Định vị thương hiệu là gì? Top 9 chiến lược định vị thương hiệu

Trong cuộc đua kinh doanh ngày càng khốc liệt, định vị thương hiệu (brand positioning) được xem là một quân bài chiến lược trọng yếu để giúp doanh nghiệp xây dựng dấu ấn, đồng thời nâng cao vị thế của mình trên thương trường. Tất nhiên, định vị thương hiệu không đơn giản là việc tạo ra một brand name, logo hay slogan mà quan trọng hơn cả, đây còn là một chiến lược toàn diện để doanh nghiệp chiếm giữ một vị trí hàng đầu trong tâm trí khách hàng. Vậy định vị thương hiệu là gì? Làm thế nào để triển khai thành công chiến lược định vị thương hiệu? Câu trả lời sẽ được chúng tôi chia sẻ ngay trong nội dung dưới đây.


Định vị thương hiệu là gì? 9 chiến lược định vị thương hiệu
 

Định vị thương hiệu là gì?

Định vị thương hiệu được ví như ngôi sao Bắc Đẩu trên bầu trời đêm của lĩnh vực kinh doanh, là ánh sáng rọi chiếu cho hành trình phát triển thương hiệu. Nó không chỉ giúp thương hiệu của bạn tỏa sáng giữa đám đông đối thủ cạnh tranh, mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của khách hàng tiềm năng với một bản sắc riêng biệt. 

Điểm độc đáo của việc định vị thương hiệu đó là nằm ở khả năng kết nối với khách hàng ở một cấp độ sâu hơn, tạo ra nhận thức tích cực về thương hiệu và xây dựng sự trung thành, từ đó ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của họ. Ví dụ, khi có nhu cầu mua đồ công nghệ hiện đại, chất lượng cao, người ta sẽ thường liên tưởng ngay đến thương hiệu Apple với các dòng sản phẩm đình đám như: iPhone, Macbook, iPad, iPod,....

Để một doanh nghiệp có thể thành công trong việc định vị thương hiệu trên thị trường thì quá trình này đòi hỏi một sự đầu tư kỹ lưỡng, đồng thời kết hợp với các thuộc tính thương hiệu khác nhau, bao gồm: hình ảnh trực quan, giọng điệu, thông điệp trực tiếp và trực tuyến,.... Tất cả chúng đều phải phù hợp với giá trị cốt lõi của thương hiệu và đủ thu hút để tạo được tiếng vang đối với đối tượng mục tiêu.


Định vị thương hiệu là gì?
 

Tầm quan trọng của định vị thương hiệu

Hãy thử lấy một ví dụ, trong một dàn diễn viên múa mặc đồ đen nhưng bỗng nhiên có người mặc đồ đỏ thì sự chú ý của mọi người sẽ đổ dồn vào ai? Không cần nói cũng biết, người mặc bộ đồ đỏ với màu sắc khác biệt chắc chắn sẽ thu hút ánh nhìn của mọi người. Tương tự như bộ nhận diện thương hiệu của một doanh nghiệp, chúng phải được thiết kế để tạo ra giá trị riêng biệt nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng. Nhất là trong một môi trường thông tin đang ngày càng dày đặc như hiện nay, khách hàng thường chỉ chú ý và ghi nhớ những điều đặc biệt nhất giữa hàng loạt thông tin ngập tràn mà thôi.

Có thể nói, định vị thương hiệu chính là cách để doanh nghiệp của bạn có thể tạo ra một hình ảnh hoàn toàn khác biệt so với các đối thủ trong cùng lĩnh vực, từ đó thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng dành cho sản phẩm nói riêng và thương hiệu nói chung. Khi thiết lập được chiến lược định vị, thương hiệu sẽ dần tiến gần hơn tới việc đạt được sự độc quyền trong nhận thức của khách hàng, đồng thời củng cố vị thế vững chắc trên thị trường.

Một số chiến lược định vị thương hiệu phổ biến hiện nay

Mỗi doanh nghiệp hiện nay đều có rất nhiều cách khác nhau để định vị thương hiệu của mình. Nhưng nếu bạn chưa biết nên định vị thương hiệu cho doanh nghiệp như thế nào thì dưới đây là một số chiến lược mà bạn có thể áp dụng để tạo ra sự khác biệt cho mình trên thị trường:

1. Định vị dựa vào chất lượng

Chất lượng sản phẩm / dịch vụ luôn đóng vai trò then chốt trong việc thu hút và giữ chân khách hàng của một doanh nghiệp. Mặc dù cần phải tốn nhiều thời gian để thực hiện nhưng một khi đã thành công trong việc định vị dựa trên chất lượng, thương hiệu của bạn sẽ tồn tại mãi với thời gian, tạo ra ấn tượng tích cực và khó ai có thể thay thế nhờ vào lòng tin từ nhiều khách hàng. Ví dụ, TH True Milk đã định vị thương hiệu với thông điệp “Thật sự thiên nhiên” và họ đã chứng minh bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm sữa tươi sạch nguyên chất 100% từ thiên nhiên.


Định vị thương hiệu
 

2. Định vị dựa vào giá trị

Giá trị là những điều thực sự có ý nghĩa mà một doanh nghiệp có thể mang đến cho khách hàng ngoài việc chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ. Ví dụ, các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Dior, Chanel, Louis Vuitton, Prada,... không chỉ đáp ứng nhu cầu về mặc đẹp mà còn mang đến cho khách hàng sự sang trọng và đẳng cấp khi khoác lên trang phục của họ. Trải nghiệm này chính là yếu tố cốt lõi làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng và mong muốn duy trì mối quan hệ với thương hiệu.

3. Định vị dựa vào tính năng

Việc tập trung vào tính năng của sản phẩm là chiến lược mà nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghệ, đặc biệt là di động thường áp dụng. Tuy nhiên, việc định vị thương hiệu chỉ dựa vào tính năng có thể dễ dàng mất hiệu quả khi xuất hiện những sản phẩm mới với tính năng tương tự hoặc vượt trội hơn trên thị trường. Đây chính là lý do tại sao các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sản phẩm để tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn nữa trong ngành.

4. Định vị dựa vào mong ước

Các sản phẩm có đủ khả năng khơi gợi lên những mong muốn “tiềm ẩn” của khách hàng chắc chắn sẽ tạo ra những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của họ. Bằng cách này, thương hiệu sẽ làm tăng thêm niềm tin cho khách hàng về những điều mà họ mong muốn sẽ trở thành hiện thực. Ví dụ, X-Men với định vị "đàn ông đích thực" đã tạo ra hình tượng một người đàn ông mạnh mẽ, lịch lãm và là biểu tượng được nhiều người ngưỡng mộ, theo đuổi.


Các bước định vị thương hiệu
 

5. Định vị dựa vào vấn đề, giải pháp

Trong ngành dược phẩm, các doanh nghiệp thường áp dụng chiến lược định vị này bằng cách nhấn mạnh vào những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải và đưa ra giải pháp thông qua sản phẩm của mình. Ví dụ, Tiffy đã thành công với chiến lược định vị thương hiệu mang thông điệp độc đáo và dễ nhớ: "Nắng đã có mũ,… Mưa đã có ô,… Lạnh, cảm cúm đã có Tiffy…" Đây là một giải pháp vô cùng hiệu quả để tạo ấn tượng với khách hàng, làm cho họ quan tâm đến sản phẩm và gợi nhớ đến đầu tiên khi có nhu cầu sử dụng.

6. Định vị dựa vào đối thủ

Đây là một trong những phương pháp định vị thương hiệu được nhiều nhãn hàng và thương hiệu lớn áp dụng. Phương pháp này dựa trên việc so sánh sản phẩm / dịch vụ của mình với các đối thủ cạnh tranh để nhấn mạnh chất lượng và sự khác biệt của mình. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lạm dụng chiến lược này quá mức thì nó có thể “bôi xấu” chính hình ảnh thương hiệu vì mọi người sẽ cho rằng bạn đang cố ý hạ thấp đối thủ.

Ví dụ điển hình của giải pháp này đó là cuộc đối đầu giữa hai thương hiệu Milo và Ovaltine. Trong khi Milo định vị mình là "Nhà vô địch làm từ Milo" thì Ovaltine lại định vị mình với slogan "Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích".

7. Định vị dựa vào cảm xúc

Tấn công vào cảm xúc của khách hàng là một chiến lược hiệu quả mà các doanh nghiệp thường sử dụng để định vị thương hiệu. Trong đó, Baemin là một cái tên điển hình khi đã thực hiện chiến dịch này một cách xuất sắc thông qua việc chọn lựa phương pháp truyền thông gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Cụ thể, với những thiết kế đơn giản kết hợp cùng các thông điệp ngắn gọn nhưng tinh tế như “Baemin tới ngay”, “Nhà em quận mấy chờ đấy anh giao”,... Baemin đã tạo ra một sợi dây gắn kết vô cùng thân mật, đồng thời tạo dựng lòng tin và mong muốn được trải nghiệm dịch vụ từ phía khách hàng.


Cách định vị thương hiệu
 

8. Định vị dựa vào trải nghiệm mua hàng

Đây là chiến lược định vị không dựa vào sản phẩm mà sẽ tập trung vào trải nghiệm khách hàng là chủ yếu. Trong đó, doanh nghiệp sẽ có nhiệm vụ xây dựng quy trình mua hàng riêng biệt, kèm theo chế độ chăm sóc đặc biệt để khách hàng cảm thấy được quan tâm tốt nhất.

Ví dụ, đối với các sàn thương mại điện tử thì việc mua sắm trực tuyến cần phải được thực hiện một cách đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật cho thông tin giao dịch. Hơn nữa, phương thức thanh toán cần phải đa dạng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của đa dạng đối tượng người dùng.

9. Định vị dựa trên công dụng

Công dụng cốt lõi của sản phẩm cũng chính là tính ứng dụng của nó trong cuộc sống hàng ngày. Vậy nên, nếu sản phẩm của bạn mang tính ứng dụng cao thì không có lý do gì mà bạn không áp dụng chiến lược định vị này cho mình, hệt như sơn Nippon định vị mình với thông điệp "Sơn đâu cũng đẹp". Đây là một phương thức định vị đáng tin cậy và dễ dàng tạo lòng tin từ phía khách hàng mà bạn nên tham khảo.


Bản đồ định vị thương hiệu
 

Các bước định vị thương hiệu chuyên nghiệp, thành công

Định vị thương hiệu là một chiến lược quan trọng để giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững. Vậy quá trình xây dựng định vị thương hiệu được diễn ra như thế nào? Hãy khám phá ngay 5 bước trong quy trình dưới đây và áp dụng để tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu của mình nhé.

Bước 1: Xác định khách hàng mục tiêu

Trong quá trình định vị thương hiệu, bước đầu tiên nhưng lại là nhiệm vụ cốt lõi nhất chính là xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu. Chỉ khi hiểu rõ mục tiêu của sản phẩm / dịch vụ và đối tượng mà bạn muốn hướng đến, bạn mới có thể phát triển một chiến lược định vị hiệu quả và đánh trúng insight của khách hàng. Để thực hiện điều này, việc phác họa chân dung cụ thể về đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Khi đã xác định được đối tượng mình muốn hướng đến, bạn cũng cần phải đặt mình vào vị trí của khách hàng để hiểu rõ bản thân họ đang mong muốn điều gì, đồng thời đưa ra những giải pháp thực tế để giải quyết được các vấn đề mà họ đang gặp phải. Nếu thực hiện thành công thì doanh nghiệp sẽ xây dựng được lòng tin và tình cảm từ phía khách hàng, đồng thời dễ dàng nâng cao nhận thức về thương hiệu của mình.

Bước 2: Phân tích đối thủ cạnh tranh

Phân tích đối thủ cạnh tranh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp nhận biết những ưu điểm, hạn chế và thách thức có thể xuất hiện khi tiến hành xây dựng giá trị thương hiệu. Bởi lẽ, chỉ khi "biết địch, biết ta" thì doanh nghiệp mới có thể tạo ra sự khác biệt, những đặc trưng riêng biệt chỉ thuộc về thương hiệu của mình mà những đối thủ khác không thể sao chép được.

Để tiến hành phân tích đối thủ, doanh nghiệp có thể dựa vào những câu hỏi sau:

- Thế mạnh của thương hiệu đối thủ là gì?

- Giá trị thương hiệu của họ có tính bền vững không?

- Khách hàng nhận biết thương hiệu của đối thủ như thế nào?

- Xu hướng sắp tới của đối thủ cạnh tranh sẽ ra sao?

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số phương pháp phổ biến mà nhiều doanh nghiệp áp dụng khi phân tích đối thủ cạnh tranh hiện nay, điển hình như:

- Sử dụng mô hình SWOT với 4 yếu tố Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats.

- Nghiên cứu cách tiếp cận khách hàng của đối thủ.

- Tìm hiểu từ các báo cáo thị trường và ngành của doanh nghiệp.

- Tạo bảng khảo sát khách hàng của doanh nghiệp với các câu hỏi cung cấp cái nhìn sâu sắc, như: Trước khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của chúng tôi, bạn đã sử dụng sản phẩm / dịch vụ của thương hiệu nào chưa? Đánh giá của bạn về hiệu quả của chúng như thế nào?


Chiến lược định vị thương hiệu
 

Bước 3: Xác định phương pháp định vị phù hợp

Ở bước này, doanh nghiệp cần phải lựa chọn được phương pháp định vị thương hiệu phù hợp nhất với hướng phát triển mà mình đã đề ra từ đầu. Trong số 9 phương pháp định vị đã được đề xuất trước đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn một hoặc kết hợp linh hoạt tùy theo mục tiêu cụ thể.

Tuy nhiên thì bạn cũng cần phải lưu ý rằng, dù có quyết định chọn phương pháp nào thì việc tạo ra nét độc đáo và khác biệt vẫn luôn là yếu tố quan trọng để có thể cạnh tranh với các đối thủ. Có thể nói, bước này chính là giai đoạn tác động rất lớn đến sự gắn bó của khách hàng với thương hiệu của bạn.

Bước 4: Đặt thương hiệu lên bản đồ định vị

Bản đồ định vị thương hiệu thường dựa trên hai trục chính là giá cả và chất lượng. Đồ thị này hỗ trợ doanh nghiệp xác định vị trí chính xác của thương hiệu và thực hiện so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra thì các yếu tố trên bản đồ định vị có thể biến đổi tùy thuộc vào cách khách hàng nhận thức về sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp.

Thông qua biểu đồ định vị, bạn có thể dễ dàng xác định thị trường mục tiêu và vị trí mà thương hiệu mong muốn chiếm lĩnh. Cần lưu ý rằng khách hàng không chỉ quan tâm đến cách thương hiệu của bạn khác biệt như thế nào so với đối thủ cạnh tranh mà còn muốn hiểu rõ thương hiệu của bạn hoạt động trong phân khúc thị trường hay "ngách" nào? Có phù hợp với họ hay không? Vì vậy, vị trí thuận lợi nhất trên biểu đồ định vị là nơi có thể tận dụng được điểm mạnh của thương hiệu, đồng thời xác định rõ phân phúc mà thương hiệu đang hoạt động. Chẳng hạn, bản đồ định vị các thương hiệu ô tô hiên nay dựa trên 2 tiêu chí là giá cả và chất lượng có thể được thể hiện như sau: 
 

Sơ đồ định vị thương hiệu
 

Bước 5: Kiểm tra, đánh giá mức độ hiệu quả

Việc kiểm tra và đánh giá luôn đóng vai trò then chốt trong mọi chiến lược. Trong đó, việc thu thập phản hồi từ khách hàng chính là điều kiện cần thiết để đảm bảo rằng chiến lược định vị đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Điều quan trọng là bạn cần đánh giá xem liệu chiến lược này có thể giúp doanh nghiệp phát triển trong tương lai hay không. Nếu kết quả chưa được như mong đợi, việc đề xuất các giải pháp kịp thời là bước cần thiết để khắc phục và điều chỉnh hướng đi.

3 lưu ý quan trọng khi định vị thương hiệu bạn cần nằm lòng

Nhìn vào những chia sẻ, phân tích về quá trình định vị thương hiệu cho doanh nghiệp, chúng ta có thể rút ra ba yếu tố quan trọng trong quá trình định vị để giúp thương hiệu trở nên nổi tiếng, bùng nổ và có “sức nặng” hơn trên thị trường.

1. Đừng dại dột tạo ra giới hạn cho sản phẩm

Đến nay, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên các thị trường gần như đã đạt đỉnh điểm. Đối với các thương hiệu mới nổi, họ đang phải đối mặt với hai lựa chọn khó khăn. Một là tiếp tục tham gia vào các thị trường sẵn có, xây dựng một thương hiệu chung không có nhiều sự khác biệt. Hai là mạnh dạn mở rộng ra các thị trường hoàn toàn mới, định vị thương hiệu mình sao cho thật độc đáo để chiếm lĩnh tâm trí của khách hàng mục tiêu. Để thực hiện mục tiêu này, điều quan trọng mà bạn cần thực hiện đó là phải vượt qua những hạn chế đặt ra cho sản phẩm.

Ví dụ, một thương hiệu quyết định kinh doanh nước ngọt có gas với đối tượng khách hàng là những người đang tuân thủ theo chế độ ăn kiêng. Lúc này, việc đưa ra định vị thương hiệu "nước ngọt có gas dành cho người ăn kiêng" có vẻ là sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, cũng chính vì việc định vị thương hiệu như vậy lại mở ra hai vấn đề đáng quan ngại.

Vấn đề đầu tiên là thương hiệu có thể tự gây hạn chế cho việc mở rộng thị trường và thu hút khách hàng mới, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tăng thêm thị phần trong tương lai. Bởi rõ ràng, những người không có nhu cầu ăn kiêng tất nhiên sẽ loại bỏ sản phẩm của bạn ra khỏi danh sách lựa chọn của họ.

Vấn đề thứ hai là với những người ăn kiêng thật sự, liệu bạn có chắc rằng họ sẽ chọn sử dụng sản phẩm của bạn? Bởi lẽ, Pepsi và Coca-Cola từ lâu đã là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua về "nước ngọt không đường không calo". Chính vì vậy, khi nhắc đến nước ngọt có gas, họ đã trở thành những tên tuổi đáng tin cậy mà người tiêu dùng dễ dàng nhớ đến. Những người đang tuân thủ chế độ ăn kiêng cũng sẽ cảm thấy thoải mái khi tiếp tục tin tưởng vào những thương hiệu quen thuộc hơn là một thương hiệu mới “chân ướt chân ráo” vào ngành.

Thay vì tập trung vào định vị sản phẩm và tính năng, các thương hiệu mới hiện nay có thể chọn một hướng đi mới cho sản phẩm của mình. Thay vào đó, họ có thể sử dụng những cụm từ mang tính gợi mở, phổ quát như "giải pháp", "bài toán", "nguồn năng lượng",... để mô tả sản phẩm và giá trị mà nó mang lại. Điều này giúp tạo ra sự linh hoạt, đa dạng trong cách thương hiệu được hiểu và đánh giá.


Ví dụ định vị thương hiệu
 

2. Thay vì khoa trương, hãy giữ vững vị thế thương hiệu

Việc định vị thương hiệu không được triển khai với mục đích thể hiện vị thế hoặc khoe các thành tựu đã đạt được của doanh nghiệp. Mục tiêu của việc định vị hiệu quả là giúp thương hiệu hoàn thành một nhiệm vụ cao cả hơn, đó là duy trì vững chắc vị thế và liên tục cải thiện năng lực cạnh tranh.

Sẽ rất sai lầm nếu bạn nghĩ rằng các thương hiệu dẫn đầu trong ngành sẽ không phải đối mặt với những thách thức khi xây dựng và bảo vệ vị thế của mình. Trên thực tế, càng đứng đầu và chiếm lĩnh thị trường sớm, áp lực để duy trì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ càng trở nên khốc liệt hơn.

Một ngày nào đó, đối thủ của Coca-Cola không chỉ là Pepsi và khi nhắc đến xe an toàn, Volvo không còn là sự lựa chọn số một nữa. Lúc đó, chỉ có những thương hiệu đã định vị thương hiệu hiệu quả hoặc có kế hoạch tái định vị để thích nghi với hướng đi mới thì mới đủ sức củng cố niềm tin tích cực từ phía khách hàng mục tiêu.

Như cách Red Bull đã xây dựng và trung thành với định hướng "hồi sinh cả cơ thể và tâm trí", hoặc Colgate đã chuyển đổi từ việc bán xà phòng để trở thành "người chăm sóc sức khỏe cho con người và môi trường." Nhìn chung, thay vì tự tôn và khoe khoang về những thành tựu vượt trội, Red Bull và Colgate đã định vị bản thân mình qua vai trò tích cực đối với cộng đồng. Thay vì tập trung vào việc bán sản phẩm và tiếp thị thương hiệu, họ duy trì vị thế hàng đầu bằng cách chia sẻ các giá trị cốt lõi thông qua sứ mệnh và tầm nhìn của mình.

3. Chủ động tái định vị thương hiệu khi cần

Đôi khi, không phải ai xuất phát trước cũng là người về đích trước. Sự thật thì không phải lúc nào người mở ra thị trường mới sẽ là người kiếm được nhiều lợi thế bởi việc xây dựng, khẳng định và duy trì định vị thương hiệu là một hành trình dài đầy thách thức. Ở thời điểm này, các thương hiệu chỉ có thể chọn một trong hai: tiếp tục đổi mới và mang lại những giá trị tích cực thay đổi thế giới, hoặc lơ là trên thành công hiện tại và từ chối thay đổi, từ đó dẫn đến việc bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua thương hiệu.

Ví dụ, công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường - Apple, đã chọn theo đuổi một hướng đi phù hợp với triết lý của họ - "không nhất thiết phải là người đầu tiên, nhưng hãy luôn cố gắng trở thành người làm tốt nhất." Năm 2007, khi Steve Jobs đứng trên sân khấu và đặt ra câu hỏi đầy thách thức: "Ai muốn soạn tin nhắn trên một bàn phím vật lý?". Ít ai có thể ngờ rằng, tuyên bố đó cùng với sự ra đời của chiếc điện thoại iPhone đầu tiên đã chính thức chấm dứt thời kỳ đỉnh cao của Nokia, Blackberry và nhiều ông lớn công nghệ đương thời.

Hay chúng ta đã từng nghĩ rằng Biti's sẽ rời bỏ thị trường trong im lặng và đặt dấu chấm hết cho một thương hiệu Việt đã từng rất nổi tiếng. Nhưng không, bất ngờ đã đến khi Biti's chính thức có một cuộc tái sinh đáng nhớ trong vài năm gần đây. Sau gần hai thập kỷ dường như bị lãng quên, thương hiệu Biti's bây giờ lại trở thành tâm điểm của người tiêu dùng Việt Nam. Việc ra mắt dòng sản phẩm Biti's Hunter cùng các chiến lược tiếp thị đột phá với sự tham gia của các ngôi sao như Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn,... và những chiến dịch hướng tới cộng đồng như Biti's x H’Hen Niê: “Bước về phía Mặt Trời”, You x Biti’s x Vietmax, Tiếp Bước Tiến: Proudly Made In Vietnam,.... Tất cả đã tạo ra một cuộc cách mạng "thay máu” hoàn toàn, đánh dấu sự trở lại đầy mạnh mẽ của thương hiệu.


Định vị thương hiệu ví dụ
 

Ví dụ về định vị thương hiệu từ các doanh nghiệp nổi tiếng

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về việc định vị thương hiệu trong thực tế thì ngay sau đây, những thương hiệu nổi tiếng đã và đang rất thành công trong việc định vị các giá trị của mình trong tâm trí khách hàng sẽ giúp bạn nhận ra được tầm quan trọng của brand positioning.

1. Định vị thương hiệu của Tesla

Thay vì tập trung vào giá cả, Tesla đã loại bỏ nó ra khỏi thương hiệu của mình chỉ chú trọng vào việc nâng cao chất lượng của các mẫu xe. Do đó, Tesla trở thành một thương hiệu hạng sang với mức giá còn cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Điều đặc biệt của các mẫu xe Tesla không chỉ nằm ở chất lượng cao mà đó còn là khả năng di chuyển xa, tính thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng điện.

Tesla đã tạo ra sự khác biệt so với các dòng xe điện xe chạy bằng xăng thông thường nhờ vào yếu tố chất lượng vượt trội. Công ty đã xây dựng một thị trường riêng và tạo dựng một thương hiệu độc đáo phù hợp với thị trường này. Thậm chí, bản thân giám đốc điều hành Elon Musk còn tự mình trở thành một biểu tượng như Tony Stark và phát huy sự độc đáo cho doanh nghiệp bằng những chiến lược quảng cáo hay một số tính năng kỳ quặc, ví dụ như "Chế độ lố bịch".


Brand positioning
 

2. Định vị thương hiệu của Nike

Nike đã bắt đầu hành trình của mình bằng việc tập trung vào hiệu suất và sự đổi mới trong các sản phẩm. Họ đã tiên phong trong việc phát minh giày Waffle Trainer và xây dựng thương hiệu của mình bằng cách nhắm đến các vận động viên chuyên nghiệp.

Thông điệp của Nike chủ yếu tập trung vào việc truyền đạt sức mạnh và ý nghĩa của việc trao quyền cho cá nhân, từ khẩu hiệu "Just Do It" cho đến biểu tượng của họ - Nữ thần chiến thắng của Hy Lạp. Đáng chú ý là người mẫu và các vận động viên đại diện cho Nike không chỉ đơn thuần là những người thể hiện sự tự tin mà họ còn là minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực trong mọi hoạt động của cuộc sống. Trong đó, Oscar Pistorius - vận động viên không chân là một ví dụ điển hình nhất.

3. Định vị thương hiệu của Apple

Apple là một minh chứng tiêu biểu cho một thương hiệu được định vị mạnh mẽ. Đây chính là ví dụ mà Simon Sinek đã sử dụng trong ý thức "Vòng tròn Vàng" của mình khi bắt đầu với câu hỏi tại sao, tiếp theo là làm thế nào, và sau cùng là làm cái gì?

Apple đã mang đến những chiếc máy tính đẹp mắt, hiện đại và khác biệt hoàn toàn so với các sản phẩm khác trên thị trường. Thông điệp mà họ truyền tải là nhấn mạnh vào những phẩm chất tương tự ở người tiêu dùng qua các sản phẩm của mình. Cụ thể, nếu bạn sử dụng sản phẩm của Apple, bạn cũng đang thể hiện sự đổi mới, giàu tính sáng tạo và trí tưởng tượng.

Mặc dù không công bố một tuyên bố sứ mệnh chính thức nhưng các giá trị cốt lõi của Apple đã được khắc sâu vào các sản phẩm của họ, đó là ủng hộ sự sáng tạo, đổi mới và hoàn hảo. Điều này tạo ra một sức mạnh to lớn trong việc thu hút những người đang tìm kiếm sự khác biệt so với đám đông. Đây cũng là cách mà thương hiệu đang xây dựng một cộng đồng người dùng trung thành và xem các sản phẩm của Apple chính là biểu tượng của địa vị.


Brand positioning là gì?
 

Trên đây là toàn bộ những thông tin về chiến lược định vị thương hiệu mà Phương Nam Vina muốn chia sẻ đến bạn. Có thể thấy, định vị thương hiệu là nền tảng cốt yết của chiến lược tiếp thị, là dấu ấn quan trọng để tạo ra sự phân biệt cho thương hiệu, giúp khách hàng nhận biết và nhớ đến nó trong một thị trường cạnh tranh đầy sôi động. Vậy nên, việc hiểu rõ về định vị thương hiệu và cách xây dựng chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng, duy trì một hình ảnh thương hiệu vững chắc và ổn định theo thời gian. Chúc bạn thành công!

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website Brand equity là gì? Chiến lược xây dựng tài sản thương hiệu

icon thiết kế website Branding marketing là gì? Làm brand marketing có khó không?

icon thiết kế website Bật mí 6 cách đặt tên thương hiệu độc đáo, ấn tượng khó quên

Bài viết mới nhất

Tagline là gì? Cách tạo ra tagline ấn tượng, đi vào lòng người

Tagline là gì? Cách tạo ra tagline ấn tượng, đi vào lòng người

Tagline là một trong những yếu tố mà doanh nghiệp sử dụng để nhấn mạnh vào các giá trị, điểm mạnh của sản phẩm / dịch vụ do mình cung cấp.

Backdrop là gì? Điểm danh các loại backdrop phổ biến hiện nay

Backdrop là gì? Điểm danh các loại backdrop phổ biến hiện nay

Backdrop là một yếu tố quan trọng không thể thiếu và góp phần tạo nên sự thành công cho bất kỳ một sự kiện hay chương trình nào.

Văn hóa doanh nghiệp là gì? Tip xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là gì? Tip xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp được ví cá tính của một công ty, tổ chức và có tác động đến kết quả kinh doanh, sự bền vững của doanh nghiệp.

Chân dung khách hàng là gì? Cách xác định customer persona

Chân dung khách hàng là gì? Cách xác định customer persona

Việc hiểu rõ chân dung khách hàng là một nhiệm vụ quan trọng đối với các chiến lược kinh doanh, tiếp thị của tất cả doanh nghiệp trên thị trường.

Marketing 5.0 là gì? Khám phá 5 xu hướng của marketing 5.0

Marketing 5.0 là gì? Khám phá 5 xu hướng của marketing 5.0

Marketing 5.0 là một xu hướng tiếp thị mới đang ngày càng bùng nổ trong thời đại số và làm thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Blog là gì? Tất tần tật những điều cần biết về web blog

Blog là gì? Tất tần tật những điều cần biết về web blog

Blog vốn xuất hiện từ lâu trên Internet và là nền tảng quen thuộc được nhiều người sử dụng để chia sẻ về cuộc sống cũng như công việc của mình.

zalo