Buzz marketing là gì? Cách tạo buzz gây sốt truyền thông

Được biết đến là một dạng của word of mouth marketing (WOMM) - marketing truyền miệng, buzz marketing chính là phương pháp tiếp thị có khả năng tạo ra một “hố đen” khổng lồ để thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận nhằm khuếch đại thông điệp truyền thông một cách mạnh mẽ. Bằng cách tận dụng lợi thế của chiến dịch này, rất nhiều doanh nghiệp đã tạo ra được những “cú buzz” vượt qua cả mong đợi, từ đó không chỉ tạo được tiếng vang lớn trên các phương tiện truyền thông mà còn nhờ tiếng nói của dư luận để mang về một chiến dịch marketing bùng nổ. Vậy buzz marketing là gì? Làm thế nào để có thể tạo buzz "gây sốt" truyền thông? Trong nội dung dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về chiến dịch này để từ đó có thể áp dụng, thay thế cho những chiến lược marketing đã lỗi thời của mình.


Buzz marketing là gì? Cách tạo buzz
 

Buzz marketing là gì?

Buzz marketing là một chiến dịch không mới nhưng không phải ai cũng có thể giải thích rõ ràng về khái niệm này, đặc biệt khi nói về định nghĩa buzz là gì đã khiến không ít người bối rối. Cụ thể, buzz trong buzz marketing chính là một hành động giống như đang “kích hoạt” một điều gì đó để dẫn đến sự truyền miệng. Buzz ở đây có thể là một cụm từ, một khẩu hiệu, một ý tưởng, một biểu tượng, một linh vật, một quảng cáo hay thậm chí là bất cứ thứ gì miễn có đủ sức hút để mọi người không ngừng bàn tán về thương hiệu hoặc sản phẩm, dịch vụ. Để có thể tạo buzz, người thực hiện sẽ bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những ý tưởng khác biệt / ấn tượng / kỳ lạ hoặc một vấn đề hấp dẫn để thúc đẩy người khác sẵn sàng, tự nguyện chia sẻ rộng rãi.

Từ định nghĩa trên, chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng đến vai trò của buzz marketing chính là những hành động kích hoạt sự lan truyền, phản ứng sôi nổi trong cộng đồng của một chiến dịch tiếp thị. Những câu nói, tin tức, hình ảnh hay video viral để tạo ra sự bàn tán, gây tranh cãi đều hoàn toàn có thể trở thành những cú buzz. Đặc biệt, nếu mọi người càng bàn tán nhiều về những yếu tố này thì chiến dịch buzz advertising sẽ càng dễ dàng gây “bão” truyền thông.


Buzz marketing
 

Đặc điểm của buzz marketing

Chiến thuật tiếp thị buzz advertising thật ra đã tồn tại từ rất lâu, thậm chí trước khi Internet xuất hiện và bùng nổ như hiện tại. Nhưng chính nhờ sự phát triển ồ ạt của công nghệ mà buzz marketing đã được các nền tảng truyền thông và những người có sức ảnh hưởng “thổi” vào một làn gió mới với những nét đặc trưng cụ thể:

- Tạo ra sự chia sẻ: một buzz marketing muốn thành công thì phải biết cách tận dụng sức mạnh của sự chia sẻ thông tin trong cộng đồng. Nó sẽ cố gắng tạo ra những nội dung hoặc các trải nghiệm đáng chú ý để giúp cho khách hàng tự nguyện chia sẻ với người khác thông qua các trang mạng xã hội, SMS, email, blog hay trò chuyện trực tiếp.

- Tác động của người dùng: buzz advertising sẽ đẩy mạnh sự tập trung vào đối tượng người tiêu dùng và tạo ra một sự kết nối tốt hơn giữa thương hiệu với khách hàng. Chiến lược này sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng tham gia, cảm thấy hứng thú và có khả năng tạo ra tiếng vang cho chính thương hiệu, sản phẩm.

- Tính tự nhiên và không định hướng: buzz marketing đặt mục tiêu vào việc tạo ra những phản ứng tự nhiên, chân thật nhất từ người dùng. Tức là chiến dịch khi được triển khai sẽ không có tính chất quảng cáo rõ ràng và cố ý. Thay vào đó, buzz marketing sẽ tạo ra sự chú ý từ phía người xem bằng những nội dung thú vị, sáng tạo hoặc gây bất ngờ, thậm chí là tranh cãi.

- Sự lan truyền nhanh chóng: một trong những đặc điểm của buzz marketing đó chính là hướng đến việc lan truyền thông điệp một cách nhanh chóng đến với cộng đồng. Khi nội dung hay những trải nghiệm thú vị được chia sẻ, thông điệp có thể được lan truyền rất nhanh và rộng rãi, từ đó đạt được sự quan tâm của nhiều người.

- Các chỉ số đánh giá hiệu quả: để đánh giá mức độ hiệu quả của chiến dịch thì các nhà tiếp thị thường dựa vào những chỉ số như displayed buzz volume (số lượng chuyển đổi trên social network), relevant buzz volume (số lượng buzz liên quan), buzz volume (số lượng tương tác có được trên các nền tảng mạng xã hội), brand mention (số lần nhãn hàng được nhắc đến).

- Tính tương tác: buzz marketing thường cố gắng thúc đẩy sự tương tác và tham gia của càng đông người tiêu dùng càng tốt. Chiến lược marketing này có thể sử dụng các cách thức như thử thách, trò chơi, cuộc thi hay một số sự kiện đặc biệt để khuyến khích người tiêu dùng tham gia và tạo ra buzz.


Buzz marketing là gì?
 

Các ưu nhược điểm của buzz marketing

Mỗi một chiến dịch marketing dù thực hiện theo phương pháp nào cũng sẽ đều có những ưu - nhược điểm khác nhau. Tương tự, buzz marketing cũng có những điểm mạnh - yếu của riêng mình và việc hiểu rõ các yếu tố này sẽ giúp bạn đưa ra các kế hoạch phù hợp, từ đó dễ dàng phát huy tối đa mức độ hiệu quả của chiến lược buzz marketing.

1. Ưu điểm của buzz marketing

Một số ưu điểm của buzz marketing mà chúng ta có thể kể đến như:

- Đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ khi mới tham gia vào thị trường, buzz marketing là một công cụ có chi phí khá rẻ hoặc gần như là miễn phí để quảng bá cho thương hiệu. Chiến dịch này hoàn toàn có thể mang đến cho doanh nghiệp lợi tức đầu tư (ROI) cao hơn rất nhiều so với các mô hình marketing truyền thống.

- Buzz advertising sẽ cho phép các doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối với công chúng mục tiêu ngay lập tức. Nhờ đó mà hình ảnh thương hiệu sẽ được phát triển tốt hơn và thiết lập mối quan hệ gắn bó với những khách hàng trung thành.

- Chiến lược tiếp thị buzz marketing thường diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nên đây cũng được xem là một giải pháp tuyệt vời để doanh nghiệp có thể thu về một kết quả nhanh chóng, không cần phải chờ đợi lâu.

2. Nhược điểm của buzz marketing

Ngoài những ưu điểm trên, mô hình buzz advertising cũng tồn tại một số nhược điểm khác nhau, cụ thể:

- Mô hình tiếp thị này thường phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố kích hoạt để có thể trở nên nổi bật giữa hàng loạt đối thủ cạnh tranh và tất nhiên, điều này không hề diễn ra dễ dàng. Vì vậy, để có thể tạo ra một buzz thành công đòi hỏi người thực hiện phải có những nghiên cứu chuyên sâu cùng với ý tưởng độc đáo.

- Sau một khoảng thời gian phát triển nhất định, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát các khách hàng mục tiêu mà chiến dịch buzz marketing đang thật sự hướng tới.

- Cần rút ra bài học kinh nghiệm từ các chiến dịch thử nghiệm để thông điệp có thể được lan truyền rộng rãi hơn.

- Nếu như doanh nghiệp không lựa chọn được các yếu tố kích hoạt một cách kỹ lưỡng thì chúng có thể gây ra tình trạng phản tác dụng, từ đó khiến cho hình thương hiệu bị mất điểm trong mắt của khách hàng.

Buzz nghĩa là gì?

Phân loại buzz marketing

Mark Hughes - cha đẻ của buzz marketing đã chủ động phân chiến lược này thành 6 loại buzz marketing khác nhau trong quyển sách Buzzmarketing: Get People to Talk about Your Stuff xuất bản vào năm 2008 của mình. Theo đó, Mark Hughes đã nhấn mạnh mỗi một loại được đề cập sẽ đều có các đặc điểm và cách thức thực hiện riêng nhưng nhìn chung, tất cả đều hướng tới mục tiêu duy nhất đó chính là tạo được làn sóng lan truyền rộng rãi xoay quanh sản phẩm, dịch vụ. Để giúp bạn hiểu rõ hơn thì dưới đây, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu từng loại và khám phá tại sao các hình thức buzz advertising này lại tạo nên được những chiến dịch marketing tuyệt vời đến thế.

1. Chuyện cấm kỵ (Taboo)

Con người dù sống ở thời đại hay quốc gia nào thì đều có điểm chung là rất tò mò những điều “không được phép”. Chính vì vậy, việc triển khai “chuyện cấm kỵ” nhưng vẫn trong giới hạn của phạm vi văn hóa thường được sử dụng để kích thích sự bàn tán của người xem. Trong chiến dịch buzz advertising, chuyện cấm kỵ thường là những vấn đề liên quan đến các câu chuyện “tình dục”, “phòng the” hay nói chung là các vấn đề “bị cấm” trong giới hạn văn hóa.

Vào năm 2018, Vietjet Air với sự kiện dàn người mẫu mặc bikini lên chuyến bay đón đội tuyển Việt Nam trở về sau khi kết thúc trận chung kết U23 tại Thường Châu, Trung Quốc chính là một ví dụ điển hình của chuyện cấm kỵ. Hay như Ngọc Trinh với quảng cáo sữa tắm cũng là một chủ đề được dư luận bàn tán với hình ảnh cô nàng mặc bikini đỏ rực bước vào trong bồn tắm cùng những động tác gợi cảm, quyến rũ. Mặc dù những quảng cáo theo kiểu này bị đánh giá là rẻ tiền và theo hướng 50:50 nhưng đây vẫn là phương thức phổ biến được nhiều thương hiệu lựa chọn để sử dụng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp phản ứng của công chúng không phải lúc nào cũng đi theo hướng mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra.

Vào năm 2020, quảng cáo nước tăng lực trên VTV với bối cảnh hai vợ chồng người dân tộc thiểu số cũng liên tục nhận về nhiều chỉ trích. Cụ thể, nội dung của đoạn quảng cáo xoay quanh câu hỏi của người vợ: “Mình đi đâu đấy?” với những câu trả lời của người chồng là: “Lên núi, lên nóc nhà”. Sau đó, người vợ sẽ đưa nước tăng lực cho chồng cùng với câu nói: “Mình uống đi cho khỏe”. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là vào đoạn cuối của quảng cáo, khi người chồng nói “lên giường ngủ” thì người vợ vẫn đưa nước tăng lực cho chồng cùng với slogan: “Mình uống đi cho khỏe”. Chính câu nói này đã khiến cho nhiều khán giả cảm thấy khó chịu, bức xúc và cho rằng đây là nội dung phản cảm, thô tục và gợi cho người xem về “chuyện giường chiếu”.


Buzz là gì?
 

2. Chuyện bất thường (Unusual)

Một sự thật hiển nhiên vốn chỉ là một câu chuyện “bình thường” và tất nhiên, sẽ chẳng có ai thèm đoái hoài tới. Thế nhưng, mọi chuyện chắc chắn sẽ trở nên khác đi nếu đó là câu chuyện “bất bình thường”. Chắc hẳn, bạn đã từng thấy hoặc xem qua những video độc lạ trên Youtube kiểu như: “thử thách ăn 20 cái đùi gà”, “thử thách đi qua lửa” hay “tắm giữa mùa đông lạnh giá”,.... Theo tâm lý của người xem, khi lướt qua những đoạn video có tiêu đề như thế này thì phần lớn trong số họ sẽ có xu hướng click vào để xem diễn biến như thế nào.

Tương tự, các thương hiệu, nhãn hàng cũng thường sử dụng chiến dịch liên quan đến “điều bất thường” khi cho ra mắt một sản phẩm, dịch vụ mới với mong muốn tạo ra một cuộc thảo luận giữa công chúng mục tiêu về sản phẩm. Cụ thể vào năm 2018, chương trình “Khi đàn ông mang bầu” với cái tên cực kỳ bất thường đã ngay lập tức tạo ra một cuộc thảo luận trong cộng đồng. Với cái tên cực kỳ bất thường, chương trình đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của lượng lớn người xem về trải nghiệm được học cách làm bố mẹ, chăm con hay cả những vấn đề tài chính trong gia đình,... với những bình luận vô cùng tích cực.

3. Truyền thông độc đáo (Uniqueness)

Mục đích của các marketer đó chính là tạo ra những nội dung truyền thông mới lạ, độc đáo khi so sánh với tất cả các sản phẩm đã từng xuất hiện. Bởi lẽ, sẽ không có thèm chú ý hay bàn tán về chiến lược marketing của bạn nếu như nội dung ấy chỉ mang tính bắt chước hay làm cho giống người khác.

Ví dụ, mỗi năm khi gần đến thời điểm đón Tết thì chúng ta đã quá quen thuộc với các thông điệp quảng cáo truyền thống của nhiều nhãn hàng tại Việt Nam như: “Tết là để về nhà”, “Tết là dịp đoàn viên”,.... Tuy nhiên, Bitis lúc này lại tung ra một chiến lược truyền thông khác biệt với slogan: “Đi để trở về” đầy tính mới mẻ khi đánh thẳng vào nhu cầu được đi du lịch, khám phá của giới trẻ nhưng sau cùng vẫn đặt gia đình lên hàng đầu.


Vai trò của buzz marketing
 

4. Chuyện hài hước (Hilarious)

Bạn sẽ làm gì sau khi nghe, thấy hoặc đọc ở đâu đó một câu chuyện hài hước, buồn cười? Chắc chắn, theo tâm lý số đông thì bạn sẽ kể ngay cho bạn bè, người thân đúng không? Chính xác là như vậy, những câu chuyện hài hước thường sẽ được nhanh chóng chia sẻ rộng rãi hơn bởi vì chúng ta đều có xu hướng chia sẻ niềm vui đến mọi người.

Trên thực tế, rất khó để chúng ta có thể đưa một câu chuyện hài hước lồng ghép vào trong thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ. Tuy nhiên, nếu như bạn làm được thì kết quả viral mang về sẽ cực kỳ xứng đáng với công sức bỏ ra. Hiện nay, bún bò Gân chính là một trong những ví dụ điển hình của việc tạo buzz thành công thông qua việc mang lại những nội dung vô cùng hài hước đến từ chính ông chủ Đinh Dũng. Vốn được mệnh danh là quán bún bò “bá đạo” nhất Sài Gòn, bún bò Gân nhanh chóng thu hút khách hàng bởi những nội quy độc đáo “có một không hai” làm cho khách hàng cảm thấy thích thú, chia sẻ liên tục.

5. Chuyện đáng chú ý (Remarkable)

Khi một nhà hàng có chất lượng được đánh giá cao vượt ngoài mong đợi, đồng thời mang lại cho người dùng một trải nghiệm tuyệt vời từ cách phục vụ, ăn uống thì chắc chắn, họ sẽ lan tỏa điều này đến những người xung quanh mình. Như vậy, “điều đáng chú ý” đã được kích hoạt và đây cũng chính là hình thức buzz marketing được các doanh nghiệp ứng dụng nhiều nhất vì nó dựa trên chất lượng sản phẩm, dịch vụ để dẫn đến sự hài lòng của khách hàng.

Ở đây, chúng ta có ví dụ điển hình nhất đó chính là Haidilao với cung cách phục vụ khách hàng như “thượng đế” thật sự khi “chiều” họ hết mực. Có thể nói, trải nghiệm của khách hàng chính là điều quan trọng nhất đối với Haidilao và thậm chí còn được đề cao hơn chất lượng món ăn.

Đây cũng là điều làm cho chuỗi nhà hàng này trở nên khác biệt hơn hẳn so với số còn lại. Tại Haidilao, nhà hàng thậm chí còn cung cấp thêm các dịch vụ miễn phí cho khách hàng ngồi đợi, bao gồm: làm nail miễn phí cho phụ nữ, đánh giày, biểu diễn nấu ăn, gấp hạc giấy (trừ vào hóa đơn), cung cấp trà và đồ ăn nhẹ hoàn toàn miễn phí.

6. Chuyện bí mật (Secret)

Trước khi ra mắt những dòng sản phẩm mới, một số thương hiệu sẽ tìm cách tận dụng sức mạnh của truyền thông để thêu dệt lên một số câu chuyện úp mở xoay quanh mà không giải mã nguyên nhân trước khi phát hành. Trong phương thức này, việc tận dụng một phần thông tin sơ hở của sản phẩm chính là phương án kích thích sự tò mò của công chúng, đồng thời thu hút họ quan tâm tìm hiểu, từ đây đạt được hiệu quả tăng lượt reach và bao gồm khách hàng tiềm năng.

Marketing truyền miệng chính là một chiến lược trọng yếu được Apple áp dụng từ nhiều năm nay. Chính vì thế mà từ lâu, thương hiệu này đã không còn phải chi trả quá nhiều tiền cho việc quảng bá sản phẩm mới nữa. Dựa vào chiến lược này, Apple đã làm cho người dùng luôn cảm thấy sốt sắng và không ngừng mong chờ những sản phẩm mới được ra mắt. Cụ thể, dù cho Apple chưa từng tiết lộ bất kỳ thông tin về sản phẩm nhưng những lời đồn thổi từ giới truyền thông đã làm cho bất kỳ chiếc Iphone nào sắp ra mắt cũng trở thành một “siêu phẩm”.


Buzz advertising
 

7 bí quyết tạo chiến dịch buzz marketing "gây sốt" truyền thông

Để có thể tạo được một “cú buzz” thành công trong lĩnh vực marketing là điều mà hầu hết các doanh nghiệp hiện nay quan tâm. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nó như thế nào là một vấn đề mà không phải marketer nào cũng có thể làm được. Đó chính là lý do vì sao mà việc tìm hiểu 7 bí quyết tạo chiến dịch buzz marketing dưới đây sẽ giúp bạn phần nào giải đáp được những “bài toán” khó giải trong quá trình phát triển chiến lược tiếp thị.

1. Tạo tin đồn nhưng được định hướng

Nếu đã làm việc trong lĩnh vực marketing mà lại tin rằng tin đồn sẽ tự nhiên “sinh ra” và “phát tán” thì chắc chắn, bạn sẽ không thể nào thành công được. Trên thực tế, tất cả mọi tin đồn đều có sự sắp xếp và nằm trong chiến dịch marketing cụ thể của nhà sản xuất, đồng thời được định hướng cụ thể. Việc định hướng dư luận một cách khôn khéo sẽ giúp cho các tin đồn được lan truyền theo đúng mục tiêu marketing “ngầm” của doanh nghiệp, đồng thời tránh được những ảnh hưởng xấu, khó xử lý không kịp trở tay khi tin đồn có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát.


Buzz marketing nghĩa là gì?
 

2. Sử dụng nguyên tắc khan hiếm

Đây chính là nguyên tắc tạo ra sự khan hiếm của hàng hóa trên thị trường trong lúc nhu cầu của người tiêu dùng không ngừng tăng cao. Việc tạo ra sự khan hiếm sẽ giúp tạo ra sự chênh lệch giữa nhu cầu của khách hàng và nguồn cung cấp sản phẩm ra thị trường. Khi xuất hiện hiện tượng này thì chắc chắn, người tiêu dùng sẽ càng tăng thêm mong muốn sở hữu được sản phẩm.

Việc tạo ra nguyên tắc khan hiếm trong marketing còn được mở rộng sang những chương trình ưu đãi, khuyến mãi có giới hạn, có phiếu mua hàng,.... Nhờ vậy mà bạn có thể dễ dàng tạo ra buzz marketing xung quanh sản phẩm và góp phần đẩy mạnh nhu cầu về sản phẩm ngoài thị trường nhiều hơn trước.

3. Kết hợp với các Influencer

Influencer là những người có sức ảnh hưởng đến quyết định cũng như khả năng mua hàng của các khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, để có thể làm được điều này thì influencer phải nổi tiếng ở một mức độ nào đó như celeb hay có kiến thức, địa vị trong một nhóm khán giả của họ.

Người ta cũng đã chứng minh rằng người tiêu dùng hiện nay thường có xu hướng tin tưởng nhiều hơn vào những người có sức ảnh hưởng hơn là quảng cáo. Vậy nên, bằng việc sử dụng influencer đúng cách thì bạn sẽ dễ dàng thu hút được sự chú ý của người xem vào thương hiệu, sản phẩm của mình một cách tích cực nhất.

4. Vận dụng tâm lý đám đông

Trong thời đại công nghệ lên ngôi như hiện nay, con người ngày càng sử dụng mạng Internet nhiều hơn, nhất là thông qua các nền tảng social media. Trên các nền tảng này có đông người và có đủ câu chuyện được chia sẻ mỗi ngày, quan trọng là lượng người truy cập cũng không ngừng tăng lên.

Vậy nên, các marketer hoàn toàn có thể vận dụng tâm lý đám đông trên mạng để tạo ra các buzz thu hút truyền thông một cách hiệu quả. Thông qua các câu chuyện, tin tức được chia sẻ và nhận được nhiều lượt tương tác từ đông đảo mọi người, thương hiệu của bạn sẽ tạo ra chiến dịch buzz marketing để tiếp cận nhanh nhất đến với người dùng.


Khái niệm buzz marketing
 

5. Bắt nhịp xu hướng khách hàng

Việc thường xuyên bắt kịp xu hướng cũng là một trong những chiêu thức giúp bạn tạo ra hiệu ứng buzz marketing hiệu quả. Trong đó, Facebook chính là trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay tại Việt Nam với lượng người truy cập cực khủng. Vì vậy, đây được xem là nơi lý tưởng để bạn có thể lan tỏa các thông điệp mà mình muốn gửi gắm và thu hút khách hàng tiềm năng.

Trên nền tảng này, bạn có thể cho cập nhật các sự kiện, xu hướng mới để thu hút khách hàng. Đồng thời, việc tạo ra các chiến lược buzz ấn tượng cũng làm thỏa mãn tâm lý của đám đông, qua đó lồng ghép một cách khéo léo việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ của mình.

6. Tập trung vào con người thay vì sản phẩm

Thông thường, các chiến lược marketing sẽ tập trung chủ yếu vào yếu tố quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm. Tuy nhiên, đối với buzz advertising thì bạn sẽ cần phải dồn sự chú ý vào con người (khách hàng) nhiều hơn nữa. Vì vậy, cách tốt nhất để bạn có được một chiến lược buzz marketing chính là quan tâm và tìm hiểu nhiều hơn đến nhu cầu, sở thích,... của khách hàng mục tiêu, từ đó tìm cách thực hiện chiến dịch sao cho đánh đúng vào nhu cầu của người dùng. Ngược lại, một câu chuyện hay hoặc một tin tức nóng nhắc đến sản phẩm sẽ khiến cho khách hàng ngay lập tức hiểu ra đó là quảng cáo và họ sẽ chọn cách bỏ qua thay vì chia sẻ nó.

7. Đồng nhất chất lượng

Ngay cả khi doanh nghiệp của bạn đã tạo ra một chiến dịch buzz marketing có sức ảnh hưởng lớn với công chúng mục tiêu thì họ vẫn hoàn toàn có thể gặp phải thất bại nếu sản phẩm đưa ra thị trường không đáp ứng được mong đợi của người dùng. Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp mất đi một số lượng lớn người dùng hiện tại và không ngừng vật lộn để có thể tìm kiếm nguồn khách hàng mới. Vì vậy, hãy luôn đảm bảo rằng thương hiệu và sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp phải đồng nhất chất lượng với sự cường điệu mà chiến dịch buzz marketing đã thực hiện để không gây ra sự hụt hẫng, thất vọng cho khách hàng.


Buzz advertising là gì?
 

Một số ví dụ về buzz marketing thành công trong thực tế

Để có thể xác minh được tính hiệu quả và thành công mà các chiến dịch buzz marketing mang lại trong thực tế, chúng ta hãy cùng theo dõi và khám phá ngay các ví dụ minh họa bên dưới. Đây đều là những câu chuyện mà chính các doanh nghiệp đã tận dụng để tạo nên tiếng vang cho thương hiệu của họ trên khắp lãnh thổ, hoặc thậm chí là toàn cầu.

1. Ví dụ về chiến dịch buzz marketing của VietJet Air

VietJet Air là một trong những hãng hàng không lớn nhất ở nước ta với các chiến lược PR cực kỳ ấn tượng. Ngay khi vừa mới ra mắt, VietJet đã nhanh chóng tạo nên một cơn “bão” truyền thông và thu hút đông đảo sự chú ý của mọi người với sự sexy trong từng chiến dịch.

Cụ thể, vào năm 2013 thì hãng hàng không VietJet đã mời Ngọc Trinh cùng dàn người mẫu chân dài nóng bỏng, mặc bikini và tạo dáng trên máy bay. Ngay lập tức, hình ảnh các cô nàng xinh đẹp, sexy đã chiếm sóng và xuất hiện tràn ngập trên các trang báo mạng.

Theo như tính toán của CAPA, mức độ nhận diện của thương hiệu Vietjet Air tại Việt Nam ngay ở thời điểm đó đã lên đến 98%. Đây được xem là một yếu tố quan trọng vì hầu hết mọi người vẫn có thói quen mua vé thông qua đại lý hơn là đặt trực tiếp trên Internet. “Giấc mơ bay cho mọi người dân Việt Nam” mà thương hiệu Vietjet đã khơi gợi cũng trở thành một giấc mơ đẹp trong một thị trường mà các tầng lớp trung lưu đang không ngừng tăng trưởng mạnh như tại nước ta.

Đến năm 2018, VietJet Air lại tiếp tục theo đuổi chiêu thức cũ khi sử dụng hình ảnh các người mẫu bikini trong bộ lịch mới. Đặc biệt, trong số những người mẫu xuất hiện trên lịch có sự xuất hiện của siêu mẫu Celine Farach - 20 tuổi, cô gái đang “làm mưa làm gió” với danh xưng “cô nàng nóng bỏng nhất mạng xã hội”. Bộ lịch này lại tiếp tục đẩy cái tên VietJet lên trở thành thương hiệu có chỉ số truyền thông cao ngất ngưởng, bất chấp những vấn đề về dịch vụ, chất lượng chuyến bay còn gặp nhiều phàn nàn, đánh giá thấp từ khách hàng.

Cũng trong cùng năm, khi bóng đá Việt Nam đang trở nên nóng hổi thì hãng lại đưa ra một chiến dịch gây sốc không kém đó là đưa dàn người mẫu trẻ mặc bikini đón các cầu thủ U23 Việt Nam. Với chiêu trò PR này thì Vietjet lại tiếp tục tạo được các buzz giật gân với truyền thông, đồng thời là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội. Mặc dù đã nhận được không ít lời khen cho việc tận dụng tốt thời cơ và PR đúng thời điểm nhưng bù lại, hãng hàng không này vẫn không tránh khỏi sự lên án, chỉ trích gay gắt của cư dân mạng.


Ví dụ về buzz marketing
 

2. Ví dụ về chiến dịch buzz marketing của Old Spice

Old Spice là một thương hiệu của Mỹ chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho nam, bao gồm các mặt hàng như: dầu gội, sữa tắm, xà phòng và chất khử mùi - ngăn mồ hôi. Quay ngược lại vào những năm 1930, Old Spice nổi tiếng là một trong những thương hiệu mang tính biểu tượng của nam giới. Thế nhưng, sau khi trải qua nhiều năm mà không có bất kỳ sự đổi mới hay đột phá nào, thương hiệu này đã nhanh chóng bị “lu mờ” trên thị trường trước sự xuất hiện hàng loạt của các đối thủ khác.

Mãi cho đến năm 2010, nhằm mục tiêu “come back - quay trở lại” và tái định vị thương hiệu, Old Spice đã cho triển khai chiến dịch khai thác kỹ thuật buzz marketing mang tên “The Man Your Man Could Smell Like”. Ngụ ý của chiến dịch này muốn nhấn mạnh rằng: “Một người đàn ông trên cơ thể có rất nhiều thứ mùi khác nhau” và Old Spice sẽ giúp họ thổi bay tất cả những thứ mùi “kinh dị” đó và chỉ để lại mùi “đàn ông” đích thực trên cơ thể. Ngay sau khi được phát hành, chiến dịch đã thu hút hơn 60 triệu lượt xem trên Youtube và trở thành một trong những chiến dịch thành công nhất khi áp dụng chiến lược buzz marketing.


Ví dụ buzz marketing
 

Trên đây là những thông tin mà Phương Nam Vina muốn chia sẻ đến cho bạn về chiến dịch buzz marketing là gì? Có thể thấy, trong bối cảnh khi mà các nền tảng mạng xã hội đang không ngừng phát triển nhanh chóng và dần trở thành nơi giao tiếp chính của nhiều người thì việc hiểu được vai trò của buzz marketing hay cách tạo chiến dịch thành công sẽ trở thành kim chỉ nam để thúc đẩy sự tăng trưởng của thương hiệu trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website Digital marketing là gì? Kiến thức đầy đủ về digital marketing

icon thiết kế website Marketing 4.0 là gì? Các xu hướng marketing trong thời đại 4.0

icon thiết kế website Performance marketing là gì? Hiểu đúng về performance marketing

Bài viết mới nhất

Copyright là gì? Từ A - Z về Copyright © All Rights Reserved

Copyright là gì? Từ A - Z về Copyright © All Rights Reserved

Copyright © All Rights Reserved là một cụm từ pháp lý thường xuất hiện ở footer website hay cuối tác phẩm nhằm khẳng định quyền tác giả.

 
Giải pháp kinh doanh online hiệu quả cho doanh nghiệp

Giải pháp kinh doanh online hiệu quả cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các giải pháp kinh doanh online chính là chìa khóa để doanh nghiệp vững bước trên cuộc đua chinh phục thị trường.

POC là gì? Vai trò và quy trình thực hiện Proof of Concept

POC là gì? Vai trò và quy trình thực hiện Proof of Concept

Khi đối mặt với ý tưởng, giải pháp hoặc công nghệ mới, POC là công cụ quan trọng giúp bạn xác thực tính khả thi và hiệu quả trước khi triển khai.

Self employment là gì? Góc nhìn toàn diện về hoạt động tự doanh

Self employment là gì? Góc nhìn toàn diện về hoạt động tự doanh

Self employment (hoạt động tự doanh) là một cơ hội tuyệt vời để bạn trở thành người làm chủ công việc và nhanh chóng đạt được tự do tài chính.

Chi phí cơ hội là gì? Cách tính chi phí cơ hội và ví dụ thực tế

Chi phí cơ hội là gì? Cách tính chi phí cơ hội và ví dụ thực tế

Hiểu rõ chi phí cơ hội không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực mà còn mở ra những cơ hội phát triển bền vững và thành công.

Budget là gì? Các bước thiết lập kế hoạch ngân sách hiệu quả

Budget là gì? Các bước thiết lập kế hoạch ngân sách hiệu quả

Ngân sách là một công cụ quản lý tài chính không thể thiếu đối với doanh nghiệp để kiểm soát chi tiêu và đảm bảo các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn.

zalo