Trong một thời đại mà sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, big ideas được ví như huyết mạch để khẳng định sức mạnh của doanh nghiệp. Bởi nhờ có big idea, mọi vấn đề liên quan đến “bài toán” insight khách hàng tưởng chừng rất khó khăn đều sẽ được giải quyết một cách hiệu quả. Vậy big idea là gì? Big idea có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của doanh nghiệp? Theo dõi bài viết này để chúng tôi tìm kiếm câu trả lời chính xác nhé.
- Big idea là gì?
- Giải mã sự khác biệt giữa big idea, insight và key message
- Vai trò của big idea trong chiến dịch marketing
- Các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến big idea
- Những tiêu chí tạo nên một big idea hiệu quả, thành công
- Hướng dẫn xây dựng big idea bùng nổ truyền thông
- Một số sai lầm thường gặp khi xây dựng big idea
- Ví dụ về big idea của các thương hiệu hàng đầu
Big idea là gì?
Đúng như ý nghĩa trên từng mặt chữ, big ideas chính là những ý tưởng lớn được tạo ra trong lĩnh vực marketing. Hiểu một cách đơn giản thì big idea chính là ý tưởng truyền thông chủ đạo trong một chiến dịch tiếp thị bất kỳ mà doanh nghiệp muốn nhắm đến khách hàng.
Có thể nói, big idea được ví như là trái tim của cả một chiến dịch khi nó có tác động đến khả năng truyền tải thông điệp của thương hiệu đến với khách hàng. Vì vậy, một big idea ấn tượng, chất lượng sẽ giúp cho thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải trở nên hấp dẫn và dễ nhớ hơn đối với người xem.
Giải mã sự khác biệt giữa big idea, insight và key message
Giữa một thị trường đang dần bị bão hòa trong vô vàn các sản phẩm có đặc tính tương tự như hiện nay, một doanh nghiệp muốn giành được phần thắng trước đối thủ bắt buộc cần phải có chiến lược marketing đủ tốt. Và trong quá trình thực hiện, việc hiểu rõ các khái niệm như Insight, Big Idea và Key Message chính là một điều kiện tiên quyết. Vậy bạn có nhận ra được sự khác biệt giữa những khái niệm này?
- Insight: Insight là một thuật ngữ tiếng Anh mang nghĩa là sự thật ngầm hiểu, tức là việc thấu hiểu hành vi khách hàng dưới một góc nhìn sâu sắc hơn. Hiểu đơn giản thì đây chính là khái niệm dùng để diễn tả những sở thích, hành vi và nhu cầu thật sự được ẩn giấu phía sau hành động mua hàng của người tiêu dùng.
- Big idea: Nếu chúng ta xem insight là một bài toán khó cần giải thì rõ ràng, big idea chính là lời giải mà bạn đang tìm kiếm. Từ việc hiểu rõ những gì mà khách hàng đang gặp phải, doanh nghiệp của bạn cần phải liên tục nảy sinh ra những ý tưởng liên tục để giải quyết các vấn đề đó cho khách hàng. Tuy nhiên, vì là big idea nên ý tưởng đó cần phải nổi bật và phù hợp với doanh nghiệp, đồng thời được sử dụng để định hướng cho các hành động lâu dài trên chặng đường phát triển của thương hiệu.
- Key message: Là những thông điệp cốt lõi mà thương hiệu muốn truyền tải và khiến cho khách hàng có thể ghi nhớ, key message chính là việc tạo ra ý nghĩa và đặt tiêu đề cho nội dung mà bạn muốn thảo luận. Nếu chúng ta ví big idea giống như một cái bánh khổng lồ thu hút người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên thì với key message, nó lại là một lớp nhân quyến rũ giúp khách hàng lưu giữ những trải nghiệm tuyệt vời khó quên về doanh nghiệp.
Vai trò của big idea trong chiến dịch marketing
Là một chuyên gia marketing thực thụ, chắc chắn bạn không thể nào cho triển khai các chiến dịch tiếp thị chỉ chăm chăm đến lợi ích thương hiệu và tập trung quá nhiều vào chức năng, giá trị của sản phẩm. Điều này thực tế không hẳn là sai, nhưng nó sẽ khiến cho người xem cảm thấy nhàm chán khi theo dõi, thậm chí là nhanh chóng lãng quên vì họ không có nhu cầu phải lắng nghe những nội dung dài ngoằng đó.
Đó chính là lý do vì sao mà việc triển khai big idea chính là yếu tố then chốt để bạn có thể xác định rõ những điều mà mình muốn khán giả nhớ về chiến dịch. Thông qua ý tưởng lớn, toàn bộ mọi hoạt động sau đó trong chiến dịch sẽ được thực hiện trên cùng một quỹ đạo với các thông điệp được truyền tải liên tục nhằm hướng đến mục tiêu nhất quán.
Chính vì điều này mà sự sáng tạo, độc đáo trong big ideas rất được xem trọng, nhưng đồng thời cũng phải thật sự gần gũi với khách hàng mục tiêu để có thể dễ dàng chạm đến trái tim của họ, đồng thời khắc sâu vào trong tâm trí mỗi người. Có như vậy thì chiến dịch marketing của bạn mới được xem là thành công và thúc đẩy khả năng chuyển đổi từ khách hàng.
Các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến big idea
Có thể nhiều người không để ý nhưng trên thực tế, tất cả các chiến dịch quảng cáo tạo được tiếng vang lớn đều sẽ được đi kèm một big idea mạnh mẽ. Bởi nếu không, dù quảng cáo của bạn có viral đến thế nào nhưng nếu thiếu đi một ý tưởng lớn thì nó cũng không đủ sức để tồn tại sâu trong tiềm thức của khách hàng. Tất nhiên, big ideas muốn đạt được thành công sẽ cần phải dựa vào các yếu tố then chốt dưới đây:
- Target audience: Big idea nhắm đến ai? Họ sống ở đâu, có thu nhập như thế nào và hành vi, lối sống, sở thích của họ ra sao?
- Insight: Big idea cần phải được phát triển từ sự thấu hiểu sâu sắc về các nhu cầu, những nỗi đau, mong muốn mà họ nhận được (thông tin, cảm xúc, sản phẩm). Sau khi đã có insight khách hàng, việc tiếp theo mà bạn cần làm đó chính là phải đào sâu để nghiên cứu nó.
- Context: Một ý tưởng lớn muốn thành công cần phải được lồng ghép một cách tự nhiên với các yếu tố về không gian, thời gian, câu chuyện và bối cảnh nhân vật,... mục đích chính là để tạo ra mối liên kết mạnh mẽ với thương hiệu và sản phẩm của bạn.
- Storytelling: Để có thể chạm đến cảm xúc của khách hàng và làm cho họ phải “rút ví” mua sản phẩm của mình thì các marketer cần phải xây dựng nên một câu chuyện lôi cuốn thông qua big idea của mình, đồng thời mang thông điệp cốt lõi của thương hiệu.
- Visual communication: Đây thực chất chính là phương thức tiếp thị bằng thị giác thông qua việc thể hiện những hình ảnh đẹp mắt, hấp dẫn. Lấy ngay ví dụ trên nền tảng Instagram, hình ảnh sẽ chiếm 90% diện tích của một bài đăng nên khách hàng sẽ thường chú ý đến hình ảnh trước, sau đó mới quyết định có nên đọc tiếp nội dung hay không. Vì vậy, việc thiết kế một key visual xịn sò, chất lượng hoặc một banner bắt mắt sẽ giúp giữ chân khách hàng hiệu quả.
Những tiêu chí tạo nên một big idea hiệu quả, thành công
Những ý tưởng lớn vốn được tạo ra từ chính sự sáng tạo của con người, nhưng để có thể thật sự chiếm được trái tim của khách hàng thì big idea vẫn cần phải tuân theo một số tiêu chí nhất định. Điển hình trong số đó cần phải kể đến là:
1. Đơn giản, súc tích, dễ nhớ
Có một sự thật là mọi người đều thích đọc những nội dung ngắn gọn và dễ nhớ. Vì vậy, đừng bao giờ làm cho khán giả của bạn phải nhớ quá nhiều với những nội dung dài dòng, thiếu điểm nhấn. Thay vào đó, hãy khiến họ mê mẩn ngay từ cái nhìn đầu tiên bằng một khẩu hiệu đơn giản, ngắn gọn nhưng ấn tượng và độc đáo.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng hầu hết các chiến dịch marketing thành công đến từ các thương hiệu nổi tiếng hiện nay cũng đều sử dụng những câu slogan rất ngắn gọn, ví dụ như: Think Different (Apple), I’m Lovin’ It (Mcdonald's), Every Little Helps (Tesco),....
2. Độc đáo, khác biệt
Giữa hàng nghìn ý tưởng và chiến dịch được tạo ra mỗi ngày, cách duy nhất để bạn có thể thu hút sự quan tâm của người xem đó là trở nên nổi bật với sự khác biệt của mình. Bởi lẽ, khán giả vốn thường không thích những điều quá quen thuộc nên bạn hãy chinh phục họ bằng những điều thú vị, mới mẻ.
Tuy nhiên, một big idea chất lượng thực tế không nhất thiết phải hoàn toàn mới mẻ hay độc đáo trong từng khía cạnh. Thay vào đó, việc mà bạn thể hiện ý tưởng sẽ có vai trò rất lớn để biến một idea vốn tưởng chừng bình thường lại trở thành một sáng kiến đặc biệt.
3. Có khả năng ảnh hưởng
Big Idea không chỉ là việc phát triển một ý tưởng sáng tạo, mà đó còn là khả năng thay đổi thái độ, niềm tin và hành vi của đối tượng mục tiêu đối với một vấn đề cụ thể. Một ý tưởng thực sự xuất sắc có thể ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, khách hàng tiềm năng, thậm chí là cả đối thủ cạnh tranh và chính bản thân doanh nghiệp. Để làm điều này thì trước đó, big idea cần phải "nắm bắt" được insight của đối tượng mục tiêu, đồng thời trở thành giải pháp tối ưu nhất để kích thích họ hành động.
4. Gắn kết với thương hiệu
Dù ý tưởng của bạn có độc đáo và hấp dẫn đến đâu thì chúng vẫn luôn phải phục vụ cho mục đích truyền thông để nâng cao giá trị và tầm ảnh hưởng của thương hiệu. Vì lẽ đó mà big idea cần phải luôn có sự liên kết và đồng bộ với thương hiệu để giúp người tiêu dùng có thể nhớ đến doanh nghiệp một cách rõ ràng.
Hãy luôn nhớ rằng, một big Idea chất lượng là khi nó được phát từ những giá trị cốt lõi của thương hiệu, đồng thời thể hiện tốt các cá tính riêng để tạo nên một bản sắc độc đáo và tăng khả nhận diện từ khách hàng.
5. Big idea có sức hút mạnh mẽ
Một ý tưởng lớn muốn đạt được thành công cần có khả năng hấp dẫn mạnh mẽ đối với người tiêu dùng, làm cho họ không thể phủ nhận và phải nói tốt về thương hiệu, thậm chí là kích thích khác hành mở ví để mua sản phẩm. Nhưng để làm được điều này lại không hề đơn giản, bạn cần chú ý đến những yếu tố mà người tiêu dùng yêu thích hoặc không thích về nhãn hàng của bạn, trong đó bao gồm các cụm từ, giai điệu, phong cách hay cả hình thức truyền tải.
Hơn nữa, việc liên tục cập nhật những trào lưu, chủ đề mà người tiêu dùng quan tâm cùng với các vấn đề mà họ đang gặp phải trong cuộc sống cũng rất quan trọng. Bởi dù có sáng tạo đến đâu thì mọi ý tưởng lớn đều bắt nguồn từ chính insight - những nhu cầu, mong muốn và khát khao thầm kín của người tiêu dùng.
6. Có khả năng lan tỏa tự nhiên
Vào thời gian đầu, mọi chiến dịch tiếp thị đều cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của ngân sách để đầu tư vào các kênh tiếp thị nhưng cũng không nên quá phụ thuộc vào nó. Bởi lẽ, một big Idea chỉ thực sự hiệu quả khi nó có đủ sức mạnh để tự phát triển và khả năng thuyết phục khách hàng chia sẻ với những người xung quanh, thậm chí là len lỏi trong tiềm thức hay tồn tại giữa những câu chuyện hàng ngày.
Vì thế, nếu không có khả năng lan tỏa tự nhiên - "viral" thì big idea chắc chắn sẽ cần phụ thuộc vào nguồn lực tài chính để tồn tại. Và tất nhiên, đây rõ ràng không phải là một chiến lược bền vững cho tương lai của thương hiệu.
7. Khơi gợi câu chuyện
Khám phá và định hình cái tôi cá nhân là một trong những hành trình mong muốn mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều cần trải qua. Chính vì thế, một ý tưởng tốt sẽ là tấm gương phản chiếu để giúp khách hàng có thể nhận ra và nhìn thấy bản thân mình trong đó, hoặc thấy được hình mẫu lý tưởng mà bản thân họ đang mong muốn trở thành.
Xuyên suốt trong những câu chuyện từ các thương hiệu, khách hàng thường luôn bị thu hút bởi các câu chuyện đề cập về chính mình. Vì vậy, thay vì kể chính câu chuyện của thương hiệu, hãy kể về câu chuyện của người tiêu dùng bởi đó mới là thứ mà họ thật sự muốn nghe.
Hướng dẫn xây dựng big idea bùng nổ truyền thông
Một ý tưởng thông thường có thể xuất hiện đột ngột vào lúc mà chúng ta không lường trước. Tuy nhiên, một big idea thực sự phải xuất phát từ chính insight của khách hàng mục tiêu. Điều này có nghĩa là bạn cần phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về đối tượng mục tiêu của mình trước khi bắt tay vào xây dựng big ideas cho chiến dịch marketing cụ thể. Và để hiểu rõ hơn về quy trình này, bạn hãy theo dõi từng bước dưới đây:
1. Xác định các yếu tố cốt lõi
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tạo ra một ý tưởng lớn độc đáo, hãy dừng lại và đảm bảo rằng bạn đã xác định được những yếu tố quan trọng của chiến dịch. Cụ thể thì trong giai đoạn đầu, các yếu tố cốt lõi mà bạn cần xác định sẽ bao gồm:
- Xác định mục tiêu của chiến dịch marketing, ví dụ như tăng doanh số, tăng nhận thức thương hiệu,....
- Xác định đối tượng khách hàng dựa trên giới tính, độ tuổi, thói quen, sở thích, giá trị và nhu cầu thực tế của họ.
- Tìm hiểu về sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm các đặc điểm, ưu điểm, nhược điểm và giá trị của chúng.
- Nghiên cứu về thị trường, bao gồm kích thước, tốc độ tăng trưởng, xu hướng và tiềm năng phát triển.
- Tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh, bao gồm các sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ cung cấp, điểm mạnh - điểm yếu và chiến lược marketing của họ.
Nếu bạn không thể chắc chắn hoặc chưa trả lời đúng những câu hỏi này thì việc tìm ra một big idea sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn đã xác định rõ ràng những điểm này trước khi tiếp tục suy nghĩ và phát triển ý tưởng lớn của mình.
2. Đào sâu insight khách hàng
Như đã nhấn mạnh ở đầu, big ideas chính là lời giải cho bài toán insight của khách hàng. Vì vậy, để có thể tạo ra được một ý tưởng lớn hút hồn người xem thì bạn cần phải bắt đầu với việc đào sâu vào insight khách hàng thông qua những cách sau:
- Phác họa chân dung khách hàng bằng cách áp dụng các yếu tố nhân khẩu học (giới tính, độ tuổi, văn hóa, thu nhập,...); vị trí địa lý (nông thôn hoặc thành thị); hành vi (sở thích, thói quen, hái độ, quan niệm,…); tâm lý học (lối sống, cá tính, tầng lớp xã hội,...).
- Sử dụng các công cụ phân tích như Google Analytics, Amplitude hay Mixpanel để mua dữ liệu, sau đó đo lường và phân tích nhằm xác định chính xác khách hàng mục tiêu.
- Áp dụng các mô hình 3C Truth, Truth - Tension - Motivation,... để thấu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của khách hàng.
3. Tìm kiếm sự kết nối giữa thương hiệu và khách hàng
Việc thiết lập một sợi dây kết nối thật chặt chẽ giữa thương hiệu và big idea không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra những chiến dịch tiếp thị độc đáo mà còn nâng cao giá trị thương hiệu, đồng thời dễ dàng thu hút được sự quan tâm và để lại ấn tượng trong tâm trí của khách hàng.
Từ việc "thấu hiểu" được phân tích trong giai đoạn trước, bạn có thể kết nối các điểm chung này để khám phá mối liên kết giữa khách hàng và thương hiệu. Việc này chắc chắn sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về những lo ngại của khách hàng mục tiêu và phát triển các chiến dịch phù hợp với nhu cầu của họ thông qua hai câu hỏi sau:
- Sản phẩm / thương hiệu của bạn có thể giúp khách hàng giải quyết được vấn đề gì?
- Sản phẩm / thương hiệu của bạn có điểm gì độc đáo mà không sản phẩm nào khác trên thị trường có thể bắt chước hay thỏa mãn được?
4. Thử nghiệm, phát triển big idea
Khi bạn đã định hình được ý tưởng lớn cho chiến dịch của mình, hãy cân nhắc đến việc chia sẻ nó với đồng đội, người thân hoặc bạn bè để xem liệu big idea có ảnh hưởng đến mọi người hay không.
Nếu nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau từ nhóm của bạn, hãy khuyến khích mọi người có thể trình bày quan điểm một cách rõ ràng, súc tích nhất. Việc đánh giá và nhận được góp ý từ nhiều nguồn thông tin khác nhau chính là yếu tố cốt lõi để giúp bạn đánh giá big idea của mình lại một lần nữa rồi mới đưa ra quyết định tốt nhất.
Một số sai lầm thường gặp khi xây dựng big idea
Trong quá trình triển khai big idea của các thương hiệu, việc gặp phải những khó khăn hay sai lầm là điều mà bất kỳ marketer nào cũng không thể tránh khỏi. Vì vậy, để có thể hạn chế tối đa những thiếu sót này thì bạn hãy tham khảo ngay một số sai lầm phổ biến dưới đây để tìm cách phòng tránh hiệu quả.
1. Không xác định được thách thức thật sự của vấn đề
Trước khi bắt đầu giải quyết bất kỳ một vấn đề nào, bạn cũng cần phải suy nghĩ kỹ về những vấn đề cụ thể mà thương hiệu đang phải đối diện, chẳng hạn như: Khả năng thâm nhập thị trường, gia tăng nhận thức về thương hiệu hay sự thay đổi hành vi,... Sau khi đã xác định được mục tiêu cụ thể thì bạn mới có thể tiến hành giải quyết những thách thức đó theo đúng hướng.
2. Không nghiên cứu thị trường
Làm thế nào để bạn chắc chắn rằng ý tưởng lớn của mình có thể chinh phục được khách hàng và khác biệt so với đối thủ? Nếu không thể trả lời được câu hỏi này, bạn đã mắc phải một lỗi sai nghiêm trọng khi tiến hành triển khai big ideas - đó là chưa nghiên cứu thị trường mục tiêu.
Việc tìm hiểu kỹ lưỡng về người tiêu dùng (sở thích, hành vi, mối quan tâm,...) sẽ giúp bạn giải thích được tại sao sản phẩm của mình lại được yêu thích hay chưa phù hợp với họ. Đối với ngành hàng của mình, việc tìm ra những rào cản, động lực sử dụng sản phẩm của khách hàng hay tiềm năng, hạn chế của đối thủ,... chính là bí quyết để bạn tạo ra một big ideas thông minh, có lợi thế cho mình.
3. Big Idea không xuất phát từ insight
Trong số các big idea được phát triển, hãy chọn một ý tưởng mà nó sẽ thể hiện rõ vai trò của thương hiệu và khiến người tiêu dùng phải nhận biết, yêu thích và ghi nhớ. Bởi lẽ, big idea vốn là lời giải cho bài toán insight của khách hàng nên nếu nó bị “lạc đề” thì chắc chắn, bạn cũng đừng mong người xem để mắt đến chứ đừng nói đến việc nó có thể giải quyết được vấn đề của họ.
Ví dụ về big idea của các thương hiệu hàng đầu
Để có thể hiểu rõ sức mạnh của big idea trong cuộc chiến của các thương hiệu, bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn thông qua những ví dụ về big idea dưới đây:
1. Đi để trở về - Biti’s Hunter
Trong chiến dịch quảng bá cho sản phẩm mới Biti’s Hunter - sản phẩm đánh vào tệp khách hàng là giới trẻ thích đi phượt, Biti’s đã triển khai xây dựng một big idea đầy ấn tượng với thông điệp “Đi để trở về”. Đây là một chủ đề sâu sắc khi nó đã phản ánh hơn 87.000 cuộc trò chuyện trên mạng xã hội với câu hỏi liệu có nên đi du lịch hay ở lại bên gia đình trong dịp Tết truyền thống.
Với thông điệp được truyền tải: “Có đi mới có trở về. Đi thật xa để trải nghiệm, để trưởng thành và trân trọng hành trình trở về”, Biti’s đã nhanh chóng tạo được tiếng vang trong cộng đồng giới trẻ. Thậm chí, câu nói này cũng trở thành thông điệp trung tâm trong xuyên suốt các chiến dịch tiếp thị của Biti’s từ mùa 1, mùa 2 và cả những chiến dịch về sau nữa.
Từ thông điệp này chúng ta có thể thấy rằng, thay vì tập trung vào quảng cáo sản phẩm theo cách truyền thống thì “Đi để trở về” cùng Biti’s Hunter đã chứng minh được sự thành công của một big idea đột phá khi đánh trúng vào tâm lý của khách hàng lúc bấy giờ, từ đó tạo ra cơn sốt trong suốt một thời gian dài.
2. Dirt Is Good - OMO
Thông điệp “Trắng sáng, sạch đẹp” từ lâu đã trở nên quá phổ biến trên các quảng cáo bột giặt của những thương hiệu khác. Chính vì vậy, đã đến lúc Omo cần phải đổi mới và nghĩ ra điều gì đó thật độc đáo để tạo ra sự khác biệt. Và lúc đó, big idea “Dirt Is Good” chính là câu trả lời sáng tạo giúp thương hiệu giải quyết vấn đề này.
Trong quá trình nghiên cứu insight khách hàng, các nhà tiếp thị của thương hiệu OMO đã nhận ra một điều thú vị là các bà mẹ thường e ngại về việc cho con nghịch đất vì lo lắng quần áo sẽ bị bẩn. Nhưng nếu trẻ không được chơi đất, chúng sẽ thiếu đi sự trải nghiệm và thậm chí là không thể phát triển như những đứa trẻ khác.
Do đó, để khuyến khích trẻ em có thể phát triển và khám phá thế giới thì OMO đã nhanh chóng tạo ra big idea "Dirt Is Good". Với thông điệp này, OMO đã cho thực hiện hàng loạt chiến dịch tiếp thị trên nhiều nền tảng khác nhau, từ quảng cáo truyền thống đến quảng cáo trực tuyến với mục đích nhấn mạnh rằng “Bẩn là tốt, mọi thứ đã có OMO lo”.
Kể từ khi triển khai chiến dịch, OMO cũng đã ngay lập tức gặt hái được trái ngọt cho mình khi giá trị thương hiệu không ngừng bùng nổ, doanh số bán hàng tại Châu Á cũng theo đó mà tăng lên gấp 10 lần. Không chỉ vậy, ý tưởng lớn này của OMO cũng đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ và hành vi của khách hàng trong hành trình nuôi dạy con trẻ của mình.
3. Trao Coca - Cola trao cảm xúc
Mặc dù là một thương hiệu đồ uống giải khát được yêu thích nhất tại Việt Nam nhưng trên thực tế, Coca - Cola chỉ được xếp ở vị trí thứ tư về lượng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Vậy nên, để có thể đạt được khả năng tăng trưởng thì Coca-Cola cần biến sự yêu thích này thành việc tiêu dùng thực sự.
Theo như kết quả nghiên cứu, sản phẩm của Coca-Cola chủ yếu được tiêu thụ bởi các thanh thiếu niên - nhóm đối tượng thân quen của thương hiệu. Với chiến lược kinh doanh tập trung vào nhóm khách hàng hiện tại sẽ hiệu quả hơn thu hút khách hàng mới, Coca - Cola đã nhanh chóng triển khai các chiến dịch để làm hài lòng người tiêu dùng của mình.
Cụ thể, Coca-Cola đã quyết định hợp tác với ứng dụng Zalo (mạng xã hội với hơn 30 triệu người dùng và có đến 85% khách hàng mục tiêu chính của Coca-Cola). Theo đó, họ đã thiết kế và cho quảng bá một series chat sticker cho Coca-Cola trên ứng dụng này. Tuy nhiên, điều thú vị ở đây là mỗi sticker trong bộ sưu tập sẽ được thiết kế với hình tượng là một lon Coca-Cola, kèm theo đó là các emoticons cùng biểu cảm tương ứng. Mục đích là khi sử dụng Zalo, việc người dùng chia sẻ sticker này cũng giống như họ đang chia sẻ lon Coca-Cola ảo cho đối phương vậy.
Bên cạnh việc sử dụng sticker chat trên ứng dụng Zalo, Coca-Cola còn in những hình ảnh sticker đó trực tiếp lên lon Coca-Cola ngoài đời thực. Chính điều này đã tạo ra một cơ hội cho người tiêu dùng thể hiện cảm xúc của mình khi họ có thể mua nhiều lon Coca-Cola hoặc gửi đi nhiều sticker hơn. Chiến dịch này được gọi là "Trao Coca-Cola trao cảm xúc" và được triển khai qua thiết bị di động trong suốt 4 tuần đầu của chiến dịch kéo dài 2 tháng này.
Với việc triển khai chiến dịch này, hơn 12 triệu lon Coca-Cola với sticker Emotican đã được chia sẻ trên Zalo. Thành công này đã giúp Coca-Cola nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới trẻ, tạo nhận thức sâu sắc và làm cho họ bắt đầu xem xét đến việc lựa chọn Coca-Cola khi mua thức uống giải khát.
Trên đây là những thông tin về big idea mà Phương Nam Vina muốn chia sẻ. Hi vọng từ bài viết này, bạn đã nhanh chóng khám phá được câu trả lời cho khái niệm big idea là gì và sức mạnh mà nó mang lại trong chiến lược truyền thông của doanh nghiệp. Đồng thời, từ những bí quyết mà chúng tôi vừa gợi ý, bạn có thể áp dụng để xây dựng cho mình một chiến dịch marketing thành công với ý tưởng lớn để khắc sâu vào tâm trí của người xem, đồng thời cải thiện tỷ lệ chuyển đổi một cách hiệu quả.
Tham khảo thêm:
Hành trình khách hàng là gì? Tổng quan về customer journey
Tagline là gì? Cách tạo ra tagline ấn tượng, đi vào lòng người