhất.


Celeb là gì? Nghệ thuật sử dụng celeb trong marketing
 

Celeb là gì?

Celeb là từ được lược giản của “Celebrity” trong tiếng Anh và khi dịch sang tiếng Việt thì mang nghĩa là người nổi tiếng. Cụ thể hơn, celeb là khái niệm dùng để chỉ những ngôi sao, người có tầm ảnh hưởng được công chúng và truyền thông săn đón. Họ có thể là các diễn viên, ca sĩ hay đơn giản chỉ là một nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao và giải trí. Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh doanh thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể bắt gặp rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng đến từ các celeb là doanh nhân thành đạt hay doanh nghiệp startup.

Thông thường, để trở thành một celeb thì những cá nhân đó đều phải có các hoạt động nổi bật về cả tài năng lẫn khối tài sản mà họ đang sở hữu, đồng thời định vị được hình ảnh cá nhân trong cộng đồng. Chẳng hạn, chúng ta có thể dễ dàng kể tên các celebrity đình đám trên thế giới hiện nay như: nhóm nhạc BTS, Blackpink, ca sĩ Selena Gomez, ca sĩ Taylor Swift,... hay một số celeb nổi tiếng tại thị trường trong nước như: ca sĩ Sơn Tùng MTP, MC Trấn Thành, MC Trường Giang hay diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc,....

Ngoài ra, danh tiếng của celeb còn dựa vào mức độ nổi tiếng của họ ở mỗi quốc gia hay vươn rộng ra thị trường quốc tế và tất nhiên, càng nổi tiếng thì tỷ lệ thu nhập mà họ kiếm được sẽ càng cao. Đó chính là lý do vì sao mà Selena Gomez - “bà hoàng” Instagram lại được nhãn hàng Adidas trả tới 550.000 $ chỉ với một bài đăng duy nhất.


Celeb là gì?
 

Phân biệt celeb và influencer

Khi đặt ra câu hỏi celeb là nghề gì thì chắc chắn, phần lớn ý kiến của chúng ta sẽ đều nghĩ rằng đó chính là Influencer - những người có sức ảnh hưởng lớn và có lượng follower cao. Tuy nhiên, thực tế thì hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau khi celeb có thể là influencer nhưng với influencer, chưa hẳn họ đã là celeb.

Cụ thể, influencer là những người am hiểu và có kiến thức về một lĩnh vực nào đó. Họ sẽ thường sử dụng chính nguồn kiến thức của mình để chia sẻ cho mọi người, đồng thời nhận quảng cáo cho các sản phẩm có mối liên quan mật thiết đến lĩnh vực mà họ am hiểu, hoặc đang trực tiếp trải nghiệm. Ví dụ, các Fashion Blogger thường sẽ trải nghiệm và giới thiệu đến cho người xem những trang phục, phụ kiện phối đồ ấn tượng.

Còn với celebrity, họ không nhất thiết phải am hiểu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Thay vì vậy, họ sẽ dựa vào sức ảnh hưởng vốn có cùng với tài năng mình để được các thương hiệu, nhãn hàng mời về làm gương mặt đại diện, quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ. Thông thường, một celeb nổi tiếng sẽ được khán giả biết đến qua những MV, phim ảnh, chương trình,... nổi tiếng được công chiếu trên TV, Youtube hay các nền tảng social media.

Vai trò của celeb trong các chiến dịch truyền thông

Người nổi tiếng luôn đóng vai trò là một người trung gian xuất sắc để giúp các công ty, doanh nghiệp khơi gợi những điểm tương đồng đối với khách hàng của họ. Đối với một chiến lược marketing, doanh nghiệp không nhất thiết phải hướng đến những celeb hạng A tầm cỡ để "chọn mặt gửi vàng". Thay vào đó, bạn có thể chọn hợp tác với những người nổi tiếng sở hữu lượng fan có cùng đặc điểm với tệp khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp đã đặt ra. Khi sự kết hợp này được diễn ra theo như quy trình đã được lên kế hoạch sẵn thì celeb sẽ mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích không hề nhỏ.

1. Nâng cao nhận thức thương hiệu

Sự chứng thực đến từ những người nổi tiếng chính là một công cụ quảng cáo để giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về thương hiệu. Cụ thể, các celeb là những người có mạng lưới mối quan hệ cực kỳ rộng, họ tiếp cận với nhiều người thông qua các kênh truyền thông khác nhau nên khi quảng cáo cho một sản phẩm, dịch vụ bất kỳ thì thương hiệu đó cũng trở nên nổi bật, có độ nhận diện cao hơn trên thị trường.

2. Gia tăng uy tín

Khi lựa chọn một sản phẩm giữa hàng nghìn các mặt hàng khác nhau trên thị trường, phần lớn người tiêu dùng sẽ thường có xu hướng tin tưởng vào những sản phẩm gắn liền với các gương mặt quen thuộc. Bởi họ cho rằng, những người nổi tiếng càng có sức ảnh hưởng lớn sẽ càng nhận quảng cáo cho các thương hiệu uy tín, đặc biệt là những cái tên đình đám trong việc “bảo chứng thương hiệu” như: Sơn Tùng MTP, Selena Gomez, MC Trấn Thành,....

3. Giúp tăng doanh số bán hàng

Việc sử dụng người nổi tiếng celeb để làm gia tăng doanh số bán hàng là một ưu điểm vượt trội đã hoàn toàn được xác nhận. Theo Social Media Week, việc ký kết quảng cáo với các celeb nổi tiếng có thể làm thăng hạng giá trị cổ phiếu cho một doanh nghiệp và đẩy doanh số bán hàng lên khoảng 4%.

Trong đó, Nike chính là một ví dụ kinh điển về việc sử dụng celeb để thúc đẩy doanh số bán hàng. Cụ thể, chiến dịch Nike Air Jordan vào năm 1984 của thương hiệu cũng được đánh giá là chiến thuật sử dụng celeb thành công nhất lịch sử. Với thỏa thuận hợp tác giữa Nike và Michael Jordan, huyền thoại bóng rổ này đã đưa vận mệnh của hãng thời trang thể thao lên một tầm cao mới khi trở thành thương hiệu tiêu dùng lớn nhất. Thậm chí cho đến khoảng 25 năm sau (2009), thương hiệu Nike Jordan vẫn thống trị đến 75% doanh số bán giày bóng rổ và chiếm khoảng 10,8% thị phần giày thể thao tại Hoa Kỳ.

4. Thu hút người dùng mới

Sự hâm mộ người nổi tiếng từ lâu đã trở thành một hiện tượng văn hóa có lịch sử hàng trăm năm và ăn sâu vào tiềm thức của con người. Mức độ thần tượng càng cao sẽ làm cho người hâm mộ tin rằng những gì mà Idol của họ quảng cáo đều có chất lượng tốt. Vì vậy, giữa hàng loạt các sản phẩm khác nhau thì người hâm mộ sẽ luôn ưu tiên lựa chọn những mặt hàng mà Idol giới thiệu, thậm chí bất chấp cả việc mức giá dành cho sản phẩm đó có cao hơn so với mặt bằng chung. Lúc này, doanh nghiệp book quảng cáo celeb sẽ trực tiếp là những người hưởng lợi khi doanh số không ngừng tăng cao, đồng thời thu hút thêm được nhóm người tiêu dùng mới.


Celeb
 

Hạn chế của hình thức celebrity

Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các mô hình marketing khác, tiếp thị thông qua celebrity cũng tồn tại những nhược điểm riêng biệt và nếu như không khéo léo, người nổi tiếng đó hoàn toàn có thể làm lu mờ thương hiệu và khiến giá trị của sản phẩm, dịch vụ bị suy giảm.

1. Khiến thương hiệu thiếu đi tính xác thực

Có rất nhiều trường hợp, một số thương hiệu thường quá phụ thuộc vào sự chứng thực đến từ người nổi tiếng. Đó là tình trạng mà người nổi tiếng có thể đánh giá quá cao về sản phẩm của doanh nghiệp, hoặc người hâm mộ của thần tượng ủng hộ mua hàng mà không quan tâm đến vấn đề chất lượng, giá thành món hàng đó ra sao. Nếu thương hiệu quá chìm đắm trong vấn đề doanh số, lợi nhuận thu về thông qua chiến lược tiếp thị bằng celeb thì họ sẽ thiếu đi tính độc lập, xác thực trong việc định vị chất lượng sản phẩm của mình trên thị trường. Từ đó dẫn đến việc bị lệ thuộc quá nhiều vào người nổi tiếng và khiến cho hoạt động kinh doanh khó có thể bền vững lâu dài.

2. Celeb làm tổn hại đến chính thương hiệu

Một nhược điểm tiếp theo của việc sử dụng celeb trong các chiến dịch truyền thông đó chính là scandal của người nổi tiếng có thể là “con dao” gây sát thương cho chính thương hiệu khi giữa hai bên thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với nhau qua các chức danh: gương mặt đại diện, đại sứ thương hiệu, đại sứ toàn cầu,.... Bởi lẽ, hình ảnh của celeb thường luôn đi đôi với hình ảnh thương hiệu trong suốt quá trình truyền thông, quảng cáo. Nên khi người nổi tiếng đó không được lòng công chúng thì danh tiếng của thương hiệu chắc chắn cũng sẽ bị vạ lây.

Ví dụ cho trường hợp này có thể kể đến Oscar Pistorius - vận động viên không chân một thời đã truyền cảm hứng về tấm gương nghị lực đến hàng triệu khán giả trên toàn cầu khi thi đấu với hai chân giả trong thế vận hội mùa hè năm 2012. Cũng chính vì lý do này mà Nike đã ký hợp đồng với Oscar Pistorius để quảng bá cho sản phẩm của mình. Thế nhưng, năm 2013 thì Oscar Pistorius đã vướng vào bê bối giết người khiến cho danh tiếng và hình ảnh thương hiệu của Nike bị ảnh hưởng. Ngay lập tức, Nike đã có động thái vô cùng dứt khoát khi cắt đứt hợp đồng với vận động viên này để tránh gây ra tình trạng liên đới.


Người nổi tiếng celeb
 

Cách lựa chọn celeb phù hợp với thương hiệu và chiến dịch

Như chúng ta cũng đã thấy, việc sử dụng celeb trong các chiến dịch truyền thông sẽ mang lại rất nhiều lợi ích khác nhau từ doanh thu cho đến tiếng vang về thương hiệu. Thế nhưng, muốn đạt được hiệu quả như vậy thì các nhãn hàng, doanh nghiệp cần phải chú ý một số tiêu chí dưới đây để có thể lựa chọn được celeb sao cho phù hợp với sản phẩm, dịch vụ.

1. Sự quen thuộc (Familiarity)

Mỗi một celeb sẽ có những nhóm đối tượng fan hâm mộ và người theo dõi riêng. Vì vậy, nếu người nổi tiếng càng quen thuộc, càng được nhiều người biết đến thì chắc chắn, quảng cáo của họ sẽ dễ dàng tạo được thiện cảm đối với công chúng. Tuy nhiên, trước khi tiến hành lựa chọn celebrity để truyền thông cho sản phẩm, doanh nghiệp cũng cần phải có sự tìm hiểu kỹ càng để xác định nhóm người hâm mộ của celeb có thuộc đối tượng khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến hay không.

Chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ không thể nào lựa chọn một celeb có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ để quảng cáo cho một sản phẩm dành cho mẹ bỉm sữa hay em bé. Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp không thể nào quảng bá được thương hiệu, không tạo ra doanh thu cao và thậm chí còn gây tốn ngân sách cho việc mời celeb, triển khai campaign.

2. Mức độ liên quan (Relevance)

Các nhà tiếp thị marketing hiện nay sẽ cần phải cố gắng để tạo ra sự phù hợp, gắn kết giữa một sản phẩm, dịch vụ với người nổi tiếng để tạo ra tính chứng thực. Cụ thể, người nổi tiếng sẽ cần phải xây dựng được sự tin tưởng đối với công chúng khi đại diện cho bất kể một mặt hàng nào. Sự liên kết này càng chặt chẽ bao nhiêu thì chắc chắn, khả năng khách hàng tin tưởng vào thông điệp được truyền tải sẽ càng lớn bấy nhiêu.

Ví dụ như Minh Hằng - một celeb có tiếng khi thường xuyên xuất hiện quảng cáo cho nhiều dòng sản phẩm liên quan đến làm đẹp như: dầu gội, kem chống nắng, son môi,.... Cô nàng là gương mặt quen thuộc khi nhắc đến lĩnh vực lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và có độ nhận diện cao đối với người tiêu dùng. Đó chính là lý do vì sao mà các thương hiệu trong lĩnh vực này thường rất ưu tiên mời Minh Hằng làm gương mặt đại diện cho các sản phẩm làm đẹp của mình.

3. Danh tiếng (Esteem)

Một khi người nổi tiếng xây dựng được hình ảnh đẹp thì chắc chắn, sự tôn trọng của người dùng dành cho họ sẽ được chuyển sang những sản phẩm mà celeb đó đang quảng bá. Hiểu một cách đơn giản thì celeb có danh tiếng càng lớn thì việc liên kết với những sản phẩm họ đang giới thiệu sẽ càng tạo ra độ uy tín, cũng như tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng. Vì vậy mà các marketer nên sử dụng những celeb có danh tiếng để gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu và mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình.

4. Sự khác biệt (Differentiation)

Thị trường quảng cáo đang ngày càng cạnh tranh vô cùng khốc liệt và rất khó để bạn có thể phân biệt các sản phẩm tương đồng với nhau. Vì vậy, để giúp cho sản phẩm trở nên nổi bật thì buộc doanh nghiệp cần phải tạo ra được sự khác biệt. Trong đó, sử dụng sức ảnh hưởng của celeb để tạo ra những thông điệp ấn tượng sẽ giúp cho người xem dễ dàng ghi nhớ hơn. Từ đó, mỗi khi khách hàng nhìn thấy sản phẩm thì họ sẽ liền nghĩ ngay đến celeb đại diện hoặc ngược lại, khi nhìn thấy celeb thì trong đầu của họ sẽ liên tưởng đến các mặt hàng mà người nổi tiếng đó đang quảng bá.


Celebrity
 

Nghệ thuật sử dụng celeb trong truyền thông hiệu quả

Trong những năm gần đây, việc các thương hiệu thường xuyên hợp tác với những người nổi tiếng để quảng bá cho sản phẩm đang dần trở thành một xu hướng trên thị trường. Điển hình cần phải kể đến 4 cô nàng Backlink lần lượt trở thành đại sứ toàn cầu cho các thương hiệu đình đám như: Chanel, Dior, Celine, YSL, MAC, Calvin Klein, Cartier,.... Không chỉ riêng ở xứ sở Kim chi mà cầu thủ bóng đá Lionel Messi đến từ Argentina cũng đã trở thành gương mặt đại diện cho loạt thương hiệu nổi tiếng từ Adidas, Lay’s cho đến Pepsi,....

Chính sự kết hợp trên đã giúp cho các thương hiệu đình đám này tạo được những cú “hit” lớn không chỉ về danh tiếng mà còn là các khoản doanh thu, lợi nhuận “béo bở” đến từ sức ảnh hưởng của celeb. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công đến từ việc sử dụng người nổi tiếng trong các chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng trên thì một số thương hiệu khác lại không được may mắn như vậy. Điều này vô tình đặt ra cho chúng ta một câu hỏi, liệu họ có biết cách áp dụng nghệ thuật dùng celeb trong các chiến dịch marketing của mình một cách phù hợp hay không?

1. Đừng quá lạm dụng vào người nổi tiếng

Theo như một cuộc khảo sát do Cục Nghiên cứu Thị trường Ấn Độ (IMRB) thực hiện trên các khu trung tâm đô thị tại nước này đã tiết lộ rằng, việc một người nổi tiếng quảng bá cho quá nhiều thương hiệu cùng một lúc sẽ khiến cho khả năng ghi nhớ của người dùng bị kém đi. Khách hàng sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhận biết đâu là thương hiệu do người nổi tiếng celeb đại diện vì đã xem qua quá nhiều quảng cáo khác nhau.

Cụ thể, người mẫu Kendall Jenner chính là ví dụ điển hình cho trường hợp này. Với thân hình gợi cảm của mình, Kendall đã nhận tài trợ quảng cáo từ rất nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau, nổi bật trong số đó cần phải kể đến Calvin Klein, Missoni, Fendi và Longchamp. Mặc dù trên thực tế, chúng ta không thể nào chối bỏ sức hút ấn tượng đến từ thần thái sang chảnh của cô người mẫu này nhưng việc chọn Kendall Jenner làm gương mặt đại diện vẫn luôn là “nước đi” mà các nhãn hãng cần phải thật cẩn trọng.

Chính bà Janet Comenos - nhà đồng sáng lập và CEO của Spotted cũng đã chia sẻ: “Nếu chỉ trong vòng một tháng, người dùng nhìn thấy Kendall Jenner trên 22 chiến dịch quảng cáo khác nhau thì họ sẽ chẳng thể nào còn nhớ được cô là đại diện cho thương hiệu nào”. Ông Cameron Stark - đối tác tại Câu lạc bộ Hard Work chuyên về sáng tạo, xây dựng thương hiệu cũng cho biết, người dùng chỉ nhìn thấy những người nổi tiếng trong các quảng cáo và hoàn toàn “ngó lơ” các sản phẩm, dịch vụ mà họ đang giới thiệu. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với mong muốn cũng như mục tiêu mà thương hiệu đang hướng tới.

Đây chính là lý do mà các thương hiệu cần phải cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định hợp tác với những người nổi tiếng đã đại diện cho một nhãn hàng khác. Điều đó đôi khi có thể dẫn đến sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đồng thời gây ra sự xung đột giữa các thương hiệu có liên quan. Vậy nên thay vào đó, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nên thử nghiệm trước một chiến dịch quảng cáo có sự góp mặt của celeb. Từ đó, thương hiệu sẽ bắt đầu tìm hiểu cách mà khách hàng phản ứng lại với người nổi tiếng, sản phẩm hoặc thương hiệu để đưa ra quyết định có nên ký hợp đồng hợp tác hay không.


Celeb là ai?
 

2. Các thương hiệu cần trung thực khi sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng

Khi các thương hiệu sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng một cách bài bản thì chắc chắn, điều này sẽ ngay lập tức mang lại cho thương hiệu rất nhiều lợi ích khác nhau như: xây dựng thương hiệu (branding marketing), thúc đẩy quyết định mua hàng và gia tăng doanh số,.... Tuy nhiên, trong trường hợp thương hiệu cố tình lạm dụng hình ảnh của celebrity thì mối quan hệ hợp tác này có thể nhận về nhiều chỉ trích.

Cụ thể, vào năm 2016 thì ca sĩ Beyoncé đã cho ra mắt thương hiệu thời trang thể thao mang tên Ivy Park. Đến năm 2019, Ivy Park đã có một cuộc kết hợp cùng Adidas để cho ra mắt dòng sản phẩm mới với sự quảng bá của những cái tên đình đám như: Cardi B, Kendall Jenner, Missy Elliott,.... Ngay lập tức, các sản phẩm hợp tác giữa hai thương hiệu trên đã nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng bởi những gam màu nóng ấn tượng, kết hợp cùng các thiết kế đa dạng như: áo hoodie, quần legging, jumpsuit, giày.

Tuy nhiên, việc Beyoncé kết hợp cùng với thương hiệu Adidas đã tạo nên một cuộc tranh cãi bởi người hâm mộ chưa từng nhìn thấy nữ ca sĩ diện trang phục đến từ thương hiệu này, hay thể hiện được sự gắn kết của mình với thương hiệu trong thời gian trước đó. Vậy nên mà chỉ hai năm sau ngày mở bán (2021), doanh số bán hàng của Ivy Park đang từ 93 triệu USD đã bị giảm sút còn khoảng 40 triệu USD vào năm 2022, con số thấp hơn rất nhiều so với mức dự đoán 250 triệu USD. 

Trái ngược với trường hợp của ca sĩ Beyoncé, một trong những màn hợp tác giữa thương hiệu và celeb nhận được nhiều lời khen nhất hiện nay cần phải kể đến đó chính là Calvin Klein - Jungkook (BTS). Theo đó, nếu như hầu hết những người nổi tiếng đều phải đánh giá một cách cẩn thận trước lời yêu cầu hợp tác từ các thương hiệu thì với Jungkook, nam ca sĩ này lại muốn đại diện cho thương hiệu mà bản thân mình thật sự yêu thích. Cụ thể, nam ca sĩ cho biết bản thân mình luôn tự chi tiền cho những trang phục của Calvin Klein từ trước đến nay. Những người hâm mộ của nam ca sĩ cũng ngay lập tức nhận ra rằng, kể từ khi debut thì Jungkook cũng đã diện nhiều trang phục khác nhau của Calvin Klein từ cargo, áo khoác, áo thun, quần jeans,... hay các phụ kiện như mũ và giày.

Vào ngày 28 / 3 / 2023, Calvin Klein chính thức công bố nam thần tượng trở thành Đại sứ Toàn cầu cho dòng sản phẩm Jeans và Underwear. Ngay sau khi thông tin được công bố, hashtag #JungkookxCalvinKlein đã trở thành xu hướng trên Twitter với hàng triệu lượt đề cập, đồng thời là chủ đề được thảo luận nhiều nhất tại hơn 172 quốc gia trên toàn thế giới. Đặc biệt, cổ phiếu của thương hiệu này cũng đã tăng vọt đến 20% chỉ trong vòng 4 ngày ngắn ngủi, các sản phẩm được Jungkook quảng cáo cũng chiếm giữ vị trí số một trong danh mục best seller (bán chạy) trên trang Naver của Calvin Klein Hàn Quốc khi mới chỉ được mở bán sau 24 giờ.


Celebrity là gì?
 

3. Thương hiệu cần xem người nổi tiếng là đối tác

Ngoài sử dụng hình ảnh, việc các thương hiệu - celeb đồng sản xuất và cho ra mắt các sản phẩm / dịch vụ sẽ mang về nhiều lợi nhuận hơn cho cả hai bên. Điển hình đó chính là sự kết hợp của G-Dragon - “ông hoàng” KPop và Nike - một trong những thương hiệu giày thể thao lớn nhất thế giới với sản phẩm G-Dragon x Nike Air Force 1 Para-Noise 2.0. Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, đôi giày này không có nhiều điểm khác biệt so với các mẫu giày thể thao bình thường khi có chất liệu da đắt tiền, bên ngoài được sơn màu đen. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian sử dụng thì lớp sơn ấy sẽ tự động bong ra và bên dưới chính là một bề mặt khác do chính tay G-Dragon tạo nên.

Ngay vừa khi được ra mắt, Air Force 1 Para-noise đã nhanh chóng nhận được sự chú ý, đón nhận cuồng nhiệt từ giới mộ điệu và từ những fan hâm mộ của nam ca sĩ G-Dragon trên toàn cầu. Đặc biệt, chính những điểm thú vị trên mẫu giày cũng chính là nguyên nhân chính làm cho sản phẩm nhanh chóng cháy hàng trên phạm vi toàn cầu.

Cụ thể, theo thống kê thì chỉ mất khoảng 40 phút để đôi giày Air Force 1 Para-noise được bán hết tại 44 quốc gia. Điển hình như tại Trung Quốc, hơn 150 triệu người dùng Weibo đã vô cùng bất ngờ trước thông tin AF1 Para-noise chỉ mất 0,06 giây để bán hết hàng. Trong khi đó, tại Mỹ và Canada thì thời gian “sold out” là 5 phút, tại Úc là 10 phút còn ở Anh (UK) thì 2 phút. Duy tại thị trường Việt Nam, Nike chính thức treo biển “hết hàng” ngay sau khi mở bán sản phẩm khoảng 40 phút. Cũng trong ngày đôi giày này được mở bán, từ khóa Nike Air Force đã nhanh chóng đạt được tỷ lệ tìm kiếm cao nhất trong vòng 15 năm qua (2004), kể từ thời điểm dòng sản phẩm này ra đời.


Celebrity nghĩa là gì?
 

Một số ví dụ về chiến dịch marketing sử dụng celeb thành công

1. OPPO và Sơn Tùng MTP - Bộ đôi hoàn hảo trong cuộc đua chiếm thị phần

OPPO là nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn được thành lập từ năm 2004 có trụ sở tại Trung Quốc. Hãng chuyên sản xuất các mặt hàng như điện thoại, đồng hồ thông minh, tai nghe, sạc dự phòng, cáp sạc chuyển đổi,.... Trong đó, điện thoại thông minh là dòng sản phẩm nổi bật, chủ chốt nhất của hãng.

Với mức giá tầm trung cùng những cải tiến vượt trội, OPPO đủ sức để có thể chinh phục được khách hàng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu của OPPO đó chính là càng tiếp cận được nhiều khách hàng thì càng tốt. Thế nên, với sự hợp tác cùng Sơn Tùng MTP - người có ảnh hưởng nhất nhì showbiz, những dòng sản phẩm của OPPO giống như “hổ mọc thêm cánh” trong cuộc đua tranh giành thị phần tại Việt Nam bên cạnh một số cái tên nổi tiếng khác như: Samsung, iPhone, Xiaomi,.... Tất nhiên, việc OPPO lựa chọn Sơn Tùng MTP làm gương mặt đại diện thương hiệu không chỉ đơn thuần là về danh tiếng của nam ca sĩ mà còn dựa trên những khía cạnh sau:

- Đối tượng khách hàng: Sơn Tùng MTP là một nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc tại Việt Nam và có sức ảnh hưởng không nhỏ đến các khán giả trẻ. Còn với OPPO, nhóm khách hàng mà thương hiệu này hướng đến đó chính là những người trẻ tuổi và có niềm đam mê công nghệ. Do đó, Sơn Tùng MTP chính là giải pháp phù hợp mà OPPO lựa chọn để tiếp cận và tạo sự tương thích với các khách hàng tiềm năng mà thương hiệu này hướng đến.

- Sự tương thích giữa hình ảnh và giá trị thương hiệu: Sơn Tùng MTP luôn định hình phong cách của mình là trẻ trung, năng động và thời trang. Trong khi đó, thương hiệu OPPO cũng tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm hiện đại, sáng tạo. Do đó, việc nam ca sĩ trở thành gương mặt đại diện cho thương hiệu sẽ giúp OPPO xây dựng hình ảnh phù hợp với phong cách, giá trị thực tế của mình.

- Sự phù hợp với chiến dịch quảng cáo: tại Việt Nam, Sơn Tùng MTP có lượng người hâm mộ cực kỳ đông đảo với tầm ảnh hưởng lớn trên các trang mạng xã hội. Dựa vào điều này, OPPO đã tận dụng sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của nam ca sĩ để quảng bá, đồng thời tiếp cận khách hàng hiệu quả. Bằng cách sử dụng hình ảnh Sơn Tùng MTP trong các chiến dịch quảng cáo, OPPO đã thu hút được sự chú ý và tạo nên mối liên kết mạnh mẽ với các khách hàng mục tiêu.

- Mức độ bảo chứng thương hiệu: trước khi kết hợp với OPPO, Sơn Tùng MTP đã từng tham gia vào nhiều chiến dịch quảng cáo và hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng. Sự thành công và uy tín của nam ca sĩ trong lĩnh vực giải trí đã mang lại lợi ích không nhỏ cho OPPO trong việc xây dựng sự chú ý, tin tưởng từ khách hàng.


Nghề celeb
 

2. Jennie và Chanel - Sự thăng hoa trong thời trang cao cấp

Sau chuyến tham dự Paris Fashion Week của Chanel của Chanel, Jennie ngay lập tức trở thành tiêu điểm của truyền thông bởi vẻ đẹp kiêu kỳ, sang chảnh. Sau đó, nữ ca sĩ lại nhanh chóng làm cho cộng đồng fan hâm mộ cũng như các tín đồ thời trang khắp thế giới phải trầm trồ khi chính thức “thăng cấp” thành Đại sứ toàn cầu sau sự ra đi của giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld, đồng thời trở thành ngôi sao mở màn cho danh sách các đại sứ thương hiệu toàn cầu dưới thời của tân thủ lĩnh Virginie Viard.

Bất chấp vấp phải những tranh cãi, bàn luận về việc nhà mốt này đã quá vội vã khi sướng tên Jennie cho danh hiệu cao nhất, nữ ca sĩ đến từ nhóm nhạc đình đám BlackPink đã từng bước chứng minh bản lĩnh của mình trong việc thể hiện một gu thời trang nhất quán với sự nhã nhặn, thanh lịch nhưng không kém phần đẳng cấp, sang trọng của Chanel. Cũng từ đây, Jennie luôn trở thành cái tên “gây sốt” khi mỗi lần xuất hiện trong các trang phục của Chanel, đồng thời được báo chí ưu ái đặt cho những mỹ từ như “Búp bê Chanel sống” hay “Coco Jennie”. Để có thể thành công trong việc tạo nên sự thăng hoa của thương hiệu thời trang Pháp, cả Jennie và Chanel chắc chắn phải có rất nhiều điểm tương đồng với nhau, cụ thể:

- Hình ảnh độc lập và mạnh mẽ: cả Jennie và Chanel đều xây dựng hình ảnh độc lập và mạnh mẽ. Trong đó, nếu Jennie được công nhận là một “IT girl” chính hiệu với sự tự tin, phóng khoáng trong cách ăn mặc và biểu diễn thì Chanel cũng thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ, quyền lực và độc lập trong ngành công nghiệp thời trang khi đại diện cho sự sang trọng, quyến rũ.

- Vóc dáng thon gọn, đầy đặn: không chỉ gây ấn tượng bởi khả năng ca hát và tài trình diễn trên sân khấu, Jennie còn sở hữu một thân hình thon thả với ba vòng chuẩn. Đây chính là lợi thế lớn giúp cho mỹ nhân này có thể “cân” tất mọi loại trang phục, trong đó bao gồm những items "khó nhằn" đến từ Chanel.

- “Nữ hoàng Instagram”: BlackPink hiện đang là nhóm nhạc nữ có độ nổi tiếng thuộc top đầu của làng giải trí Hàn Quốc. Không chỉ nhận được sự mến mộ từ fan hâm mộ nước nhà, các cô nàng còn sở hữu lượng follow đông đảo đến từ cộng đồng quốc tế. Chỉ với riêng Jennie, Instagram của cô nàng hiện đang có 80 triệu người theo dõi. Với số lượng follower đông đảo như vậy, những bài đăng của cô về các sản phẩm Chanel cũng ngay lập tức nhận được sự quan tâm, ủng hộ cực khủng đến từ người hâm mộ.

- Luôn là tâm điểm ở các sự kiện: Với sức ảnh hưởng của mình, Jennie chính là cái tên “không phải dạng vừa” đâu khi luôn chiếm sạch spotlight tại các sự kiện. Thậm chí, ngay vừa khi tới sân bay thì cô nàng đã được vây kín bởi cánh truyền thông nên những trang phục, phụ kiện mà cô nàng diện từ Chanel cũng trở nên phổ biến theo, từ đó nhanh chóng gia tăng tốc độ “cháy hàng”.


Celeb là nghề gì?
 

Như vậy, thông qua nội dung trên thì Phương Nam Vina đã giúp cho bạn tìm hiểu về khái niệm celeb nghĩa là gì và những lợi ích của việc sử dụng celebrity trong marketing. Chúng tôi hi vọng từ những kiến thức vừa được chia sẻ, doanh nghiệp có thể dễ dàng triển khai được chiến lược marketing hiệu quả bằng cách nhờ vào sự nổi tiếng, tầm ảnh hưởng của các celeb đã được tuyển chọn một cách cẩn thận. Chúc các bạn thành công!

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website Nằm lòng 5 bước trong quy trình nghiên cứu marketing

icon thiết kế website KOL là gì? Những điều cần biết về KOL trong marketing

icon thiết kế website KOC là gì? Sự khác biệt giữa KOL và KOC trong marketing

Bài viết mới nhất

Sales promotion là gì? Bứt phá doanh số với sales promotion

Sales promotion là gì? Bứt phá doanh số với sales promotion

Sales promotion là một trong những chiến lược tiếp thị được các doanh nghiệp thường xuyên áp dụng để cải thiện doanh số hiệu quả, nhanh chóng.

Marketing trực tiếp là gì? Các hình thức marketing trực tiếp

Marketing trực tiếp là gì? Các hình thức marketing trực tiếp

Marketing trực tiếp là một trong những hình thức tiếp thị được đánh giá cao nhất hiện nay vì mang lại nhiều lợi ích ấn tượng cho doanh nghiệp.

DOL là gì? Ý nghĩa và công thức tính đòn bẩy kinh doanh DOL

DOL là gì? Ý nghĩa và công thức tính đòn bẩy kinh doanh DOL

DOL (Degree of Operating Leverage) hay đòn bẩy kinh doanh là một chỉ số quan trọng thường được các nhà quản trị sử dụng để quản lý doanh nghiệp.

Truyền thông đại chúng là gì? Vai trò và xu hướng phát triển

Truyền thông đại chúng là gì? Vai trò và xu hướng phát triển

Truyền thông đại chúng không chỉ là một phương tiện lan truyền thông tin hiệu quả mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Pain point là gì? Cách giải mã và khai thác customer pain point

Pain point là gì? Cách giải mã và khai thác customer pain point

Xác định pain points của khách hàng chính là một nhiệm vụ quan trọng để doanh nghiệp thiết lập nên những chiến lược tiếp thị hiệu quả.

Storytelling là gì? Cách thôi miên khách hàng với storytelling

Storytelling là gì? Cách thôi miên khách hàng với storytelling

Storytelling là một trong những chiến lược marketing mang tính nghệ thuật nhất khi có thể thuyết phục khách hàng bằng chính cảm xúc của họ.

zalo