EEAT là gì? Hiểu rõ để tối ưu EEAT Google và SEO bền vững

Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, khi chỉ bằng một cú nhấp chuột, chúng ta có thể tìm thấy hàng tỷ kết quả cho bất kỳ câu hỏi nào, làm thế nào để bạn biết đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy? Làm thế nào để Google phân biệt giữa nội dung giá trị thực sự và thông tin kém chất lượng giữa một kho tàng nội dung khổng lồ trên Internet? Đây chính là lúc chúng ta cần nói về tiêu chuẩn EEAT - một trong những khái niệm quan trọng và được nhắc đến nhiều nhất trong SEO hiện đại và cũng là chìa khóa để xây dựng lòng tin với cả người dùng lẫn gã khổng lồ tìm kiếm Google.
 

EEAT là gì? Hiểu rõ để tối ưu EEAT Google và SEO bền vững
 

EEAT là gì?

EEAT là viết tắt của Experience - Expertise - Authoritativeness - Trustworthiness, tức là Trải nghiệm thực tế - Chuyên môn - Tính thẩm quyền - Độ tin cậy. Đây là bộ tiêu chí mà Google sử dụng để đánh giá mức độ chất lượng và uy tín của nội dung trên website. EEAT không phải là một thuật toán, nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống đánh giá và xếp hạng nội dung, đặc biệt với những trang thuộc nhóm YMYL (Your Money or Your Life) - như tài chính, y tế, pháp lý, sức khỏe,….

Ban đầu, bộ tiêu chí này chỉ bao gồm EAT (Expertise, Authoritativeness, Trustworthiness), được giới thiệu từ năm 2014. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 2022, Google đã cập nhật hướng dẫn này và bổ sung thêm chữ "E" đầu tiên – Experience. Sự bổ sung này nhấn mạnh việc Google muốn ưu tiên những nội dung không chỉ được tạo ra bởi chuyên gia hay nguồn đáng tin cậy, mà còn bởi những người đã có trải nghiệm thực tế về chủ đề đó.
 

Tối ưu EEAT Google
 

Phân tích chi tiết 4 yếu tố trong tiêu chuẩn EEAT

Hiểu rõ bản chất của từng yếu tố trong tiêu chuẩn EEAT chính là chìa khóa giúp bạn biết mình cần xây dựng và cải thiện điều gì để nội dung trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt cả Google và người đọc.

1. Experience – Trải nghiệm thực tế

Đây là yếu tố mới nhất được Google bổ sung vào cuối năm 2022. Experience đề cập đến việc người viết hoặc người tạo nội dung đã từng trải nghiệm thực tế liên quan đến chủ đề mà họ đề cập. Đây không nhất thiết phải là kiến thức chuyên môn, mà là sự trải qua, thực hành hoặc chứng kiến tận mắt.

Tại sao yếu tố này quan trọng?

Trong kỷ nguyên AI có thể viết mọi thứ, Google muốn tìm thấy dấu vết con người thật sự trong nội dung – trải nghiệm thật, góc nhìn thật, cảm nhận thật. Những nội dung dựa trên trải nghiệm cá nhân thường mang lại giá trị độc đáo mà kiến thức lý thuyết không thể thay thế và được xem là đáng tin và chân thực hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực như đánh giá sản phẩm, du lịch, ẩm thực, chăm sóc cá nhân,....

Ví dụ:

- Một người từng bị mất ngủ và chia sẻ quá trình cải thiện giấc ngủ của mình.

- Một review sản phẩm đến từ người đã dùng sản phẩm thật (không phải sao chép hoặc viết theo mô tả hãng).

- Chia sẻ câu chuyện cá nhân, bài học từ trải nghiệm sống (như kinh nghiệm vượt qua bệnh tật, kinh nghiệm du lịch bụi).

2. Expertise – Chuyên môn

Expertise là về kiến thức, kỹ năng và sự am hiểu sâu sắc của người tạo nội dung trong một lĩnh vực cụ thể. Nó có thể được chứng minh thông qua bằng cấp, chứng chỉ, đào tạo chính quy, hoặc kinh nghiệm làm việc lâu năm, thực hành liên tục trong lĩnh vực đó.

Tại sao yếu tố này quan trọng?

- Đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của thông tin, đặc biệt là với các chủ đề đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao như y tế, tài chính, kỹ thuật, khoa học.

- Xây dựng niềm tin với người đọc rằng nội dung được cung cấp bởi một người có đủ trình độ để hiểu và giải thích vấn đề một cách đúng đắn.

- Nội dung từ chuyên gia thường có chiều sâu, góc nhìn phân tích mà người không chuyên khó có được.

Ví dụ:

- Bài viết về dinh dưỡng được viết bởi bác sĩ dinh dưỡng.

- Nội dung về đầu tư tài chính từ chuyên gia phân tích thị trường hoặc cố vấn đầu tư.

3. Authoritativeness – Tính thẩm quyền

Authoritativeness là mức độ mà người tạo nội dung hoặc toàn bộ website được công nhận là một nguồn đáng tin cậy, một "tên tuổi" có uy tín và tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực của họ. Nó thể hiện vị thế và danh tiếng được xây dựng theo thời gian.

Dù bạn có chuyên môn và trải nghiệm, nhưng nếu không được ai biết đến hoặc tin tưởng, nội dung của bạn vẫn dễ bị đánh giá thấp. Google sẽ dựa vào liên kết, trích dẫn, thương hiệu và phản hồi cộng đồng để xác định bạn có “tầm” trong lĩnh vực hay không.

Tại sao yếu tố này quan trọng?

- Sự công nhận từ cộng đồng và các nguồn uy tín khác là minh chứng cho thấy bạn/website của bạn là một nguồn thông tin đáng tin cậy.

- Thẩm quyền giúp tăng cường lòng tin của người dùng và cả Google. Khi một website có thẩm quyền cao, nội dung của họ có xu hướng được tin tưởng hơn ngay từ cái nhìn đầu tiên.

- Authoritativeness là yếu tố quan trọng giúp Google phân biệt giữa các nguồn thông tin, đặc biệt khi có nhiều nội dung tương tự nhau.

Ví dụ:

- Một bác sĩ có tên tuổi, được nhiều báo uy tín trích dẫn.

- Website được nhiều người trong ngành giới thiệu, dẫn nguồn.

- Bài viết từ thương hiệu có tiếng nói trong lĩnh vực chuyên môn, như WebMD, Forbes,....

4. Trustworthiness – Độ tin cậy

Trustworthiness là yếu tố quan trọng nhất trong tiêu chuẩn EEAT, là nền tảng cho tất cả các yếu tố còn lại. Nó đánh giá mức độ đáng tin cậy tổng thể, sự trung thực, tính chính xác, minh bạch và an toàn của nội dung website.

Tại sao yếu tố này quan trọng?

- Google sẽ không bao giờ muốn giới thiệu một nguồn thông tin không đáng tin cậy, bất kể nó có chuyên môn hay thẩm quyền cao đến đâu.

- Bảo vệ người dùng khỏi thông tin sai lệch, lừa đảo, hoặc có hại, đặc biệt trong các lĩnh vực YMYL.

- Một website đáng tin cậy sẽ tạo ra môi trường an toàn và minh bạch cho người dùng.

Ví dụ:

- Website có chính sách bảo mật, thông tin liên hệ rõ ràng, nguồn bài viết minh bạch.

- Trang thông tin y tế dẫn nguồn từ các nghiên cứu khoa học chính thống.

- Bài viết có đề tên tác giả, thông tin rõ ràng, không giật tít sai lệch.
 

EEAT Google
 

Tại sao tối ưu EEAT quan trọng trong SEO hiện đại?

Internet là một biển thông tin khổng lồ, nơi thật giả lẫn lộn. Do đó, Google - công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới có sứ mệnh tối thượng là cung cấp kết quả tìm kiếm hữu ích và đáng tin cậy nhất cho người dùng. Nếu Google hiển thị những nội dung sai lệch, nguy hiểm (đặc biệt là các chủ đề nhạy cảm như sức khỏe, tài chính - còn gọi là YMYL - Your Money or Your Life), người dùng sẽ mất lòng tin vào Google.

Hãy thử tưởng tượng thế này, khi bạn tìm kiếm thông tin về một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, về cách quản lý tài chính cá nhân, hay đơn giản là cách sửa một thiết bị điện trong nhà,... bạn muốn nhận được câu trả lời từ ai?

- Một người hoàn toàn xa lạ, không rõ danh tính, không có bằng cấp hay kinh nghiệm gì?

- Hay một người có chuyên môn (bác sĩ, chuyên gia tài chính, kỹ thuật viên), có kinh nghiệm thực tế đã giải quyết vấn đề tương tự, được nhiều người tin tưởng và công nhận là đáng tin cậy?

Câu trả lời quá rõ ràng phải không? Chúng ta luôn tìm kiếm nguồn thông tin đáng tin cậy. Và đó chính là lý do cốt lõi khiến tối ưu EEAT trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng trong SEO hiện đại.

1. Đánh giá chất lượng nội dung website

Trong quá khứ, bạn có thể đưa một bài viết lên top chỉ nhờ nhồi từ khóa, tối ưu kỹ thuật hay đi backlink ồ ạt. Nhưng bây giờ, mọi chuyện không còn đơn giản như vậy nữa. Google muốn đảm bảo rằng người dùng nhận được thông tin chính xác, từ những nguồn đáng tin cậy, mang lại giá trị thật. Để làm được điều này, Google sử dụng EEAT như một bộ lọc tinh vi để “soi” ra nội dung nào thực sự có giá trị và loại bỏ các trang web sao chép, kém chất lượng hoặc thông tin sai lệch.

3. EEAT giúp website tối ưu theo thuật toán Google

Mặc dù E-E-A-T không phải là yếu tố xếp hạng trực tiếp, tuy nhiên, khi xây dựng nội dung và website theo các tiêu chuẩn EEAT, bạn đang làm những điều mà thuật toán của Google đánh giá cao:

- Tăng tín hiệu người dùng tích cực: Nội dung chất lượng, đáng tin cậy khiến người dùng hài lòng. Họ ở lại trang lâu hơn (time on page tăng), ít thoát trang đột ngột (bounce rate giảm), có thể quay lại website (returning visitors tăng), và chia sẻ nội dung. Đây là những tín hiệu mạnh mẽ mà Google có thể ghi nhận và đánh giá cao.

Xây dựng niềm tin và thương hiệu lâu dài: Một website/tác giả tối ưu EEAT tốt sẽ xây dựng được danh tiếng và lòng tin trong mắt người dùng. Khi người dùng tìm kiếm trực tiếp tên thương hiệu của bạn, đó là tín hiệu mạnh mẽ về thẩm quyền và độ tin cậy.

- Đáp ứng ý định tìm kiếm tốt hơn: Bằng cách tập trung vào việc cung cấp thông tin chính xác, chuyên sâu và dựa trên trải nghiệm, bạn sẽ đáp ứng ý định tìm kiếm của người dùng một cách xuất sắc, đây là điều mà Google luôn ưu tiên.

- Bảo vệ website khỏi các hình phạt từ Google: Trong nỗ lực không ngừng nhằm dọn dẹp "rác thông tin" và bảo vệ người dùng khỏi nội dung kém chất lượng, sai lệch hoặc có hại, Google thường xuyên cập nhật thuật toán và thực hiện các hình phạt (cả tự động và thủ công) đối với các website vi phạm nguyên tắc chất lượng. Lúc này, một website tối ưu EEAT sẽ tự động đáp ứng các tiêu chí về chất lượng và độ tin cậy mà Google đang tìm kiếm, đồng thời giảm thiểu đáng kể nguy cơ bị đánh giá là website có chất lượng thấp – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các hình phạt ảnh hưởng nặng nề đến thứ hạng hoặc thậm chí là bị loại bỏ khỏi chỉ mục tìm kiếm.
 

Tiêu chuẩn EEAT Google
 

4. EEAT SEO giúp tạo lợi thế trong cuộc chiến nội dung

Trong thời đại AI có thể tạo hàng nghìn bài viết trong phút chốc thì sự khác biệt lớn nhất chính là con người, yếu tố này được thể hiện rất rõ thông qua các tiêu chuẩn EEAT. Google không phạt nội dung do AI viết, nhưng họ ưu tiên những nội dung thể hiện trải nghiệm, chuyên môn và sự đáng tin – điều mà trí tuệ nhân tạo chưa thể sao chép hoàn hảo.

5. EEAT đặc biệt quan trọng với các website YMYL

YMYL (Your Money or Your Life) là các trang web có nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính, pháp luật, sự an toàn và hạnh phúc của người dùng. Google phân loại YMYL thành nhiều nhóm, ví dụ như:.

- Y tế, sức khỏe (lời khuyên y tế, thông tin về bệnh tật, thuốc men,...).

- Tài chính (lời khuyên đầu tư, quản lý tiền bạc, vay tiền,...).

- Pháp luật (lời khuyên pháp lý, thông tin về luật pháp,...).

- An toàn (an toàn giao thông, an toàn lao động,...).

- Thông tin công dân quan trọng (bầu cử, thông tin chính phủ,...).

Với các website thuộc lĩnh vực này, Google cực kỳ khắt khe, đòi hỏi độ chính xác và tin cậy cực cao bởi một thông tin sai lệch có thể dẫn đến những rủi ro khôn lường trong đời sống thực của người dùng. Chính vì lẽ đó, những nguồn thông tin thực sự uy tín, chính xác và an toàn mới có cơ hội xuất hiện ở vị trí cao. 

Đối với nhóm YMYL, việc thể hiện rõ ràng từng yếu tố E-E-A-T không chỉ là lợi thế cạnh tranh mà còn là điều kiện bắt buộc để tồn tại. Chẳng hạn, một bài viết về điều trị bệnh tiểu đường cần được viết bởi bác sĩ (Expertise), đăng trên website của bệnh viện uy tín (Authoritativeness), có nguồn tham khảo rõ ràng (Trustworthiness) và có thể bao gồm cả trải nghiệm của bệnh nhân hoặc bác sĩ điều trị (Experience). Nếu website YMYL của bạn thiếu đi bất kỳ yếu tố nào trong tiêu chuẩn EEAT, rất có thể Google sẽ đánh giá đó là nguồn thông tin tiềm ẩn rủi ro và xếp hạng rất thấp, thậm chí áp dụng các hình phạt nặng nề để bảo vệ người dùng khỏi nội dung không đáng tin cậy.

Google EEAT

Cách tối ưu EEAT cho website và nội dung của bạn

Việc tối ưu EEAT là một quá trình tổng hòa, tác động vào nhiều khía cạnh khác nhau của website và chiến lược nội dung. Hãy cùng đi sâu vào từng điểm mấu chốt:

1. Tập trung vào chất lượng nội dung - nền tảng vững chắc

Đây là nền tảng vững chắc nhất khi xây dựng website đạt tiêu chuẩn EEAT Google. Nội dung chất lượng cao tự thân nó đã thể hiện Experience, Expertise, Authoritativeness và Trustworthiness. Google luôn ưu tiên nội dung mang lại giá trị thực cho người dùng.

- Đào sâu, không hời hợt: Thay vì chỉ lướt qua chủ đề, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng, cung cấp thông tin chi tiết, chuyên sâu, trả lời đầy đủ các khía cạnh của câu hỏi mà người dùng đặt ra.

- Độc đáo và Original: Tránh sao chép hay spam từ khóa, hãy đưa vào góc nhìn riêng, phân tích độc đáo, dữ liệu bạn tự thu thập hoặc đúc kết từ kinh nghiệm.

- Chính xác đến từng chi tiết: Kiểm chứng lại thông tin, số liệu, tên gọi... đặc biệt quan trọng với các chủ đề nhạy cảm.

- Viết cho con người, không phải chỉ cho máy: Sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, lôi cuốn, dễ hiểu. Cấu trúc bài viết mạch lạc, có mở bài, thân bài, kết luận rõ ràng.

- Cập nhật nội dung thường xuyên: Thông tin lỗi thời làm giảm độ tin cậy. Hãy rà soát và cập nhật các bài viết cũ để đảm bảo chúng vẫn chính xác và phù hợp với hiện tại.

2. Xây dựng profile tác giả uy tín - cho Google biết ai đang nói chuyện

Người dùng có xu hướng tin tưởng thông tin từ những người hoặc tổ chức mà họ biết và tin cậy và Google cũng vậy.

- Hiển thị rõ tên tác giả: Đặt tên tác giả (kèm ảnh đại diện chuyên nghiệp nếu có) ngay dưới tiêu đề bài viết hoặc ở cuối bài.

- Bio tác giả ngắn gọn và ấn tượng: Ngay dưới tên tác giả, thêm một đoạn giới thiệu ngắn gọn về chuyên môn, kinh nghiệm, bằng cấp hoặc vai trò của tác giả liên quan đến chủ đề bài viết.

- Trang profile tác giả chi tiết: Tạo một trang riêng cho mỗi tác giả trên website, cung cấp thông tin đầy đủ hơn: quá trình làm việc, chức danh, ảnh bằng cấp, trình bày chi tiết kinh nghiệm chuyên môn, thành tựu, các bài viết khác, liên kết đến profile mạng xã hội chuyên nghiệp (LinkedIn, trang web cá nhân...).

- Liên kết nội bộ từ bio tác giả: Nếu tác giả được nhắc đến trên các trang uy tín khác, hãy cân nhắc liên kết từ profile tác giả trên website của bạn đến những nguồn đó để tăng cường thẩm quyền.

3. Chứng minh trải nghiệm thực tế - đưa góc nhìn chân thực vào nội dung

Đây là cách mạnh mẽ để củng cố yếu tố Experience mới được Google nhấn mạnh trong tiêu chuẩn EEAT. Do đó, đừng ngại chia sẻ những gì bạn đã thực sự trải qua.

- Sử dụng ngôi thứ nhất (Tôi/Chúng tôi): Khi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, dùng "Tôi" hoặc "Chúng tôi" để tạo sự gần gũi và chân thực.

- Mô tả chi tiết quá trình: Thay vì chỉ nói kết quả, hãy mô tả các bước bạn đã đi qua, những thử thách đã gặp, những bài học rút ra từ quá trình trải nghiệm thực tế (sử dụng sản phẩm, thực hiện một dự án...).

- Minh họa bằng bằng chứng trực quan gốc: Kèm theo hình ảnh, video, bản ghi âm, hoặc ảnh chụp màn hình do bạn tự tạo trong quá trình trải nghiệm. Đây là bằng chứng không thể chối cãi.

- Chia sẻ câu chuyện cụ thể (Case Study): Trình bày chi tiết một trường hợp cụ thể mà bạn/công ty đã xử lý, từ vấn đề ban đầu, quá trình giải quyết đến kết quả đạt được.
 

Tiêu chuẩn EEAT
 

4. Tăng cường thẩm quyền và độ tin cậy của website

Google EEAT không chỉ đánh giá tác giả mà còn đánh giá cả website. Website của bạn cần toát lên sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy.

- Bảo mật là ưu tiên hàng đầu: Đảm bảo website của bạn sử dụng giao thức HTTPS (biểu tượng ổ khóa trên thanh địa chỉ). Điều này thể hiện bạn coi trọng sự an toàn của người dùng.

- Minh bạch thông tin liên hệ: Cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ (số điện thoại, email, địa chỉ văn phòng/cửa hàng nếu có) ở vị trí dễ tìm thấy (trang Liên hệ, chân trang).

- Trang Giới thiệu (About Us) chi tiết: Kể câu chuyện về website/công ty, giới thiệu đội ngũ, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và lịch sử hoạt động để xây dựng sự tin tưởng.

- Các trang chính sách rõ ràng: Đảm bảo có các trang Chính sách bảo mật (Privacy Policy), Điều khoản dịch vụ (Terms of Service), Chính sách đổi trả/hoàn tiền (nếu có) minh bạch, dễ hiểu.

- Quản lý đánh giá & phản hồi: Khuyến khích khách hàng/người dùng hài lòng để lại đánh giá (trên Google My Business, các nền tảng review ngành...). Tích cực phản hồi các bình luận, giải đáp thắc mắc của người dùng trên website và mạng xã hội.

- Xây dựng backlink chất lượng: Nhận liên kết từ các website, báo chí, tổ chức uy tín khác trong ngành của bạn. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy website của bạn được công nhận.

- Được nhắc đến trên các nền tảng uy tín: Theo dõi và xây dựng chiến lược để tên thương hiệu/tên website của bạn được nhắc đến trên các kênh truyền thông, báo chí, diễn đàn chuyên ngành.

5. Tối ưu trải nghiệm người dùng - lòng tin đến từ sự thuận tiện

Một website khó sử dụng, tải chậm, hoặc giao diện rối mắt có thể khiến người dùng nghi ngờ về độ tin cậy, dù nội dung có tốt đến đâu.

- Tốc độ tải trang nhanh: Người dùng hiện đại rất thiếu kiên nhẫn. Website tải nhanh giúp họ tiếp cận nội dung dễ dàng hơn.

- Thiết kế thân thiện trên mọi thiết bị: Đảm bảo website hiển thị tốt và dễ sử dụng trên cả máy tính, máy tính bảng và điện thoại di động (responsive design).

- Cấu trúc website và điều hướng rõ ràng: Giúp người dùng dễ dàng tìm thấy thông tin họ cần.

- Nội dung dễ đọc: Sử dụng các đoạn văn ngắn, tiêu đề phụ (H2, H3), gạch đầu dòng, hình ảnh/video phù hợp để nội dung không bị nhàm chán và dễ tiếp thu.

- Giảm thiểu yếu tố gây phiền nhiễu: Tránh quá nhiều quảng cáo pop-up, hoặc các yếu tố làm gián đoạn trải nghiệm đọc của người dùng.

6. Xem xét đặt link tham khảo trong bài viết

Việc liên kết đến các nguồn thông tin khác không làm giảm uy tín của bạn, ngược lại, nó còn củng cố thêm Google EEAT SEO.

- Liên kết đến nguồn uy tín: Khi đưa ra số liệu, nghiên cứu, định nghĩa hoặc trích dẫn thông tin từ nguồn khác, hãy liên kết đến nguồn gốc đáng tin cậy đó (ví dụ: website chính thức của tổ chức nghiên cứu, báo cáo chính phủ, bài báo từ tờ báo uy tín...). Điều này chứng minh tính chính xác của thông tin và sự cẩn trọng của bạn.

- Minh bạch và trung thực: Cho người đọc biết thông tin của bạn đến từ đâu. Việc tham khảo các nguồn chất lượng cao cho thấy bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng (Expertise) và trung thực trong việc cung cấp thông tin (Trustworthiness).

- Liên kết nội bộ thông minh: Liên kết đến các bài viết liên quan khác trên chính website của bạn để giữ chân người dùng, giúp họ đào sâu vào chủ đề và thể hiện chiều sâu nội dung của bạn.
 

EEAT SEO
 

Câu hỏi thường gặp về EEAT Google

Sau khi cùng nhau đi sâu khám phá EEAT là gì, tầm quan trọng của nó và cách thức tối ưu, có lẽ bạn vẫn còn một vài nút thắt hay những câu hỏi cụ thể muốn được làm sáng tỏ. Đó là điều hoàn toàn bình thường với một khái niệm quan trọng và có nhiều khía cạnh như Google EEAT. Để giúp bạn có cái nhìn trọn vẹn và tự tin hơn khi áp dụng Google EEAT vào thực tế, chúng ta hãy cùng giải đáp những băn khoăn phổ biến nhất mà cộng đồng làm nội dung và SEO thường gặp.

1. E-A-T và E-E-A-T khác nhau như thế nào?

E-A-T là viết tắt của Expertise (Chuyên môn), Authoritativeness (Tính thẩm quyền), Trustworthiness (Độ tin cậy) - những tiêu chí cốt lõi mà Google dùng để đánh giá chất lượng nội dung và website. 

Còn E-E-A-T (hay gọi là EEAT) là phiên bản nâng cấp, thêm chữ “E” đầu tiên - Experience (Trải nghiệm thực tế). Nguyên nhân là do Google nhận ra rằng trải nghiệm thực tế của người viết, chẳng hạn như đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, làm nghề hoặc trải qua tình huống cụ thể giúp mang đến giá trị “đời thật” hơn cả kiến thức sách vở.

2. Tiêu chuẩn EEAT có quan trọng với mọi loại website không?

Ở một mức độ nào đó, Google EEAT quan trọng với hầu hết các loại website nhưng tiêu chuẩn khắt khe sẽ khác nhau tùy thuộc vào chủ đề:

- Với các trang YMYL (Your Money Your Life) như tài chính, sức khỏe, pháp lý thì tối ưu EEAT cực kỳ quan trọng vì sai lệch thông tin có thể ảnh hưởng đến tiền bạc hoặc sức khỏe người dùng.

- Với website phi-YMYL, yếu tố EEAT vẫn quan trọng để đánh giá chất lượng và xây dựng lòng tin, nhưng tiêu chuẩn có thể linh hoạt hơn. Ví dụ, một blog về sở thích cá nhân không cần bằng cấp chuyên môn (Expertise) khắt khe như website y tế, nhưng vẫn cần thể hiện sự am hiểu (Expertise tương đối), trải nghiệm thực tế (Experience) và quan trọng nhất là Độ tin cậy (Trustworthiness) qua việc cung cấp thông tin chính xác trong phạm vi hiểu biết, website an toàn,....

3. EEAT và AI-generated content có mâu thuẫn không?

Không hẳn là mâu thuẫn, nhưng AI-generated content thuần túy rất khó đạt EEAT cao nếu thiếu sự can thiệp và kiểm soát của con người. AI hiện tại giỏi tổng hợp thông tin, nhưng nó không có trải nghiệm thực tế, không có danh tiếng hay lịch sử được công nhận là thẩm quyền và bản thân nó không thể "đáng tin cậy" theo cách con người hiểu nếu không được kiểm chứng. AI có thể "bắt chước" chuyên môn bằng cách tổng hợp kiến thức, nhưng nó thiếu sự sâu sắc và góc nhìn độc đáo của chuyên gia thực thụ. Do đó, bạn hãy nhớ rằng AI là trợ thủ đắc lực, nhưng con người (với EEAT của mình) mới là yếu tố quyết định chất lượng và độ tin cậy cuối cùng của nội dung trong mắt Google và người dùng. 

4. Mất bao lâu để thấy hiệu quả khi tối ưu EEAT?

Không có mốc thời gian cố định nào cả. Việc tối ưu EEAT là một quá trình xây dựng uy tín và lòng tin, mà những điều này không phải muốn là có ngay được. Nếu website của bạn đã có nền tảng tốt, việc tối ưu EEAT sẽ nhanh có kết quả hơn. Tuy nhiên, đối với những nành càng cạnh tranh và nhạy cảm (YMYL), việc xây dựng EEAT và thấy được hiệu quả đáng kể về thứ hạng sẽ mất nhiều thời gian hơn, có thể từ vài tháng đến một năm. Do đó, bạn hãy kiên nhẫn và coi việc tối ưu EEAT là chiến lược dài hạn. Sự bền bỉ và nhất quán sẽ mang lại trái ngọt xứng đáng.
 

Tối ưu EEAT
 

Qua bài viết của Phương Nam Vina, có thể thấy rằng tối ưu EEAT là hành trình không ngừng nghỉ để xây dựng một website và hệ thống nội dung mà cả Google và người dùng đều yêu quý và tin tưởng. Hãy coi mỗi tiêu chuẩn EEAT là một khía cạnh cần mài dũa liên tục. Bằng cách tập trung vào việc mang lại giá trị thực, thể hiện sự minh bạch và xây dựng uy tín một cách bền vững, bạn không chỉ cải thiện thứ hạng SEO mà còn tạo dựng một thương hiệu mạnh mẽ và đáng tin cậy trong lòng khán giả. Đây chính là chìa khóa vàng cho sự thành công lâu dài, bền vững trong kỷ nguyên công nghệ lên ngôi.

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website Guest Post là gì?​ Cách triển khai Guest Post hiệu quả

icon thiết kế website SEO onpage là gì? 10 yếu tố cốt lõi khi tối ưu SEO onpage

icon thiết kế website Thiết kế website chuẩn SEO là gì? 18 yếu tố để web chuẩn SEO

Bài viết mới nhất

SEO hình ảnh là gì? Cách SEO hình ảnh lên Google chuẩn nhất

SEO hình ảnh là gì? Cách SEO hình ảnh lên Google chuẩn nhất

Biết cách SEO hình ảnh đúng cách sẽ giúp hình ảnh của bạn dễ dàng xuất hiện trên trang tìm kiếm, thu hút lượt truy cập, cải thiện thứ hạng cho web.

Thẻ HTML là gì? Các thẻ HTML từ cơ bản đến nâng cao

Thẻ HTML là gì? Các thẻ HTML từ cơ bản đến nâng cao

Thẻ HTML tạo nên nền tảng cấu trúc vững chắc cho trang web, giúp nội dung dễ truy cập, tối ưu SEO và là nền tảng của mọi ứng dụng web hiện đại.

 
Thẻ head trong HTML là gì? Vai trò và các thành phần cốt lõi

Thẻ head trong HTML là gì? Vai trò và các thành phần cốt lõi

Hiểu và tối ưu thẻ head trong HTML là chìa khóa để nâng cao hiệu suất website, cải thiện SEO và mang lại trải nghiệm người dùng tối ưu nhất.

SEO TikTok là gì? Giải mã các yếu tố cốt lõi trong SEO TikTok

SEO TikTok là gì? Giải mã các yếu tố cốt lõi trong SEO TikTok

SEO TikTok là quá trình tối ưu video và kênh để nội dung của bạn được thuật toán đề xuất mạnh mẽ, dễ dàng được tìm thấy bởi hàng triệu người dùng.

Thẻ em trong HTML là gì? Cách sử dụng và lưu ý quan trọng

Thẻ em trong HTML là gì? Cách sử dụng và lưu ý quan trọng

Dùng thẻ em HTML đúng chỗ không chỉ giúp Google hiểu rõ nội dung mà còn giúp người dùng có trải nghiệm dễ tiếp cận, an toàn hơn khi truy cập website.

Search volume là gì? Hiểu đúng để chọn từ khóa hiệu quả hơn

Search volume là gì? Hiểu đúng để chọn từ khóa hiệu quả hơn

Hiểu đúng search volume để chọn từ khóa hiệu quả, tăng lưu lượng truy cập chất lượng cho website và tối ưu chi phí SEO, quảng cáo cho doanh nghiệp.

zalo