Mô hình kinh doanh chính là một phần tất yếu không thể bỏ qua trong quá trình phát triển kinh tế của bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào. Sự xuất hiện của mô hình này chính là đòn bẩy nhằm thôi thúc hoạt động bán hàng và định hướng phát triển cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn được một mô hình kinh doanh phù hợp hoàn toàn không phải điều dễ dàng, nhất là đối những cá nhân mới “chân ướt chân ráo” bước vào con đường khởi nghiệp. Chính vì vậy mà trong bài viết này, ngoài giúp bạn làm rõ về khái niệm mô hình kinh doanh là gì, đội ngũ marketing Phương Nam Vina sẽ tổng hợp các mô hình kinh doanh phổ biến nhất hiện nay để bạn có thể tham khảo, từ đó lựa chọn và áp dụng hiệu quả vào trong công việc của mình.
- Mô hình kinh doanh là gì?
- Tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình kinh doanh
- 5 bước xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả
- Top 23 mô hình kinh doanh phổ biến nhất hiện nay
- 1. Mô hình kinh doanh online
- 2. Mô hình kinh doanh thu lợi nhuận từ sản phẩm đi kèm
- 3. Mô hình ẩn doanh thu
- 4. Mô hình kinh doanh 1 đổi 1
- 5. Mô hình kinh doanh trên thị trường đa chiều
- 6. Mô hình bán hàng trực tiếp
- 7. Mô hình kinh doanh nhượng quyền
- 8. Mô hình kinh doanh bán trả phí Freemium
- 9. Mô hình kinh doanh chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc
- 10. Mô hình Privacy
- 11. Mô hình agency
- 12. Mô hình kinh doanh thương mại điện tử
- 13. Mô hình kinh doanh Canvas
- 14. Mô hình kinh doanh hệ sinh thái
- 15. Mô hình xóa bỏ kênh môi giới trung gian
- 16. Mô hình tiếp thị liên kết (affiliate)
- 17. Mô hình kinh doanh ngành giáo dục
- 18. Mô hình kinh doanh gia đình
- 19. Mô hình kinh doanh nhân bản
- 20. Mô hình kinh doanh lưu động
- 21. Mô hình kinh doanh blockchain
- 22. Mô hình kinh doanh theo hình thức đăng ký
- 23. Mô hình kinh doanh dựa trên nội dung do người dùng cung cấp
Mô hình kinh doanh là gì?
Vào năm 1990, thuật ngữ business model hay còn được gọi là mô hình kinh doanh đã chính thức xuất hiện và vẫn được nhiều chuyên gia, giới kinh doanh sử dụng cho đến ngày nay. Hiểu một cách đơn giản thì mô hình kinh doanh chính là khuôn mẫu cho công ty, doanh nghiệp vận hành để qua đó mang về nguồn doanh thu, lợi nhuận ấn tượng. Xét về bản chất, một mô hình kinh doanh sẽ được xoay quanh chủ yếu qua 4 vấn đề cốt lõi:
- Lựa chọn sản phẩm, dịch vụ mà công ty sẽ dùng để kinh doanh.
- Làm cách nào để tiếp thị sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng?
- Chi phí để vận hành mô hình kinh doanh sẽ bao gồm những khoản nào?
- Làm thế nào để có thể chuyển đổi mang về doanh thu, lợi nhuận?
Nhìn chung, bất cứ doanh nghiệp nào khi quyết định tham gia vào thị trường cũng cần chọn cho mình một mô hình kinh doanh phù hợp. Đây chính là cơ sở để định vị, nhận biết và xây dựng giá trị lâu dài, bền vững cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với một thị trường đầy sự biến động và sức cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay thì mô hình kinh doanh không thể nào chỉ “dậm chân tại chỗ”. Theo đó, doanh nghiệp phải luôn thay đổi các mô hình kinh doanh để có thể thích ứng một cách linh hoạt với sự đa dạng hóa của thị trường, từ đó tạo tiền đề cho sự thăng tiến hơn nữa trong tương lai.
Tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình kinh doanh
Có thể nói, mô hình kinh doanh được ví như kim chỉ nam của doanh nghiệp trong bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào. Trước khi bắt tay triển khai hoạt động kinh doanh, các nhà sáng lập cần phải tự mình nghiên cứu, tìm hiểu và phân tích nhằm tìm được một mô hình khả quan, thích hợp để công ty thực hiện theo bởi tầm quan trọng mà nó mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn:
- Định hướng con đường phát triển với lộ trình được vạch sẵn theo từng bước đi một cách chi tiết cho doanh nghiệp trong tương lai.
- Góp phần tạo ra các giá trị bền vững từ các quy trình và quyết định của doanh nghiệp trong mô hình.
- Giúp doanh nghiệp hình thành nên các ý tưởng, giải pháp khác nhau để từ đó chọn ra được một giải pháp kinh doanh tối ưu nhất.
- Tạo tiền đề xây dựng được một doanh nghiệp độc đáo với những lợi thế khiến cho đối thủ khó có thể sao chép được.
- Một mô hình kinh doanh hiệu quả và mang tính cạnh tranh cao sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển nhanh chóng và tạo được chỗ đứng trên thị trường.
5 bước xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả
Mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với các công ty nhưng để xây dựng được một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh, thành công là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, các bạn cũng có thể áp dụng ngay một số bước cơ bản dưới đây qua đó áp dụng hiệu quả từng bước trong quá trình xây dựng mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp mình.
Bước 1: Khảo sát, đánh giá nhu cầu khách hàng
Đây là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng mà bạn cần làm bởi những sản phẩm, dịch vụ khi được mang ra thị trường phải xoay quanh khách hàng. Vậy nên, bạn cần tìm hiểu xem nhu cầu của khách hàng hiện nay là gì và đâu là nhóm đối tượng mà doanh nghiệp đang hướng tới để sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Bước 2: Xây dựng các ý tưởng kinh doanh
Ngay khi hoàn thiện xong bước 1, các bạn có thể xác định được tệp khách hàng tiềm năng cũng như nhu cầu của họ. Từ đó dễ dàng đưa ra những ý tưởng sản phẩm, dịch vụ mới nhằm thỏa mãn mong muốn của khách hàng. Tuy nhiên, điều kiện là các sản phẩm, dịch vụ này phải đáp ứng được yếu tố mới, lạ, độc đáo và luôn đổi mới để phù hợp với thị hiếu của khách hàng ở trong từng thời điểm.
Nhiệm vụ của bạn lúc này đó chính là phải thể hiện làm sao để khách hàng cảm nhận như đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt nhất. Nhờ đó mà họ sẽ không bao giờ ngần ngại khi quyết định chi tiền và đầu tư sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp.
Bước 3: Hoạch định chi phí sản phẩm phù hợp
Để giúp mô hình kinh doanh thành công thì doanh nghiệp cần hoạch định được các chi phí sao cho phù hợp. Đương nhiên, điều bạn cần làm đó chính là phải tối ưu chi phí sản xuất nhưng cũng đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất.
Lúc này, doanh nghiệp của bạn cần phải đầu tư trang thiết bị, xây dựng hạ tầng mới để có thể tập trung vào hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất giá tốt, chất lượng đảm bảo. Không chỉ vậy, khâu sản xuất cũng cần phải được giám sát chặt chẽ, liên tục kiểm định chất lượng gắt gao. Có như thế thì sản phẩm khi được cung cấp ra thị trường và đến tay khách hàng sẽ luôn có chất lượng tốt nhất.
Bước 4: Xây dựng chiến lược tiếp thị mang sản phẩm đến tay khách hàng
Đây là công đoạn vô cùng quan trọng để giúp sản phẩm của doanh nghiệp được phủ rộng trên thị trường. Đương nhiên, để có thể hoàn thành tốt điều này thì doanh nghiệp sẽ cần phải có những chiến lược marketing hiệu quả như: phát tờ rơi, triển lãm sản phẩm, tổ chức hội chợ, sự kiện, quảng cáo trên các trang mạng xã hội, báo đài, truyền thông, tạo chương trình khuyến mãi tặng quà,....
Đáng chú ý là bạn hoàn toàn có thể kết hợp cùng lúc nhiều chiến dịch quảng cáo để gia tăng độ phủ sóng hiệu quả. Sau mỗi chiến dịch, doanh nghiệp cũng cần xem xét lại những đánh giá, phản hồi và ý kiến của khách hàng, qua đó tìm cách điều chỉnh, cải thiện sao cho phù hợp.
Bước 5: Hoàn thiện mô hình kinh doanh
Sau khi đã hoàn thành tất cả những bước trên thì đây sẽ là lúc mà bạn thực tế hóa mô hình của mình. Bạn sẽ cần phải chuẩn bị vốn, nguồn nhân lực và tiến hành thực hiện xây dựng cơ sở vật chất, liên kết với các đối tác tiềm năng. Những bước này sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển lâu dài và bền vững.
Top 23 mô hình kinh doanh phổ biến nhất hiện nay
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam đang xuất hiện rất nhiều các loại mô hình kinh doanh hiệu quả. Tùy thuộc vào sản phẩm và hướng đi của doanh nghiệp mà bạn có thể chọn một mô hình phù hợp. Bạn cũng không nhất thiết phải tìm ra một mô hình mới mẻ, thay vào đó có thể sử dụng các mô hình đã thành công như bên dưới để tạo lợi thế cạnh tranh cho riêng mình.
1. Mô hình kinh doanh online
Khi công nghệ ngày một phát triển, mô hình kinh doanh online đang ngày càng trở nên thịnh hành và thật sự bùng nổ kể từ sau đại dịch Covid. Hình thức kinh doanh này thường xuất hiện chủ yếu trên các nền tảng như: mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok Shop,...), sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,...) và website.
Với mô hình này, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng bắt đầu công việc kinh doanh, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình trên các nền tảng này để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Khách hàng cũng không cần phải đi đâu xa để mua sắm mà chỉ cần đặt hàng ngay trên thiết bị di động, máy tính có kết nối Internet. Đó cũng chính là lý do vì sao mà bán hàng online được đánh giá là xu hướng của hiện tại và cả tương lai sau này.
2. Mô hình kinh doanh thu lợi nhuận từ sản phẩm đi kèm
Với mô hình này, doanh nghiệp của bạn phải làm cho khách hàng cảm thấy hứng thú và yêu thích một sản phẩm nào nó. Sau khi đã tạo cho khách hàng lòng trung thành đối với các sản phẩm, dịch vụ của mình thì doanh nghiệp sẽ bán sản phẩm, dịch vụ khác với chi phí cao hơn để mang lại nguồn doanh thu lớn.
3. Mô hình ẩn doanh thu
Mô hình ẩn doanh thu được thực hiện bằng cách cung cấp các ứng dụng miễn phí cho người dùng. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ từ chính những dữ liệu họ dựa trên lượt tìm kiếm, yêu thích và bán chúng dưới hình thức quảng cáo cho doanh nghiệp. Ví dụ điển hình cho mô hình này đó chính là Google và Facebook - hai trang web phổ biến nhất trên hành tinh tính đến thời điểm hiện tại.
4. Mô hình kinh doanh 1 đổi 1
Hình thức kinh doanh 1 đổi 1 là sự kết hợp giữa mô hình lợi nhuận và phi lợi nhuận. Trong đó, thương hiệu giày TOMS chính là minh chứng rõ nét cho việc áp dụng mô hình này bằng cách đưa ra ý tưởng: khi khách hàng mua một đôi giày thì cũng là lúc, sẽ có một đôi giày khác được tặng cho trẻ em nghèo trên toàn thế giới. Đây được xem là một chiến lược vô cùng thông minh vì vừa giúp cho khách hàng sở hữu một đôi giày đẹp, lạ vừa giúp họ tham gia vào công tác thiện nguyện, sống có ích cho đời.
5. Mô hình kinh doanh trên thị trường đa chiều
Trong mô hình kinh doanh trên thị trường đa chiều, nhiệm vụ của doanh nghiệp đó là phải cung cấp dịch vụ cho cả hai bên. Điển hình như LinkedIn, nhà điều hành đã bán dịch vụ đăng ký cho các nhà quản lý nhân sự để hỗ trợ họ tìm kiếm những ứng viên thích hợp. Song song với đó, mạng xã hội này cũng cung cấp thêm dịch vụ đăng ký khác cho những người đang tìm kiếm cơ hội việc làm.
6. Mô hình bán hàng trực tiếp
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của hình thức kinh doanh online mà đối với nhiều người, mô hình bán hàng trực tiếp hay truyền thống đã trở nên quá cũ kỹ. Nhưng thực tế đã chứng minh cho khẳng định này là hoàn toàn sai lầm bởi trong thời đại mà mọi thứ liên tục được công nghệ hóa thì liên lạc cá nhân lại trở nên quan trọng đến bất ngờ.
Chưa kể đến một nhược điểm “chí mạng” khi mua hàng online đó là hình thức lừa đảo, chất lượng sản phẩm không tương xứng với giá thành. Chính vì vậy mà xu hướng bán hàng trực tiếp vẫn chưa bao giờ được gọi là “lỗi thời” hay chìm vào quá khứ. Bạn hoàn toàn có thể định hướng hình thức kinh doanh của mình bằng cách kết hợp cả hai mô hình bán trực tiếp và trực tuyến để đẩy mạnh doanh thu hiệu quả.
7. Mô hình kinh doanh nhượng quyền
Trong số tất cả các loại mô hình kinh doanh hiện nay thì hình thức nhượng quyền được xem là mô hình quen thuộc và phổ biến bậc nhất. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ cho phép người khác kinh doanh sản phẩm, dịch vụ dưới tên thương hiệu của mình và tiến hành thu phí trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ như Starbucks, Subway, McDonald’s hay Domino’s Pizza đều là những minh chứng phổ biến của hình thức kinh doanh nhượng quyền.
8. Mô hình kinh doanh bán trả phí Freemium
Mô hình kinh doanh Freemium đang ngày càng phổ biến và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Bản chất của mô hình này là sự pha trộn giữa dịch vụ miễn phí và trả phí. Chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ cung cấp một phần mềm, ứng dụng nào đó và cho người dùng sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, sẽ có một số chức năng hoạt động bị khóa lại hoặc thời gian sử dụng bị giới hạn. Sau một thời gian khách hàng trải nghiệm dịch vụ miễn phí, nếu họ cảm thấy hài lòng thì doanh nghiệp sẽ mời họ nâng cấp lên phiên bản trả phí với những tính năng hiện đại, cao cấp hơn.
9. Mô hình kinh doanh chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc
Một trong những thương hiệu tiêu biểu đã áp dụng thành công mô hình chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc là Luxottica được sáng lập bởi Leonardo Vecchio. Theo đó, thương hiệu này đã tiến hành mua lại tất cả các chuỗi cung ứng, cửa hàng bán lẻ của ngành quang học, kính mắt trên toàn cầu.
Chính nhờ vậy mà Luxottica đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí đầu bảng khi trở thành công ty thành công nhất trong ngành quang học. Sau khoảng vài thập kỷ áp dụng mô hình kinh doanh này, doanh thu của thương hiệu Luxottica đã chạm đến mức 9 tỷ đô la.
10. Mô hình Privacy
Cùng với sự phát triển của Internet và sự gia tăng liên tục của các công ty không ngừng kiếm tiền bằng cách thu thập dữ liệu người dùng thông qua hệ thống máy tính, điện thoại cá nhân hay bất kỳ thiết bị điện tử nào,.... Điều này đã khiến cho quyền riêng tư của con người không còn được đảm bảo an toàn như trước.
Chính vì vậy mà mô hình Privacy đã được áp dụng khi đây là trạng thái mà chủ thể sẽ không bị bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì quan sát, theo dõi. Ngoài Google thì một số công cụ tìm kiếm khác như DuckDuckGo cũng đang áp dụng mô hình kinh doanh này. Theo đó, công cụ sẽ chuyển dữ liệu của người dùng đến điều hướng riêng tư và nó có thể kiếm tiền bằng cách bán từ khóa địa phương.
11. Mô hình agency
Mô hình agency là hình thức kinh doanh thường được áp dụng bởi các công ty chuyên tư vấn, cung cấp các dịch vụ marketing cho doanh nghiệp. Công việc của các công ty agency đó là đưa ra các giải pháp, chiến dịch truyền thông để người tiêu dùng có thể biết đến nhiều hơn về sản phẩm, dịch vụ của đối tác.
12. Mô hình kinh doanh thương mại điện tử
Cũng giống như kinh doanh online, thương mại điện tử đã và đang trở thành ngành mũi nhọn được dự báo sẽ phát triển liên tục trong nhiều năm tới. Muốn xây dựng mô hình này thì người bán phải tạo danh mục trên website hoặc sàn thương mại điện tử để giúp người mua đặt hàng. Người bán sẽ căn cứ vào đó để quản lý thông tin của khách hàng và tiến hành giao hàng. Hiện nay, có rất nhiều công ty đã và đang thành công với lĩnh vực thương mại điện tử, điển hình như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,....
13. Mô hình kinh doanh Canvas
Mô hình kinh doanh Canvas được sáng lập bởi nhà kinh tế Alexander Osterwalder và được rất nhiều công ty lớn trên thế giới áp dụng thành công như: Facebook, Google, P&G, GE,.... Đây chính là bản mô phỏng các phương án mà các công ty tạo ra giá trị chỉ trên một trang giấy và giúp họ thoát khỏi tư duy chỉ tập trung phát triển sản phẩm mà cần thiết kế mô hình kinh doanh.
Có 9 yếu tố nằm trong mô hình kinh doanh Canvas. bao gồm: phân khúc khách hàng, dòng doanh thu, giá trị đề xuất, nguồn lực chính, quan hệ khách hàng, đối tác chính, hoạt động chính, kênh phân phối, cơ cấu chi phí.
14. Mô hình kinh doanh hệ sinh thái
Bản chất của mô hình kinh doanh hệ sinh thái chính là một mạng lưới bao gồm tất cả các yếu tố như: nhà sản xuất, cung cấp, khách hàng, phân phối, khách hàng cạnh tranh,.... Mô hình này được các doanh nghiệp lớn như: Apple, Alibaba,... áp dụng và nhanh chóng tạo được thành công như ngày hôm nay. Điển hình như Apple, nhờ áp dụng hình thức kinh doanh hệ sinh thái mà thương hiệu này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đồng thời đẩy lùi được các đối thủ mạnh như: Samsung, LG, Nokia,....
15. Mô hình xóa bỏ kênh môi giới trung gian
Để một sản phẩm có thể đến tận tay khách hàng chắc chắn phải trải qua nhiều bước và các khâu trung gian. Chính vì vậy mà chi phí của món hàng sẽ vô tình bị đẩy lên cao và khiến cho lợi nhuận cũng theo đó bị giảm sút. Chính vì vậy mà doanh nghiệp của bạn nên bỏ qua khâu môi giới trung gian trong chuỗi cung ứng hiện nay. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm được nhiều chi phí mà còn thông qua đó tạo lập được mối quan hệ thân thiết, gắn kết với khách hàng.
16. Mô hình tiếp thị liên kết (affiliate)
Tiếp thị liên kết hay còn được gọi là hình thức affiliate marketing. Đây là mô hình tiếp thị, kinh doanh có liên quan đến quảng cáo, nhưng thay vì quảng cáo trực tiếp thì hình thức này sẽ chèn nội dung vào các liên kết. Chỉ cần người dùng ấn vào trong liên kết hay mua sản phẩm thì bạn sẽ nhanh chóng nhận được khoản hoa hồng từ chính những sản phẩm, dịch vụ mà mình đang quảng cáo.
17. Mô hình kinh doanh ngành giáo dục
Đây chính là mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng giáo dục với đối tượng khách hàng mục tiêu chính là giáo viên, học sinh và các bạn sinh viên. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ tìm hiểu, nghiên cứu để cho ra đời những công cụ, ứng dụng có thể đáp ứng được nhu cầu học tập, làm việc của khách hàng trong lĩnh vực giáo dục để thu về lợi nhuận.
18. Mô hình kinh doanh gia đình
Đối với mô hình kinh doanh này, dù bạn có thành lập được công ty gia đình với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng thì bạn vẫn có quyền hạn cùng khả năng kiểm soát mọi hoạt động của công ty. Điển hình như trên thế giới, vẫn có nhiều công ty áp dụng mô hình kinh doanh này.
Cụ thể, Prada được sáng lập bởi Mario Prada và anh trai Martino. Cho đến nay, ngoài hai người sáng lập thì họ còn chia sẻ quyền sở hữu Prada cho các cháu gái Mario, Miuccia Prada và chồng của cô ấy là Patrizio Bertelli.
19. Mô hình kinh doanh nhân bản
Mô hình kinh doanh nhân bản được sáng lập bởi Brunello Cucinelli với triết lý tạo ra doanh thu nhưng không ảnh hưởng đến ai. Mô hình này được thực hiện với 3 yếu tố cốt lõi là: nghề thủ công Ý, định vị và phân phối độc quyền và chúng đã nhanh chóng mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho chính doanh nghiệp của ông
20. Mô hình kinh doanh lưu động
So với các mô hình kinh doanh khác, hình thức kinh doanh lưu động khá khác biệt với hình thức bán hàng lưu động trên các xe bán tải, xe đẩy hoa quả, bán đồ ăn,.... Lợi thế của mô hình này đó chính là có thể di chuyển dễ dàng tới nhiều địa điểm khác nhau để giới thiệu sản phẩm đến đa dạng người dùng, đồng thời tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng hiệu quả.
21. Mô hình kinh doanh blockchain
Mô hình kinh doanh blockchain là một trong những mô hình kinh doanh mới nhưng đã được áp dụng rất nhiều trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công ty công nghệ, logistics.... Bằng cách áp dụng công nghệ blockchain và hệ thống phân cấp hoạt động trong phạm vi toàn cầu mà mô hình blockchain đã xử lý các giao dịch thông qua mật mã, mọi sự tương tác và trao đổi giữa mọi người đều sẽ được phân cấp và điểm danh.
22. Mô hình kinh doanh theo hình thức đăng ký
Hình thức đăng ký dựa trên ý tưởng bán sản phẩm hoặc dịch vụ để mang về doanh thu hàng tháng, hàng năm hay định kỳ vô cùng phổ biến hiện nay. Mô hình này được áp dụng chủ yếu cho các doanh truyền thống và doanh nghiệp trực tuyến hiện nay. Ví dụ với Netflix, người dùng sẽ cần thanh toán định kỳ hàng tháng hay hàng hàng năm để có quyền sử dụng cũng như truy cập vào sản phẩm / dịch vụ.
23. Mô hình kinh doanh dựa trên nội dung do người dùng cung cấp
Quora là một ví dụ điển hình cho mô hình kinh doanh dựa trên nội dung do người dùng cung cấp. Đây là một trong số 50 website phổ biến hàng đầu tại nước Mỹ và cũng là trang web chuyên “hỏi và đáp”. Cũng giống như Reddit, Quora sẽ dựa vào nhu cầu của người dùng để tạo ra nội dung bài viết, đồng thời dựa vào người viết để tạo ra content chất lượng nhằm trả lời các câu hỏi của người dùng.
Trên đây là tất những thông tin về các loại mô hình kinh doanh mà Phương Nam Vina muốn chia sẻ đến các bạn. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm thật nhiều kiến thức bổ ích để lựa chọn cho mình một hay các mô hình kinh doanh phù hợp. Việc kinh doanh không khó, nhưng để thành công thì chẳng dễ một chút nào. Vậy nên, bạn hãy dựa vào điều kiện của thực tế, đặc điểm ngành nghề để có thể lựa chọn mô hình hiệu quả. Mặc dù đôi khi sẽ có những rủi ro nhưng việc thử nghiệm và sửa chữa sai lầm chính là điều cần thiết để doanh nghiệp có thể phát triển hơn nữa. Chúc các bạn sớm gặt hái được thành công!
Tham khảo thêm:
Top những kênh bán hàng online hiệu quả không thể bỏ qua
Tác dụng của website đối với hoạt động kinh doanh, bán hàng
Những điều cần lưu ý khi kinh doanh online để đạt hiệu quả cao