Tầm nhìn là gì? Sứ mệnh là gì? Ví dụ về tầm nhìn và sứ mệnh

Trong bộ phim hoạt hình "Alice in Wonderland", khi được nhân vật chính Alice hỏi đường thì chú mèo Cheshire đã đáp lại bằng một câu trả lời đầy ẩn ý: "Khi bạn không biết bản thân mình muốn đi đâu thì dù đi con đường nào cũng như thế thôi”. Đây không chỉ là một lời thoại thông thường, mà nó còn chứa đựng một thông điệp sâu sắc dành cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp về tầm nhìn và sứ mệnh.

Trên hành trình xây dựng nhận thức tích cực với người tiêu dùng và để lại di sản thương hiệu, việc không xác định rõ con đường đúng để đi có thể khiến cho một doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên cảm thấy bất định, không chắc chắn về tương lai sau này. Nhưng ngược lại, một doanh nghiệp có tầm nhìn và sứ mệnh cụ thể thì đó chính là kim chỉ nam định hướng sự phát triển, tạo ra động lực và là nguồn cảm hứng bất tận cho toàn thể công ty. Vậy tầm nhìn là gì? Sứ mệnh là gì? Tất cả sẽ được chúng tôi giải đáp một cách cụ thể, chi tiết trong nội dung dưới đây.


Tầm nhìn là gì? Sứ mệnh là gì? Ví dụ về tầm nhìn và sứ mệnh
 

Mục lục

Tầm nhìn là gì?

Tầm nhìn không chỉ là một tuyên bố ngắn gọn, mà còn là một cách nhìn sâu sắc và tổng quan về mục tiêu mà doanh nghiệp hoặc tổ chức muốn đạt được trong tương lai. Hiểu một cách đơn giản, tầm nhìn sẽ trả lời cho câu hỏi "Doanh nghiệp muốn trở thành gì trong tương lai?".

Tầm nhìn không chỉ đơn thuần là một bức tranh về nơi mà doanh nghiệp muốn hướng tới, mà còn bao gồm một cái nhìn chi tiết về lĩnh vực hoạt động, những cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt. Từ tầm nhìn đó, các nhà lãnh đạo mới có thể đưa ra được các quyết định cùng chiến lược dài hạn để đảm bảo sự thành công và bền vững cho doanh nghiệp trên thương trường.

Sứ mệnh là gì?

Sứ mệnh chính là "lá cờ" định hướng cho mọi hoạt động và cam kết tạo ra giá trị của bất kỳ doanh nghiệp nào. Cũng giống như tầm nhìn, sứ mệnh là một tuyên bố súc tích nhưng lại hướng đến mục đích tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nó sẽ cụ thể hóa những nhiệm vụ quan trọng mà tổ chức cần thực hiện để mang lại giá trị cho khách hàng và cộng đồng. Có thể nói, sứ mệnh được xem là một “ngọn đuốc” rọi sáng để doanh nghiệp đi đúng hướng và đạt được tầm nhìn đã đề ra.

Do đó mà sứ mệnh vừa được xem là hiện tại (vì chúng ta vốn đang theo đuổi) nhưng đồng thời cũng vừa là tương lai (vì chúng ta sẽ theo đuổi lâu dài). Khác với một nhiệm vụ có deadline hoàn thành, sứ mệnh là một nhiệm vụ vô thời hạn và hoàn toàn không có hồi kết, chỉ ngoại trừ trường hợp khi chúng ta muốn dừng lại.


Sứ mệnh là gì?
 

Sự khác biệt giữa tầm nhìn và sứ mệnh

Mặc dù đều hướng đến những giá trị tốt đẹp cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế, giữa tầm nhìn và sứ mệnh của công ty vẫn có một số điểm khác biệt. Việc phân biệt sứ mệnh và tầm nhìn được thực hiện một cách rõ ràng trong bảng so sánh dưới đây:

 

So sánh

Tầm nhìn

Sứ mệnh

Vai trò

Khẳng định giá trị và mục đích tồn tại của doanh nghiệp, đồng thời định hình hướng đi và lộ trình phát triển trong tương lai.

Giúp doanh nghiệp xác định con đường để đạt được mục tiêu, cũng như tìm ra những giá trị cốt lõi nhằm làm nền tảng cho sự phát triển của tổ chức.

Chức năng

Giúp cho doanh nghiệp nhìn thấy hình ảnh của mình trong tương lai và thúc đẩy nỗ lực làm việc để đạt được mục tiêu hiệu quả.

Sứ mệnh giúp doanh nghiệp xác định rõ những mục tiêu cần đạt được, từ đó hướng dẫn các nhiệm vụ cần thực hiện để tiến gần hơn đến thành công.

Tính chất

Lý giải cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Vậy nên mà nếu không cần thiết, doanh nghiệp không nên thay đổi tầm nhìn.

Các nhà lãnh đạo có thể điều chỉnh sứ mệnh để phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng tầm nhìn vẫn giữ vững giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.

Thời gian

Làm sáng tỏ tương lai, miêu tả một hướng đi rực rỡ, tràn đầy hi vọng.

Phản ánh mục đích và giá trị của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.

Trả lời cho câu hỏi

Chúng ta sẽ ở đâu trong tương lai?

Chúng ta cần làm gì để đạt được thành công?

 

Ý nghĩa của tầm nhìn và sứ mệnh trong doanh nghiệp

Sứ mệnh và tầm nhìn có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng giúp tổ chức có một mục tiêu chung và đồng nhất, cũng như tạo nên tinh thần làm việc tích cực và gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên lại với nhau. Ngoài ra, sứ mệnh và tầm nhìn được doanh nghiệp thể hiện một cách rõ ràng còn mang lại những ý nghĩa vô cùng quan trọng như sau:

1. Kim chỉ nam giúp doanh nghiệp đi đúng hướng

Tầm nhìn được xem là kim chỉ nam để giúp những nhà lãnh đạo có thể xác định được đích đến của doanh nghiệp và hiểu rõ về những cơ hội / thách thức đang hiện diện trước mắt. Ngoài ra, việc xác định rõ tầm nhìn sẽ là nguồn cảm hứng để bạn đưa ra những chiến lược thông minh nhằm “chèo lái” doanh nghiệp tới đích đến của sự thành công. Bên cạnh đó, việc đề ra tầm nhìn cũng chính là cơ sở để giúp doanh nghiệp chuẩn bị một hành trang vững chắc nhằm sẵn sàng đối phó với những khó khăn, thách thức, đồng thời duy trì mục tiêu và định hướng đã chọn.

2. Tạo động lực và niềm tự hào cho nhân viên

Không chỉ là chiếc la bàn của doanh nghiệp, sứ mệnh và tầm nhìn cũng là nguồn động lực, niềm tự hào cho nhân viên. Khi họ có thể nhận thức được vai trò của mình trong sứ mệnh của doanh nghiệp, họ sẽ cảm thấy tự hào và có động lực để làm việc hết mình.

Đặc biệt, khi tất cả mọi người đều cùng hướng tới một mục tiêu chung thì dĩ nhiên, họ sẽ có xu hướng cảm thấy gắn bó và cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn để đạt được thành công. Điều này cũng giúp tạo nên một môi trường làm việc tích cực và đoàn kết, giúp tăng cường hiệu quả làm việc cho doanh nghiệp.

3. Xây dựng sự gắn kết chặt chẽ trong doanh nghiệp

Tầm nhìn và sứ mệnh trong công ty còn cho phép các nhà lãnh đạo phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả trong quá trình làm việc, đồng thời phát triển từng phòng ban theo nhiệm vụ và chuyên môn khác nhau. Điều này giúp tạo ra một tổ chức chặt chẽ, có sự liên kết và chuyên nghiệp hơn khi triển khai công việc. Ngoài ra, việc tuyên bố về sứ mệnh và tầm nhìn cũng giúp doanh nghiệp đánh giá được hiệu quả của việc triển khai các mục tiêu dựa trên những tiêu chí như chi phí, thời gian cùng các chỉ số đạt được.

4. Nâng cao uy tín và thu hút đối tác, khách hàng

Sứ mệnh, tầm nhìn nhìn trong công ty cũng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng uy tín và thu hút đối tác, khách hàng. Khi doanh nghiệp có một sứ mệnh và tầm nhìn rõ ràng, đầy tính nhân văn thì dĩ nhiên, nó sẽ được đánh giá cao hơn so với các thương hiệu còn lại, đồng thời thu hút thêm nhiều sự quan tâm của các đối tác và khách hàng.

Sứ mệnh và tầm nhìn
 

Cách xác định tầm nhìn và sứ mệnh cho doanh nghiệp

Xác định tầm nhìn và sứ mệnh là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để xác định được sứ mệnh và tầm nhìn, đồng thời phản ánh đúng những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đang hướng tới? Nếu bạn đang gặp khó khăn trong vấn đề này, hãy cùng chúng tôi giải đáp cụ thể trong từng bước dưới đây:

1. Nghiên cứu, phân tích thị trường

Thị trường đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Vì vậy mà khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng về thị trường mục tiêu mà họ muốn tiếp cận bằng cách đặt ra những câu hỏi sau:

- Sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp có phù hợp và giải quyết được vấn đề của khách hàng mục tiêu không?

- Sản phẩm này đáp ứng được nhu cầu nào của khách hàng?

- Tại sao khách hàng nên lựa chọn sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp? Doanh nghiệp sẽ mang lại những giá trị gì cho khách hàng?

Trong một thị trường mà xu hướng, sự mong đợi và nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi không theo bất kỳ quy luật nào thì chắc chắn, việc thường xuyên chủ động nghiên cứu thị trường sẽ là nền tảng cốt yếu giúp doanh nghiệp hiểu rõ tâm lý người tiêu dùng và xác định đúng hướng đi của mình trong tương lai.

2. Xác định các giá trị và mục tiêu của doanh nghiệp

Sau khi đã tìm hiểu và có cái nhìn tổng quan về thị trường, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần xác định rõ những giá trị tốt nhất mà họ có thể mang đến cho những vị khách của mình. Cụ thể:

- Với tầm nhìn: Nhà lãnh đạo cần phải phác họa ra một bức tranh toàn diện về doanh nghiệp của mình trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là trong khoảng từ 10 hoặc 15 năm tới.

- Với sứ mệnh: Bạn không nên chỉ tập trung vào những điểm mạnh của doanh nghiệp bởi hiện nay, khách hàng ngày càng khó tính và yêu cầu cao hơn trong việc lựa chọn. Vì vậy, họ sẽ không có cảm tình với những doanh nghiệp chỉ thích “khoe mẽ” những điều hào nhoáng và lấp lánh bên ngoài nhưng lại thiếu đi sự khác biệt bên trong. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mới thành lập, hãy thật sự khiêm tốn khi nói về doanh nghiệp và cố gắng tìm kiếm những ý tưởng mới lạ, độc đáo và khác biệt so với những gì vốn rất nhan nhản trên thị trường hiện tại.
 

Tầm nhìn và sứ mệnh
 

3. Sáng tạo và brainstorming ý tưởng

Không thể phủ nhận rằng đối với những doanh nghiệp trẻ hay startup, việc xác định tầm nhìn và sứ mệnh là một thách thức vô cùng to lớn. Tuy nhiên, đây cũng chính là một cơ hội để họ thể hiện sự sáng tạo và đột phá của mình khi áp dụng phương pháp brainstorming. Đặc biệt là với sự năng động của Gen Z trong thị trường lao động hiện nay, các doanh nghiệp có thể tận dụng sự sáng tạo của họ để xác định tầm nhìn, sứ mệnh cho riêng mình. Nhưng điều quan trọng là thương hiệu của bạn vẫn phải duy trì tính chuyên nghiệp và xây dựng một hình ảnh tích cực trên thị trường.

Tiếp theo, hãy bắt đầu bằng việc đưa ra các ý tưởng và lý giải chi tiết về tầm nhìn, sứ mệnh cho toàn thể thành viên trong công ty để mọi người cùng nắm bắt. Quá trình này không chỉ là cơ hội để mọi người tham gia vào việc xây dựng chiến lược, mà còn tạo ra một cảm giác gần gũi để giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò và ý nghĩa công việc của mình. Điều này không chỉ là yếu tố quan trọng đối với sự thành công ngắn hạn, mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững và thành công hơn nữa của doanh nghiệp trong tương lai.

4. Thống nhất tầm nhìn, sứ mệnh một cách rõ ràng

Sau khi đã có các ý tưởng đề xuất, doanh nghiệp cần thống nhất và làm rõ tầm nhìn và sứ mệnh của mình. Điều này sẽ là nền móng giúp cho toàn bộ tổ chức có cùng một mục tiêu và hướng đi, tránh sự mơ hồ và không hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

5. Ban hành, lắng nghe và hoàn thiện

Sau khi đã có sự đồng thuận từ tất cả các thành viên trong công ty, doanh nghiệp nên chia sẻ thông tin tới công chúng. Có thể áp dụng đăng tin trên các phương tiện truyền thông, báo chí,... để mọi người đều có thể nhìn thấy, lắng nghe và hiểu rõ những giá trị, lý tưởng tốt đẹp mà doanh nghiệp đang muốn truyền tải.

Trải qua một khoảng thời gian mà khách hàng đã thật sự trải nghiệm và cho bạn những lời khuyên, đóng góp hữu ích, doanh nghiệp cần tiến hành điều chỉnh tầm nhìn và sứ mệnh để chúng trở nên hoàn thiện hơn. Có thể khẳng định, mọi hoạt động trong công ty đều cần phải dựa trên sự lắng nghe, chia sẻ và phát triển dựa trên tinh thần tiếp nhận đổi mới, phản biện, thảo luận, cùng đóng góp ý kiến,... để tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp trở nên vững mạnh hơn.


Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi
 

Ví dụ về tầm nhìn và sứ mệnh của các doanh nghiệp hàng đầu

Để giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về vai trò của tầm nhìn, sứ mệnh trong doanh nghiệp, chúng ta hãy cùng tìm hiểu và phân tích sâu hơn về những thành công đáng nể của các doanh nghiệp hàng đầu hiện nay. Từ đây, ta có thể xác định được mà các doanh nghiệp đạt được những thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực kinh doanh của mình thông qua chính lời cam kết trong tầm nhìn, sứ mệnh của họ.

1. Ví dụ về tầm nhìn và sứ mệnh của công ty nổi tiếng Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với sự phát triển không ngừng nghỉ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao về quy mô và uy tín trên thị trường. Dưới đây là ví dụ về tầm nhìn và sứ mệnh của các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.

Tầm nhìn và sứ mệnh của Vinamilk

Vinamilk là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm sữa tại Việt Nam. Được thành lập vào năm 1976, Vinamilk đã trải qua hơn 40 năm phát triển và trở thành một trong những thương hiệu quen thuộc được tin dùng bởi người tiêu dùng.

- Tầm nhìn: “Trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người”.

Có thể thấy, tầm nhìn của Vinamilk đã thể hiện rất rõ tinh thần luôn cố gắng vươn lên để phát triển và duy trì vị thế hàng đầu, đồng thời trở thành biểu tượng tin cậy số 1 của người Việt.

- Sứ mệnh: “Vinamilk cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng và chất lượng cao cấp hàng đầu bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội”.

Sứ mệnh của Vinamilk chính là lời cam kết với người tiêu dùng Việt Nam. Sự tôn trọng, yêu thương và trách nhiệm với xã hội chính là nguồn động lực để Vinamilk thực hiện lời hứa mang lại cho cộng đồng những sản phẩm dinh dưỡng và chất lượng hàng đầu.


Sứ mệnh của doanh nghiệp
 

Tầm nhìn và sứ mệnh của Viettel

Tập đoàn công nghệ - Viễn thông Quân đội Viettel là một trong những tập đoàn hàng đầu và thành công nhất trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam. Với lợi thế chuyên cung cấp các dịch vụ hàng đầu về viễn thông và công nghệ thông tin, Viettel đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình không chỉ tại thị trường nội địa mà còn trở thành một trong những tên tuổi được nhiều người biết đến trên bản đồ quốc tế.

- Tầm nhìn: “Sáng tạo vì con người”.

Với triết lý mỗi khách hàng là một cá nhân độc đáo, xứng đáng được tôn trọng, quan tâm và lắng nghe, Viettel đã không ngừng tìm kiếm những giải pháp thực tế và đặt trải nghiệm của khách hàng lên hàng đầu. Tập đoàn cũng liên tục đổi mới, sáng tạo với mong muốn sẽ luôn đồng hành cùng khách hàng để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ ngày càng hoàn hảo hơn.

- Sứ mệnh: “Tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số”.

Với sứ mệnh này, Viettel cam kết sẽ đóng góp vào việc phát triển xã hội số bằng cách cung cấp các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin tiên tiến để cải thiện, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng. Ngoài ra, sứ mệnh này cũng nhấn mạnh vai trò của Viettel trong việc đảm bảo tất cả người dân Việt Nam, kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin, từ đó thúc đẩy họ tham gia vào xã hội số một cách tích cực và bền vững.


Sứ mệnh tầm nhìn của công ty
 

Tầm nhìn và sứ mệnh của Vingroup

Vingroup là tập đoàn được thành lập tại Ukraina bởi những người trẻ Việt Nam và người đại diện là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ban đầu, công ty chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thực phẩm và đã đạt được một số thành công nổi bật với thương hiệu Mivina. Đến năm 2000, Vingroup quyết định chuyển trọng tâm đầu tư về Việt Nam với mục tiêu góp phần xây dựng đất nước. Cũng kể từ thời điểm đó, Vingroup đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và mở rộng sang các lĩnh vực khác như: y tế, bất động sản, du lịch, xe hơi,.... Điều này cũng đã được thể hiện một cách rõ ràng thông qua tầm nhìn mà Vingroup đã thể hiện: 

- Tầm nhìn: “Vingroup định hướng phát triển thành tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - thương mại dịch vụ hàng đầu khu vực”.

- Sứ mệnh: “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”.

Để thực hiện sứ mệnh này, Vingroup đã không ngừng đổi mới và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm / dịch vụ đẳng cấp với chất lượng cao nhất.

Sứ mệnh tầm nhìn doanh nghiệp
 

Tầm nhìn và sứ mệnh của Trung Nguyên

Trung Nguyên là một trong những thương hiệu cà phê đẳng cấp với khát khao chinh phục mọi châu lục. Bằng cách tuyển chọn những hạt cà phê thơm ngon, chất lượng cùng giá trị văn hóa và lòng tự tôn dân tộc, Trung Nguyên đã nhanh chóng trở thành “ông trùm” cà phê tại Việt Nam.

Trong đó, chiến lược branding marketing của Trung Nguyên cũng chính là một điểm tựa quan trọng trên hành trình thành công này. Không chỉ là một thương hiệu của người Việt, thương hiệu Trung Nguyên còn biết cách định hình và kết nối cảm xúc, nhu cầu của người tiêu dùng để tạo nên một liên kết sâu sắc giữa thương hiệu và khách hàng.

- Tầm nhìn: “Tổ chức vĩ đại bằng phụng sự cộng đồng nhân loại”.

- Sứ mệnh: “Xây dựng một cộng đồng nhân loại hợp nhất theo một hệ giá trị của lối sống tỉnh thức, đem đến thành công và hạnh phúc thực sự”.


Tầm nhìn doanh nghiệp
 

2. Ví dụ về sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp hàng đầu thế giới 

Không chỉ có các doanh nghiệp tại Việt Nam, những tập đoàn hàng đầu thế giới như Coca-Cola, Samsung, Apple và Google cũng có những mục tiêu và sứ mệnh đặc biệt để góp phần vào sự tiến bộ toàn cầu và cung cấp những sản phẩm / dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng.

Tầm nhìn và sứ mệnh của Coca-Cola

Coca-Cola là một trong những thương hiệu được nhận diện dễ dàng nhất trên thế giới với logo hai màu đỏ và trắng đặc trưng đã trở thành biểu tượng cho các loại đồ uống giải khát. Trong suốt hơn một thế kỷ không ngừng phát triển, Coca-Cola đã xây dựng nền tảng để trở thành một doanh nghiệp cung cấp nước giải khát toàn diện và không ngừng theo đuổi giá trị tầm nhìn và sứ mệnh sau:

- Tầm nhìn: “Tầm nhìn của Coca-Cola là trở thành thương hiệu đồ uống được nhiều người yêu thích bằng cách mang lại cho khách hàng trải nghiệm sảng khoái cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, chúng tôi cam kết thực hiện điều này thông qua việc xây dựng một doanh nghiệp bền vững và tạo ra một tương lai mà mọi người có thể chia sẻ tốt hơn, từ đó tác động tích cực đến cộng đồng, xã hội và hành tinh”.

- Sứ mệnh: “Đổi mới thế giới và làm nên điều khác biệt”.


Sứ mệnh doanh nghiệp
 

Tầm nhìn và sứ mệnh của Samsung

Samsung là một tập đoàn đa ngành có quy mô và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Hàn Quốc, cũng như là một trong những thương hiệu công nghệ hàng đầu trên toàn cầu. Với sự ảnh hưởng vô cùng to lớn trong việc phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thông và đời sống xã hội tại Hàn Quốc, Samsung luôn tuân thủ tầm nhìn và sứ mệnh đã đề ra.

- Tầm nhìn: “Truyền cảm hứng cho thế giới. Sáng tạo tương lai”.

- Sứ mệnh: “Hướng đến một tương lai với giá trị và cuộc sống cong người là nền tảng cốt lõi để tạo nên sự thịnh vượng của xã hội”.


Ví dụ về tầm nhìn và sứ mệnh
 

Tầm nhìn và sứ mệnh của Apple

Apple là một biểu tượng toàn cầu trong ngành công nghệ khi nổi tiếng với các sản phẩm tiên tiến như iPhone, iPad, Mac và Apple Watch. Không chỉ được đánh giá cao bởi bản sắc thương hiệu độc đáo, các sản phẩm của Apple cũng luôn được công nhận và yêu thích trên toàn thế giới.

Để đạt được vị thế hiện tại, Apple đã không ngừng xây dựng thương hiệu của mình dựa trên ba giá trị cốt lõi: sự đổi mới, thiết kế và đơn giản. Những giá trị này không chỉ là nguyên tắc hoạt động mà còn là tinh thần mà công ty muốn truyền đạt thông qua tuyên bố sứ mệnh và tầm nhìn.

- Tầm nhìn: “Tạo ra những sản phẩm mang tính cách mạng thay đổi cách mọi người sống, học hỏi, làm việc và chơi”.

- Sứ mệnh: “Thiết kế và phát triển các sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao và đơn giản hóa cuộc sống của mọi người”.


Ví dụ về tầm nhìn
 

Tầm nhìn và sứ mệnh của Google

Google là một tập đoàn công nghệ với quy mô toàn cầu và được biết đến là người bạn đồng hành không thể thiếu của con người trong cuộc sống hiện đại. Tầm nhìn, sứ mệnh của Google tập trung vào việc kết nối và mang lại giá trị cho cộng đồng thông qua công nghệ và thông tin. Đây chính là cơ sở để Google phát triển và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đa dạng nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng. Một số sản phẩm tiêu biểu của Google hiện nay gồm có: Google Search, Youtube, Google Maps, Gmail,…

- Tầm nhìn: Cung cấp thông tin cho toàn cầu chỉ với một cú click.

- Sứ mệnh: Sắp xếp và biến thông tin trở nên hữu ích, dễ dàng tiếp cận với tất cả mọi người.


Ví dụ về sứ mệnh
 

Một số câu hỏi thường gặp về tầm nhìn và sứ mệnh

Bên cạnh những thông tin vừa được chia sẻ, các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm một số câu hỏi về sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay.

1. Tại sao tầm nhìn và sứ mệnh luôn song hành cùng nhau?

Tầm nhìn và sứ mệnh là hai khái niệm quan trọng và có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Bởi để có thể đạt được tầm nhìn thì các doanh nghiệp cần phải có một sứ mệnh rõ ràng để chỉ đạo hành động và đạt được mục tiêu. Ngoài ra, sứ mệnh cũng cần phản ánh được tầm nhìn của doanh nghiệp để lấy đó làm mục tiêu phát triển.

Vì thế, tầm nhìn cùng sứ mệnh luôn là hai yếu tố quan trọng và thường xuyên đi đôi với nhau để xây dựng nên một bức tranh tổng thể nhằm giúp cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần vào sự tiến bộ của xã hội và cộng đồng.


Tầm nhìn và sứ mệnh là gì?
 

2. Sứ mệnh và tầm nhìn cái nào quan trọng hơn?

Tầm nhìn và sứ mệnh là hai yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể khẳng định rằng tầm nhìn hay sứ mệnh có vai trò quan trọng hơn nhau vì cả hai đều ảnh hưởng đến thành công của doanh nghiệp.

Trong đó, tầm nhìn giúp định hướng cho sự phát triển tương lai của tổ chức hoặc doanh nghiệp, tạo động lực cho nhân viên và thu hút các đối tác lẫn khách hàng. Còn sứ mệnh là một tuyên bố ngắn gọn để lý giải cho sự tồn tại và nhiệm vụ chính mà doanh nghiệp đang thực hiện.

3. Làm thế nào để đảm bảo tầm nhìn và sứ mệnh được thực thi hiệu quả?

Để thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh hiệu quả, bạn cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố dưới đây:

Truyền thông rõ ràng:

- Chia sẻ rộng rãi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp cho tất cả các bên liên quan qua những kênh truyền thông phù hợp, đồng thời đảm bảo rằng mọi người đều hiểu rõ ý nghĩa của chúng.

- Liên tục nhắc nhở và cập nhật về tầm nhìn và sứ mệnh khi doanh nghiệp có sự thay đổi trong chiến lược hoặc môi trường kinh doanh.

Gắn kết với mục tiêu và chiến lược:

- Chia tầm nhìn và sứ mệnh thành mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để dễ dàng đo lường.

- Đảm bảo các chiến lược khi triển khai đều phản ánh được mục tiêu và sứ mệnh chung của tổ chức.

Tạo động lực và sự tham gia:

- Tạo sự liên kết giữa mục tiêu của tổ chức và giá trị cá nhân của các thành viên trong doanh nghiệp.

- Tôn vinh những cá nhân và nhóm có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh.

- Tạo môi trường làm việc khuyến khích nhân viên đóng góp ý tưởng và đề xuất giải pháp mới để thực hiện mục tiêu và sứ mệnh của tổ chức.

Đánh giá và cải tiến liên tục:

- Sử dụng các chỉ tiêu cụ thể để đo lường mức độ đạt được mục tiêu và nhận biết các điểm mạnh / yếu nhằm cải thiện.

- Chia sẻ những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh, từ đó áp dụng vào trong các hoạt động tương lai của doanh nghiệp.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác như:

- Sự tham gia của lãnh đạo: Lãnh đạo phải thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đối với tầm nhìn và sứ mệnh của công ty, đồng thời làm gương mẫu trong việc thực hiện.

- Sự đồng lòng của tập thể: Để thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh thành công, cần có sự đồng lòng và sự hợp tác của tất cả các thành viên trong tổ chức.

- Văn hóa doanh nghiệp phù hợp: Văn hóa doanh nghiệp cần phản ánh tầm nhìn và sứ mệnh, cũng như khuyến khích các hoạt động cần thiết để thực hiện chúng một cách thành công.


Ví dụ tầm nhìn và sứ mệnh
 

Với những thông tin vừa được chia sẻ, Phương Nam Vina hi vọng bạn đã nắm rõ khái niệm tầm nhìn là gì, sứ mệnh là gì cùng ý nghĩa mà chúng mang lại cho doanh nghiệp. Dù hai khái niệm này có sự khác biệt trong bản chất nhưng trên thực tế lại hoạt động một cách hài hòa và hỗ trợ nhau trong việc xây dựng chiến lược. Điều này đóng vai trò rất lớn trong việc giúp doanh nghiệp nhanh chóng đạt được sự thành công bền vững, cũng như góp phần tích cực vào quá trình phát triển của cộng đồng và xã hội.

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website Brand equity là gì? Chiến lược xây dựng tài sản thương hiệu

icon thiết kế website Bộ nhận diện thương hiệu và những yếu tố không thể bỏ qua

icon thiết kế website Quản trị doanh nghiệp là gì? Từ A - Z về quản trị doanh nghiệp

Bài viết mới nhất

Tagline là gì? Cách tạo ra tagline ấn tượng, đi vào lòng người

Tagline là gì? Cách tạo ra tagline ấn tượng, đi vào lòng người

Tagline là một trong những yếu tố mà doanh nghiệp sử dụng để nhấn mạnh vào các giá trị, điểm mạnh của sản phẩm / dịch vụ do mình cung cấp.

Backdrop là gì? Điểm danh các loại backdrop phổ biến hiện nay

Backdrop là gì? Điểm danh các loại backdrop phổ biến hiện nay

Backdrop là một yếu tố quan trọng không thể thiếu và góp phần tạo nên sự thành công cho bất kỳ một sự kiện hay chương trình nào.

Văn hóa doanh nghiệp là gì? Tip xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là gì? Tip xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp được ví cá tính của một công ty, tổ chức và có tác động đến kết quả kinh doanh, sự bền vững của doanh nghiệp.

Chân dung khách hàng là gì? Cách xác định customer persona

Chân dung khách hàng là gì? Cách xác định customer persona

Việc hiểu rõ chân dung khách hàng là một nhiệm vụ quan trọng đối với các chiến lược kinh doanh, tiếp thị của tất cả doanh nghiệp trên thị trường.

Marketing 5.0 là gì? Khám phá 5 xu hướng của marketing 5.0

Marketing 5.0 là gì? Khám phá 5 xu hướng của marketing 5.0

Marketing 5.0 là một xu hướng tiếp thị mới đang ngày càng bùng nổ trong thời đại số và làm thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Blog là gì? Tất tần tật những điều cần biết về web blog

Blog là gì? Tất tần tật những điều cần biết về web blog

Blog vốn xuất hiện từ lâu trên Internet và là nền tảng quen thuộc được nhiều người sử dụng để chia sẻ về cuộc sống cũng như công việc của mình.

zalo