Trong lĩnh vực lập trình, XAMPP được biết đến là một phần mềm đắc lực để hỗ trợ các developer tạo server giả lập hoặc phát triển trang web theo ngôn ngữ PHP. Vậy XAMPP là gì? Tại sao lại là XAMPP mà không phải một phần mềm nào khác? Cùng chúng tôi theo dõi nội dung dưới đây để cùng tìm hiểu chi tiết hơn về XAMPP nhé!
- XAMPP là gì?
- Các thành phần chính của XAMPP
- XAMPP được dùng để làm gì?
- Đánh giá ưu nhược điểm của XAMPP
- Những định dạng được XAMPP hỗ trợ
- Hướng dẫn cài đặt XAMPP chi tiết
- Cách sử dụng XAMPP mang lại hiệu quả tốt nhất
- Làm thế nào để kiểm tra cấu hình XAMPP đã chính xác hay chưa?
- Hướng dẫn nâng cấp PHP cho XAMPP
- Một số lưu ý khi sử dụng XAMPP trong quá trình phát triển trang web
- So sánh XAMPP với phần mềm giả lập server WAMP
XAMPP là gì?
XAMPP là từ viết tắt của X (Cross-Platform), Apache, MySQL, PHP và Perl, đây một bộ phần mềm mã nguồn mở miễn phí được Apache Friends tạo ra để phục vụ cho việc phát triển web.
Với sự có mặt của XAMPP, người dùng có thể giả lập môi trường server hosting ngay trên máy tính của mình mà không cần phải đầu tư mua hosting hay VPS như trước. Cũng chính vì điều này mà XAMPP ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn trong môi trường giáo dục để hỗ trợ cho việc học tập, giảng dạy, thực hành và phát triển website.
Các thành phần chính của XAMPP
Ngay từ chính tên gọi của mình, XAMPP đã cho chúng ta thấy được những thành phần chính đã tạo nên ứng dụng này bao gồm có:
- X (Hệ điều hành): XAMPP hỗ trợ đa nền tảng, bao gồm Windows, MacOS, Linux và Solaris để đáp ứng nhu cầu của người dùng trên các hệ thống khác nhau.
- A (Apache): XAMPP tích hợp máy chủ web Apache, đây là một giải pháp mã nguồn mở được sử dụng rộng rãi và đáng tin cậy cho việc phát triển ứng dụng web.
- M (MySQL): Cơ sở dữ liệu MySQL là một thành phần quan trọng của XAMPP khi cung cấp cho người dùng khả năng lưu trữ và quản lý dữ liệu một cách dễ dàng, linh hoạt.
- P (PHP) và P (Perl): XAMPP hỗ trợ cả PHP và Perl - hai ngôn ngữ lập trình phổ biến trong phát triển web nhằm giúp người dùng tạo ra các ứng dụng web đa dạng, linh hoạt.
XAMPP được dùng để làm gì?
XAMPP là công cụ hữu ích mà người dùng có thể tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm:
- Phát triển web: XAMPP cung cấp một môi trường phát triển web đầy đủ với Apache, MySQL, PHP và Perl. Điều này giúp người dùng dễ dàng phát triển và thử nghiệm các ứng dụng web trên máy tính cá nhân hoặc máy chủ cục bộ.
- Kiểm thử ứng dụng web: Người dùng có thể tận dụng XAMPP để thử nghiệm các ứng dụng web trước khi chúng được triển khai vào môi trường sản xuất. Bằng cách này, họ có thể đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của ứng dụng trước khi ra mắt chính thức trên thị trường.
- Đào tạo và học tập: XAMPP tạo điều kiện lý tưởng cho việc học và đào tạo về phát triển web, quản trị cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể sử dụng XAMPP để tạo các bài thực hành và demo một cách tiện lợi.
- Phát triển và thử nghiệm giao diện người dùng: XAMPP cho phép người dùng có thể tạo, thử nghiệm giao diện người dùng trên các trang web và ứng dụng, nhờ vậy mà họ cải thiện trải nghiệm của người dùng cuối cũng như tối ưu hóa hiệu suất của giao diện.
- Tạo website cá nhân: Bạn hoàn toàn có thể cài đặt XAMPP để tạo và quản lý các trang web cá nhân hoặc dự án web nhỏ một cách linh hoạt, thuận tiện.
Đánh giá ưu nhược điểm của XAMPP
Để có cái nhìn tổng quan về phần mềm XAMPP web, chúng ta hãy cùng xem xét thêm một số ưu điểm và nhược điểm đặc trưng của bộ công cụ này như sau:
1. Ưu điểm của XAMPP
Việc sử dụng XAMPP sẽ mang lại cho người dùng một số ưu điểm nổi bật như sau:
- Tương thích đa nền tảng: XAMPP hỗ trợ mọi hệ điều hành phổ biến như Windows, MacOS và Linux, qua đó mang lại sự linh hoạt cho người dùng khi chọn lựa nền tảng phát triển.
- Cung cấp nhiều chức năng và tiện ích: XAMPP không chỉ giúp thiết lập server giả lập mà còn cung cấp các tính năng như tạo mail server ảo và hỗ trợ SSL trên localhost, giúp tăng cường khả năng bảo mật khi phát triển trên máy cá nhân.
- Tích hợp dễ dàng: XAMPP tích hợp các gói như Apache, PHP và MySQL nhằm giúp cho việc cài đặt trở nên nhanh chóng, thuận tiện.
- Mở rộng không gian sáng tạo: Với mã nguồn mở cùng giao diện quản lý trực quan, XAMPP cho phép người dùng kiểm soát, tinh chỉnh các dịch vụ máy chủ một cách linh hoạt, tối ưu hóa quy trình làm việc theo nhu cầu riêng và đạt được hiệu suất cao nhất trong quá trình phát triển web.
2. Nhược điểm của XAMPP
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, việc tải XAMPP về máy để sử dụng cũng mang đến một số hạn chế sau:
- Cấu hình đơn giản: Do có cấu hình đơn giản nên XAMPP web không hỗ trợ cấu hình module và thiếu thông tin cụ thể về phiên bản của MySQL.
- Dung lượng nặng: XAMPP có dung lượng khá nặng, điều này có thể làm chậm quá trình tải và cài đặt, đặc biệt là trên các máy tính có dung lượng hạn chế.
- Thiếu phiên bản riêng lẻ cho từng thành phần: XAMPP không cung cấp phiên bản riêng lẻ cho từng thành phần như Apache, PHP, điều này có thể gây khó khăn cho việc quản lý và cập nhật từng thành phần một cách độc lập.
Những định dạng được XAMPP hỗ trợ
Hiện nay, ứng dụng XAMPP web đang được hỗ trợ ở ba định dạng tệp chính, cụ thể:
- .EXE: Đây là định dạng mở rộng được sử dụng để biểu thị các tệp thực thi, đồng thời cho phép cài đặt dễ dàng vì tệp thực thi có thể chạy trên máy tính giống như bất kỳ chương trình nào.
- .7z: Hay còn được gọi là định dạng tệp 7zip và có vai trò biểu thị các tệp nén hỗ trợ nhiều thuật toán nén và mã hóa dữ liệu. Mặc dù được ưa chuộng về mặt hình thức, nhưng .7z yêu cầu phải làm việc với các tệp phức tạp hơn.
- .ZIP: Đây là định dạng tệp nén không mất dữ liệu và một tệp nén có thể chứa nhiều tệp nén khác nhau. Ngoài ra thì định dạng này cũng sử dụng thuật toán Deflate để nén tệp. Tuy nhiên, quá trình cài đặt các tệp .ZIP sẽ khá phức tạp hơn so với định dạng .EXE.
Trong số ba định dạng trên thì .EXE là định dạng đơn giản nhất để tiến hành cài đặt, ngược lại thì hai định dạng còn lại sẽ đòi hỏi quá trình cài đặt phức tạp hơn.
Hướng dẫn cài đặt XAMPP chi tiết
Quy trình cài đặt XAMPP web thật ra cũng rất đơn giản, bạn hãy thực hiện theo những hướng dẫn dưới đây:
1. Những điều cần biết trước khi cài đặt XAMPP
Trước khi bắt tay vào việc tải XAMPP, bạn cần lưu ý trước một số vấn đề sau:
- Gỡ cài đặt công cụ tạo localhost: Trước khi cài đặt XAMPP, bạn hãy xóa bỏ các chương trình liên quan đến localhost như MySQL, PHP, đồng thời gỡ cài đặt tất cả các công cụ tạo localhost khác nếu có. Điều này giúp tránh xảy ra xung đột và xác định rõ nguồn gốc của các thành phần.
- Tắt firewall (tường lửa): Tắt firewall hoặc các phần mềm diệt virus trước khi cài đặt XAMPP chính là giải pháp giúp cho quá trình cài đặt diễn ra một cách thuận lợi. Lý do là vì các phần mềm này có thể sẽ ngăn chặn ứng dụng web server hoặc các port 80, từ đó gây ra các sự cố trong quá trình hoạt động của XAMPP.
- Tắt UAC trên Windows: UAC (User Account Control) là một tính năng bảo mật có sẵn trong Windows. Trước khi cài đặt XAMPP, bạn cũng nên tắt UAC để tránh hạn chế quyền truy cập của chương trình này và đảm bảo quá trình cài đặt diễn ra một cách thuận lợi.
2. Cách cài đặt XAMPP trên Windows
Để có thể cài đặt XAMPP trên máy tính Windows, bạn hãy thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Truy cập vào website chính thức của XAMPP và tải về phiên bản cài đặt phù hợp với hệ điều hành Windows đang sử dụng. Sau khi quá trình tải XAMPP hoàn tất, bạn hãy mở tập tin và cho chạy trình cài đặt XAMPP ngay trên máy tính của mình.
Bước 2: Khi tiến hành cài đặt, bạn sẽ thấy danh sách các thành phần có sẵn như Apache, MySQL, PHP và phpMyAdmin. Việc của bạn lúc này đó là chọn các thành phần mà bạn muốn cài đặt và tiếp tục quá trình cài đặt.
Bước 3: Nhấn "Next" để chọn đường dẫn cài đặt cho XAMPP trên máy tính của bạn. Theo mặc định thì XAMPP sẽ được cài đặt vào ổ đĩa C, nhưng bạn có thể thay đổi đường dẫn nếu cần.
Bước 4: Hãy tiếp tục quá trình cài đặt cho đến khi hoàn tất toàn bộ. Sau khi cài đặt xong thì bạn có thể mở XAMPP Control Panel và khởi động các dịch vụ như Apache, MySQL để bắt đầu sử dụng.
Để kiểm tra xem việc cài đặt XAMPP đã thành công hay chưa, bạn hãy mở trình duyệt web và truy cập vào localhost. Tại đây, nếu bạn thấy trang chào mừng của XAMPP hiển thị thì điều đó có nghĩa là việc tải ứng dụng đã hoàn thiện.
3. Hướng dẫn cài đặt XAMPP trên Linux
Khi tiến hành cài XAMPP trên hệ điều hành Linux, bạn cũng hãy bắt đầu thực hiện dựa theo hướng dẫn sau:
Bước 1: Tải xuống phần mềm dành cho hệ điều hành Linux từ trang web chính thức.
Bước 2: Sau khi quá trình tải xuống hoàn tất, bạn hãy mở file xampp-linux-x64-7.2.8-0-installer.run rồi thêm quyền thực thi cho file thông qua câu lệnh cd thu_muc_cai_dat/ sudo chmod +x xampp-linux-x64-7.2.8-0-installer.run.
Bước 3: Tiến hành cài đặt với quyền sudo: sudo ./xampp-linux-x64-7.2.8-0-installer.run
Bước 4: Bấm Next hai lần trong cửa sổ cài đặt để tiếp tục.
Bước 5: Chờ đợi trong vài giây để hoàn tất quá trình cài đặt và bấm Finish để kết thúc.
Cách sử dụng XAMPP mang lại hiệu quả tốt nhất
Về cơ bản thì cách sử dụng XAMPP trên Windows và Linux có một số khác biệt nhất định. Đó là lý do vì sao mà việc tìm hiểu cách sử dụng phần mềm XAMPP trên hai hệ điều hành này sẽ giúp người dùng tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn trong quá trình cài đặt.
1. Cách sử dụng trên Windows
Trước tiên, để có thể sử dụng XAMPP trên hệ điều hành Windows thì bạn cần tiến hành khởi động localhost và tiến hành thao tác trên đó:
Khởi động localhost
Sau khi đã hoàn tất việc thiết lập, cài đặt XAMPP thì bạn hãy mở thư mục c:\xampp và chạy file xampp-control.exe để mở bảng điều khiển Control Panel. Tiếp theo, bạn nhấn vào nút Start ở cả hai ứng dụng là MySQL và Apache để khởi động máy chủ web. Lúc này, localhost sẽ được khởi động thành công nếu cả hai ứng dụng cùng chuyển sang màu xanh.
Trên bảng điều khiển của XAMPP, bạn sẽ nhìn thấy có khá nhiều tùy chọn như:
- Config: Cho phép bạn cấu hình nền tảng này và một số thành phần khác.
- Netstat: Hiển thị các tiến trình đang chạy trên localhost.
- Shell: Mở UNIX Shell để thực hiện các thao tác.
- Explorer: Mở thư mục XAMPP trong Windows Explorer.
- Services: Hiển thị các dịch vụ đang chạy trong background.
- Help: Cung cấp đường dẫn đến diễn đàn người dùng để hỗ trợ.
- Quit: Đóng bảng điều khiển của XAMPP.
Thao tác trên localhost
Để hiểu cơ chế phân thư mục của XAMPP thì đầu tiên, bạn cần mở thư mục C:\xampp\htdocs để tạo một folder mới. Thư mục mới này sẽ chứa trang web mà bạn đang triển khai và bạn có thể tự đặt tên cho thư mục (ví dụ: web1). Tiếp theo, bạn truy cập vào đường link C:\xampp\htdocs\web1 để chạy chương trình:
Bất kỳ tệp nào được bạn copy vào C:\xampp\htdocs\web1 cũng sẽ xuất hiện trong đường dẫn https://localhost/web1. Do đó, https://localhost/web1 chính là thư mục chính của C:\xampp\htdocs\web1.
Lúc này, để tạo cơ sở dữ liệu MySQL trên localhost, bạn có thể thực hiện theo quy trình dưới đây:
Bước 1: Truy cập vào đường dẫn http://localhost/phpmyadmin và chọn mục Database.
Bước 2: Trong phần "Create database", bạn hãy nhập tên cơ sở dữ liệu mà mình muốn vào Database name, sau đó chọn utf8_unicode_ci trong Collation và nhấn Create.
Bước 3: Nếu bạn thấy menu bên trái xuất hiện một mục có tên của cơ sở dữ liệu vừa tạo thì cũng đồng nghĩa với việc quá trình này đã hoàn tất.
2. Cách sử dụng trên Linux
Để khởi động XAMPP trên Linux, bạn cần sử dụng Command Line với câu lệnh sudo /opt/lampp/lampp start. Tiếp theo, bạn hãy khởi động trình quản lý của chương trình cùng câu lệnh sudo /opt/lampp/manager-linux-x64.run là xong.
Làm thế nào để kiểm tra cấu hình XAMPP đã chính xác hay chưa?
Để đảm bảo rằng XAMPP đã được cấu hình chính xác, bạn có thể kiểm tra bằng cách tạo một trang PHP thử nghiệm. Tuy nhiên thì trước tiên, bạn hãy lưu trữ trang đó trên localhost và truy cập thông qua trình duyệt web.
Trên bảng điều khiển của XAMPP, bạn hãy bấm chọn Explorer và nhấp vào thư mục htdocs (đường dẫn mặc định là C:\xampp\htdocs). Đây là thư mục chứa các tập tin được sử dụng cho các file mà bạn muốn kiểm tra trên nền tảng này. Thế nhưng, đối với các dự án riêng lẻ thì bạn cần nên lưu trữ chúng trong một thư mục mới.
Ngây bây giờ, bạn đã có thể tạo một trang thử nghiệm PHP mới bằng cách dùng nội dung sau trong trình soạn thảo và sau đó lưu trữ chúng trong thư mục Test dưới dạng Test.php (hoặc trong thư mục htdocs nếu bạn không tạo thư mục Test):
< html >
< head >
< title >PHP-Test< /title >
< /head >
< body >
< ?php echo ‘< p >Hello World< /p >’; ? >
< /body >
< /html >
Cuối cùng, bạn mở trình duyệt web browser và tải trang PHP vừa tạo thông qua đường dẫn localhost/test/test.php. Nếu giao diện hiển thị Hello World thì điều đó chứng tỏ bạn đã cài đặt và cấu hình thành công.
Hướng dẫn nâng cấp PHP cho XAMPP
Dưới đây là hướng dẫn đơn giản để nâng cấp PHP cho XAMPP mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên thì trước khi áp dụng thì bạn nên sao lưu code và database trong thư mục htdocs, sau đó tiến hành thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Truy cập vào trang tải về của XAMPP tại đường link https://www.apachefriends.org/download.html và chọn More Download.
Bước 2: Chọn phiên bản phù hợp với hệ điều hành bạn đang sử dụng.
Bước 3: Tải xuống phiên bản PHP mà bạn muốn cập nhật.
Bước 4: Sau khi tải xuống, mở thư mục XAMPP trên máy tính của bạn.
Bước 5: Tìm thư mục PHP trong XAMPP và đổi tên thư mục đó để sao lưu.
Bước 6: Giải nén tập tin Zip bạn vừa tải xuống và đưa các tập tin PHP vào thư mục PHP của XAMPP.
Bước 7: Trong thư mục PHP của XAMPP, bạn hãy tìm và mở file PHP.ini.
Bước 8: Cuối cùng, bạn hãy vào XAMPP Configuration và mở HTTPD-XAMPP/conf, sau đó thêm đoạn mã dưới đây vào PHP-Module Setup Section:
#
# PHP-Module setup
#
#LoadFile “C:/xampp/php/php5ts.dll”
#LoadModule php5_module “D:/xampp/php/php5apache2_4.dll”
LoadFile “D:/xampp/php/php7ts.dll”
LoadModule php7_module “C:/xampp/php/php7apache2_4.dll”
Một số lưu ý khi sử dụng XAMPP trong quá trình phát triển trang web
Để có thể tận dụng XAMPP một cách hiệu quả thì trong quá trình sử dụng, bạn cũng cần chú ý đến những điều sau:
- Bảo mật dịch vụ: Hãy đảm bảo bạn đã cấu hình bảo mật cho tất cả các dịch vụ trong XAMPP. Việc thiết lập mật khẩu cho cơ sở dữ liệu MySQL và mật khẩu để truy cập giao diện quản lý XAMPP là việc làm quan trọng để bảo vệ hệ thống.
- Duy trì phiên bản mới nhất: Sử dụng phiên bản XAMPP mới nhất để có thể tận dụng tối đa các cập nhật bảo mật và tính năng mới. Điều này sẽ giúp cho hệ thống tránh được các vấn đề liên quan đến bảo mật và tương thích.
- Sao lưu dữ liệu thường xuyên: Cần sao lưu cơ sở dữ liệu MySQL thường xuyên để chắc chắn rằng bạn có thể khôi phục dữ liệu trong trường hợp xảy ra sự cố không mong muốn.
- Hiểu về cấu hình và quản lý: Nếu bạn mới lần đầu sử dụng XAMPP thì trước đó, hãy dành thời gian để học về cách cấu hình và quản lý dịch vụ trong XAMPP. Chắc chắn, việc hiểu rõ về cách hoạt động của XAMPP sẽ giúp bạn có thể sử dụng nó một cách hiệu quả hơn.
- Kiểm thử trước triển khai: Trước khi triển khai ứng dụng web lên môi trường sản xuất, bạn hãy kiểm thử kỹ lưỡng trên XAMPP để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của ứng dụng, cũng như giúp tránh được các vấn đề phát sinh sau này.
So sánh XAMPP với phần mềm giả lập server WAMP
WAMP và Xampp đều là các phần mềm giả lập server trên localhost với các tính năng như MySQL, PHP và Apache được tích hợp. Mặc dù chúng có mục tiêu chung là giúp người dùng dễ dàng thiết lập một môi trường phát triển web trên máy tính cá nhân nhưng về bản chất, mỗi cái lại có những điểm mạnh và yếu riêng.
Theo đó, WAMP là từ viết tắt của "Window+Apache+MySQL+PHP" và là một phần mềm miễn phí giúp người dùng chạy các website ngay trên máy tính của mình qua đường dẫn là http://localhost. Việc sử dụng WAMP sẽ mang đến cho người dùng những ưu điểm nổi bật sau:
- Giao diện thân thiện và dễ sử dụng, người dùng có thể dễ dàng cấu hình từ phiên bản của MySQL cho đến việc bật / tắt các module của Apache.
- WAMP cho phép người dùng lựa chọn phiên bản cho MySQL và PHP một cách thuận tiện.
- Ngoài ra, việc sao lưu và khôi phục dữ liệu cũng được thực hiện dễ dàng thông qua WAMP, qua đó giúp người dùng bảo vệ dữ liệu của họ một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, một hạn chế của WAMP mà chúng ta cần phải nhắc đến là nó chỉ chạy trên hệ điều hành Windows, bao gồm cả phiên bản 32-bit và 64-bit.
Còn về phần Xampp, đây là một phần mềm giả lập server có sẵn trên nhiều hệ điều hành như Windows, macOS và Linux. Mặc dù có thể chạy trên nhiều nền tảng, nhưng Xampp không phải là phần mềm cross-platform vì mỗi hệ điều hành lại có cách hiển thị và chạy khác nhau. Một số ưu điểm nổi bật của Xampp cần phải kể đến là:
- Xampp cung cấp một số tính năng đặc biệt như giả lập FTP và mail server, cũng như hỗ trợ SSL trên localhost.
- Giao diện của Xampp rất đơn giản và không yêu cầu nhiều cấu hình. Việc bật/tắt các thành phần như MySQL và Apache được thực hiện một cách dễ dàng.
- Mặc dù XAMPP không cung cấp nhiều tính năng cấu hình chi tiết như WAMP, nhưng nó vẫn là một lựa chọn thuận tiện cho những người dùng không cần các tính năng phức tạp.
- Một điểm yếu của Xampp là dung lượng cài đặt lớn hơn so với WAMP, điều này có thể ảnh hưởng đến việc tải và cài đặt trên máy tính có dung lượng hạn chế.
Tóm lại, việc lựa chọn giữa WAMP và Xampp thường sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của người dùng và sở thích cá nhân. Nếu như bạn không cần dùng chức năng gì phức tạp, đồng thời chỉ cài đặt các mã nguồn mở để chạy thì WAMP sẽ là một sự lựa chọn phù hợp và ngược lại.
Như vậy, với những nội dung vừa được Phương Nam Vina chia sẻ, chúng tôi hi vọng bạn đã hiểu rõ về khái niệm XAMPP là gì và cách cài đặt, sử dụng ra sao. Có thể thấy, với những lợi ích vô cùng tuyệt vời cùng phạm vi hoạt động rộng rãi, XAMPP hứa hẹn sẽ là một chương trình để hỗ trợ tạo web server trong tương lai để phát triển website và ứng dụng được nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Tham khảo thêm:
Alias là gì? Hướng dẫn cấu hình Aliases trong Cpanel
Name server là gì? Đặc điểm và cách thay đổi name server
Web server là gì? Các loại web server thông dụng nhất hiện nay