Khách hàng hiện nay thường có xu hướng tin tưởng vào những lời chia sẻ, chỉ dẫn của người nổi tiếng mà họ yêu thích. Chính vì vậy mà việc thuê các KOL để quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình luôn là một trong những chiến dịch marketing được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên trong khoảng thời gian gần đây, KOC đang nổi lên như một hiện tượng khi mang lại hiệu quả tiếp thị tốt với chi phí cực kỳ phải chăng. Thậm chí, ngày càng có nhiều nhãn hàng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các KOC thay vì chỉ tập trung vào mỗi KOL như trước. Vậy KOC là gì? KOL và KOC có điểm gì khác biệt? Tất cả câu trả lời cho vấn đề này sẽ được chúng tôi làm rõ hơn ngay trong nội dung dưới đây.
- KOC là gì?
- Sự khác biệt giữa KOL và KOC
- Khi nào nên sử dụng KOL và KOC?
- Sự nở rộ của xu hướng KOC những năm gần đây
- Cách thức kiếm tiền của KOC như thế nào?
- Lý do các nhãn hàng thực hiện chiến dịch marketing với KOC
- Các nhãn hàng thường tận dụng lợi thế của KOC thế nào?
- Các bước để bắt đầu một chiến dịch hiệu quả cùng KOC
- Một số nền tảng phổ biến nhất cho KOC tại Việt Nam
KOC là gì?
Khái niệm KOC được viết tắt bởi cụm từ Key Opinion Consumer, dịch sang tiếng Việt là người tiêu dùng chủ chốt. Đây là những người có sức ảnh hưởng lớn trong thị trường và nhiệm vụ chính của họ đó chính là thử trực tiếp các sản phẩm / dịch vụ của một thương hiệu nào đó. Sau khi trải nghiệm, họ sẽ đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính công tâm và khách quan nhất về chất lượng sản phẩm cho nhóm người đang theo dõi mình.
Công bằng mà nói, KOC cũng được xem như người mua hàng thông thường. Do đó mà những đánh giá của họ thường mang tính chân thật và thực tế hơn hơn so với việc các nhãn hàng tự quảng cáo. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tác động mạnh mẽ đến quyết định mua của người xem, nhất là với đối tượng gen Z.
Sự khác biệt giữa KOL và KOC
Trong các chiến lược marketing ngày nay, KOC và KOL đều giữ những vai trò quan trọng trong việc tác động đến suy nghĩ, cảm nhận của khách hàng. Mặc dù luôn cùng nhau song hành trên mọi sản phẩm, dịch vụ nhưng về cơ bản, cả KOL và KOC đều là hai khái niệm khác biệt. Vì vậy, để có thể hiểu và phân biệt được hai thuật ngữ này thì các bạn cần dựa vào các tiêu chí dưới đây:
1. Phạm vi ảnh hưởng tới khách hàng
KOL là những người có sức ảnh hưởng lớn với công chúng nên lượng follow của họ trên các nền tảng mạng xã hội thường rất cao. Họ sẽ chịu trách nhiệm quảng bá các sản phẩm, dịch vụ với quy mô tầm cỡ nên thường phù hợp với những doanh nghiệp đang muốn nâng cao độ nhận diện thương hiệu một cách nhanh chóng.
Còn với KOC, trên thực tế thì họ cũng chỉ là những người tiêu dùng bình thường nên chắc chắn, lượng follow sẽ không bằng KOL. Công việc của họ cũng thường tập trung nhiều vào các hoạt động, dịch vụ thông thường như: review sản phẩm, review địa điểm du lịch,... một cách chân thực để gia tăng độ tin cậy, thu hút khách hàng.
2. Tính chuyên môn
Nếu KOL bắt buộc phải là những người có chuyên môn cao và kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mà họ đang quảng cáo thì với KOC, họ chỉ đơn giản là một cá nhân mua hàng thông thường, sau đó đưa ra suy nghĩ, cảm quan của mình về sản phẩm, dịch vụ đang trải nghiệm.
Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà KOC lại có tác động nhiều hơn đến quyết định mua hàng của người xem vì đó đều là những chia sẻ vô cùng chân thật, đồng thời không có bất cứ yếu tố quảng cáo nào. Ngược lại, với “con mắt” tinh tường của khán giả ngày nay thì KOL không phải lúc nào cũng nhận được sự tin tưởng từ họ.
3. Tính chủ động
Thông thường, những người có sức ảnh hưởng nhất định đối với công chúng như KOL hay Influencers sẽ được các nhãn hàng trực tiếp liên hệ để đưa ra lời mời quảng cáo. Sau đó, doanh nghiệp sẽ trực tiếp trả tiền booking cho các KOL bằng cách chuyển khoản hay chính sản phẩm / dịch vụ mà họ nhận quảng cáo.
Nhưng với KOC, họ sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ mà mình muốn trải nghiệm để đánh giá chất lượng. Họ có thể review những sản phẩm tự mua hoặc tìm kiếm các nhà tài trợ, quảng bá trên các nhóm, từ chủ shop hay nhãn hàng. Vậy nên, ý kiến của nhóm đối tượng KOC này sẽ có phần khách quan hơn so với KOL.
4. Độ tin cậy với khách hàng
Về cơ bản, cả KOL và KOC đều là những người trực tiếp sử dụng sản phẩm / dịch vụ từ một nhãn hàng nào đó. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây đó chính là KOC phải đưa ra được những đánh giá dễ hiểu và bày tỏ quan điểm trên các trang mạng xã hội Youtube, TikTok, Instagram, Facebook,... hay blog riêng của mình.
Nhưng KOL thì khác, họ sẽ được trả tiền để cộng tác với thương hiệu, mục đích đó chính là quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ. Chính vì thế, ý kiến của nhóm đối tượng này đôi khi không thật sự mang lại cảm giác chân thật cho lắm. Không chỉ vậy, nhiều KOL hiện nay nếu thiếu đi sự tinh tế, khéo léo trong việc quảng cáo và dẫn dắt người mua thì có thể gây ra phản ứng ngược, khiến khách hàng mất niềm tin vào sản phẩm.
Khi nào nên sử dụng KOL và KOC?
Mặc dù KOC đang nổi lên như một xu hướng và nhận được nhiều sự tin cậy từ phía khách hàng nhưng điều này không có nghĩa là khái niệm KOL hoàn toàn bị thay thế. Thay vào đó, tùy thuộc vào từng chiến dịch marketing và mục tiêu mà mỗi doanh nghiệp hướng đến, họ sẽ xem xét đến việc nên lựa chọn KOC hoặc KOL nào để có thể mang lại hiệu quả tiếp thị tốt nhất.
Tuy vậy, nhiều nhãn hàng mặc dù đã biết đến khái niệm KOC bên cạnh KOL nhưng họ vẫn chưa thể sử dụng đúng đối tượng cho từng chiến dịch của mình. Vậy nên mà dưới đây sẽ là những gợi ý mà các doanh nghiệp có thể tham khảo để có thể sáng suốt hơn trong việc lựa chọn KOL hay KOC cho các chiến dịch tiếp thị của mình.
1. Đối với KOL
Khi quyết định sẽ hợp tác với KOL, bạn nên xem xét đến việc đối tượng này sẽ phù hợp với nền tảng nào. Theo như đánh giá, KOL thường không phù hợp với kênh Tik Tok mà thay vào đó, sức ảnh hưởng của họ sẽ hiệu quả hơn với những bài đăng trên mạng xã hội như: Facebook, Instagram hay Youtube. Bên cạnh đó, KOL cũng sẽ chỉ phù hợp đối với một số chiến dịch marketing sau:
- Giới thiệu một sản phẩm mới: hợp tác với KOL chính là cách mà doanh nghiệp thường sử dụng để gia tăng độ phủ sóng cho sản phẩm mới của mình. Thông thường, các nhãn hàng sẽ trực tiếp gửi sản phẩm mới của mình đến những KOL có tiếng trong lĩnh vực để họ lên bài viết giới thiệu hay video đánh giá trên mạng xã hội. Điều này giúp thu hút sự chú ý của khán giả và sản phẩm cũng được nâng cao độ nhận diện trên thị trường.
- Gương mặt đại diện cho các tuần lễ: thông qua vai trò là đại sứ thương hiệu, các KOL sẽ là người đại diện để mang thương hiệu của bạn đến gần hơn với công chúng. Đặc biệt, nếu bạn lựa chọn được đúng đại sứ thương hiệu phù hợp với sản phẩm và khách hàng mục tiêu thì chắc chắn, chiến dịch marketing của bạn sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
2. Đối với KOC
Các doanh nghiệp thường lựa chọn hợp tác với KOC khi họ đang có mục tiêu thúc đẩy doanh thu của mình trong một thời gian ngắn. Theo đó, các KOC sẽ là những người tạo niềm tin cho khách hàng thông qua những bài đánh giá, chia sẻ chân thực của mình, từ đó điều hướng người tiêu dùng mua hàng tại shop, website, mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử.
Sự nở rộ của xu hướng KOC những năm gần đây
Sau giai đoạn mà xu hướng KOL bùng nổ mạnh mẽ thì trong khoảng thời gian gần đây, thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện cái tên KOC với những gương mặt cực kỳ nổi bật. Đầu tiên cần phải kể đến đó chính là Kiên Review với những clip đánh giá sản phẩm được cho là rất có tâm. Anh chàng không ngần ngại “bóc phốt” sản phẩm kém chất lượng và từ chối lời mời quảng cáo sản phẩm. Chính vì những review chân thật mà tài khoản Tik Tok của Kiên đã có hơn 10 triệu lượt theo dõi, gần 900.000 người follow trên Facebook và 500.000 lượt subscribe ở tài khoản Youtube.
Hay một KOC khác cũng đình đám không kém với biệt danh Duy Thẩm với 6 triệu follow trên Tik Tok cùng gần 2 triệu người theo dõi tại Youtube. Nếu Kiên Review thường đánh giá đa dạng các loại sản phẩm thì kênh của Duy Thẩm thường tập trung bình luận về các thiết bị công nghệ, chủ yếu là laptop, smartphone, máy tính bảng,.... Ngoài ra thì chúng ta cũng cần phải kể đến các KOC nổi tiếng khác như: Tuấn Ngọc đây, Đàm Đức Review, Bếp Trưởng Review, Châu Muối, Võ Hà Linh, Baby Kopo Home,... với sức ảnh hưởng không hề kém cạnh những người nổi tiếng, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Có thể thấy, mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng KOC đang dần chứng tỏ bản thân mình là một xu thế mang tính thời đại. Chẳng hạn, khác với KOL thường sản xuất nội dung dựa trên yêu cầu của nhãn hàng để giới thiệu sản phẩm thì KOC lại đưa ra những đánh giá trực tiếp, mang tính khách quan và chân thật hơn. Mà điều này lại cực kỳ phù hợp với tâm lý của người tiêu dùng hiện nay khi họ dễ dàng nhận ra đâu là những video, bài đăng mang tính chất quảng cáo và được trả phí từ nhãn hàng.
Vì vậy, cách thuê KOL với lượng người theo dõi lớn sẽ chỉ phù hợp để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và nó sẽ mang lại hiệu quả về độ phủ sóng, mức độ tương tác. Nhưng với các review chân thật của các KOC sẽ giúp mang lại sự tin tưởng tuyệt đối từ khán giả và có thể mang lại hiệu quả doanh thu thật.
Cách thức kiếm tiền của KOC như thế nào?
Có thể thấy được rằng, KOC đã và đang dần trở thành một ngành nghề cực kỳ thịnh hành trong khoảng thời gian dạo gần đây. Tất nhiên, không phải tự nhiên mà công việc này lại được ưa chuộng như vậy do nguồn thu nhập khủng mà chúng mang lại không hề thua kém bất cứ KOL hay Influencers nào hiện nay. Vậy các KOC kiếm tiền bằng cách nào?
1. Tạo thu nhập thông qua affiliate marketing
Affiliate marketing hay còn gọi là tiếp thị liên kết, đây là một trong những hình thức cực kỳ phổ biến mà các KOC thường áp dụng để tạo ra nguồn thu cho mình. Theo đó, khi đăng một bài viết, video đánh giá sản phẩm mà mình đã trên mạng xã hội, họ có thể gắn thêm link mua hàng trên mô tả bài đăng.
Nếu có người mua hàng thông qua đường link này thì các KOC sẽ nhận được một khoản tiền hoa hồng. Mức hoa hồng mà các KOC kiếm được sẽ còn tùy thuộc vào lĩnh vực cũng như mức độ chi tiêu của khách hàng khi họ click vào đường link và tiến hành giao dịch.
2. Kiếm tiền qua livestream
Hình thức livestream bán hàng hiện nay không chỉ được ứng dụng rộng rãi trên các nền tảng Facebook, Instagram mà giờ đây, nó còn đang cực kỳ thịnh hành trên phương tiện Tik Tok. Đặc biệt, kể từ khi Tik Tok Shop xuất hiện thì rất nhiều KOC đã được các shop, thương hiệu booking để vừa livestream trò chuyện với người xem, vừa bán hàng nhanh chóng. Hình thức này được đánh giá là mang lại hiệu quả rất cao khi chỉ cần gắn link Tik Tok Shop bên dưới là người xem có thể vào để mua hàng bất cứ lúc nào mà không cần phải chuyển sang một trang hoàn toàn mới.
3. Sáng tạo nội dung được tài trợ bởi thương hiệu
Đây là một hình thức giống với việc bạn đi review sản phẩm nhưng nó lại có quy mô lớn và được đầu tư bài bản hơn. Chẳng hạn, các quán ăn, nhà hàng sẽ gửi lời mời để các KOC đến trải nghiệm quá trình ăn uống tại quán, đổi lại thì họ sẽ có được những bài đăng trên kênh của các KOC này. Hoặc là với những video thời trang, các KOC sẽ được tài trợ quần áo, phụ kiện để họ phối đồ, mix & match cho các buổi đi chơi, hẹn hò hay dự sự kiện.
Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, chiến dịch marketing mà các KOC sẽ tiến hành trao đổi với thương hiệu về cách thức thực hiện, những khoản tài trợ và quyền lợi được hưởng. Ngoài ra, đối với một số KOC có mức độ nổi tiếng nhất định thì họ còn có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận những lời mời tham gia event ra mắt sản phẩm để PR cho thương hiệu, sản phẩm.
Lý do các nhãn hàng thực hiện chiến dịch marketing với KOC
Khi công nghệ ngày càng phát triển, khách hàng thường có thói quen so sánh và cân nhắc trước khi quyết định sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Không chỉ vậy, họ cũng dần trở nên khắt khe hơn khi luôn tìm hiểu những đánh giá, nhận xét từ những người mua trước. Đây cũng chính là lý do mà KOC ra đời và được các nhãn hàng, thương hiệu lựa chọn sử dụng bởi những lợi ích to lớn mà nhóm đối tượng này mang lại.
1. KOC chính là cầu nối quan hệ khách hàng và KOL
Trong quy trình bán hàng hay chăm sóc khách hàng, KOC giữ một vai trò cực kỳ quan trọng đối với vòng đời của khách hàng, đồng thời là cầu nối giúp kết nối với các KOL, influencer hiệu quả, cụ thể:
- Trước khi ra mắt sản phẩm: KOC sẽ giúp doanh nghiệp thu thập các phản hồi từ khách hàng tiềm năng thông qua những cuộc khảo sát. Qua đó hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu, thử nghiệm thị trường với chi phí cực thấp.
- Sau khi ra mắt sản phẩm: KOC sẽ mang đến giải pháp xây dựng niềm tin từ khách hàng vào thương hiệu, từ đó giúp cho doanh nghiệp đạt được tỷ lệ chuyển đổi cao hơn.
- Giai đoạn phát triển sản phẩm: KOC sẽ giúp gia tăng khả năng tiếp xúc và xu hướng sản phẩm một cách liên tục.
Bên cạnh đó, KOC kết hợp với KOL chính là yếu tố hàng đầu giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu và tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng.
2. Đánh giá của KOC tác động mạnh mẽ tới quyết định mua hàng
Những đánh giá chất lượng từ nhóm khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của công ty luôn là một tài sản quý giá để giúp doanh nghiệp có thể xây dựng lòng tin nơi khách hàng. Vậy nên, sự xuất hiện của KOC sẽ giúp khách hàng trải nghiệm trực tiếp và đưa ra những nhận xét, đánh giá chủ quan, chân thực. Điều này vô hình giúp doanh nghiệp khẳng định chất lượng của sản phẩm, dịch vụ và từ đó tạo ra hiệu quả bán hàng cực kỳ tốt, đồng thời mang lại doanh thu tối ưu.
3. Tối ưu chi phí hơn so với KOLs / Influencers
Khi sử dụng KOL, doanh nghiệp thường phải tiêu tốn một khoản chi phí rất lớn dựa vào mức độ ảnh hưởng của họ trên thị trường, cùng với đó là chi phí cho việc sáng tạo các ấn phẩm và nội dung truyền thông. Nhưng với các KOC, doanh nghiệp chỉ cần phải bỏ ra một khoản hoa hồng cho những đơn hàng thành công hoặc số lượng người tương tác mà KOC mang lại, từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu ngân sách marketing một cách hiệu quả.
Các nhãn hàng thường tận dụng lợi thế của KOC thế nào?
Nếu doanh nghiệp đưa ra thị trường một sản phẩm thành công thì chắc chắn, họ sẽ dành được nhiều lợi thế trong việc thu hút sự chú ý của các KOC. Đây là những người giúp cho doanh nghiệp truyền tải các thông tin về sản phẩm đến với công chúng. Tuy nhiên, nếu thương hiệu muốn thật sự tận dụng tối đa các ưu thế tiếp thị của KOC, họ sẽ cần phải tích cực thúc đẩy lợi thế tiềm năng của hình thức tiếp thị này bằng cách tận dụng những lợi ích dưới đây:
- Độ nhận diện thương hiệu: các KOC sẽ sáng tạo những chủ đề mới mẻ về thương hiệu hoặc là một số sản phẩm nhất định. Mục tiêu của việc này là giúp khơi gợi, thúc đẩy sự tương tác và trải nghiệm thực tế của khách hàng.
- Nội dung mang tính truyền tải cao: nội dung mà các KOC truyền tải cần dựa trên những trải nghiệm, đánh giá thực tế của chính họ. Điều này sẽ làm gia tăng cuộc thảo luận của người tiêu dùng về sản phẩm, góp phần quảng bá mặt hàng một cách tích cực.
- Tạo ra sự gắn bó lâu dài với khách hàng tiềm năng: các KOC có thể mời chính những người đang theo dõi mình để đưa ra ý kiến và đánh giá cá nhân. Điều này sẽ giúp tăng độ tương tác và chuyển đổi người theo dõi thụ động sang hoạt động tích cực hơn.
- Sức ảnh hưởng đến khách hàng tiềm năng: có khoảng hơn 2 / 3 người tiêu dùng hiện nay đồng ý rằng, đánh giá trực tuyến là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy quyết định của họ. Như vậy, khi mang yếu tố KOC vào trong chiến lược marketing thì đây sẽ là lợi ích to lớn cho doanh nghiệp trong việc gia tăng uy tín của thương hiệu.
Các bước để bắt đầu một chiến dịch hiệu quả cùng KOC
Với vai trò là một nhà tiếp thị, chắc chắn ai cũng muốn mình luôn đi đầu trong các kỹ thuật marketing mới nhất. Trong đó, tiếp thị KOC chắc chắn là một hình thức nhận được nhiều sự chú ý nhất hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở chỗ là làm thế nào để có thể lựa chọn KOC phù hợp, hiệu quả cho thương hiệu của bạn?
1. Thu hút KOC
Đầu tiên, các doanh nghiệp sẽ tiến hành xây dựng chiến lược KOC bằng cách thu hút các đối tượng khách hàng tiềm năng (KOC) phù hợp. Để làm được điều này thì các bạn cần phải:
- Tạo ra một sân chơi khuyến khích khách hàng đưa ra những đánh giá, nhận xét trên các nền tảng bán hàng của bạn.
- Thường xuyên tương tác với người hâm mộ trên các nền tảng mạng xã hội bằng cách bình luận, thả like, trả lời tin nhắn hoặc tạo ra một số trò chơi có kèm hashtag để họ thực hiện.
- Tạo ra các chiến dịch quảng cáo nhắm đến trúng mục tiêu là các khách hàng lý tưởng của bạn.
- Tìm kiếm trên mạng xã hội những người dùng thường hay đề cập đến thương hiệu của bạn nhiều nhất.
2. Đánh giá và lựa chọn KOC
Sau khi đã hoàn thành tốt các công việc cần thiết để có thể thu hút KOC tiềm năng hiệu quả, việc tiếp theo mà bạn cần làm đó chính là đánh giá và chọn lọc những KOC tiềm năng nhất. Vậy đâu là những tiêu chí đánh giá KOC chất lượng? Bạn có thể tham khảo 3 yếu tố nổi bật dưới đây:
- Relevant: chỉ số mức độ phổ biến của những nội dung mà KOC đã chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội của họ.
- Performance: chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của hoạt động truyền thông sản phẩm của KOC, đánh giá xem liệu nó có góp phần làm tăng doanh thu cho nhãn hàng hay không.
- Growth: chỉ số đo lường mức độ lan tỏa của KOC, tức là các KOC sẽ cung cấp tới người theo dõi những thông tin mới nhất của sản phẩm theo xu hướng chứ không phải đơn giản là cách cập nhật thông thường.
3. Thỏa thuận hợp tác cùng KOC
Sau khi đã xác định được các KOC phù hợp thì cũng là lúc, bạn cần phải tiến đến bước hợp tác với họ trong các hoạt động tiếp thị của mình bằng một số cách như sau:
- Gửi quà tặng là sản phẩm để khuyến khích các bài đánh giá của họ trên trang mạng xã hội.
- Tạo ra các chiến dịch tiếp thị để có thể thúc đẩy sự hưởng ứng từ chính họ.
- Tạo ra các hoạt động livestream hoặc đăng tải video, bài viết để nhãn hàng có thể tiếp cận được với mạng lưới những người theo dõi của KOC.
Một số nền tảng phổ biến nhất cho KOC tại Việt Nam
Sự phát triển của Internet trên khắp toàn cầu đã mở ra một cơ hội tuyệt vời cho tất cả mọi người ở từng quốc gia được liên kết lại với nhau. Trong đó, mạng xã hội chính là phương tiện hàng đầu để chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhau, đồng thời chia sẻ và hòa nhập với nhau được tốt hơn.
Theo dòng thời gian, những nền tảng này cũng trở thành một phương tiện để giúp cho các KOC có thể tận dụng để phát triển bản thân mình, đồng thời là công cụ hái ra tiền thông qua những bài đăng chia sẻ, đánh giá về sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, một số nền tảng phổ biến được các KOC tại Việt Nam thường xuyên sử dụng nhất đó chính là:
- Tik Tok: Tik Tok chính là một mảnh đất cực kỳ màu mỡ dành cho các KOC hiện nay khi mọi người có thể tự do sáng tạo, bày tỏ quan điểm của mình về một sản phẩm nào đó với hashtag #review. Nếu nội dung của bạn thật sự có giá trị và hữu ích cho người xem thì nó sẽ nhanh chóng được thịnh hành, dễ dàng lên xu hướng. Một cái tên nổi bật trên nền tảng này cần phải kể đến Kiên Review với hơn 10 triệu lượt follow, đồng thời cũng là KOC có tiếng nhất trên nền tảng này tính đến thời điểm hiện tại.
- Facebook: với 2 tỷ người dùng, Facebook chính là một thị trường thuận lợi cho KOC phát triển. Trên trang Facebook, bạn sẽ nhận thấy sự xuất hiện của rất nhiều hội nhóm khác nhau từ các beauty blogger, chuyên gia makeup, làm đẹp hay ẩm thực, điển hình như Thánh Riviu với 2,2 triệu thành viên. Hoạt động của KOC trong những hội nhóm này thường là các bài đăng review về quá trình sử dụng sản phẩm của mình với những đánh giá từ ưu, nhược điểm, lời khuyên,... đồng thời gắn kèm đường link mua sản phẩm hoặc địa chỉ cho những ai có nhu cầu.
- Youtube: đây cũng là một nền tảng mạng xã hội rất phổ biến tại Việt Nam với thời lượng video không bị giới hạn như khi làm KOC Tik Tok. Nhờ đó mà các KOC có thể review sản phẩm một cách chân thật và truyền tải thông tin được cụ thể, chi tiết hơn. Bên cạnh đó, các KOC cũng có thể gắn link sản phẩm bên dưới phần mô tả để người xem bấm vào mua hàng. Một trong số các KOC review sản phẩm nổi tiếng nhất trên nền tảng Youtube này cần phải kể đến “chiến thần review” Võ Hà Linh với gần 2 triệu lượt subscribe.
Trên đây là những chia sẻ của Phương Nam Vina về hình thức tiếp thị KOC đang cực kỳ hot hiện nay. Hi vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ phần nào hiểu rõ được khái niệm KOC là gì và những điểm khác biệt so với KOL. Từ đây, nếu bạn đang có dự định phát triển bản thân theo con đường này thì hãy nắm chắc các kiến thức mà chúng tôi đã trình bày để kiếm tiền được hiệu quả. Còn nếu bạn là một chủ doanh nghiệp hay nhãn hàng nào đó, việc biết thêm về KOC sẽ giúp bạn có thể lựa chọn và hoạch định chiến lược booking, quảng bá sản phẩm được thành công nhất.
Tham khảo thêm:
Top 12 mô hình marketing hiệu quả cho doanh nghiệp
Branding marketing là gì? Làm brand marketing có khó không?
Website marketing là gì? Các chiến lược marketing website hiệu quả