Backdoor là gì? Phân loại và cách phòng tránh backdoor

Trong thế giới công nghệ, những mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi. Các hacker đang hàng ngày, hàng giờ tìm cách xâm nhập vào hệ thống máy tính của cá nhân và doanh nghiệp. Một trong những phương thức phổ biến nhất là sử dụng backdoor, tuy không phải là một khái niệm mới mẻ nhưng nhiều người dùng vẫn chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm của nó. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu backdoor là gì và tại sao nó lại đáng sợ đến vậy trong bài viết dưới đây.


Backdoor là gì? Phân loại và cách phòng tránh backdoor
 

Backdoor là gì?

Backdoor là một phương thức truy cập bí mật vào hệ thống máy tính hoặc ứng dụng mà không cần xác thực bảo mật thông thường. Nó giống như một lối đi ngầm cho phép kẻ tấn công vượt qua các biện pháp bảo vệ và xâm nhập vào hệ thống một cách dễ dàng. Backdoor có thể tồn tại dưới dạng mã độc, lỗ hổng phần mềm hoặc thậm chí là tính năng ẩn do hacker cố ý tạo ra.

Mục đích của backdoor đa phần là để thực hiện các hoạt động trái phép như đánh cắp dữ liệu, chiếm quyền kiểm soát hệ thống hoặc phát tán mã độc khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, backdoor có thể được sử dụng với mục đích hợp pháp nhưng rất hiếm khi xảy ra.
 

Backdoor là gì?
 

Cơ chế hoạt động của backdoor

Backdoor không chỉ đơn thuần là một cánh cửa bí mật mà nó còn ẩn chứa nhiều kỹ thuật phức tạp để vượt qua các rào cản an ninh. Tin tặc thường sử dụng một số kỹ thuật xâm nhập sau để cài đặt backdoor vào hệ thống:

- Injection: Đây là phương pháp phổ biến nhất để cài đặt backdoor. Kẻ tấn công sẽ tìm cách cài mã độc vào các ứng dụng hoặc quá trình đang chạy trên hệ thống mục tiêu. Ví dụ, họ có thể lợi dụng lỗ hổng SQL injection để chèn mã độc vào cơ sở dữ liệu của một trang web.

- Exploit: Kẻ tấn công khai thác các lỗ hổng bảo mật trong phần mềm để cài đặt backdoor. Họ có thể sử dụng các công cụ tự động để quét và tìm kiếm các điểm yếu trong hệ thống, sau đó tận dụng chúng để xâm nhập. Một ví dụ điển hình là lỗ hổng EternalBlue trong Windows đã bị khai thác trong cuộc tấn công WannaCry năm 2017. 

- Social engineering: Một trong những kỹ thuật nguy hiểm nhất chính là lừa người dùng thực hiện các hành động không mong muốn như mở một tập tin đính kèm, nhấp vào một liên kết độc hại. Kẻ tấn công có thể gửi email phishing hoặc tạo ra các trang web lừa đảo để đánh lừa người dùng cài đặt phần mềm chứa backdoor.

Sau khi đã xâm nhập, backdoor thường duy trì quyền kiểm soát bằng cách ẩn mình dưới dạng các tiến trình hợp pháp, tự động tái khởi động hoặc liên tục giao tiếp với máy chủ điều khiển để nhận lệnh từ xa. Điều này khiến việc phát hiện và loại bỏ backdoor trở nên vô cùng khó khăn.
 

Tấn công backdoor
 

Có phải tất cả backdoor đều gây hại không?

Mặc dù hầu hết backdoor được tạo ra với mục đích xấu, nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy phân biệt giữa backdoor gây hại và vô hại.

1. Backdoor gây hại 

Đa phần các backdoor đều gây hại cho hệ thống dẫn đến nhiều nguy hại nghiêm trọng cho người dùng và doanh nghiệp:

- Đánh cắp thông tin: Backdoor cho phép tin tặc truy cập vào dữ liệu nhạy cảm như thông tin cá nhân, tài chính hoặc bí mật kinh doanh.

- Phá hoại hệ thống: Kẻ tấn công có thể xóa hoặc sửa đổi dữ liệu quan trọng gây gián đoạn hoạt động của hệ thống.

- Lan truyền mã độc: Backdoor thường được sử dụng như một cầu nối để cài đặt thêm các loại mã độc khác.

- Tổn thất tài chính: Các cuộc tấn công backdoor có thể dẫn đến thiệt hại tài chính lớn do mất dữ liệu, gián đoạn kinh doanh hoặc chi phí khắc phục sự cố.

Một ví dụ về tấn công backdoor gây hại điển hình là cuộc tấn công SolarWinds năm 2020, tin tặc đã cài đặt backdoor vào phần mềm Orion của công ty SolarWinds ảnh hưởng đến hàng nghìn khách hàng, bao gồm cả các cơ quan chính phủ Mỹ. Cuộc tấn công này được coi là một trong những vụ xâm nhập mạng nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

2. Backdoor vô hại

Trong một số trường hợp hiếm hoi, backdoor có thể được tạo ra với mục đích không gây hại như:

- Phát triển phần mềm: Các developers đôi khi tạo ra backdoor tạm thời để thuận tiện trong quá trình gỡ lỗi và kiểm thử. Tuy nhiên, những backdoor này cần được loại bỏ hoàn toàn trước khi phát hành sản phẩm.

- Quản trị hệ thống: Trong một số trường hợp đặc biệt, quản trị viên có thể tạo ra backdoor để truy cập khẩn cấp vào hệ thống khi các phương thức thông thường không khả dụng.

- Nghiên cứu bảo mật: Các chuyên gia an ninh mạng đôi khi sử dụng backdoor để kiểm tra tính bảo mật của hệ thống và phát hiện lỗ hổng.
 

Backdoor attack
 

Các loại backdoor phổ biến hiện nay

Mỗi loại backdoor đều có cơ chế hoạt động riêng gây ra những mối đe dọa tiềm tàng cho hệ thống. Hãy cùng chúng tôi khám phá các loại backdoor phổ biến hiện nay và cách chúng hoạt động.

1. Trojans

Trojan hay còn gọi là "ngựa thành Troy", là một trong những loại backdoor phổ biến và nguy hiểm nhất. Chúng thường được ngụy trang dưới dạng phần mềm hợp pháp hoặc các tệp tin vô hại lừa người dùng tự nguyện cài đặt. Sau khi người dùng cài đặt hoặc mở tệp, Trojans sẽ ngay lập tức chiếm quyền kiểm soát hệ thống mở ra cánh cửa cho các hành vi độc hại. Không giống như backdoor virus, Trojans không tự nhân bản nhưng có thể được sử dụng để cài đặt các loại malware khác, thực hiện các cuộc tấn công mạng hoặc thu thập thông tin nhạy cảm của nạn nhân.

Ví dụ điển hình về Trojan backdoor là ZeuS, một bộ công cụ được sử dụng rộng rãi để đánh cắp thông tin ngân hàng. ZeuS có khả năng tự điều chỉnh và ẩn mình khiến việc phát hiện và loại bỏ trở nên cực kỳ khó khăn.

2. Rootkits

Rootkits là một loại backdoor đặc biệt tinh vi, thường ẩn sâu trong hệ điều hành và thao túng các chức năng cơ bản của hệ thống. Với khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo, Rootkits cho phép kẻ tấn công duy trì quyền truy cập vào hệ thống trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Rootkits thường được các hacker sử dụng để thực hiện các hoạt động gián điệp, thu thập dữ liệu nhạy cảm hoặc thậm chí là cài các mã độc khác.

Một ví dụ nổi tiếng về rootkit là Stuxnet được cho là do các cơ quan tình báo phương Tây phát triển để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Stuxnet sử dụng rootkit để ẩn mình và thao túng các hệ thống điều khiển công nghiệp.

3. Hardware backdoor

Hardware backdoor là loại backdoor được tích hợp trực tiếp vào phần cứng của thiết bị, thường là trong giai đoạn sản xuất. Điều này khiến việc phát hiện và loại bỏ chúng trở nên vô cùng khó khăn. Hardware backdoor có thể được sử dụng để theo dõi người dùng, đánh cắp thông tin hoặc thậm chí là chiếm quyền điều khiển toàn bộ thiết bị mà không cần thông qua hệ điều hành. Đây là mối đe dọa tiềm ẩn, đặc biệt là đối với các hệ thống quan trọng như thiết bị y tế, hệ thống kiểm soát công nghiệp hoặc cơ sở hạ tầng quốc gia.

Năm 2018, Bloomberg đã đưa tin về một vụ việc gây chấn động khi cho rằng các chip của Supermicro đã bị cài đặt backdoor phần cứng ảnh hưởng đến nhiều công ty công nghệ lớn bao gồm Amazon và Apple. Mặc dù một số công ty đều phủ nhận sự tồn tại của backdoor này tuy nhiên các báo cáo vẫn gây ra làn sóng lo ngại trong giới công nghệ và an ninh mạng. 
 

Tấn công backdoor là gì?
 

4. Cryptographic backdoors

Cryptographic là một dạng backdoor được nhúng vào các thuật toán mã hóa khiến kẻ tấn công giải mã thông tin mà không cần khóa mã hóa chính. Dạng backdoor này thường khó phát hiện bởi nó chỉ được kích hoạt bởi một số điều kiện cụ thể. Chính vì vậy, crypto backdoors là mối đe dọa nghiêm trọng đối với bảo mật dữ liệu, đặc biệt là trong các hệ thống yêu cầu bảo mật cao như tài chính, ngân hàng và quốc phòng vì nó có thể phá vỡ toàn bộ hệ thống bảo mật dựa trên mã hóa.

Một ví dụ về tấn công backdoor tinh vi và nổi tiếng về cryptographic có thể nhắc đến là thuật toán Dual_EC_DRBG được NSA đề xuất làm chuẩn mã hóa quốc tế. Sau này, Edward Snowden tiết lộ rằng NSA đã cố tình tạo ra backdoor trong thuật toán này để có thể đọc được các thông tin được mã hóa.

5. Backdoor logic

Backdoor logic hay còn gọi là logic bomb là một loại backdoor được chèn vào mã nguồn hoặc firmware của một ứng dụng hoặc thiết bị. Mục đích ban đầu của backdoor này dùng để gỡ lỗi hoặc truy cập khẩn cấp. Tuy nhiên, backdoor logic có thể trở thành công cụ nguy hiểm khi rơi vào tay kẻ xấu cho phép truy cập trái phép vào hệ thống mà không cần thực hiện các bước xác thực thông thường.

Vụ việc nổi tiếng liên quan đến backdoor logic là trường hợp của Terry Childs, một quản trị viên mạng của thành phố San Francisco. Childs đã cài đặt nhiều logic bomb vào hệ thống mạng của thành phố và từ chối cung cấp mật khẩu, gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều ngày.

6. Botnet backdoor

Botnet là một loại backdoor được sử dụng để tạo ra và kiểm soát mạng lưới các máy tính bị nhiễm (botnet). Kẻ tấn công sử dụng botnet để thực hiện các cuộc tấn công DDoS, phát tán spam hoặc đào tiền mã hóa. Đây là một công cụ mạnh mẽ trong tay tin tặc, cho phép họ thực hiện nhiều hoạt động bất chính trên quy mô lớn.

Cách thức hoạt động của botnet backdoor khá tinh vi. Ban đầu, kẻ tấn công sẽ lây nhiễm malware chứa backdoor vào càng nhiều thiết bị càng tốt. Các thiết bị này có thể là máy tính cá nhân, máy chủ, thiết bị IoT hoặc thậm chí là điện thoại thông minh. Khi đã xâm nhập thành công, backdoor sẽ tạo một kênh liên lạc bí mật với máy chủ điều khiển của kẻ tấn công và kẻ gian có thể dễ dàng đánh cắp dữ liệu.

Ví dụ về tấn công backdoor botnet là Mirai botnet được phát hiện vào năm 2016, Mirai đã tận dụng các thiết bị IoT không được bảo mật như camera an ninh và bộ định tuyến để tạo ra một mạng lưới khổng lồ gồm hàng trăm nghìn thiết bị bị nhiễm. Cuộc tấn công DDoS do Mirai thực hiện đã gây ra gián đoạn cho nhiều dịch vụ Internet lớn trên toàn cầu gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ hệ thống mạng.

7. Web shell backdoor

Web shell là một loại backdoor đặc biệt nguy hiểm đối với các máy chủ web. Đây là một script độc hại được tải lên server thường được sử dụng tấn công thực thi các lệnh tùy ý để chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn website. Web shell backdoor thường được cài đặt thông qua các lỗ hổng bảo mật trên website hoặc bằng cách lừa người quản trị hệ thống tải lên các tập tin độc hại.

Năm 2021, Microsoft đã phát hiện một chiến dịch tấn công quy mô lớn sử dụng webshell để xâm nhập vào hàng nghìn máy chủ Exchange trên toàn cầu. Cuộc tấn công này cho thấy mức độ nguy hiểm và khả năng lan truyền nhanh chóng của web shell backdoor.
 

Backdoor virus

 

Dấu hiệu cho thấy hệ thống đã bị cài đặt backdoor

Phát hiện sớm sự hiện diện của backdoor là yếu tố then chốt để ngăn chặn thiệt hại. Tuy nhiên, backdoor thường được thiết kế để hoạt động âm thầm khiến việc phát hiện trở nên khó khăn. Bạn nên chú ý khi xuất hiện một số dấu hiệu đáng ngờ sau đây:

- Hoạt động mạng bất thường: Lưu lượng mạng tăng đột biến hoặc có kết nối đến các địa chỉ IP lạ, đặc biệt vào thời điểm bất thường. 

- Hiệu suất hệ thống giảm sút: Backdoor có thể tiêu tốn tài nguyên hệ thống, dẫn đến tình trạng máy tính chạy chậm hoặc đứng máy thường xuyên.

- Thay đổi cấu hình không rõ nguyên nhân: Nếu bạn phát hiện các thay đổi trong cài đặt hệ thống, tường lửa hoặc các ứng dụng bảo mật mà bạn không thực hiện, có thể là dấu hiệu của backdoor. 

- Tệp tin và thư mục lạ: Nên chú ý sự xuất hiện của các tệp tin hoặc thư mục không xác định, đặc biệt trong các thư mục hệ thống. 

- Hoạt động đáng ngờ của tài khoản: Các đăng nhập không xác định hoặc tạo mới tài khoản mà bạn không biết có thể là dấu hiệu backdoor đang được sử dụng.

- Hoạt động bất thường của webcam hoặc microphone: Một số backdoor có khả năng kích hoạt webcam hoặc microphone để theo dõi. Hãy chú ý đến đèn báo hoạt động của các thiết bị này.

- Thông báo từ bên thứ ba: Đôi khi, bạn có thể nhận được cảnh báo từ nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc đối tác kinh doanh về hoạt động đáng ngờ từ hệ thống của bạn.

Nhận biết sớm các dấu hiệu này có thể giúp bạn ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công backdoor, hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.
 

Backdoor
 

Hướng dẫn xử lý khi hệ thống bị tấn công backdoor

Khi phát hiện hệ thống đã bị cài đặt backdoor, phản ứng nhanh chóng và chính xác là yếu tố quyết định để hạn chế thiệt hại. Dưới đây là 5 bước cần thiết để xử lý tình huống này:

Bước 1: Cô lập hệ thống và bảo toàn bằng chứng

Bước đầu tiên và quan trọng nhất là ngắt kết nối thiết bị khỏi Internet và mạng nội bộ. Điều này ngăn chặn kẻ tấn công tiếp tục truy cập và hạn chế sự lây lan của mã độc. Đồng thời, tạo một bản sao lưu toàn bộ hệ thống trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Bản sao này sẽ là bằng chứng quý giá cho việc điều tra sau này và có thể giúp xác định phương thức xâm nhập của kẻ tấn công.

Bước 2: Thông báo và huy động hỗ trợ

Trong môi trường doanh nghiệp, bạn nên thông báo ngay cho đội ngũ IT hoặc bộ phận an ninh mạng. Đối với cá nhân, cân nhắc liên hệ với chuyên gia bảo mật hoặc báo cáo cho cơ quan chức năng nếu nghi ngờ có dấu hiệu của tội phạm mạng. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia sẽ đảm bảo quá trình xử lý được thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Bước 3: Xác định phạm vi và loại bỏ backdoor

Sử dụng các công cụ chuyên dụng để quét và xác định chính xác các thành phần của hệ thống đã bị xâm phạm. Sau đó, tiến hành loại bỏ backdoor bằng phần mềm diệt backdoor virus đáng tin cậy. 

Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần phải cài đặt lại hệ điều hành để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa.

Bước 4: Tăng cường bảo mật và khôi phục hệ thống

Sau khi loại bỏ backdoor, cần thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tái xâm nhập. Thay đổi tất cả mật khẩu, bao gồm cả tài khoản email và các dịch vụ trực tuyến khác. Cập nhật tất cả phần mềm và hệ điều hành lên phiên bản mới nhất để vá các lỗ hổng bảo mật. 

Triển khai các biện pháp bảo mật mạnh mẽ hơn như cài đặt tường lửa, sử dụng VPN và bật xác thực hai yếu tố cho các tài khoản quan trọng. Cuối cùng, khôi phục dữ liệu từ bản sao lưu tin cậy gần nhất.

Bước 5: Giám sát và rút kinh nghiệm

Duy trì việc theo dõi hệ thống chặt chẽ trong một khoảng thời gian dài sau sự cố để đảm bảo backdoor virus không tái xuất hiện bao gồm: 

- Thiết lập các cơ chế cảnh báo sớm để phát hiện nhanh chóng các hoạt động bất thường. 

- Phân tích kỹ lưỡng cách thức xâm nhập của backdoor và áp dụng các bài học kinh nghiệm để tăng cường bảo mật trong tương lai. 

- Đánh giá lại toàn bộ chiến lược bảo mật, xem xét việc áp dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến như AI và machine learning để nâng cao khả năng phòng thủ. 

- Tổ chức các buổi đào tạo nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho nhân viên hoặc người dùng để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
 

Ví dụ về tấn công Backdoor

 

Cách phòng tránh các cuộc tấn công backdoor

Phòng tránh các cuộc tấn công backdoor đòi hỏi sự kết hợp của nhiều biện pháp bảo mật nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo vệ hệ thống. Dưới đây là một số cách hiệu quả để ngăn chặn các cuộc tấn công backdoor:

- Cập nhật phần mềm thường xuyên: Việc cập nhật hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng thường xuyên giúp giảm thiểu lỗ hổng bảo mật mà kẻ tấn công có thể lợi dụng để cài đặt backdoor. Các bản vá bảo mật từ nhà sản xuất thường chứa các sửa lỗi quan trọng, giúp bảo vệ hệ thống trước các cuộc tấn công mới nhất.

- Sử dụng phần mềm bảo mật mạnh mẽ: Triển khai các phần mềm antivirus, anti-malware và firewall có khả năng phát hiện và ngăn chặn các hành vi đáng ngờ. Các phần mềm này cũng giúp phát hiện sớm các phần mềm độc hại trước khi chúng kịp gây hại cho hệ thống.

- Kiểm soát truy cập nghiêm ngặt: Áp dụng nguyên tắc phân quyền đảm bảo rằng chỉ những người dùng hoặc ứng dụng có thẩm quyền mới có thể truy cập vào các tài nguyên quan trọng. Bên cạnh đó, hạn chế quyền truy cập giúp giảm thiểu khả năng một backdoor có thể được cài đặt hoặc kích hoạt.

- Mã hóa dữ liệu và liên lạc: Mã hóa dữ liệu và các giao tiếp giữa các hệ thống giúp ngăn chặn kẻ tấn công đánh cắp hoặc thay đổi thông tin qua backdoor. Ngay cả khi một backdoor tồn tại, việc mã hóa sẽ làm giảm khả năng kẻ tấn công khai thác được dữ liệu. 
 

Tấn công backdoor virus
 

Thông qua các thông tin mà Phương Nam Vina đã phân tích trong bài viết, backdoor là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh mạng gây ra thiệt hại về tài chính, danh tiếng và dữ liệu. Để đối phó hiệu quả với mối đe dọa này, người dùng cá nhân và tổ chức cần nâng cao nhận thức về các dấu hiệu xâm nhập thường xuyên cập nhật các biện pháp bảo mật và đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng một văn hóa bảo mật an toàn

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website Dark web là gì? Những mối nguy tiềm ẩn khi truy cập dark web

icon thiết kế website Decode là gì? Những điều cần biết về giải mã trong kỷ nguyên số

icon thiết kế website Chứng chỉ bảo mật SSL là gì? Hướng dẫn cách cài đặt SSL cho website

Bài viết mới nhất

Thiết kế website Thủ Dầu Một

Thiết kế website Thủ Dầu Một

Thiết kế website Thủ Dầu Một không chỉ là lựa chọn mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp trước sự phát triển và cạnh tranh gay gắt nơi đây.

Snippet là gì? Bí quyết chiếm lĩnh vị trí số 0 trên Google

Snippet là gì? Bí quyết chiếm lĩnh vị trí số 0 trên Google

Có tới 70% lượt tìm kiếm kết thúc trong trang đầu tiên, vậy nên đạt được featured snippets là cách hiệu quả để tăng lượng truy cập trực tuyến.

 
Domain authority là gì? Tuyệt chiêu cải thiện chỉ số DA website

Domain authority là gì? Tuyệt chiêu cải thiện chỉ số DA website

Domain authority là gì? Vì sao website có chỉ số DA từ 60+ có thể thu hút x2 lượng truy cập? Khám phá cách cải thiện chỉ số này để tăng top Google!

ITR là gì? Giải mã tầm quan trọng và cách tính chỉ số ITR

ITR là gì? Giải mã tầm quan trọng và cách tính chỉ số ITR

Hiểu rõ chỉ số ITR không chỉ giúp bạn nắm bắt cơ hội tăng trưởng cho website mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về hiệu quả của từng từ khóa.

Adaptive web design - Giải pháp cho mọi kích thước màn hình

Adaptive web design - Giải pháp cho mọi kích thước màn hình

Bằng cách sử dụng nhiều layout khác nhau cho từng loại thiết bị, adaptive web design cho phép người dùng trải nghiệm nội dung dễ dàng và thuận tiện.

Heading là gì? Phân loại và bí quyết tối ưu thẻ heading

Heading là gì? Phân loại và bí quyết tối ưu thẻ heading

Khám phá bí quyết tối ưu thẻ heading để giúp xây dựng cấu trúc nội dung website rõ ràng, nâng cao khả năng tìm kiếm và thu hút người đọc.

zalo