TVC là gì? Điều gì tạo nên một TVC quảng cáo thành công?

Hiện nay, tất cả các hoạt động trong ngành quảng cáo đều ứng dụng nhiều loại công cụ khác nhau từ print-ads, TVC, event cho đến digital marketing,... để truyền tải thông điệp và thu hút khách hàng. Trong đó, TVC là hình thức đặc biệt ấn tượng khi lựa chọn ngôn ngữ điện ảnh làm lớp áo nghệ thuật để lồng ghép tính thương mại và các giải pháp của doanh nghiệp, từ đó lôi kéo sự quan tâm của người xem. Vậy TVC là gì? Điều gì tạo nên một TVC quảng cáo thành công? Trong nội dung dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhiều hơn về khái niệm này để từ đó giúp bạn có thể dễ dàng xây dựng một TVC quảng cáo mang lại những giá trị to lớn cho thương hiệu của mình.
 

TVC là gì? Điều gì tạo nên một TVC thành công?
 

Mục lục

TVC là gì?

TVC là từ viết tắt của Television Video Commercials, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là phim quảng cáo. Đây là một loại hình quảng cáo được diễn tả bằng hình ảnh video để giới thiệu về những sản phẩm thương mại hoặc một sự kiện nào đó được phát sóng trên các kênh truyền hình. Thông thường, TVC quảng cáo sẽ được các nhà đài phát xen kẽ vào trước, giữa hoặc sau nội dung chính của một chương trình để truyền tải đến người xem. Nhờ đó mà hình thức truyền thông này luôn được đánh giá cao bởi sức lan tỏa rộng, đối tượng khán giả phong phú và đặc biệt là không bị ràng buộc bởi không gian cũng như thời gian.

Quảng cáo TVC có thể mang nội dung về câu chuyện của một nhân vật nào đó và thường được thể hiện bởi các celeb hoặc những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Thông qua TVC, họ sẽ dẫn dắt người xem vào câu chuyện của mình và chia sẻ những trải nghiệm về sản phẩm, dịch vụ đang quảng cáo. Đôi khi, một số TVC còn là những hình ảnh khơi gợi sự quyến rũ, đề cao các giá trị nhân văn như gia đình, cộng đồng,... hoặc đơn giản đó chỉ là sản phẩm được xây dựng trên các kỹ xảo đặc biệt.


Quay TVC
 

Vai trò và sức mạnh của TVC quảng cáo

Không khó để chúng ta nhận thấy rằng hai lợi ích lớn nhất của việc đầu tư vào quảng cáo truyền hình đó là giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về thương hiệu cùng khả năng bán hàng trực tiếp. Nhận thức về thương hiệu chủ yếu sẽ được diễn đạt thông qua việc lặp đi lặp lại quảng cáo trên các kênh truyền hình và bán hàng trực tiếp chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi lời kêu gọi hành động mà người xem thực hiện. Thế nhưng, vẫn có nhiều lý do hơn mà công ty của bạn nên sử dụng quảng cáo TVC để làm chiến lược marketing cho mình, cụ thể:

- Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ: Những thông điệp trên TVC thường được các marketer lồng ghép một cách tinh tế và thể hiện bằng những hình ảnh đẹp mắt, có đầu tư để mang đến sự lan tỏa mạnh mẽ. Công chúng cũng sẽ được tiếp cận với những quảng cáo này một cách tự nhiên và thường xuyên nên tự khắc, TVC sẽ tạo dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của họ.

- Xây dựng hình ảnh thương hiệuNgày nay, việc sở hữu một chiếc tivi, máy tính hay thiết bị di động là điều vô cùng dễ dàng và đây cũng là thiết bị mà hầu hết gia đình nào cũng có. Đặc biệt, trong thời đại mà người người, nhà nhà đều đón xem các video, chương trình truyền hình như hiện nay thì việc đầu tư một quảng cáo TVC là phương án truyền thông hiệu quả mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên cân nhắc. Trên thực tế, một TVC có thể tiếp cận với hàng triệu người xem trong cùng một thời điểm. Do đó, đây được xem là tiền đề để giúp cho thương hiệu của bạn bước đầu xây dựng ấn tượng đối với khách hàng mục tiêu.

- Quảng cáo hình ảnh doanh nghiệpNhờ có TVC, hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng sẽ được truyền tải một cách ngắn gọn, đầy đủ thông tin và đặc biệt là mang đến trải nghiệm thú vị thay cho một cuốn profile nhàm chán dài đến hàng chục trang.

- Tạo thị trường khách hàng tiềm năngĐiểm chung của mọi khách hàng khi mua sắm đó là tìm kiếm những thương hiệu mà họ cảm thấy quen thuộc, ấn tượng. Vì vậy, việc quay TVC quảng cáo chất lượng chính là một “thỏi nam châm” để doanh nghiệp thành công khơi gợi sự chú ý từ người xem. Từ đây, chính sự quan tâm, tương tác của khách hàng tiềm năng có thể dẫn đến kết quả mà doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn, đó là hành động mua hàng.


Làm TVC
 

Đánh giá ưu nhược điểm của TVC quảng cáo trong kế hoạch truyền thông

Với kỹ xảo âm thanh, hình ảnh chất lượng, kịch bản sinh động, chuyên nghiệp và lôi cuốn người xem, TVC không chỉ là hình thức quảng cáo được các doanh nghiệp ưu ái mà còn được đông đảo khách hàng dành nhiều thiện cảm. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại cho chủ sản xuất thì quảng cáo TVC vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Vì vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc thật kỹ các yếu tố để giúp kế hoạch quảng cáo TVC mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

1. Ưu điểm của TVC quảng cáo

TVC là một hình thức quảng cáo nổi bật và quan trọng trong các chiến lược tiếp thị của nhiều doanh nghiệp có ngân sách lớn với những điểm cộng ấn tượng dưới đây:

- Mass Coverage (Hiệu quả về độ phủ): quảng cáo TVC được xem là phương tiện Above the line (ATL) mang tính hiệu quả cao nhờ khả năng tiếp cận với lượng lớn khách hàng trên quy mô rộng. Lý do bởi vì tivi vẫn luôn là một vật dụng quen thuộc mà hầu hết gia đình nào hiện nay cũng đều có. Chưa kể, TVC cũng không có các yếu tố nhắm chọn mục tiêu đối tượng như giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn,... giống như các kênh digital marketing hiện nay.

- Attention - Grabbing (Hấp dẫn): ưu điểm nổi trội của TVC là có thể dễ dàng thu hút sự chú ý của người xem nhờ vào sự kết hợp giữa các yếu tố minh họa chuyển động như: âm thanh, hình ảnh, màu sắc,.... Chính vì vậy mà quảng cáo TVC có thể tiếp cận người xem bằng nhiều giác quan khác nhau.

- Trustworthy (Đáng tin cậy): một trong những lợi thế giúp TVC có thể xây dựng được sự tin tưởng nhờ vào việc “hưởng ké” niềm tin của người xem với các đài truyền hình như VTV, VTC, HTV,.... Theo như khảo sát của Kantar trên phạm vi toàn cầu vào năm 2021, người tiêu dùng thường có xu hướng đặt niềm tin của mình vào môi trường quảng cáo offline nhiều hơn. Trong đó, quảng cáo trên TV là loại hình dẫn đầu danh sách và theo sau là báo giấy, tạp chí cho đến radio,.... Trong khi đó tại thị trường Việt Nam, theo như khảo sát năm 2021 của Q&Me cũng cho thấy, TV vẫn là kênh media có điểm tin tưởng cao nhất.

- Short & Sharp (Truyền tải thông điệp ngắn gọn và súc tích): để không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm của người xem, các TVC quảng cáo hiện nay đều được sản xuất với tiêu chí đảm bảo thông điệp truyền tải một cách ngắn gọn, dễ nhớ nhất có thể.


Quảng cáo TVC
 

2. Nhược điểm của TVC quảng cáo

Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi trội, thế nhưng không thể phủ nhận rằng TVC vẫn tồn tại một số nhược điểm khác nhau:

- Chi phí đắt đỏ: TVC là một trong những công cụ marketing tốn kém nhất hiện nay. Chi phí để có được một slot quảng cáo trong thời gian cao điểm và ngân sách sản xuất một đoạn phim là không hề nhỏ bởi các khoản đầu tư cho kịch bản, diễn viên, ê kíp và đạo cụ chuyên nghiệp,.... Ngoài ra, TVC cũng cần phát sóng nhiều lần để được chú ý, ghi nhớ, vì vậy các doanh nghiệp phải mua thời lượng phát sóng nhiều lần và giá thành cho một slot đặc biệt là không hề rẻ.

- Đòi hỏi sự lặp lại để đạt hiệu quả: chắc chắn, TVC sẽ không thể nào mang lại hiệu quả nếu chỉ được chiếu với tần suất thấp. Bởi lúc này, thông điệp của doanh nghiệp mới chỉ rơi vào trí nhớ ngắn hạn của khán giả và nếu không được tác động bằng cách lặp lại, rất nhanh ký ức về TVC đó sẽ bị người xem quên lãng.

- Thiếu sự chọn lọc: TVC không thể nhắm được mục tiêu bởi nó không có bất kỳ dữ liệu cụ thể nào về hành vi và tương tác của từng người dùng giống như các kênh digital. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc, các thương hiệu vẫn sẽ phải trả tiền để TVC quảng cáo tiếp cận đến công chúng, dù cho có những người sẽ không quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp.

- Thiếu sự linh hoạt: một khi sản phẩm TVC đã được hoàn thành thì việc thay đổi thông tin, chỉnh sửa lại quảng cáo sẽ cực kỳ tốn kém và mất nhiều công sức. Quá trình này đòi hỏi nhiều công đoạn khác nhau như bắt buộc phải chỉnh sửa lại các phân đoạn chưa phù hợp, hay thậm chí là phải lên lịch cho một buổi quay khác,.... Ngoài ra, việc thay đổi thời điểm, kênh phát sóng trên đài truyền hình cũng là một vấn đề không hề đơn giản. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà quảng cáo sẽ phải chắc chắn về TVC của mình trước khi nó được phát hành trên thị trường.

- Thiếu tính tương tác hai chiều: TVC chính là công cụ truyền thông một chiều khi người xem chỉ có thể tiếp nhận được các thông tin một cách thụ động. Doanh nghiệp cũng không thể đo lường được suy nghĩ và tương tác của người xem ngay tại thời điểm đó như thế nào.

- Khoản chú ý của đối tượng nhận tin thấp: không thể phủ nhận, đã qua rồi thời kỳ mà các TVC quảng cáo cần phải dài từ 30 giây - 1 phút để trình bày thông điệp. Thời đại này là thời đại của short-form content (nội dung video ngắn) và chính các trang mạng xã hội Tik Tok, Facebook hay Youtube đã điều chỉnh lại khoảng thời gian để có thể thu hút sự chú ý của người dùng. Khách hàng hiện nay chỉ cần khoảng vài ba giây đầu tiên để quyết định mình có nên xem tiếp đoạn quảng cáo này hay không. Do đó, việc tối ưu quy tắc về TVC trong khoảng thời gian phù hợp sẽ giúp thông điệp được khách hàng tiếp nhận một cách nhanh chóng.

- Thời gian tồn tại thông điệp ngắn: như đã nhấn mạnh ở trên, việc giới hạn lại thời gian đoạn quảng cáo được diễn ra cũng đồng nghĩa với việc, các thông điệp được truyền tải bên trong phải thực hiện một cách sáng tạo. Đây chính là một thách thức không nhỏ đối với các nhà quảng cáo nếu họ muốn trở nên nổi bật giữa hàng loạt TVC khác nhau.

- Ảnh hưởng đến trải nghiệm người xem: cách thức hoạt động của TVC đó chính là làm gián đoạn chương trình mà khán giả đang theo dõi. Điều này sẽ khiến khán giả có tâm lý cảm thấy như bị “ép” phải xem quảng cáo trong khi họ đang tận hưởng các nội dung khác. Đặc biệt, trải nghiệm này sẽ còn bị tiêu cực hơn khi TVC được chiếu với tần suất dày đặc, thời gian kéo dài,.... Dù vậy, khi so sánh với các quảng cáo trực tuyến thì TVC vẫn được chấp nhận bởi lúc này, người dùng đang ngồi xem một cách thụ động trước màn hình TV và không thể chủ động tương tác để tắt quảng cáo.


TVC quảng cáo
 

Các dạng TVC quảng cáo thường gặp

Trước đây, mọi người thường nghĩ rằng chỉ những video được chiếu trên các đài truyền hình mới được gọi là TVC quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế thì hình thức TVC lại rất đa dạng khi có nhiều loại quảng cáo khác nhau, cụ thể:

1. Quảng cáo truyền hình - TVC Ads

Đây là hình thức quảng cáo trên đài truyền hình và thường được phát sóng vào các khung giờ khác nhau. Với những TVC được quảng cáo vào khung giờ trước 19h của chương trình thời sự tối sẽ thường có chi phí rất cao, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng bù lại, tỷ lệ người xem biết đến sản phẩm, dịch vụ của bạn là rất cao. Những TVC Advertising này có độ phủ sóng vô cùng rộng rãi nhưng sẽ bị giới hạn về thời gian phát sóng, nội dung cũng được phía đài truyền hình kiểm duyệt gắt gao hơn.

2. Quảng cáo trực tuyến - TVC Online

Với số lượng người dùng khổng lồ đến từ các trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh, video như: Facebook, Instagram, Twitter, Youtube hay Tiktok,... quảng cáo trực tuyến đã và đang dần trở thành mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp khai thác, từ đó mang hình ảnh sản phẩm, dịch vụ đến gần hơn với khách hàng.

Ưu điểm nổi bật của hình thức quảng cáo TVC này đó chính là thời gian phát sóng không bị giới hạn và kinh phí cũng thấp hơn rất nhiều so với TVC Ads. Tuy nhiên, đối tượng tiếp cận của loại hình quảng cáo này lại chỉ bao hàm trong nhóm khách hàng trẻ tuổi, am hiểu về công nghệ và truy cập Internet thường xuyên.


TVC
 

3. Quảng cáo tuyển dụng

Đúng như tên gọi của nó, loại hình TVC này thường được sản xuất với mục đích giới thiệu doanh nghiệp, hoặc giới thiệu những phúc lợi mà người lao động sẽ nhận được khi làm việc tại đó. Loại hình quảng cáo này được đánh giá là một dạng TVC khá mới mẻ để thể hiện được sự chuyên nghiệp của công ty, qua đó thu hút được nhân tài, hỗ trợ cho bộ phận nhân sự làm việc thêm hiệu quả.

4. TVC quảng cáo truyền thông nội bộ

Các doanh nghiệp có nhu cầu truyền tải thông điệp và lan tỏa giá trị văn hóa của mình đến với cộng đồng thì sử dụng TVC truyền thông nội bộ là phương án thích hợp nhất. Theo đó, TVC quảng cáo này sẽ sử dụng các hình ảnh, phát biểu của lãnh đạo và những chia sẻ, cảm xúc của nhân viên để xây dựng độ tin cậy nhất định. Ngoài ra, TVC quảng cáo truyền thông nội bộ cũng là một cách để bạn hình thành và củng cố văn hóa công ty, tạo sự đoàn kết, gắn bó và hòa hợp giữa các nhân viên với nhau hoặc giữa nhân viên với doanh nghiệp.

5. Quảng cáo 3D

Loại hình TVC quảng cáo này thường được sản xuất theo định dạng 3D để giúp cho hình ảnh video trở nên sống động và tạo cảm giác chân thực cho người xem khi theo dõi. Chưa kể, quay TVC 3C còn là giải pháp thông minh, sáng tạo để tránh trường hợp bị trùng lặp ý tưởng và gây nhàm chán cho người nhìn. Vì vậy, loại hình quảng cáo 3D này ngày càng được các doanh nghiệp ưa chuộng sử dụng để quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình.


Ví dụ về TVC
 

Cấu trúc của một TVC quảng cáo

Thông thường, một đoạn TVC quảng cáo sẽ có thời lượng từ khoảng 10 - 30 giây, thời gian cụ thể sẽ còn tùy thuộc vào thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến cho người dùng. Rất ít TVC quảng cáo thời gian lên đến 60 giây bởi nếu nội dung không được thể hiện một cách khéo léo, người xem sẽ bị chán nản và thậm chí còn cảm thấy khó chịu khi theo dõi.

Để có được một sản phẩm TVC quảng cáo hoàn chỉnh, doanh nghiệp cũng cần thực hiện các bước giống như sản xuất một bộ phim cụ thể. Tức là trải qua các bước như giai đoạn tiền kỳ, sản xuất, hậu kỳ và phát hành. Tuy nhiên, so với một bộ phim truyền hình hay điện ảnh thì TVC quảng cáo sẽ tốn ít thời gian và nguồn lực hơn.

Quy trình sản xuất TVC quảng cáo

Để sản xuất ra một TVC không phải chuyện đơn giản, nhất là khi TVC cần có sự tham gia của rất nhiều bên khác nhau, điển hình như: Client (Khách hàng) - Creative agency (Đơn vị sản xuất sản phẩm quảng cáo) - Production house (Đơn vị chế tác) - Talents (Diễn viên) - cùng với nhiều team khác góp phần làm nên một sản phẩm hoàn thiện, chất lượng cao. Thông thường, quy trình làm TVC quảng cáo sẽ được gói gọn trong các giai đoạn sau:

1. Giai đoạn trước khi sản xuất

Ở giai đoạn tiền sản xuất, để có được một TVC hoàn chỉnh sẽ cần phải trải qua các bước sau:

Phát triển một creative brief (bản định hướng sáng tạo)

Creative brief chính là bản tóm tắt đầy đủ các thông tin cần thiết nhất về doanh nghiệp để đội ngũ làm TVC có thể dựa vào đó triển khai, sáng tạo ý tưởng. Các thông tin này thường bao gồm những câu trả lời cho các câu hỏi:

- Mục tiêu truyền thông và mục tiêu tiếp thị mà doanh nghiệp hướng đến là gì?

- Thông điệp cần truyền tải là gì? Trong đó, đâu là thông điệp cốt lõi nhất để giúp cho các chuyên gia có thể đưa ra những giải pháp sáng tạo, ấn tượng.

- Đối tượng mà TVC hướng đến là ai? Họ có các đặc điểm chung nào về chân dung, hành vi tiêu dùng sản phẩm và thói quen sử dụng truyền thông? Một số đặc điểm về tâm lý như nhận thức, mong muốn, nguyên tắc cá nhân,.... TVC sẽ kêu gọi các đối tượng mục tiêu thực hiện những hành động gì? Khơi gợi cảm xúc nào từ họ?

- Các nguyên tắc thương hiệu bao gồm bộ nhận diện thương hiệu, tính cách của thương hiệu, tone and mood (văn phong và thái độ của TVC),....

- Ngân sách và thời gian: Thời gian phát triển các ý tưởng sáng tạo? Thời điểm duyệt bài cuối cùng? Thời hạn gửi sản phẩm? Kinh phí sản xuất là bao nhiêu?

- Đo lường mức độ thành công của TVC như thế nào?

- TVC sẽ được phát sóng trên kênh nào?

- Xác định các idea (ý tưởng) và message (thông điệp): Idea của quảng cáo TVC sẽ thường nhất quán và được phát triển một cách chi tiết từ big idea (ý tưởng lớn) của một chiến dịch truyền thông.

Sáng tạo script (kịch bản)

Script là một dạng kịch bản được thể hiện bằng văn bản nhằm mô tả các cảnh, đoạn hội thoại của quảng cáo. Trong khoảng thời gian giới hạn của một TVC, bạn cần đảm bảo từng giây của quảng cáo đều được sử dụng hữu ích để truyền tải thông điệp, giá trị cốt lõi của sản phẩm / thương hiệu một cách dễ nhớ, ngắn gọn, liền mạch và hiệu quả.

Nhìn chung, một script hoàn chỉnh sẽ bao gồm có: tổng thời lượng của cảnh quay, miêu tả bối cảnh, hoạt động và chuyển động của nhân vật, biểu cảm, lời thoại nhân vật, cách chuyển cảnh và hiệu ứng text / âm thanh / hình ảnh hỗ trợ.

Storyboarding (bản phác thảo các cảnh quay)

Khác với script (kịch bản bằng văn bản), storyboard là một dạng kịch bản bằng hình ảnh gồm các khung hình vẽ thể hiện các khung cảnh quay của TVC để có thể làm rõ chuyển động của nhân vật và camera theo các cảnh quay, vị trí đặt sản phẩm,.... Bạn có thể sử dụng các dấu hiệu như mũi tên, bong bóng hội thoại để hiển thị cách mà nhân vật bộc lộ từ lời thoại, biểu cảm, cách đi đứng,....

Storyboard có thể cung cấp một hình ảnh trực quan tuyệt vời về cách mà quảng cáo sẽ diễn ra hay cách mà ý tưởng sẽ được hiện thực hóa. Quan trọng, những điều này cần phải được thống nhất bởi tất cả các bên tham gia thực hiện TVC để tránh khỏi những “mâu thuẫn” bất ngờ trong quá trình sản xuất gây tiêu tốn thời gian, nguồn lực.

Ngoài ra, việc chia phân cảnh cũng giống như một lời đảm bảo với các đạo diễn rằng tầm nhìn đang hoạt động hoàn hảo trên màn ảnh. Hơn nữa, storyboard cũng cho phép xuất hiện những thay đổi quan trọng hiệu quả về chi phí trước khi quá trình sản xuất diễn ra.

Lên kế hoạch cho ngày quay TVC chính thức

Giai đoạn chuẩn bị kế hoạch cho ngày quay TVC thường sẽ do production house (đơn vị chế tác) chịu trách nhiệm với các đầu việc nhỏ hơn, bao gồm:

- Lựa chọn location (địa điểm) cho ngày quay chính thức: công việc này tưởng dễ nhưng lại không đơn giản như bạn nghĩ. Ở một số đơn vị production house, người ta còn cung cấp vị trí location manager với vai trò là chuyên tìm và lựa chọn các địa điểm sẽ được sử dụng trong TVC, xin giấy phép, sự đồng ý của các bên cũng như điều phối hậu cần khi làm việc tại địa điểm đó.

- Thời gian cho ngày quay: nhiệm vụ của production house cũng phải tiến hành thống nhất với các các bên có liên quan về thời điểm quay TVC quảng cáo. Để có thể tiết kiệm được thời gian, thường thì production house sẽ cần có thêm một buổi quay demo để đảm bảo các yếu tố từ phục trang, thiết bị hoạt động, vị trí đặt máy ảnh, thời lượng của cảnh quay, góc quay, thời gian của buổi quay,....

- Tuyển chọn diễn viên (Talents): tùy thuộc vào mục tiêu cũng như yêu cầu của quảng cáo, Production house sẽ là bên liên hệ với các diễn viên chuyên nghiệp, diễn viên không chuyên hoặc là diễn viên quần chúng để lựa chọn những người phù hợp nhất. Cần chắc chắn rằng, các diễn viên sẽ phải ghi nhớ lời thoại của họ, thiết bị phục vụ cho việc quay phim hoạt động hoàn hảo và đoàn phim đã trong trạng thái sẵn sàng.

- Chuẩn bị trang phục, đạo cụ, thiết bị trường quay, âm nhạc, ánh sáng,....

- Chuẩn bị call sheet, script và kế hoạch quản trị rủi ro,....

- Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ đội ngũ ekip chuyên nghiệp: Production house cần đảm bảo yếu tố con người với các vai trò: tổ đạo diễn, tổ sản xuất, tổ mỹ thuật - thiết kế, tổ ánh sáng - âm thanh, tổ quay dựng, tổ kỹ thuật, tổ hậu kỳ,....


TVC là gì?
 

2. Giai đoạn trong khi sản xuất

Trong quy trình làm TVC quảng cáo, giai đoạn sản xuất quay phim được nhận xét là tốn nhiều thời gian và chi phí nhất. Thông thường, thời gian quay TVC sẽ diễn ra trong một ngày với các TVC ngắn, dài ngày hơn cho các quảng cáo TVC dài và cần phải quay ở nhiều địa điểm khác nhau.

Các hoạt động sản xuất trong giai đoạn này nhằm mục tiêu đảm bảo cho những khung hình, set quay / shoot chụp đáp ứng đúng với miêu tả của storyboard, script, đồng thời thể hiện được tinh thần chủ đạo như đã thống nhất ngay từ đầu. Trong quá trình quay, các Director (đạo diễn) / Producer (nhà sản xuất âm nhạc) cũng cần phải tập trung một cách cao độ và điều chỉnh trong từng cảnh quay sao cho có được những thước phim tốt nhất, cũng như hạn chế tối đa những sai lầm để giảm thiểu rủi ro trường hợp phải sản xuất lại từ đầu.

3. Giai đoạn hậu kỳ

Quá trình hậu sản xuất, hay còn gọi là giai đoạn “chỉnh sửa” có thể sẽ tốn vài ngày. Nhưng nếu giai đoạn trước và trong khi sản xuất diễn ra giống như kế hoạch thì bước này trông khá suôn sẻ và cực kỳ thú vị. Ở quá trình này, bạn sẽ có cơ hội được xem các cảnh quay ban đầu được chỉnh sửa thành một câu chuyện, kết hợp với yếu tố đồ họa và tiêu đề được thêm vào, trộn âm thanh, làm chủ màu sắc cùng các bước sau cùng trước khi xuất cho TVC. Cụ thể, giai đoạn này sẽ bao gồm một số công đoạn sau:

- Chỉnh sửa: bao gồm quá trình cắt, ghép các khung hình lại với nhau để xâu chuỗi ra một đoạn quảng cáo hoàn chỉnh. Ngoài ra, bạn cũng đảm bảo TVC hoạt động được cho tất cả các định dạng dự định, chẳng hạn như: TV, Instagram, Facebook, Youtube,....

- Kỹ thuật âm thanh: đảm bảo cho tất cả các âm thanh được hoạt động liền mạch với nhau và trùng khớp với hình ảnh. Ngoài ra, việc lựa chọn nhạc nền hay cũng là một cách để giúp TVC không bị nhàm chán, đồng thời tạo được ấn tượng với khách hàng.

- Chỉnh sửa màu sắc: các thuộc tính khác nhau của hình ảnh như màu sắc, độ tương phản, độ bão hòa, chi tiết, mức độ đen và điểm trắng có thể được nâng cao hoặc sửa chữa trong giai đoạn hậu kỳ. Màu sắc khi được chỉnh sửa một cách linh hoạt, ấn tượng sẽ mang lại cho người xem nhiều cảm xúc hơn.

Sau khi đã hoàn thành xong tất cả các công đoạn trên, doanh nghiệp sẽ tiến hành mua vị trí quảng cáo trên đài truyền hình thông qua phương thức giao dịch trực tiếp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ là bên liên hệ và giao dịch với các agency chuyên mua slot quảng cáo truyền hình. Sau đó, những agency này lại tiếp tục có nhiệm vụ đi liên hệ và thương lượng với các đài truyền hình. Khác với Display Ads trên Digital, TVC không được đặt mua vị trí thông qua cách thức mua vị trí theo lập trình (programmatic buying) bởi truyền hình chính là kênh một chiều và cần có kế hoạch sắp xếp lịch phân phối quảng cáo.


Quay TVC quảng cáo
 

Các yếu tố tạo nên thành công của một TVC quảng cáo

Để tạo ra được những ấn phẩm truyền thông hiệu quả thu hút khách hàng, doanh nghiệp sẽ cần phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và ngân sách. Vì vậy, để hạn chế được những tổn thất có thể xảy ra thì chủ doanh nghiệp / thương hiệu sẽ cần phải chú ý đến các yếu tố sau nhằm tạo ra được một TVC quảng cáo thành công như mong đợi.

1. Xác định đúng khách hàng mục tiêu mà TVC hướng đến

Mỗi một chiến dịch quảng cáo đều cần phải xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu để các thông điệp được truyền tải đến đúng người. Đó có thể là khách hàng, đối tác hoặc các nhà đầu tư,... tùy vào mục tiêu của từng chiến dịch để cho doanh nghiệp sản xuất TVC quảng cáo của mình. Ví dụ, nếu doanh nghiệp hướng đến đối tượng người dùng trẻ tuổi thì đoạn TVC quảng cáo cần có màu sắc sặc sỡ, âm nhạc sôi động và nhịp điệu nhanh.

2. Thông điệp quảng cáo phải thật hay và ấn tượng

Thông điệp là yếu tố cốt lõi tạo nên một quảng cáo TVC thành công. Nhằm giúp các thông tin về doanh nghiệp được tiếp cận tốt hơn và ghi sâu vào trong tiềm thức của khách hàng thì slogan hay thông điệp chính là điều không thể thiếu.

Khi xây dựng kịch bản của TVC, bạn cần phải đảm bảo thông điệp được thể hiện một cách đơn giản, dễ hiểu và chỉ nên sử dụng một thông điệp duy nhất xuyên suốt toàn bộ quảng cáo. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ xây dựng kịch bản theo hướng thông điệp tiềm ẩn sâu trong một tình huống, câu chuyện, từ đó khơi gợi lên những cảm xúc, suy nghĩ của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu trong TVC.

3. Tạo sự gần gũi, thân thiện với người xem

Một TVC quảng cáo được đánh giá là thành công khi có thể truyền tải được những thứ mà khách hàng mong muốn, cũng như chạm tới điểm cảm xúc của khách hàng. Hiểu đơn giản hơn thì doanh nghiệp sẽ cần phải thể hiện được những hình ảnh gần gũi và thân thuộc với người xem. Một khi hình ảnh đẹp đó chạm đến cảm xúc bên trong của khách hàng thì những đặc điểm nhận diện thương hiệu của bạn sẽ được người xem ghi nhớ lâu hơn.


TVC viết tắt của từ gì?
 

4. TVC có tính sáng tạo

TVC giờ đây đã phát triển với tốc độ vô cùng kinh ngạc với hàng nghìn quảng cáo được sản xuất mỗi ngày. Vì vậy, nếu thiếu đi tính sáng tạo thì TVC của bạn xem như đã đánh mất đi cơ hội neo lại trong tâm trí của khách hàng.

Đôi khi, chỉ với một chi tiết nhỏ hay một câu nói hợp thời điểm cũng đủ để trở thành bàn đạp giúp TVC được viral (nổi tiếng) khắp cõi mạng. Hình ảnh của sản phẩm, dịch vụ cũng từ đó mà được lan truyền khắp nơi một cách chân thật, khéo léo và sống động ngay cả khi đoạn phim quảng cáo đó đã ngừng phát sóng. Tất nhiên, để có thể đạt được sự sáng tạo đỉnh cao thì người làm TVC cần phải biết cách nắm bắt các xu hướng mới nhất, đồng thời không ngừng học hỏi những kỹ thuật làm video trên thế giới để áp dụng cho bản thân mình.

5. Thông tin truyền tải chính xác và trung thực

Niềm tin của khách hàng chính là thứ tài sản quý giá nhưng lại không hề dễ dàng có được. Với sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng cũng ngày càng trở nên khó tính trong việc lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ cho bản thân và gia đình. Điều mà họ quan tâm nhất hiện nay không chỉ là những thông tin thể hiện trong quảng cáo có chính xác hay không? Có ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của họ khi sử dụng?

Nếu những thông tin đó được truyền đạt một cách chính xác, trung thực thì chắc chắn, lòng tin của khách hàng dành cho thương hiệu sẽ càng trở nên vững chắc. Quảng cáo mặc dù luôn được gắn liền với hai chữ “phóng đại” nhưng hãy luôn đảm bảo rằng, bạn sẽ không bao giờ đưa ra những thông tin sai sự thật về sản phẩm mà minh cung cấp.

6. Tính đa dạng trong TVC quảng cáo

Mỗi chiến dịch marketing đều hướng đến sự đồng bộ trên tất cả các nền tảng khác nhau, từ online đến offline, từ truyền hình cho đến các nền tảng social media. Tương tự, các đoạn quảng cáo không chỉ xuất hiện trên TV mà còn phải được tối ưu hóa cho những nền tảng khác nhau trên các kênh digital marketing - nơi được mệnh danh là “mảnh đất hứa” để doanh nghiệp có thể khai thác và tiếp cận khách hàng hiệu quả.


TVC quảng cáo nghĩa là gì?
 

7. Đảm bảo đúng thời lượng TVC

Mỗi TVC sẽ có một thời lượng riêng tùy thuộc vào những nội dung, thông điệp và mục đích mà doanh nghiệp muốn truyền tải. Thời lượng đoạn quảng cáo vừa đủ, vừa đúng sẽ giúp bạn thành công trong việc giữ chân khách hàng, truyền tải chính xác thông điệp, đồng thời tối ưu hóa ngân sách và rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu sau cùng.

8. Sử dụng CTA trong spot quảng cáo

Đối với những doanh nghiệp có nguồn lực hạn hẹp thì việc làm TVC quảng cáo với mục đích xây dựng thương hiệu (branding marketing) có thể sẽ hơi khó khăn. Cho nên, việc bổ sung thêm những CTA (lời kêu gọi hành động) vào trong đoạn quảng cáo được xem là việc làm phù hợp.

Theo đó, CTA có thể bao gồm những lời kêu gọi khách hàng của doanh nghiệp gọi đến hotline, nhận tư vấn hay tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ,.... Ngoài ra, đó còn có thể là những CTA thôi thúc người dùng nhanh chóng đến với cửa hàng hoặc siêu thị mua sản phẩm với mức giá ưu đãi, hấp dẫn nhất.

Một CTA hiệu quả sẽ cần phải đảm bảo được tính ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn truyền tải được thông điệp một cách nhanh chóng và dễ hiểu nhất. Chỉ khi đáp ứng được các yếu tố này thì CTA của bạn mới đủ sức để thôi thúc khách hàng tìm đến sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

9. Lựa chọn khung giờ phát sóng TVC hợp lý

Khung giờ để phát sóng TVC chính là một thành tố cực kỳ quan trọng trong việc tiếp cận và tạo được ấn tượng đối với khách hàng. Tuy nhiên, lựa chọn khung giờ không hợp lý sẽ khiến cho doanh nghiệp tiêu tốn khá nhiều chi phí nhưng hiệu quả thu về lại không được như mong muốn. Ví dụ, đoạn quảng cáo được phát lúc 3 - 4 giờ sáng sẽ không thể nào hiệu quả bằng một TVC trong khung giờ vàng 19 - 21 giờ.

Ngoài ra, việc chọn kênh phát sóng cũng là một yếu tố quan trọng không kém, đây cũng là một yếu tố quyết định quảng cáo của bạn có thật sự thành công hay không. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mà bạn có thể chọn các kênh truyền hình có đông đảo người xem là tệp khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu khách hàng của bạn thuộc nhóm đối tượng từ 40 tuổi trở lên thì nên ưu tiên chọn quảng cáo trên kênh thời sự VTV1 vào khung giờ vàng trước và sau thời sự lúc 19h.


Quay quảng cáo TVC
 

Một số ví dụ nổi tiếng về TVC quảng cáo tại Việt Nam

1. Điện Máy Xanh - Bạn muốn mua TV?

Những ai đang làm việc trong lĩnh vực marketing chắc chắn không thể nào quên được cơn lốc màu xanh mang dấu ấn thương hiệu Điện Máy Xanh đã thành công như thế nào. Còn nhớ cuối những năm 2016, màn hình TV, các trang mạng xã hội của hàng triệu người dân Việt Nam liên tục lan truyền các đoạn TVC với hình ảnh người xanh nhảy nhót trên nền nhạc vui nhộn cùng thông điệp được lặp đi lặp lại trong vòng 30 giây quảng cáo: “bạn muốn mua TV? - đến Điện Máy Xanh”.

Chỉ xét riêng về tình hình thảo luận trên social media, đoạn quảng cáo này đã nhanh chóng thu về hơn 400.000 bài viết thảo luận, khoảng 3,4 triệu lượt tương tác cùng hơn 300.000 người tham gia chia sẻ. Mặc dù nhận không ít phản hồi tiêu cực và chỉ trích, nhưng khi xét về mục tiêu ban đầu là lan truyền thông điệp “mua hàng điện máy - đến Điện máy xanh” thì chiến dịch này đã hoàn thành rất tốt nhiệm của nó. Thậm chí, có lẽ ngay cả chính chủ còn không thể lường trước được thông điệp này lại được cư dân mạng chủ động lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Đoạn TVC quảng cáo này cũng đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên thành công cho thương hiệu Điện Máy Xanh trong việc vượt mặt xa khỏi các đối thủ lớn như: Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Trần Anh,.... Cụ thể, TVC “bạn muốn mua tivi” đã giúp Điện Máy Xanh trở thành thương hiệu có thị phần thảo luận cao nhất trên nền tảng social media, đồng thời là video marketing tạo ra nhiều thảo luận, tương tác nhất trên mọi kênh truyền thông.
 

Cách làm TVC

 

2. Vinamilk - Sữa tươi nguyên chất 100%

Vinamilk là thương hiệu sữa nổi tiếng nhất hiện nay với sự tham gia của những chú bò xuyên suốt các video quảng cáo. Vậy bạn có biết, nguồn gốc của những chú bò trong các chuỗi quảng cáo này bắt nguồn từ đâu không? Quay ngược trở về thời điểm năm 2006, Vinamilk đã cho ra mắt đoạn quảng cáo TVC với hình ảnh các chú bò vui nhộn cùng nhau nhảy múa, đồng thời truyền tải thông điệp: “Sữa tươi Vinamilk nguyên chất 100%”.

Quảng cáo Vinamilk sữa tươi 100% sử dụng âm nhạc vui nhộn, sôi động, kết hợp với đó là hiệu ứng hoạt hình tiên tiến bậc nhất tại thời điểm đó. Đặc biệt, hình ảnh những chú bò xuất hiện trong mỗi đoạn quảng cáo của Vinamilk đều không hề bị lặp lại hay thể hiện đơn điệu. Ngược lại, những chú bò này luôn tràn đầy sức sống, độc đáo và luôn để lại ấn tượng khó phai trong lòng mỗi khán giả. Vì vậy mà quảng cáo này cũng đã nhanh chóng trở nên phổ biến và để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam.

Thậm chí, sự đóng góp của TVC quảng cáo này mang lại thành công rất lớn đối với thương hiệu Vinamilk. Nó đã biến một thương hiệu sữa Việt nam trở thành “gã khổng lồ”, từ đó ngang ngửa khả năng cạnh tranh về độ nhận diện thương hiệu với các doanh nghiệp sữa nổi tiếng trên toàn cầu.


Ví dụ TVC
 

3. Bitis - Nâng niu bàn chân Việt

Trước khi được “hồi sinh” trở lại qua MV “Lạc Trôi” của Sơn Tùng M-TP và “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn, không ai trong chúng ta lại không nhớ tới biểu tượng Biti’s một thời với những đôi giày có sức bền bỉ bất kể thời gian. Bởi lẽ, sau nhiều lần rẽ hướng xuất khẩu nhưng không thành công, Biti’s đã quyết định quay về thị trường nội địa và ghi dấu ấn mạnh mẽ với thế hệ người tiêu dùng 8x, 9x đời đầu với thông điệp quảng cáo cực kỳ nổi tiếng: “Biti’s - Nâng niu bàn chân Việt”.

Ngay khi TVC ra đời, nó đã không chỉ làm rúng động giới chuyên môn mà còn cả công chúng khi đã gợi nhắc lòng tự hào về lịch sử quá đỗi hào hùng, mang tính dân tộc. Ý tưởng được Biti’s triển khai trong TVC quảng cáo tuy đơn giản nhưng lại đánh trúng tâm lý về lòng tự tôn dân tộc của người Việt. Thông điệp “Biti’s nâng niu bàn chân Việt” với mong muốn được đồng hành, sát cánh và bảo vệ đôi chân người Việt trên mọi thời kỳ, chặng đường cũng nhanh chóng trở thành khẩu hiệu quảng cáo được yêu thích nhất tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Sự thành công của đoạn TVC quảng cáo này cũng đã nhanh chóng kéo Biti’s ra khỏi “vực thẳm” sau một thời gian rời khỏi thị trường nước nhà. Tại thời điểm đó, Biti’s đã thực sự trở thành “thương hiệu quốc dân” và gần như trong mỗi gia đình Việt cũng đều phải có ít nhất một đôi giày, đôi dép mang thương hiệu Biti’s.

Quảng cáo TVC là gì?

Trên đây là những thông tin quan trọng về TVC mà Phương Nam Vina muốn gửi đến bạn. Hi vọng thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ được khái niệm TVC quảng cáo là gì và các yếu tố tạo nên một quảng cáo thành công như mong muốn. Có thể thấy, làm TVC đang là một chiến lược marketing thông minh cho các doanh nghiệp trong hành trình kiếm tìm và tiếp cận khách hàng. Vậy nên, để giúp cho công cụ này có thể phát huy được tối đa được giá trị, sức mạnh của mình thì doanh nghiệp cần phải có sự tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng về thông điệp cần truyền tải, kênh phân phối nội dung hay “gia vị” tạo nên sự khác biệt,... trước khi đưa ra phương án sản xuất cụ thể. Chúc bạn thành công!

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website KOL là gì? Những điều cần biết về KOL trong marketing

icon thiết kế website KOC là gì? Sự khác biệt giữa KOL và KOC trong marketing

icon thiết kế website Digital marketing là gì? Kiến thức đầy đủ về digital marketing

Bài viết mới nhất

Marketing 5.0 là gì? Khám phá 5 xu hướng của marketing 5.0

Marketing 5.0 là gì? Khám phá 5 xu hướng của marketing 5.0

Marketing 5.0 là một xu hướng tiếp thị mới đang ngày càng bùng nổ trong thời đại số và làm thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Blog là gì? Tất tần tật những điều cần biết về web blog

Blog là gì? Tất tần tật những điều cần biết về web blog

Blog vốn xuất hiện từ lâu trên Internet và là nền tảng quen thuộc được nhiều người sử dụng để chia sẻ về cuộc sống cũng như công việc của mình.

Cross selling là gì? Bí thuật khiến khách hàng rút hầu bao

Cross selling là gì? Bí thuật khiến khách hàng rút hầu bao

Cross selling không phải là một kỹ thuật bán hàng mới nhưng là chiến lược kinh doanh được nhiều doanh nghiệp yêu thích vì hiệu quả mang lại rất cao.

 
Top 16 ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh tiềm năng, ít vốn

Top 16 ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh tiềm năng, ít vốn

Khởi nghiệp kinh doanh luôn là một chủ đề được nhiều người quan tâm và 16 gợi ý trong bài viết này sẽ hỗ trợ bạn tìm kiếm ý tưởng phù hợp.

Phương tiện truyền thông là gì? Điểm danh 10 hình thức phổ biến

Phương tiện truyền thông là gì? Điểm danh 10 hình thức phổ biến

Phương tiện truyền thông chính là những công cụ tiếp thị được nhiều doanh nghiệp sử dụng để quảng bá sản phẩm / dịch vụ và thương hiệu.

PR là gì? Những điều cần biết về public relations marketing

PR là gì? Những điều cần biết về public relations marketing

PR là một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp áp dụng để khẳng định danh tiếng thương hiệu và tiếp cận khách hàng tốt hơn.

zalo