Sau nhiều năm đối mặt với những khó khăn đến từ cuộc khủng hoảng kinh tế, thị trường chuỗi bán lẻ cà phê tại Việt Nam đang chứng kiến sự “hồi sinh” tăng tốc với sức tiêu thụ đầy triển vọng đến từ người tiêu dùng. Theo như thống kê cho thấy, tổng tiêu thụ trà và cà phê tại nước ta ước tính đạt 2,3 tỷ USD với mức độ tăng trưởng hơn 10% / năm. Mordor Intelligence Inc - Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới cũng đưa ra dự báo, ngành F&B Việt Nam trong năm 2021 - 2026 sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên đến 8,65%.
Vậy nên, với những ai đang ấp ủ lên kế hoạch kinh doanh cafe thì đây được xem là thời cơ thuận lợi để tiến hành triển khai. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ thị trường thì thay vì mở mới hoàn toàn, bạn có thể chọn hình thức kinh doanh nhượng quyền cafe. Đây chính là mô hình giúp bạn nhanh chóng gặt hái được thành công như mong đợi bởi nhiều ưu điểm về chi phí, danh tiếng và cả lợi nhuận thu về. Vậy nhượng quyền cafe là gì? Đâu là các thương hiệu cafe nhượng quyền ở Việt Nam nhận được nhiều sự chú ý nhất ở thời điểm hiện tại? Theo dõi nội dung dưới đây để cùng chúng tôi khám phá cụ thể hơn nhé.
- Kinh doanh cafe nhượng quyền là gì?
- Ưu nhược điểm của mô hình cafe nhượng quyền
- Cách thức kinh doanh cafe nhượng quyền theo quy định
- Các thương hiệu cafe nhượng quyền ở Việt Nam thành công
- 1. Nhượng quyền cafe Ông Bầu
- 2. Nhượng quyền cafe Highlands
- 3. Nhượng quyền The Coffee House
- 4. Nhượng quyền GUTA cafe
- 5. Chuỗi cafe nhượng quyền Milano Coffee
- 6. Viva Star Coffee
- 7. Nhượng quyền Cộng cafe
- 8. Nhượng quyền cafe Trung Nguyên
- 9. Nhượng quyền 0 đồng với E - Coffee
- 10. Nhượng quyền King Coffee
- 11. Cafe nhượng quyền Passio Coffee
- 12. Gemini Coffee
- 13. Nhượng quyền Aha Cafe
- 14. Napoli Coffee
- 15. The Coffee Bean and Tea Leaf
- Giải pháp kinh doanh cafe nhượng quyền tránh cạm bẫy không phải ai cũng biết
Kinh doanh cafe nhượng quyền là gì?
Nhượng quyền là một hình thức mà các cá nhân, tổ chức (bên nhận nhượng quyền) được phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ theo phong cách và phương pháp kinh doanh đã được triển khai trong thực tế của bên nhượng quyền theo như những thỏa thuận, thống nhất từ hai bên.
Cụ thể, trong trường hợp nhượng quyền cà phê thì chủ đầu tư sẽ ủy quyền cho cá nhân, tổ chức nào đó đang muốn kinh doanh một quán cafe đã có sẵn thương hiệu trên thị trường. Từ đây, hai bên sẽ tiến hành ký kết với nhau về thời gian, khu vực, thiết kế, hình thức kinh doanh,... theo như yêu cầu và chia sẻ lợi nhuận trong quá trình hợp tác.
Khi bắt đầu ký kết hợp đồng nhượng quyền thương hiệu cafe, bên phía người mua sẽ cần trả một khoản tiền và phải vận hành theo như yêu cầu của bên nhượng quyền. Sau khi hoàn tất thủ tục, người mua sẽ ngay lập tức có được một lượng khách hàng trung thành đã có sẵn của thương hiệu trước đó. Việc của họ lúc này là tìm ra những phương án, đề xuất khác nhau để quán cà phê có thể tạo ra dấu ấn, điểm nhấn riêng biệt thay vì chỉ rập khuôn giống như mô hình gốc.
Ưu nhược điểm của mô hình cafe nhượng quyền
Thực tế đã cho thấy, bất kỳ một mô hình kinh doanh nào hiện nay cũng tồn tại rất nhiều những ưu - nhược điểm khác nhau và tất nhiên, nhượng quyền cà phê cũng nằm trong số đó. Vì vậy, để có thể đánh giá được việc mình có nên kinh doanh cafe nhượng quyền hay không thì trước tiên, bạn cần phải nắm được những lợi thế, yếu điểm của hình thức này.
1. Ưu điểm của nhượng quyền cafe
Một trong những ưu điểm dễ nhận thấy nhất khi chọn kinh doanh nhượng quyền cafe đó chính là bạn sẽ có sẵn một lượng khách cho quán. Chưa kể, bạn cũng không cần phải tốn công sức để nghĩ ra những ý tưởng pha chế mới và quan trọng, thương hiệu nhượng quyền cũng đã có sẵn một vị thế nhất định trên thị trường.
Bên cạnh đó, bạn sẽ không phải tốn quá nhiều công sức, thời gian để lập kế hoạch kinh doanh mở quán cafe như thông thường với các bước: nghiên cứu thị trường, thiết kế menu, định hình phong cách quán hay xây dựng chiến lược tiếp thị,.... Đây được xem là một lợi thế lớn mạnh để hỗ trợ những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh giảm thiểu mức độ rủi ro hay một số phát sinh không đáng xảy ra.
2. Nhược điểm của cafe nhượng quyền
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, mô hình kinh doanh quán cafe nhượng quyền cũng tồn tại một số nhược điểm khác nhau mà bạn cần phải lưu ý, cụ thể:
- Về thương hiệu: trong quá trình kinh doanh, việc thương hiệu nhượng quyền bị ảnh hưởng xấu bởi một số sai phạm của các chi nhánh là điều rất thường xảy ra. Nếu không xử lý ổn thỏa, đây có thể là nguyên nhân khiến cho quán cà phê mà bạn đang nhận nhượng quyền gặp phải những hiểu lầm nhất định.
- Về chi phí: chi phí nhượng quyền theo từng năm của các thương hiệu nhượng quyền cũng là một vấn đề mà bạn cần phải cân nhắc thật kỹ.
- Về sự linh hoạt trong kinh doanh: với mô hình nhượng quyền cafe thì mọi hoạt động của quán đều cần phải có sự đồng thuận từ bên nhượng quyền. Điều này có thể sẽ khiến cho bạn không chỉnh sửa được mức giá, thay đổi menu theo mùa hay tự quyết các hoạt động marketing để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Với những ưu và nhược điểm như trên thì thật khó để có thể khẳng định rằng, bạn nên kinh doanh cafe nhượng quyền hay không. Thay vào đó, hãy cân nhắc dựa trên những yếu tố về nhu cầu hay khả năng quản lý, tài chính của bản thân để đưa ra lựa chọn.
Cách thức kinh doanh cafe nhượng quyền theo quy định
Như đã trình bày ở trên, trước khi nhận nhượng quyền cà phê thì giữa bên mua và bên bán sẽ cần phải có sự đồng thuận với nhau trên nhiều khía cạnh. Những yếu tố này đều sẽ được thể hiện và minh bạch một cách rõ ràng trong bản hợp đồng kinh doanh dưới đây:
1. Giá chuyển nhượng
Giá chuyển nhượng cho toàn bộ thương hiệu hoặc chi phí nhượng quyền được tính theo hàng năm tùy theo hình thức chuyển nhượng. Ngoài giá chuyển nhượng, bên mua còn có nghĩa vụ chi trả một loại phí khác là phí thành viên cùng các khoản thanh toán theo thỏa thuận để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Phần phí này thường được trích ra từ tổng doanh thu nhưng nó cũng có thể là một khoản xác định. Tất cả các điều khoản này thường được các bên quy định rõ trong hợp đồng nhượng quyền.
2. Các quy định về phạm vi được sử dụng thương hiệu
Các quy định về phạm vi được sử dụng thương hiệu bao gồm:
- Nhãn hiệu.
- Khẩu hiệu.
- Biểu tượng.
- Kiểu dáng của sản phẩm.
- Bí mật kinh doanh, cụ thể là định hướng kinh doanh, công thức pha chế, cách hoạt động,... của đơn vị chuyển nhượng.
3. Các tiêu chí cần đáp ứng khi mua nhượng quyền
Các tiêu chi bạn cần đáp ứng khi tiến hành mua nhượng quyền quán cafe bao gồm:
- Điều kiện về mặt bằng: yêu cầu về địa điểm kinh doanh, độ rộng của mặt tiền, diện tích tối thiểu, kết cấu nhà.
- Điều khoản khi thuê mặt bằng: giá cả, thời hạn tối thiểu, có được phép sửa chữa, thay đổi cấu trúc không?
- Thiết kế nội thất: việc thiết kế hay trang trí nội thất của quán cafe cần phải được thực hiện theo đúng như concept mà thương hiệu yêu cầu, đồng thời tuân thủ khoảng cách địa lý so với các đơn vị nhượng quyền khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng phảo đảm bảo sẽ thực hiện theo đúng các quy tắc, điều khoản và cam kết đã được nêu ra trong hợp đồng nhượng quyền.
4. Các quyền, nghĩa vụ của bên nhượng quyền và bên được nhượng quyền
- Bên nhượng quyền cần phải cung cấp đầy đủ các văn bản về kế hoạch kinh doanh, quy trình cũng như tài liệu vận hành, đào tạo và hỗ trợ giám sát nhân viên / quản lý. Ngoài ra, họ cũng có quyền giám sát kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ cơ sở nhận nhượng quyền để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ một cách tốt nhất.
- Đối với bên nhận nhượng quyền, họ có quyền được biết và sử dụng bộ nhận diện thương hiệu. Đồng thời, họ có nghĩa vụ phải giữ bí mật kinh doanh của quán, bao gồm cả công thức pha chế độc quyền,....
Các thương hiệu cafe nhượng quyền ở Việt Nam thành công
Trên thị trường hiện nay, không khó để bạn nhận ra rằng có rất nhiều các chuỗi cafe nhượng quyền mọc lên như nấm. Tuy nhiên, để chất lượng đi đôi với số lượng thì không phải quán cafe nào cũng đạt được. Vì vậy, nhằm giúp bạn có thể đạt được thành công trong quá trình kinh doanh thì việc tìm hiểu các thương hiệu cafe nhượng quyền ở Việt Nam đang dẫn đầu xu hướng dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng mang lại lợi nhuận siêu khủng.
1. Nhượng quyền cafe Ông Bầu
Cafe Ông Bầu là một thương hiệu nổi tiếng dành cho những ai đang ôm ấp giấc mộng kinh doanh cafe nhượng quyền tại Việt Nam. Dù chỉ mới được thành lập vào năm 2020 nhưng “sức bật” của thương hiệu này trên thị trường là cực kỳ lớn. Bởi lẽ, đứng sau cafe Ông Bầu đó chính là ba nhà sáng lập nổi tiếng, bao gồm: ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức - CLB HAGL), ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Công ty Cổ phần Đồng Tâm) và ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood).
Với cái bắt tay “thế kỷ” của ba người đàn ông thành đạt, cafe Ông Bầu đang trở thành một thương hiệu nhượng quyền đầy tiềm năng khi hội tụ đủ các yếu tố:
- Có “tầm”: ba nhà sáng lập đều là dân kinh doanh chính hiệu, họ có tiềm lực tài chính hậu hĩnh để dễ dàng thống lĩnh thị trường.
- Có “tâm”: Bầu Đức đang tập trung nguồn lực để đầu tư vào ngành nông nghiệp với mong muốn sẽ phát triển mô hình cà phê “sạch” từ nông trại đến cho khách hàng.
- Có “sự hỗ trợ”: đứng sau lưng các ông Bầu này chính là một đội ngũ marketing, PR hùng hậu. Họ sẽ giúp thương hiệu được lan tỏa mạnh mẽ và từ đó thu hút khách hàng kéo đến quán cà phê của bạn.
Hiện nay, thương hiệu cafe Ông Bầu đang cho nhượng quyền với chi phí từ 60 triệu đồng và miễn phí trong năm đầu tiên để cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ lớn hơn như: Milano, E-Coffee Trung Nguyên hay Cộng cafe. Đổi lại, bạn phải đáp ứng cho cafe ông Bầu những điều khoản dưới đây trước khi bắt tay vào “kích hoạt” mô hình kinh doanh này:
- Chi phí đầu tư ban đầu: tùy theo từng mô hình mà cafe Ông Bầu sẽ cung cấp các khoản chi phí khác nhau. Nhưng chi phí thấp nhất vẫn là 74 triệu đồng dành cho mô hình cơ bản của thương hiệu này.
- Vị trí cửa hàng: ưu tiên gần các nơi có khu vực đông dân cư với diện tích cần thiết dao động từ 2 - 5 mét vuông.
- Cơ sở vật chất: máy móc, thiết bị và các nguyên liệu đều phải được nhập từ cửa hàng chính. Tuyệt đối không được sử dụng từ các thương hiệu khác, nhất là với nguyên liệu cà phê thì lại càng không được phép.
2. Nhượng quyền cafe Highlands
Nhắc đến một cái tên tiêu biểu trong mô hình kinh doanh FnB thì chắc chắn, bạn không thể nào bỏ qua thương hiệu Highlands Coffee. Nguyên nhân là do độ phủ sóng của thương hiệu này trên thị trường đang ngày một rộng lớn và gần như xuất hiện dày đặc ở hầu hết các tỉnh thành, mọi khu vực và tuyến đường trên toàn quốc.
Cụ thể, vào năm 2021 thì Highlands đã có khoảng 437 chi nhánh trải rộng khắp 32 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là khu vực sở hữu nhiều cửa hàng nhất với tổng cộng 156 chi nhánh, kế tiếp là Hà Nội với con số 112. Ngoài ra, vài tỉnh thành khác như: Hải Phòng, Đà Nẵng,... trung bình cũng đang có hơn 20 chi nhánh đang hoạt động và “ăn nên làm ra”.
Với quy mô cực kỳ ấn tượng như trên, việc có rất nhiều người quyết định lựa chọn kinh doanh cafe nhượng quyền Highlands là điều vô cùng hiển nhiên và dễ đoán. Theo đó, để sở hữu quyền kinh doanh nhượng quyền thương hiệu cafe Highlands, bạn cần phải bỏ ra khoản chi phí lên đến 4,3 tỷ đồng kèm theo một số điều khoản bắt buộc như sau:
- Địa điểm: nằm tại khu vực ngã 3, ngã tư hoặc những vị trí đông dân cư, dễ nhìn, trong các tòa nhà văn phòng hay trung tâm thương mại.
- Khoản ngân sách đầu tư ban đầu: 170.000 - 250.000$.
- Chi phí quản lý hàng tháng: 5%.
- Chi phí nhượng quyền cafe hàng tháng: 7%.
Khi mới chỉ nhìn thoáng qua thì có lẽ, ai cũng sẽ phải giật mình trước con số này nhưng hãy thử nhìn ra xa hơn. Khách hàng mục tiêu của thương hiệu này đa phần đều thuộc phân khúc cao cấp, họ ưu tiên chất lượng của đồ uống, hợp vệ sinh, có brand cụ thể,.... Vì vậy, nếu làm tốt vai trò quản lý thì rất nhanh thôi, bạn có thể thu hồi lại vốn. Chưa kể, các chiến lược marketing mà Highlands Coffee đưa ra đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng, điều này sẽ giúp bạn hưởng lợi không nhỏ trong việc nâng cao doanh số, lợi nhuận cho mình.
3. Nhượng quyền The Coffee House
The Coffee House là một trong các chuỗi cafe nhượng quyền được đông đảo giới trẻ tại Việt Nam yêu thích. Khi đến đây, khách hàng không chỉ có thể thưởng thức những ly cà phê thơm ngon mà còn có một không gian thoải mái để học tập, làm việc hay đôi khi là tán gẫu, trò chuyện với bạn bè. Tính đến năm 2020, The Coffee House đã sở hữu hơn 175 cửa hàng trải dài từ Bắc vào Nam và giờ đây, con số này đã chạm mốc hơn 200 chi nhánh trên toàn quốc.
Để có thể kinh doanh nhượng quyền cafe của thương hiệu The Coffee House thì bạn sẽ cần phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn, cụ thể là 500 triệu đồng. Hợp đồng kinh doanh giữa hai bên sẽ được kéo dài đến 5 năm và trong khoảng thời gian này, chủ đầu tư sẽ được bên nhượng quyền hỗ trợ thiết lập quán cà phê theo một phong cách chung để thu hồi lại số vốn đầu tư ban đầu. Ngoài khoản chi phí nhượng quyền ở trên thì chủ đầu tư cũng cần phải tiến hành cho xây dựng, thiết kế quán, đăng ký giấy phép kinh doanh hay mua sắm trang thiết bị cần thiết,.... Lúc này, tổng chi phí để mở một quán The Coffee House nhượng quyền sẽ có giá dao động trong khoảng 2,8 tỷ đồng.
4. Nhượng quyền GUTA cafe
Văn hóa cà phê bệt hay cà phê vỉa hè là một trong những nét đặc trưng đẹp của Việt Nam. GUTA chính là mô hình hướng đến nét đẹp văn hóa này với những chiếc “ghế cóc” để các vị khách của mình có thể thư giãn, buôn chuyện tán gẫu vô cùng thỏa thích. Xét về hương vị thì GUTA chính là sự kết hợp của hương vị thơm ngon truyền thống của cà phê Việt Nam cùng với những thiết bị pha chế hiện đại.
Ngày nay, Guta Cafe chỉ thực hiện nhượng quyền thương hiệu với hai mô hình là: GUkiosk và GUstore. Với mô hình GUkiosk, bạn sẽ cần phải có diện tích tối đa 30m2 cùng chi phí nhượng quyền là 30 triệu đồng. Không chỉ vậy, bạn cũng cần phải chi khoảng 200 triệu đồng để mua nguyên vật liệu với thời hạn hợp đồng trong khoảng 5 năm. Còn với mô hình GUstore thì diện tích mở quán tối đa là 50m2, chi phí nhượng quyền thương hiệu là 50 triệu đồng và phí mua nguyên vật liệu là 50 triệu đồng trong thời hạn hợp đồng 5 năm.
Cả hai hình thức này đều cần phải thanh toán phí bản quyền bằng 5% tổng doanh thu hàng tháng. Tuy nhiên, cần lưu ý là phí nhượng quyền này chưa bao gồm phí đầu tư, cải tạo lại mặt bằng cùng một số khoản phát sinh khác trong quá trình vận hành.
5. Chuỗi cafe nhượng quyền Milano Coffee
Nổi bật trong các chuỗi cafe nhượng quyền hiện nay cần phải kể đến Milano Coffee. Có mặt trên thị trường vào năm 2011 nhưng chỉ sau 6 năm hoạt động, Milano đã có đến hơn 1.400 cửa hàng trên toàn quốc với doanh thu trên 40 triệu đồng / quán / tháng. Giá cả của các món nước cũng vô cùng bình dân từ 15.000 - 25.000 đồng / ly bởi không gian quán có thiết kế đơn giản, rất giống với kiểu cà phê cóc truyền thống thông thường.
Giá nhượng quyền cafe Milano dao động trong khoảng 90 triệu đồng với từng khoản chi phí được quy định rõ ràng và chia thành từng mục sau:
- Chi phí nhượng quyền thương hiệu: 10 triệu đồng / năm.
- Chi phí setup quán cafe: 55 triệu đồng.
- Chi phí thuê mặt bằng, nhân viên cùng một số khoản đầu tư khác: 25 - 35 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ đầu tư.
- Yêu cầu về vị trí: ưu tiên vị trí gần khu dân cư, trường học, trung tâm thương mại, khu vực sầm uất, thuận tiện cho giao thông đi lại và diện tích của quán phải trên 50m2.
6. Viva Star Coffee
Viva Star Coffee là một trong 10 thương hiệu kinh doanh cafe nhượng quyền lớn nhất tại Việt Nam. Với hơn 500 cửa hàng trên cả nước, Viva Star không ngừng giữ vững tốc độ phát triển trên một thị trường đang không ngừng biến đổi. Chỉ với 286 triệu đồng, bạn đã có thể sở hữu thương hiệu nhượng quyền này để bắt đầu kinh doanh. Với hợp đồng trong vòng 5 năm, quán cà phê của bạn sẽ được hỗ trợ setup và yêu cầu về địa điểm kinh doanh cũng không quá phức tạp.
Thế nhưng, với 286 triệu đồng ở trên thì đó chỉ là giá nhượng quyền cafe còn trong thực tế, các cửa hàng Viva Star đang hoạt động hiện nay cho biết họ thường phải bỏ ra chi phí đầu tư khoảng 1,1 tỷ đồng để bắt đầu kinh doanh. Trong đó bao gồm chi phí thiết kế, thuê mặt bằng, đào tạo nhân viên cùng các thủ tục hành chính cơ bản.
7. Nhượng quyền Cộng cafe
Mặc dù đã xuất hiện từ lâu nhưng Cộng mới bắt đầu nhượng quyền thương hiệu cafe của mình từ năm 2018. Đến nay, thương hiệu này mới chỉ có hơn 60 cửa hàng tại Việt Nam và 2 chi nhánh tại Hàn Quốc. Lý giải cho con số ít ỏi này đó là do các điều kiện về nhượng quyền của Cộng khá khắt khe, phức tạp, đặc biệt là trong vấn đề trang trí nên khiến cho nhiều nhà đầu tư còn e ngại.
Nếu đã từng bước chân vào Cộng thì chắc chắn, bạn hẳn sẽ cảm thấy vô cùng ấn tượng bởi phong cách như quay trở lại thập niên 80 với bao hoài niệm. Mặc dù chi phí nhượng quyền cho quán cà phê Cộng chỉ có khoảng 150 triệu đồng / năm nhưng để setup không gian, bạn sẽ cần phải chi từ 2,5 đến 3,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cộng cafe chính là ví dụ điển hình cho câu nói “chất lượng hơn số lượng”. Theo đó, quán thu hút hàng trăm khách hàng ghé thăm mỗi ngày và với những buổi tối có nhạc sống thì con số này có thể lên đến hàng nghìn khách, nhờ vậy mà doanh thu cũng sẽ được tăng lên đáng kể.
8. Nhượng quyền cafe Trung Nguyên
Từ lâu, cái tên Trung Nguyên đã in sâu vào trong tâm trí của bất kỳ người dân nào tại Việt Nam, đặc biệt là những người yêu cà phê vì chất lượng đồ uống tuyệt hảo, dịch vụ tận tâm, thương hiệu mang tính nhân văn kết hợp cùng hàng loạt ưu thế cạnh tranh vượt trội. Với sự uy tín và khả năng sinh lời cực cao, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Trung Nguyên làm mô hình nhượng quyền cà phê đáng để đầu tư nhất. Để có thể sở hữu một quán cà phê mang thương hiệu Trung Nguyên cho mình, bạn cần phải đáp ứng đủ một số yêu cầu sau:
- Chi phí để nhượng quyền, setup, đào tạo và quản lý,...: khoảng 3,5 tỷ đồng.
- Địa điểm: vị trí tại khu vực đông dân cư, trung tâm, giao thông thuận tiện với diện tích mặt bằng tối thiểu 140m2.
- Quản lý: công thức pha chế hoàn toàn đồng bộ, nguồn nguyên vật liệu và đối tác với thương hiệu.
- Chiết khấu: 5% doanh thu mỗi tháng.
Khi mà các sản phẩm cà phê tại Việt Nam đang ngày càng trở nên có tiếng tăm trên thế giới thì Trung Nguyên cũng tạo được vị thế cho mình không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà còn cả quốc tế. Lúc này, cái tên Trung Nguyên cũng đã trở thành một tấm vé giúp các cửa hàng nhượng quyền có thể đảm bảo doanh thu trên toàn quốc.
9. Nhượng quyền 0 đồng với E - Coffee
Một cái tên cực kỳ hot trong số các thương hiệu cafe nhượng quyền ở Việt Nam đó chính là E - Coffee. Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ đến từ tập đoàn Trung Nguyên Legend, E - Coffee ngày càng trở nên bùng nổ với hơn 600 chuỗi cửa hàng cùng hơn 1.000 đối tác. Đặc biệt, nghe có vẻ vô lý nhưng để sở hữu thương hiệu nhượng quyền E - Coffee, bạn không phải tốn một đồng nào. Thay vào đó, bạn chỉ cần đáp ứng một vài điều kiện đơn giản dưới đây:
- Chi phí setup, quản lý, thuê nhân viên và mua nguyên vật liệu: từ 65 triệu - 175 triệu đồng.
- Diện tích của mặt bằng: tối thiểu từ 4m2 trở lên.
Khi bắt tay với ông lớn trong ngành nhượng quyền thương hiệu cafe tại Việt Nam, bạn sẽ được hỗ trợ thiết kế không gian của quán, phần mềm quản lý bán hàng, trang bị dụng cụ pha chế và nguyên vật liệu đến từ chính tập đoàn Trung Nguyên Legend. Với những hỗ trợ cực kỳ tuyệt vời như trên thì E - Coffee chính là một trong những cái tên nổi bật cho những ai muốn kinh doanh cà phê nhượng quyền giá rẻ, chất lượng.
10. Nhượng quyền King Coffee
Vào tháng 10 / 2016, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cho ra mắt thương hiệu cà phê King Coffee của riêng mình và lúc đó, Mỹ chính là thị trường đầu tiên được lựa chọn để ra mắt sản phẩm. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và để gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, King Coffee đã cho ra mắt các dòng sản phẩm khác nhau như: cafe rang xay, cafe hòa tan, cafe hạt rang, trà sữa,.... Hiện tại, King Coffee đang có hai mô hình nhượng quyền để các nhà đầu tư có thể lựa chọn theo nhu cầu của mình, bao gồm:
- Chi phí nhượng quyền: 180 triệu đồng.
- Chi phí đầu tư ban đầu: 700 triệu đồng.
- Chi phí quản lý hàng tháng: 3% / năm.
Mô hình Kiosk nhỏ gọn
- Chi phí nhượng quyền: 100 triệu đồng.
- Chi phí đầu tư ban đầu: 500 triệu đồng.
- Chi phí quản lý hàng tháng: 3% / năm.
11. Cafe nhượng quyền Passio Coffee
Passio Coffee là một trong những thương hiệu cà phê đầu tiên tại Việt Nam tiên phong trong việc khởi tạo xu hướng “Take - away”. Vào năm 2006, thương hiệu này đã mở đầu chuỗi hệ thống với quán cà phê thứ nhất được mở tại Hồ Chí Minh và đến nay, Passio đã nhanh chóng mở rộng địa bàn trên khắp các quận trung tâm ở các thành phố lớn. Trong đó có đến hơn 65 cửa hàng được đặt tại cơ sở Sài Gòn.
Khác với các chuỗi cafe nhượng quyền khác, Passio Coffee nhượng quyền theo mô hình riêng của mình. Theo đó, hình thức 50 / 50 là phương pháp được Passio lựa chọn để triển khai hoạt động kinh doanh. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư sẽ cùng góp vốn với Passio để hợp tác kinh doanh chứ không phải tự mình hoạt động như nhiều thương vụ nhượng quyền khác. Điều này sẽ giúp cho thương hiệu có thể dễ dàng kiểm soát được chất lượng và cách thức kinh doanh của cửa hàng. Thông thường, giá nhượng quyền cafe Passio sẽ rơi vào khoảng 1 tỷ đồng bao gồm toàn bộ các chi phí.
12. Gemini Coffee
Cũng giống như Cộng, Gemini Coffee là một thương hiệu đã có mặt trên thị trường cách đây từ khá lâu. Tuy nhiên, chỉ mới vài năm trở lại đây thì quán cà phê này mới bộc lộ tham vọng mở rộng quy mô của mình thông qua hình thức nhượng quyền. Điểm đặc biệt của mô hình này đó chính là không chia phân khúc thị trường, tức là không tập trung vào một nhóm khách hàng nhất định nên sẽ giúp quán cà phê được cải thiện doanh thu nhanh chóng.
Nếu bạn đang sở hữu số vốn từ 600 triệu đến 1,2 tỷ trong tay thì việc mua nhượng quyền thương hiệu cafe này sẽ là giải pháp rất phù hợp. Với chi phí nhượng quyền rơi vào khoảng 150 triệu trong vòng 5 năm, quán cà phê của bạn có thể sẽ đạt doanh thu lên tới 300 triệu đồng / tháng, tức là sẽ có 2 năm để bạn thu hồi lại vốn. Đặc biệt, không giống như nhiều quán cà phê nhượng quyền khác, Gemini Coffee chỉ yêu cầu chi phí quản lý khoảng 5% doanh thu và không có bất kỳ điều kiện nào khác về diện tích, địa điểm hay mặt bằng.
13. Nhượng quyền Aha Cafe
Nếu bạn muốn mở một quán cà phê mang phong cách đường phố thì Aha Cafe chính là cái tên nổi bật nhất. Với lịch sử hình thành và phát triển từ năm 1997, thương hiệu này đã và đang không ngừng cố gắng để khẳng định vị thế của mình trong ngành kinh doanh F&B. Tính đến đầu năm 2020, chuỗi Aha Cafe đã có đến hơn 76 cửa hàng trải dài từ Nam ra Bắc với những tỉnh thành trọng điểm.
Chi phí kinh doanh nhượng quyền Aha Cafe sẽ rơi vào khoảng 225 - 320 triệu đồng trong khoảng thời gian 5 năm. Trong đó, chi phí để đầu tư ban đầu sẽ có giá khoảng từ 1,6 tỷ - 2,2 tỷ đồng. Theo như tính toán của thương hiệu này, doanh thu trung bình cho một cửa hàng nhượng quyền sẽ dao động từ 150 - 600 triệu đồng / tháng. Vì thế, nếu kinh doanh một cách ổn định thì chỉ cần chưa tới 2 năm, bạn có thể nhanh chóng hòa lại mức vốn ban đầu.
14. Napoli Coffee
Napoli là một trong những thương hiệu cà phê nhượng quyền bình dân được đánh giá là hoạt động ổn định nhất hiện nay. Thậm chí, trong khoảng thời gian dịch bệnh ảnh hưởng đến công việc làm ăn của nhiều thương hiệu thì Napoli Coffee vẫn trụ vững trên thị trường và ghi nhận số lượng khách ghé đến mỗi ngày lên đến hàng trăm, đó là chưa tính đến việc đặt hàng qua ứng dụng.
Điều này giúp cho Napoli Coffee mang về doanh thu cả trăm tỷ đồng / năm và số lượng đối tác muốn ký nhượng quyền cũng liên tục tăng cao. Hiện tại, Napoli Coffee đang có ba gói nhượng quyền từ 70 - 350 triệu đồng tương ứng với diện tích quán từ 50 - 100m2. Gói này bao gồm các khoản chi phí bảo hành trong 5 năm, thiết kế quán, bàn ghế, đồng phục, ánh sáng, quầy pha chế,.... Đáng chú ý là Napoli không hề thu phí bản quyền thương hiệu và duy trì hàng tháng nên sẽ giúp chủ đầu tư tối ưu một khoản ngân sách cần thiết.
15. The Coffee Bean and Tea Leaf
Điểm nổi bật của thương hiệu The Coffee Bean and Tea Leaf chính là sự mới mẻ, sáng tạo trong số các loại thức uống có sẵn trong menu của quán. Hiện tại, đây cũng là thương hiệu có độ phủ sóng trên toàn cầu với hơn 450 cửa hàng kinh doanh nhượng quyền trải dài khắp thế giới.
Mặc dù có mức chi phí nhượng quyền khá cao (lên đến 9 tỷ đồng) nhưng với độ ngon, độ độc đáo mà thương hiệu này mang lại thì việc đầu tư kinh doanh quán cafe nhượng quyền The Coffee Bean and Tea Leaf chính là điều mà ai cũng mong muốn có được.
Giải pháp kinh doanh cafe nhượng quyền tránh cạm bẫy không phải ai cũng biết
Nhiều người khi mới bước chân vào lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền cafe thường chỉ nghĩ đơn giản rằng, mô hình này chỉ là sự “sao chép” từ bên này sang bên khác nên cách vận hành sẽ vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, khi bước vào lĩnh vực nhượng quyền rồi thì họ mới cảm nhận được những khó khăn đến từ mọi phía. Vì vậy mà dưới đây, chúng tôi sẽ đề ra cho bạn một số giải pháp kinh doanh cafe nhượng quyền để tránh khỏi những cạm bẫy không đáng có.
1. Cẩn trọng khi lựa chọn đối tác nhượng quyền
Khi kinh doanh nhượng quyền thương hiệu cafe, bạn hãy tỉnh táo và cần biết rằng mình đang làm việc chung với ai, là "sói" hay "cừu". Bởi lẽ, nhiều kẻ lừa đảo hiện nay vô cùng tinh vi khi mua lại công ty cũ đã thành lập từ lâu và làm cho nó nhìn có vẻ uy tín hơn. Chưa kể, chủ sở hữu chuỗi cũng có thể bán thương hiệu, gom tiền và biến mất bất cứ lúc nào nếu bạn không cẩn thận trong quá trình tìm kiếm một đơn vị chuyên nghiệp. Đó là lý do vì sao mà hãy hợp tác với một người thực sự có mối gắn kết lâu dài với ngành FnB chứ không phải là một công ty hay tổ chức mà bạn chưa bao giờ nghe đến.
2. Chọn sản phẩm, vẽ đường lui
Những sản phẩm chạy theo trend lúc nào cũng là hàng hóa cực kỳ nguy hiểm. Thực tế cũng đã chứng minh rất nhiều lần và chắc chắn, bạn không cần phải chứng minh lại thêm một lần nào nữa. Số lượng doanh nghiệp "chết" vì sản phẩm trend thì hằng hà sa số như lá rụng nên lúc này, hãy thông minh trong việc lựa chọn hàng hóa. Đồng thời, hãy đặt ra một số câu hỏi như sau:
- Bên nhượng quyền có mua lại địa điểm kinh doanh của bạn không?
- Mức độ cam kết và hỗ trợ của bên nhượng quyền như thế nào?
Đừng bao giờ xem thường những điều này vì nếu bạn thắng, họ cũng sẽ thắng và nếu bạn thua, họ sẽ chẳng mất cái gì cả. Đừng đơn giản nghĩ rằng họ sẽ bị mất uy tín bởi chỉ cần vài lý do về quy trình và đối tác vận hành, câu chuyện thất bại của bạn sẽ bị vùi lấp một cách nhanh chóng. Đó chính là lý do vì sao mà khi hỏi kỹ hai vấn đề này, ít nhiều thì bạn cũng sẽ dễ tìm được "đường lui" cho mình khi có các vấn đề xảy ra trong kinh doanh.
3. Nắm rõ công thức nhượng quyền cafe thành công
Đối với các quán cà phê, mặt bằng đẹp quyết định đến 50% mức độ thành công của thương hiệu. Vậy nên, thay vì “cố đấm ăn xôi” mở quán trên một mặt bằng xấu, nhà đầu tư nên kiên nhẫn để chờ đợi cho đến khi tìm được một vị trí đẹp và phù hợp cho quán của mình. Nếu không có đủ chi phí, bạn hãy cắt giảm bớt các chi phí khác để tìm một mặt bằng phù hợp.
Bên cạnh đó, người đầu tư cũng nên tìm hiểu rõ các chính sách và quyền lợi khi nhượng quyền thương hiệu cà phê. Tránh tình trạng bị thua thiệt tiền cho bên thương hiệu mẹ khi họ đưa ra các yêu cầu về các khoản phí setup, nguyên liệu,... vô lý, cùng với đó là những cam kết hỗ trợ của họ, thời gian hoàn vốn được ước tính trên các nơi nhượng quyền trước đó.
Đặc biệt, đừng bao giờ để bản thân rơi vào tình thế bị động. Hãy tự nâng cao khả năng quản lý của bản thân để đối phó trước những vấn đề chung từ thương hiệu mẹ hoặc một số rủi ro ở địa bàn khu vực mà mình đang nhượng quyền.
Trên đây là những thương hiệu nhượng quyền cafe siêu lợi nhuận mà Phương Nam Vina muốn chia sẻ đến bạn. Vậy với danh sách các thương hiệu ở trên, liệu có bao nhiêu cái tên đủ sức hấp dẫn để thôi thúc bạn đầu tư vào? Hãy đưa ra cho mình những lựa chọn, đánh giá khách quan nhất để tìm được một thương hiệu phù hợp với hoạt động kinh doanh sắp tới. Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm:
Chi phí mở quán cà phê khoảng bao nhiêu tiền?