Xu hướng trồng cây cảnh để trang trí và tạo không gian gần gũi với thiên nhiên đang ngày càng len lỏi trong đời sống mỗi người. Không thể phủ nhận, nhu cầu về cây cảnh là vô cùng cần thiết vì vừa tạo ra cái đẹp, mảng xanh vừa xoa dịu tinh thần của con người lẫn môi trường sống. Chính vì vậy mà kinh doanh cây cảnh hiện đang là sự lựa chọn phổ biến của nhiều người có mong muốn làm giàu. Tuy nhiên, nhu cầu lớn không có nghĩa là bạn có thể dễ dàng đứng vững trên thị trường hấp dẫn nhưng đầy tính cạnh tranh này. Đó là lý do mà trong bài viết này, đội ngũ marketing Phương Nam Vina sẽ bật mí cách kinh doanh cây cảnh hiệu quả, mau chóng thành công để các bạn tham khảo và áp dụng ngay vào trong công việc của mình.
- Tiềm năng và rủi ro khi kinh doanh cây cảnh
- Một số ý tưởng kinh doanh cây cảnh lợi nhuận cao
- Lập kế hoạch kinh doanh cây cảnh chi tiết, hiệu quả
- 1. Mở cửa hàng cây cảnh cần bao nhiêu vốn?
- 2. Tìm hiểu thị trường và xác định khách hàng mục tiêu
- 3. Tìm nguồn cung cấp cây cảnh giá sỉ
- 4. Hoàn thành các thủ tục pháp lý khi kinh doanh cây cảnh
- 5. Xác định các hình thức kinh doanh cây cảnh
- 6. Quản lý, vận hành mô hình kinh doanh cây cảnh
- 7. Xây dựng chiến lược marketing thu hút khách hàng
- Một số loại cây kiểng phổ biến hiện nay
- Kinh doanh cây cảnh làm sao để lãi nhiều?
Tiềm năng và rủi ro khi kinh doanh cây cảnh
Mô hình kinh doanh cây cảnh mặc dù không phải là một hướng đi mới lạ cho những ai muốn làm giàu nhưng vẫn là thị trường đầy tiềm năng nếu bạn biết khai thác đúng cách. Để có thể đạt được kết quả tốt, đầu tiên bạn cần xác định được đâu là những tiềm năng và rủi ro mà kinh doanh cây kiểng sẽ mang lại để qua đó tìm cách khắc phục hiệu quả.
1. Tiềm năng khi kinh doanh cây cảnh
Mở cửa hàng kinh doanh cây cảnh đang là một mô hình vô cùng phổ biến hiện nay với thu nhập hàng tháng có thể lên đến hàng chục cho đến hàng trăm triệu. Vậy tại sao cửa hàng kinh doanh cây cảnh lại được đánh giá là mang lại tiềm năng lớn như vậy?
- Nhu cầu mua cây cảnh đang ngày càng lớn bởi như đã nhấn mạnh ở trên, cây xanh mang đến không gian thân thiện với môi trường, trang trí cảnh quang và cải thiện chất lượng cuộc sống tinh thần hiệu quả.
- Quỹ đất đang ngày càng trở nên eo hẹp nên những gia đình ở các thành phố lớn không có đủ không gian để trồng cây xanh. Chính vì vậy mà việc mua các loại cây cảnh trang trí trong nhà vừa mang tính tiện lợi, lại vừa giúp khách hàng dễ dàng bài trí theo sở thích của mình.
- Vốn đầu tư kinh doanh thấp, thủ tục đăng ký cũng khá đơn giản và quan trọng, thời gian người bán được hoàn vốn, tái đầu tư cũng cực kỳ nhanh chóng.
- Mặc dù trên thị trường có nhiều cửa hàng mở ra để kinh doanh cây cảnh nhưng phần lớn họ chưa có kế hoạch đẩy mạnh cũng như phát triển thương hiệu, sản phẩm. Do đó, đây chính là cơ hội để bạn gia tăng sức cạnh tranh của mình với họ.
- Đối tượng khách hàng mua cây cảnh thường rất đa dạng, bao gồm các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp,....
- Mô hình kinh doanh cây cảnh là một trong những lĩnh vực có tỷ suất sinh lời ấn tượng nhất. Với số vốn từ 30.000 - 60.000 đồng / chậu cây, bạn có thể bán ra thị trường với mức giá gấp đôi hay thậm chí là gấp ba. Đặc biệt, nếu bạn biết cách tạo ra sự độc đáo, đa dạng cho sản phẩm của mình thì kinh doanh cây cảnh lại càng lãi nhiều hơn bao giờ hết.
2. Rủi ro khi kinh doanh cây cảnh
Bên cạnh những tiềm năng sinh lời nhanh chóng, kinh doanh cây cảnh cũng gặp phải những rủi ro khiến công việc bị ảnh hưởng, điển hình như khả năng bám đất thấp khiến cây dễ chết. Vì vậy, giải pháp cho bạn lúc này là khi trồng cây vào chậu cần phải sử dụng thuốc kích rễ để giúp cây quen thuộc với môi trường mới.
Nếu bản thân chưa có nhiều kiến thức về cây cảnh thì hãy nên bỏ ra nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về đặc tính của từng loại cây mà bạn muốn bán. Điều này sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức và dễ dàng tìm ra phương pháp chăm sóc phù hợp hơn.
Một số ý tưởng kinh doanh cây cảnh lợi nhuận cao
Trong những năm trở lại đây, đi cùng với sự ô nhiễm của môi trường sống thì xu hướng mang cây xanh về nhà, vào văn phòng,... đang được mọi người ưa chuộng. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể bước vào lĩnh vực này với số vốn nhất định, niềm đam mê đủ lớn cùng ý tưởng kinh doanh thú vị. Đặc biệt, ý tưởng kinh doanh cây cảnh chính là một yếu tố quan trọng để giúp bạn khởi nghiệp được thuận lợi và mau chóng phát triển lên một tầm cao mới.
1. Kinh doanh cây cảnh để bàn
Bên cạnh các cây xanh to lớn, những chậu cây cảnh mini với kích thước từ 5 - 10 cm hay khoảng 15 - 20cm rất phù hợp để trang trí trên bàn làm việc hoặc bàn học. Cây được trồng sẵn trong chậu sứ có họa tiết trang trí bên ngoài hoặc trơn nhẵn. Vì được chăm sóc kỹ lưỡng nên khi đến tay khách hàng thì họ chỉ cần thường xuyên tưới nước và đặt tại nơi nhiều ánh sáng thì cây có thể phát triển lâu dài.
2. Kinh doanh cây cảnh mini - cây không khí
Các mẫu cây trang trí với kích thước nhỏ hiện đang được rất nhiều người ưa chuộng vì không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn tiết kiệm được diện tích. Đặc biệt trong số đó phải kể đến loại tiểu cảnh Terrarium - hệ sinh thái bên trong lọ thủy tinh đang được giới trẻ cực kỳ yêu thích.
Nếu bạn có tay nghề khéo léo, có thể tự mình trang trí và sắp xếp những loại thực vật mini vào trồng trong chậu hay một lọ thủy tinh trong suốt thì đây chính là lĩnh vực mà bạn nên tham khảo. Đặc điểm nổi bật của các loại cây không khí này đó là chúng không cần nhiều đất, nhiều nước mà vẫn phát triển một cách bình thường.
3. Kinh doanh cây kiểng giả
Mô hình kinh doanh cây kiểng giả cũng được khá nhiều người ưa chuộng bởi hiện nay, mặc dù muốn làm đẹp cho không gian của mình nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc hay có nhiều thời gian chăm chút dẫn đến cây trồng mau bị chết. Vì vậy mà các mẫu cây giả với màu sắc, hoa văn cùng chủng loại phong phú không thua kém gì cây thật đang dần trở thành xu thế chơi cây cảnh hiện nay.
4. Kinh doanh hạt giống cây, hoa
Thay vì mua sẵn một chậu cây cảnh mới, nhiều khách hàng hiện nay thường có thú vui muốn tự trồng một giống cây nào đó từ lúc gieo hạt cho đến khi đâm chồi. Thị trường hạt giống cây, hoa hiện nay cũng đang phát triển mạnh từ các loại rau thông thường như: bắp cải, súp lơ, cải cúc, xà lách,... cho đến các loại hoa hồng, hướng dương, cúc,.... Tuy nhiên, mô hình này cũng xuất hiện khá nhiều rủi ro vì nếu hạt giống không đâm chồi vì bất cứ lý do nào thì thương hiệu của bạn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
5. Kinh doanh dụng cụ trồng, chăm sóc cây
Nếu không có niềm đam mê hay lo sợ rủi ro khi trồng cây cảnh có sẵn, bạn cũng thể tham khảo ý tưởng kinh doanh các dụng cụ làm vườn. Những dụng cụ này không chỉ là các chậu sứ, pallet, kéo, bay, xẻng,... mà còn là thiết bị tưới, khung giàn trồng cây, dụng cụ uốn cành, buộc cành và thậm chí có thể là đất. Để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng, bạn có thể lựa chọn những sản phẩm với họa tiết dễ thương, đồng bộ để thu hút sự chú ý của người mua.
Lập kế hoạch kinh doanh cây cảnh chi tiết, hiệu quả
Khi kinh doanh bất kì một lĩnh vực, ngành nghề nào thì bạn cần có một bản kế hoạch cụ thể để hình dung và xác định những việc cần làm. Điều này sẽ giúp cho người bán tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức hơn khi bắt tay thực hiện theo từng công đoạn. Đó là chưa kể trong khoảng thời gian gần đây, thị trường cây cảnh đang phát triển ngày càng mạnh mẽ nên đòi hỏi các nhà kinh doanh cần phải lập kế hoạch kinh doanh cây cảnh cụ thể để hỗ trợ hoạt động bán hàng mang lại kết quả cao nhất.
1. Mở cửa hàng cây cảnh cần bao nhiêu vốn?
Để xác định được số vốn mà mình cần chuẩn bị để mở cửa hàng cây cảnh, bạn cần xác định quy mô hoạt động kinh doanh như thế nào. Chẳng hạn, nếu như xây dựng mô hình kinh doanh nhỏ thì số vốn mà bạn bỏ ra chỉ khoảng từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng. Còn với mô hình lớn hơn thì vốn đầu tư hoàn toàn có thể lên đến hàng trăm triệu. Để dự tính mức vốn mà mình cần, các bạn có thể chuẩn bị theo những yếu tố cần thiết dưới đây:
- Chi phí nhập hàng về bán.
- Tiền thuê mặt bằng cần phải trả đủ ít nhất trong vòng 6 tháng.
- Phí phụ thu sửa lại mặt bằng, trang trí nội thất, mua thiết bị, tiền điện nước,....
- Chi phí marketing cho việc thiết kế poster quảng cáo, banner, phát tờ rơi,...
2. Tìm hiểu thị trường và xác định khách hàng mục tiêu
Để mô hình kinh doanh cây cảnh mang lại thành công, việc tìm hiểu thị trường và nghiên cứu khách hàng mục tiêu rất quan trọng. Hiện nay trên thị trường, không khó để bạn thấy được có rất nhiều nơi bán đa dạng các loại cây cảnh khác nhau, giá thành dao động từ vài chục cho đến vài triệu tùy thuộc vào sự ấn tượng, độc đáo mà nó mang lại.
Tuy nhiên, gợi ý cho các bạn khi mới khởi nghiệp kinh doanh cây kiểng thì nên lựa chọn bán các loại cây mini hướng đến nhóm khách hàng là học sinh, sinh viên, dân văn phòng hay hộ gia đình,.... Nhu cầu mua cây cảnh của họ thường là dùng để trang trí bàn học, bàn làm việc, bàn tiếp khách trong nhà hay trong văn phòng,....
Đây cũng là ý tưởng kinh doanh không đòi hỏi bạn phải bỏ ra nhiều vốn nhưng lượng khách thu về lúc nào cũng ổn định. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng đây là ý tưởng kinh doanh không mới nên hãy tiến hành phân tích đối thủ để biết được những ưu, nhược điểm của họ. Từ đó tham khảo những điều tốt và biến cái chưa được của đối thủ thành điểm mạnh của mình để giúp quá trình tiếp cận khách hàng trở nên đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều.
3. Tìm nguồn cung cấp cây cảnh giá sỉ
Nguồn vốn chất lượng chính là tiền đề giúp cho quá trình kinh doanh cây cảnh của bạn mang lại thành công như mong muốn. Nếu có bạn bè là người quen đã từng bán cây cảnh, hãy tham khảo họ về nguồn cung chất lượng cũng như học hỏi kỹ năng thương thảo để mua được giá tốt. Còn nếu không quen biết ai thì cũng không sao cả, các bạn có thể tham khảo các địa chỉ cung cấp cây cảnh giá sỉ được nhiều người gợi ý dưới đây:
- Chợ đầu mối: với cây cảnh để bàn thì bạn có thể tìm nguồn cây từ các khu vực như làng hoa Gò Vấp, phường An Phú Đông, chợ An Đông, Kim Biên (Tp. Hồ Chí Minh). Còn tại khu vực Hà Nội thì hãy đến địa chỉ Hoàng Hoa Thám, Đại học Nông Nghiệp hay Tây Tựu. Đây đều là những địa chỉ nổi tiếng trong việc bán sỉ các loại cây với đa dạng chủng loại, kích thước và giá thành khác nhau.
- Tự trồng cây để bán: nếu bạn thích làm vườn và đam mê trồng cây thì hãy tự tạo nguồn hàng cho mình bằng cách mua hạt giống hay cành chiết về chăm sóc. Sau khi cây lớn lên và phát triển thì bán lại cho khách hàng có nhu cầu là được.
- Cộng tác viên với các nhà vườn lớn: nếu không tự tin chăm sóc cây cảnh, bạn có thể làm cộng tác viên bán hàng với những nhà vườn lớn. Cách này không yêu cầu bạn phải đầu tư chi phí nhập hàng mà thay vào đó, bạn sẽ được phần trăm hoa hồng từ đơn hàng được giao đến khách thành công.
4. Hoàn thành các thủ tục pháp lý khi kinh doanh cây cảnh
Một bước vô cùng cần thiết không thể bỏ qua trong quá trình lập kế hoạch kinh doanh cây cảnh đó chính là hoàn thành các thủ tục pháp lý. Khi kinh doanh, bạn có thể chọn loại hình doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nhưng thường mới bắt đầu thì hình thức hộ kinh doanh lại phổ biến và dễ dàng hơn cả. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh sẽ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cá thể theo mẫu.
- Danh sách các cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh, cửa hàng kinh doanh cá thể.
- Bản sao công chứng Chứng minh nhân dân / Thẻ căn cước công dân của các cá nhân tham gia kinh doanh hoặc người đại diện hộ kinh doanh.
- Trong trường hợp cửa hàng kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập thì cần có bản sao biên bản họp nhóm cá nhân về việc mở cửa hàng kinh doanh cây cảnh.
5. Xác định các hình thức kinh doanh cây cảnh
Hiện nay trên thị trường, có 2 hình thức kinh doanh cây cảnh phổ biến được nhiều người lựa chọn nhất đó chính là mở cửa hàng trực tiếp và kinh doanh online. Mỗi hình thức đều có những điểm mạnh khác nhau nên các bạn cần tìm hiểu kỹ để biết được đâu là hình thức phù hợp với mình, hoặc kết hợp cả hai để đẩy mạnh tiến độ kinh doanh.
Mở cửa hàng kinh doanh cây cảnh
Nếu chọn mở cửa hàng, bạn nên chuẩn bị số vốn lớn 50 - 70 triệu để trang trải chi phí thuê mặt bằng (khoảng 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm), nhập hàng, marketing,.... Tùy theo đối tượng khách hàng mục tiêu, bạn có thể lựa chọn địa điểm kinh doanh ở gần trường học, khu dân cư đông đúc, văn phòng,....
Mặt bằng cũng không nhất thiết phải ở trên trục đường chính nhưng nên là nơi khách hàng dễ tìm đến. Mặt bằng của cửa hàng không cần quá rộng rãi, có thể giao động từ 20 - 30m2 là đủ, nhưng điều kiện bạn cần phải sắp xếp hợp lý để không gian cửa hàng rộng rãi, thoáng đãng,....
Kinh doanh cây cảnh online
So với việc mở cửa hàng, kinh doanh cây kiểng online giúp tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều bởi không cần đầu tư mặt bằng, trang trí cửa hàng,.... Thay vào đó, bạn chỉ cần chuẩn bị số vốn từ 5 - 10 triệu đồng chủ yếu để nhập hàng lúc đầu. Tuy nhiên, để bán được hàng trên thị trường trực tuyến thì bạn phải xây dựng một kế hoạch thu hút để tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu.
Xây dựng cửa hàng cây cảnh online trên các mạng xã hội nổi tiếng (Facebook, Instagram, Zalo,...), sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada,...), website bán hàng là điều cần thiết. Với các kênh bán hàng online này, bạn hãy thường xuyên cho đăng tải những sản phẩm lên trên đó để thu hút sự chú ý, tương tác từ khách hàng.
Tuy nhiên, nếu muốn thương hiệu cây cảnh của bạn trở nên uy tín và chuyên nghiệp hơn thì sở hữu một website mới là quyết định đúng đắn. Lý do vì mạng xã hội, sàn thương mại điện tử thường bị ảnh hưởng bởi các chính sách, quy định khắt khe nên nhiều khi quá trình bán hàng sẽ gặp các trường hợp như: tương tác bị giảm, không nhắn tin được, bị khóa tài khoản, chờ đợi thời gian lâu mới được duyệt,....
Với website, bạn có thể tự do đăng tải các sản phẩm của mình và thực hiện các chiến lược marketing tùy ý để thu hút người mua hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, việc thiết kế website lại không phải việc đơn giản vì đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm lập trình. Do đó, cách tốt nhất mà chúng tôi khuyên bạn nên làm đó là tìm đến các công ty thiết kế website chuyên nghiệp, điển hình như Phương Nam Vina để sở hữu một trang web chất lượng nhất.
Với hơn 10 năm hoạt động cùng bề dày kinh nghiệm, chúng tôi cam kết sẽ mang lại cho quý khách hàng trang web chất lượng để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trên môi trường trực tuyến. Đặc biệt khi thiết kế website bán cây cảnh tại Phương Nam Vina, chúng tôi còn cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm như SEO web, chạy quảng cáo Google,... để trang web mau chóng lên top công cụ tìm kiếm. Nhờ đó mà cửa hàng sẽ có cơ hội tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận hiệu quả. Liên hệ với đội ngũ nhân viên hỗ trợ của Phương Nam Vina hoặc gọi số Hotline: 0912817117, 0915101017 để được tư vấn thông tin chi tiết. Xin cảm ơn!
6. Quản lý, vận hành mô hình kinh doanh cây cảnh
Quản lý, vận hành luôn là một yếu tố quan trọng đối với mỗi cửa hàng kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, không phải người chủ doanh nào cũng thật sự hiểu rằng, việc quản lý và vận hành hiệu quả sẽ quyết định đến sức mua và tỷ lệ mà khách hàng quay trở lại. Vậy nên, để quản lý và vận hành cửa hàng hiệu quả thì bạn cần lưu ý những yếu tố dưới đây:
- Nhân viên: đối với cửa hàng nhỏ thì không cần đến nhân viên nhưng nếu quy mô lớn hơn thì bạn sẽ cần thêm người để chăm sóc cây cảnh, quản lý cửa hàng. Mức lương cho các vị trí này sẽ dao động trong khoảng từ 7 - 8 triệu đồng.
- Vận chuyển: hãy luôn chú ý đến việc quản lý vận chuyển để đảm bảo rằng sẽ không xảy ra các vấn đề như hàng hóa bị lỗi, nhận hàng muộn hay thậm chí là hư hỏng khi nhận hàng,.... Bởi nếu xảy ra, điều này không chỉ khiến bạn bị tổn thất mà còn tạo ấn tượng xấu trong mắt khách hàng.
- Chăm sóc khách hàng: đừng bao giờ xem nhẹ việc chăm sóc khách hàng. Bởi trên thực tế, việc đưa khách hàng mới đến với cửa hàng có thể khó nhưng để khách hàng cũ quay trở lại sẽ phụ thuộc vào cách bán hàng, chăm sóc, thái độ và chế độ hậu mãi của bạn. Kỹ năng chăm sóc khách hàng càng tốt sẽ giúp khách hàng đánh giá cao và quay trở lại nếu có nhu cầu.
7. Xây dựng chiến lược marketing thu hút khách hàng
Quảng cáo chính là chìa khóa để thực hiện chiến lược marketing tốt nhất cho bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Nếu cửa hàng cây cảnh của bạn ở trong khu vực đông dân cư hay tại thành phố lớn thì hãy tổ chức một cuộc triển lãm cây rồi quảng bá hình ảnh thật nhiều. Đừng quên chuẩn bị danh thiếp hoặc tờ rơi khi tổ chức các sự kiện đó để gia tăng độ nhận diện cho cửa hàng.
Khi đã có website cho mình, bạn có thể cho đăng tải những hình ảnh sản phẩm lên trên đó. Lưu ý cần phải có sự đầu tư cho mục hình ảnh với những tiêu chuẩn: đẹp, rõ nét, ánh sáng, bố cục ảnh,... để sản phẩm trông thật nổi bật, thu hút. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên cập nhật các chương trình khuyến mãi, tin tức, feedback của khách hàng,... để xây dựng uy tín cho cửa hàng.
Đối với những khách hàng khi lần đầu mới mua sản phẩm tại cửa hàng, bạn có thể khai thác để có được các thông tin như: tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ, ngày sinh, email,... để dễ dàng chăm sóc khách hàng sau bán, gửi lời chúc sinh nhật, thông báo các loại cây mới, gửi tặng voucher,.....
Một số loại cây kiểng phổ biến hiện nay
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại cây kiểng khác nhau để bạn có thể tùy chọn và kinh doanh. Nhưng bên cạnh đó, bạn cũng đừng bỏ qua một số loại cây phổ biến dưới đây bởi nó chính là mặt hàng được nhiều khách hàng “săn lùng” nhất và giúp tăng doanh thu ấn tượng.
1. Cây kim tiền
Cây kim tiền còn được biết đến là cây kim phát tài, đây cũng là loại cây được mệnh danh mang ý nghĩa may mắn nhất trong phong thủy, thể hiện sự giàu sang, phú quý. Đặc biệt, loại cây này còn có đầy đủ các yếu tố phong thủy trong cơ thể như: cây là mộc, trồng dưới đất là thổ, nước tưới cây là thủy, chậu trồng hay bình thủy sinh là kim.
Không chỉ vậy, lá kim tiền còn có hình dạng viền tròn, xanh, mọng trông tràn đầy sức sống mang tính âm và phù hợp với kiến trúc hiện đại có góc cạnh là tính dương nên được yêu thích vì có chức năng điều hòa, cân bằng âm dương hiệu quả.
2. Cây lưỡi hổ
Rất nhiều gia đình thường ưu tiên lựa chọn cây lưỡi hổ, hay còn gọi là hổ vĩ, lưỡi cọp, hổ thiết,... để trang trí nhân dịp đầu năm mới. Không chỉ có vẻ ngoài đẹp, lại cây này còn rất tốt cho sức khỏe khi hỗ trợ sản sinh khí oxy về đêm. Vậy nên, nếu đặt cây lưỡi hổ trong phòng ngủ sẽ tốt cho hoạt động hô hấp của con người, còn nếu đặt trong phòng làm việc sẽ làm giảm stress hiệu quả.
3. Cây trầu bà
Cây trầu bà chính là một trong năm loài thực vật được các nhà khoa học NASA công bố có tác dụng hút được hàng loạt các khí độc hại từ khói thuốc, bức xạ từ điện thoại, máy tính, benzen, xăng xe,... và trả lại môi trường trong lành, thư giãn. Cây trầu bà có kích thước vừa và nhỏ có thể để trên nóc tủ, bàn làm việc hoặc treo cạnh cửa sổ để cành lá được rủ xuống nhẹ nhàng và phát huy tốt vai trò của nó.
4. Cây kim ngân
Cây kim ngân hay còn gọi là cây tiền vàng - đại diện cho sự may mắn, thịnh vượng. Cây có dáng đứng vững chãi và cực kỳ hiên ngang, phần thân bện xoắn vào nhau tượng trưng cho sự đoàn kết, không nản lòng trước sóng gió. Lá cây xum xuê, xanh mướt rất vượng phong thủy, tiền bạc và hàm chứa một sức sống mãnh liệt. Do đó, không khó hiểu khi cây kim ngân chính là sự lựa chọn số 1 của người Việt khi muốn tìm mua cây cảnh trang trí trong nhà.
Kinh doanh cây cảnh làm sao để lãi nhiều?
1. Chú trọng hình ảnh sản phẩm
Nếu bán hàng online cây cảnh, hình ảnh chính là yếu tố đặc biệt để thu hút khách hàng quan tâm tới sản phẩm mà bạn cung cấp. Bên cạnh những tiêu chuẩn chung cho hình ảnh đã được đề cập ở trên như: rõ nét, đẹp, bố cục, ánh sáng,... thì bạn cũng phải tìm cách để làm sao khách hàng khi nhìn vào sẽ nghĩ rằng đây chính là sản phẩm mà mình không bỏ lỡ. Điều này sẽ nhanh chóng thôi thúc họ đưa ra quyết định mua hàng nhanh hơn.
2. Trau dồi kiến thức và kỹ thuật chăm sóc cây cảnh
Kinh doanh cây cảnh luôn đòi hỏi bạn phải có sự đầu tư không chỉ về vốn mà còn là kiến thức, kĩ năng. Để làm được điều này, bạn cần bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính và cách chăm sóc cho từng loại cây. Chỉ khi làm tốt khâu này thì bạn mới đảm bảo chất lượng cây được tốt nhất, từ đó giảm thiểu những rủi ro về sản phẩm trong quá trình kinh doanh.
3. Đưa thông điệp vào từng chậu cây
Bên cạnh giá trị thẩm mỹ, nhiều người mua cây còn dựa vào ý nghĩa và giá trị mà nó mang lại. Ví dụ, có loại cây tượng trưng cho sự may mắn trong tình cảm, cũng có loại mang đến tài lộc, thịnh vượng hay một số cây giúp gia đình bình an, yên ấm,.... Tận dụng điểm này, các cửa hàng cần phải khéo léo lồng ghép những thông điệp, câu chuyện đến khách hàng để gia tăng giá trị cho sản phẩm và thuyết phục họ mua sắm nhanh hơn.
4. Dịch vụ đi kèm khi kinh doanh cây kiểng
Ngoài việc bán cây cảnh, cửa hàng của bạn cũng có thể cho triển khai thêm những dịch vụ đi kèm như bán phân bón, mix cây, decor chậu cây, cho thuê cây,.... Chưa dừng lại ở đó, khi kinh doanh cây kiểng thì bạn cũng nên có dịch vụ tặng quà, giao hàng tận nơi,.... Nên lưu lại thông tin khách hàng để có được các chính sách sau bán như: hỗ trợ chăm sóc cây, tặng voucher, giới thiệu sản phẩm mới,....
Như vậy, nội dung trên đây chính là những cách kinh doanh cây cảnh thành công mà Phương Nam Vina muốn chia sẻ đến các bạn. Có thể nói, mô hình kinh doanh cây cảnh luôn là lĩnh vực hot và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Mặc dù hiện nay vẫn chưa xuất hiện nhiều tên tuổi lớn chiếm lĩnh thị trường, nhưng không vì thế mà các cửa hàng sẽ không phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Vậy nên, nếu không tìm cách để cửa hàng cây cảnh của mình trở nên nổi bật thì sớm muộn công việc kinh doanh của bạn cũng sẽ gặp phải thất bại. Hi vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ có thêm thật nhiều kiến thức, ý tưởng để giúp cho việc bán hàng được thuận lợi và phát triển nhất. Chúc các bạn thành công!
Tham khảo thêm:
Kinh doanh cây cảnh mini cần bao nhiêu vốn?