Bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào hiện nay muốn thành công đều phải được xây dựng dựa trên những ý tưởng tốt. Các ý tưởng này có vai trò quan trọng trong việc giúp các cá nhân, doanh nghiệp khởi đầu một chuỗi các công việc cần làm để kinh doanh hiệu quả. Do đó, nếu ý tưởng của bạn không đủ tốt, không đủ khả thi hay sáng tạo thì sẽ rất khó để sự nghiệp có thể phát triển, đi đường dài sau này. Vậy ý tưởng kinh doanh là gì? Làm thế nào để có được một ý tưởng kinh doanh hoàn hảo để làm nền móng cho quá trình khởi nghiệp? Hãy để chúng tôi giúp bạn tìm hiểu chi tiết ngay trong nội dung dưới đây nhé.
Ý tưởng kinh doanh là gì?
Ý tưởng kinh doanh trong tiếng Anh còn được gọi là business ideas, hiểu đơn giản thì đây chính là một ý tưởng kinh doanh của các cá nhân, tổ chức với mục tiêu đề ra là đạt được những lợi ích về tài chính kinh tế. Vậy nên, muốn đạt được thành công trong lĩnh vực của mình thì người khởi sự chắc chắn cần phải có một ý tưởng kinh doanh tốt.
Tuy nhiên vấn đề lại nằm ở chỗ, ý tưởng kinh doanh là vô hạn nhưng không phải ý tưởng nào cũng thật sự khả thi để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh được thành công như mong đợi. Như thế, trong cả một rừng ý tưởng kinh doanh mới mẻ thì bạn cần phải tìm kiếm cho mình một ý tưởng tốt nhất để làm bệ phóng hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh gặt hái được nhiều “trái ngọt”.
Nguồn gốc hình thành ý tưởng kinh doanh
1. Thị trường
Thị trường luôn là nơi hình thành cho bạn những ý tưởng kinh doanh đầu tiên trong quá trình khởi nghiệp. Vì thế, bạn cần phải nhìn vào thị trường để tạo nên bức chân dung của người tiêu dùng ngay tại thời điểm đó để biết được họ là ai, họ đang làm gì, nghĩ gì và mong muốn điều gì. Khi đã hiểu rõ về thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm được những sản phẩm / dịch vụ mà họ đang cần.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc tìm kiếm ý tưởng kinh doanh tốt bằng cách nhìn vào thị trường là cách của tất cả mọi người. Tức là khi bạn nhìn thấy một sản phẩm / dịch vụ có tiềm năng kinh doanh lớn mạnh thì đồng nghĩa với việc, cũng có những người khác nhìn thấy giống bạn. Vậy nên, điều mà bạn cần làm ngay lúc này đó chính là phải thật sự linh hoạt, sáng tạo để có thể khơi gợi ra những ý tưởng tiềm năng thật sự.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải xác định rằng con đường mà mình chọn để kinh doanh đang hướng đến thị trường chung hay một ngách riêng biệt. Từ đó mới có thể dễ dàng đưa ra được những ý tưởng kinh doanh phù hợp với thị trường, phân khúc khách hàng mà mình đang dự tính hướng tới.
2. Nền tảng sẵn có
Không chỉ riêng thị trường, ý tưởng kinh doanh còn được xuất phát từ chính tiềm năng sẵn có bên trong con người bạn. Nói một cách dễ hiểu hơn thì đó chính là những tài năng bẩm sinh, kinh nghiệm góp nhặt hay sở trường, niềm đam mê,... dành cho một lĩnh vực bất kỳ và biến chúng thành một ý tưởng kinh doanh tốt để làm giàu.
Chẳng hạn, nếu như bạn đang là một người giỏi nấu ăn, hãy nghĩ đến việc khởi nghiệp bằng một quán ăn nhỏ hoặc nếu không có đủ vốn, bạn cũng có thể chọn mô hình kinh doanh online đồ ăn vặt, cơm trưa văn phòng,.... Còn nếu bạn là một người am hiểu về công nghệ, tại sao lại không lên ý tưởng kinh doanh các sản phẩm này và bán chúng trên các sàn thương mại điện tử. Hay nếu yêu thích lĩnh vực thời trang, bạn cũng có thể tự mở một shop quần áo riêng hay biến mình thành một KOL chính hiệu để review, phối đồ và sau đó là nhận quảng cáo để tăng thêm thu nhập cũng đều hiệu quả.
3. Tầm nhìn
Đôi khi, ý tưởng kinh doanh còn được xuất phát từ chính tầm nhìn của bạn. Hiểu một cách đơn giản hơn thì đó chính là những dự báo, linh cảm và phán đoán của bạn về một sản phẩm / dịch vụ nào đó trong tương lai. Chẳng hạn, nếu như bạn chỉ nhìn thấy các xu hướng đang “làm mưa làm gió” ở thời điểm hiện tại, tức là bạn chỉ đang có được những ý tưởng kinh doanh tốt về mặt ngắn hạn. Thế nhưng, nếu như bạn là người biết “nhìn xa trông rộng” thì sẽ biết được những sản phẩm / dịch vụ nào sẽ “gây bão” trong thời gian sắp tới.
Vai trò của ý tưởng kinh doanh
Có thể nói, ý tưởng kinh doanh chính là nền tảng, gốc rễ để định hình phương hướng cho một doanh nghiệp có thể từng bước phát triển. Đây cũng chính là sự lựa chọn cho mô hình kinh doanh của các doanh nhân để họ có thể bắt đầu xây dựng quá trình khởi nghiệp của mình.
Khi có một ý tưởng tốt, doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo nên những yếu tố, giá trị khác biệt so với các doanh nghiệp khác đang hoạt động trên thị trường. Điều này cũng góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh và giúp doanh nghiệp dễ dàng đánh bại đối thủ, chiếm lấy thị phần, từ đó hỗ trợ hoạt động kinh doanh càng thêm hiệu quả.
Phân loại ý tưởng kinh doanh
1. Sản phẩm mới
Lợi thế của việc tạo ra sản phẩm mới đó chính là không có đối thủ cạnh tranh nên đây được xem là một ý tưởng kinh doanh tốt để mang về lợi nhuận ấn tượng cho doanh nghiệp. Thông thường, những sản phẩm mang lại nguồn lợi nhuận cao nhất thường liên quan trực tiếp đến các sản phẩm công nghệ cao. Vậy nên, ý tưởng sản phẩm mới của bạn cũng cần phải đi cùng với các chiến lược đầu tư phát minh của doanh nghiệp, điển hình như chi tiền cho các viện công nghệ cao chẳng hạn.
Mặc dù xét về vấn đề tài chính, việc đầu tư này sẽ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí nhưng bù lại, sản phẩm mới sẽ được hưởng khoảng trống của thị trường và sẽ không có lấy một đối thủ nào cạnh tranh lại. Tuy nhiên, vẫn có một vấn đề mà bạn cần lưu ý khi kinh doanh sản phẩm mới đó chính là làm cách nào để sản phẩm có thể được thị trường chấp nhận.
2. Dịch vụ mới
Bên cạnh sản phẩm thì việc tạo ra ý tưởng kinh doanh mới từ dịch vụ cũng là một sự lựa chọn hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, vì dịch vụ không phải là hàng hóa nên rất dễ bị sao chép, đạo nhái. Do đó mà khi tạo ra các dịch vụ mới, chúng cần phải được bảo hộ bởi một số luật bản quyền thương mại.
3. Cách thức mới
Đây là một loại ý tưởng kinh doanh đặc biệt và không trực tiếp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thay vào đó, một cách thức kinh doanh mới sẽ có thể thay đổi được tình hình kinh doanh yếu kém trước đó, bất kể đó có là các sản phẩm hay dịch vụ thông thường đã có sẵn trên thị trường.
Điều gì tạo nên một ý tưởng kinh doanh tốt?
1. Tính mới mẻ, độc đáo
Khi một ý tưởng kinh doanh đã quá cũ và có nhiều người đi trước thì chắc chắn, cơ hội thành công dành cho bạn là rất thấp. Thậm chí, dù cho những người đã đi trước có thành công thì điều này cũng không đồng nghĩa với việc là bạn sẽ thành công giống như họ. Vì vậy, việc nảy sinh ra một ý tưởng kinh doanh đầy mới mẻ và sáng tạo chính là yếu tố hàng đầu để sản phẩm / dịch vụ của bạn được chú ý trên thị trường. Phần lớn người tiêu dùng hiện nay thường yêu thích những điều độc đáo, do đó mà việc tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh mới luôn là sự lựa chọn hoàn hảo để bạn có thể thành công thu hút được sự chú ý từ họ.
2. Tính hữu dụng, có đủ thị trường
Một sản phẩm / dịch vụ có thể mang lại những giá trị hữu ích cho người sử dụng thì tuổi thọ của chúng mới được lâu dài. Tất nhiên, chẳng có doanh nghiệp nào khi bắt tay vào hoạt động lại muốn “đứa con tinh thần” của mình mới vừa hình thành lại bị chết yểu ngay lập tức. Vì vậy, ngay từ khi xây dựng các ý tưởng kinh doanh, bạn cần phải chú ý đến tính hữu dụng của ý tưởng đó vào trong thực tế như thế nào.
Khách hàng ngày nay rất khó tính trong việc đưa ra quyết định mua sắm, họ chỉ sẵn sàng chi tiền khi những sản phẩm / dịch vụ đó có ích cho đời sống của mình, kể cả vật chất lẫn tinh thần. Điều đặc biệt là những giá trị này phải thật sự rõ ràng, còn nếu đây chỉ là những lợi ích mơ hồ thì sản phẩm / dịch vụ đó sẽ khó lòng bán được.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải đảm bảo rằng sản phẩm / dịch vụ của bạn sẽ đáp ứng được nhu cầu trên thị trường, nếu không thì rất khó để doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đảm bảo rằng thị trường mục tiêu của mình là bền vững và không nên chạy theo xu hướng bởi chúng sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, qua đó khiến cho doanh nghiệp bị mất đi khách hàng. Chính vì thế, nghiên cứu thị trường là một điều cần thiết để bạn có thể đánh giá xem liệu ý tưởng kinh doanh của mình có khả thi hay không. Tất nhiên, thị trường mà bạn đang hoạt động nên vắng bóng người chơi nhưng cũng không nên bị bão hòa.
3. Tính khả thi và có tiềm năng tăng trưởng
Nhiều người thường cảm thấy tự hào với ý tưởng kinh doanh của mình và cảm thấy nó thật hay, ấn tượng. Tuy nhiên, chỉ khi áp dụng vào thực tế thì họ lại nhanh chóng bị vỡ mộng bởi do quá tự tin vào sự mới mẻ, độc đáo mà quên đi mất tính khả thi của ý tưởng đó như thế nào.
Như đã nhấn mạnh ở trên, một ý tưởng kinh doanh khi được tạo ra cần phải xoay quanh nhu cầu của con người. Đó chính là lý do vì sao mà các doanh nghiệp thường chú trọng đến hoạt động thăm dò ý kiến của khách hàng để cải thiện sản phẩm / dịch vụ của mình được tốt hơn. Kinh doanh không phải là một bộ môn nghệ thuật với trí tưởng tượng bay xa. Bạn phải để hai chân của mình trên mặt đất và xây dựng ý tưởng kinh doanh đúng với thực tế cuộc sống của mình.
Nếu một ý tưởng chỉ nghe qua tai thì hay nhưng lại không có tiềm năng tăng trưởng và giá trị về mặt thương mại thì đó cũng chỉ là ý tưởng kinh doanh tồi. Trừ khi bạn có thể chứng minh rằng ý tưởng đó của mình có thể mang đến lợi nhuận lớn, nếu không các nhà đầu tư cũng sẽ không thể nào ủng hộ bạn.
Vì vậy, hãy bắt đầu từ công đoạn nghiên cứu để biết chi phí sản xuất sản phẩm của mình là bao nhiêu (bao gồm chi phí sản xuất, nguyên vật liệu, tiền lương,...) và đâu là mức giá bán ra thị trường. Nếu sau khi tính toán mà ý tưởng của bạn vẫn không thể mang lại lợi nhuận thì bạn cần phải chọn một ý tưởng khác để thay thế. Hoặc bạn cũng có thể tìm hiểu để biết tại sao ý tưởng này lại không có được tiềm năng như mình mong muốn, qua đó có sự điều chỉnh và cải thiện cho phù hợp.
4. Tính vượt trội của ý tưởng
Khi trình bày về ý tưởng kinh doanh của mình, rất nhiều người thường được hỏi liệu sản phẩm / dịch vụ của bạn có gì nổi trội hơn so với các mặt hàng khác trên thị trường không? Nếu câu trả lời là không điều này cũng có nghĩa là sản phẩm / dịch vụ mà bạn tạo ra cũng chỉ là một ý tưởng kinh doanh tồi, thiếu đi sự mới mẻ. Ngược lại, một ý tưởng kinh doanh tốt là khi doanh nghiệp cần phải nhấn mạnh vào các ưu thế cụ thể về sản phẩm / dịch vụ của mình có tính vượt trội hơn hẳn những gì đang có sẵn trên thị trường.
Làm thế nào để tìm kiếm ý tưởng kinh doanh tốt như các doanh nhân?
Xét về cơ bản, các ý tưởng kinh doanh đều rất phong phú và không khó để bạn có thể tìm ra chúng. Tuy nhiên, không phải tất cả chúng đều có thể được thương mại hóa nên sẽ rất khó để bạn có thể tìm được một ý tưởng kinh doanh hay cho mình. Nhưng nhờ vào các doanh nhân thành công, họ là những người đi trước nên so với bạn, họ có nhiều kinh nghiệm và bài học thực tế hơn hẳn.
Bằng sự nhanh nhạy, trực quan sắc bén và tầm nhìn của mình, họ có thể nhanh chóng xác định liệu ý tưởng kinh doanh đó có khả thi hay không. Vậy nên, nếu muốn có được cảm quan, đánh giá chính xác về một ý tưởng kinh doanh bất kỳ, bạn có thể học theo các hướng dẫn mà những doanh nhân thành công đã từng rèn luyện trước đó.
1. Từ sự trùng hợp
Một ý tưởng kinh doanh mới không nhất thiết được nảy sinh từ những suy nghĩ nghiêm túc của các doanh nhân. Thay vào đó, nó có thể bất ngờ xuất hiện từ chính các hoạt động thường nhật của họ. Chẳng hạn, khi bạn ngồi ở nhà ga và nhìn thấy một dòng người đang xếp hàng chờ mua vé, trong số đó bao gồm có bạn. Lúc này, một ý tưởng kinh doanh bất ngờ nảy sinh trong suy nghĩ của bạn, tại sao lại không chế tạo một thiết bị, website bán vé điện tử? Điều này không phải dễ dàng hơn so với việc xếp hàng tốn công hay sao?
2. Kinh nghiệm cá nhân
Kinh doanh về cơ bản đó chính là cung cấp các giải pháp cho người tiêu dùng thông qua những sản phẩm / dịch vụ mà mình cung cấp. Vậy nên, để có thể tìm ra các ý tưởng kinh tốt, bạn có thể trực tiếp quan sát các vấn đề đang diễn ra hàng ngày và thông qua đó để đưa ra giải pháp hữu ích cho chúng.
Ví dụ, có nhiều người từng tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để đến các cửa hàng nhưng không phải mua sắm. Thay vào đó, họ thường có xu hướng so sánh giá thành, tính năng của các sản phẩm điện tử mà mình sẽ mua. Vậy nên, tại sao bạn lại không phát triển ngay một trang web so sánh giá sản phẩm. Ở đây, bạn không chỉ trưng bày những sản phẩm mà mình đang bán mà có thể giúp cho người xem so sánh giá thành, các thông số kỹ thuật một cách dễ dàng, qua đó có được sự lựa chọn phù hợp cho mình.
3. Sở thích hoặc kỹ năng
Một số doanh nhân thường bắt đầu công việc kinh doanh từ một sở thích hay một kỹ năng mà họ đang có. Lúc này, họ có thể dễ dàng thấy được những gì mà mình đang làm và tận hưởng cái cách lợi nhuận chảy về túi một cách thuận lợi.
Chẳng hạn, nếu bạn có niềm đam mê với nhiếp ảnh, bạn có thể chọn làm giáo viên dạy học chụp ảnh trực tiếp hoặc thực hiện các hướng dẫn trên blog, mạng xã hội hay video Youtube. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiếm tiền bằng cách đặt quảng cáo, bán các sản phẩm thông qua liên kết (affiliate marketing) hay thu phí từ các lớp học trực tuyến.
4. Đọc hoặc tham dự các sự kiện
Một cách khác để giúp bạn có thể nảy sinh ý tưởng kinh doanh của mình đó chính là nghiên cứu thị trường. Ví dụ, khi bạn đọc một bảng khảo sát, nhà nghiên cứu có thể chỉ ra một cơ hội kinh doanh để bạn có thể khai thác thị trường tiềm năng của nó. Ngoài ra, tạp chí hoặc một tờ báo mà bạn đọc cũng có thể trở thành cái nôi để sản sinh ra những ý tưởng kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, cũng có một nơi tuyệt vời khác để giúp bạn mở rộng tầm nhìn của mình và tìm kiếm cơ hội kinh doanh đó chính là tham gia một cuộc triển lãm hoặc hội nghị. Tại đây, bạn sẽ được gặp gỡ các chủ doanh nghiệp, người thành công và lắng nghe những câu chuyện làm giàu của họ. Từ đó học hỏi và đúc kết thêm cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các ý tưởng kinh doanh hiệu quả.
5. Nghiên cứu
Nghiên cứu cũng là một phương pháp hữu hiệu để các doanh nhân có thể nảy ra các ý tưởng kinh doanh thành công. Họ sẽ tiến hành quan sát và nghiên cứu các sản phẩm hoặc doanh nghiệp hiện đang có để phân tích, học hỏi theo. Nói nôm na là quan sát, bắt chước và sửa đổi lại bằng cách bổ sung thêm các tính năng đặc biệt, hấp dẫn.
Hãy lấy Xiaomi làm ví dụ, nhìn chung thì chiếc điện thoại này rất giống với Iphone nhưng lại được sản xuất với chi phí tiết kiệm hơn. Sau đó, sản phẩm này sẽ nhắm vào thị trường người tiêu dùng đặt tiêu chí về giá và được bán giá thấp hơn so với Apple.
6. Kinh nghiệm làm việc từ trước
Chuyên môn và kinh nghiệm mà bạn có được trong quá trình làm việc trước đây cũng có thể trở thành một cơ hội kinh doanh thú vị dành cho bạn. Chẳng hạn, bạn có một bằng cấp chuyên môn và kiếm được các chứng chỉ liên quan khi làm việc trong các lĩnh vực về tài chính. Vậy nên, thay vì làm việc thì bạn có thể bắt đầu kinh doanh bằng cách mở các lớp học trực tuyến bằng cách sử dụng kỹ năng, chứng chỉ mà mình có được từ việc đào tạo trước đó.
7. Học hỏi ý tưởng từ người khác
Một số người có trong mình các ý tưởng kinh doanh đầy khả thi nhưng họ lại không đủ can đảm để hiện thực hóa nó do vấn đề tài chính, hoặc bản thân vì sợ thất bại. Hoặc ngay cả chính họ cũng chẳng biết rằng ý tưởng của mình có thật sự đáng để kiếm tiền. Vậy nên, hãy tham khảo và xin ý kiến từ họ để tạo thành một bước tiến xa cho mình trong công việc kinh doanh.
8. Theo dõi xu hướng
Quan sát những gì đang là xu hướng cũng là một cách thức tuyệt vời để bạn có thể xây dựng được ý tưởng kinh doanh mới cho mình. Ví dụ, nhiều người trẻ hiện nay thường sử dụng điện thoại thông minh để tìm tài liệu học tập. Họ không cảm thấy hứng thú với những video, bài học dài và chỉ tiếp thu được các bài đọc tuy ngắn nhưng lại đầy đủ thông tin, đồng thời có thể giải đáp tốt các vấn đề của họ. Tận dụng được điều này, bạn có thể tạo ngay một website hoặc khóa học giáo dục. Thay vì sử dụng những bài viết có nội dung dài, bạn hãy truyền tải kiến thức đến cho người xem bằng cách tận dụng đa dạng các phương tiện khác nhau như: đồ họa, slide hay video.
Như vậy, nội dung trên của Phương Nam Vina vừa chia sẻ đã giúp các bạn giải đáp cụ thể về khái niệm ý tưởng kinh doanh là gì và làm thế nào để có được một ý tưởng phù hợp. Hi vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ học được cách tìm kiếm cho mình những ý tưởng mới từ các hoạt động, khoảnh khắc đời thường, qua đó vận dụng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh càng thêm hiệu quả.
Tham khảo thêm:
Top 11 lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, đáng đầu tư nhất
Mô hình kinh doanh là gì? Các mô hình kinh doanh phổ biến hiện nay
Chiến lược kinh doanh là gì? 7 bước xây dựng chiến lược kinh doanh