Chu kỳ sống của sản phẩm và chiến lược cho từng giai đoạn

Trong kinh doanh, sản phẩm chính là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một sự thật là bất kỳ sản phẩm nào cũng đều có “hạn sử dụng” nhất định. Vì vậy, việc nắm rõ từng giai đoạn thịnh suy của sản phẩm sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể nắm bắt được cơ hội để tạo ra nhiều sự bứt phá hơn. Đây cũng là lý do mà trong nội dung dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu về chu kỳ sống của sản phẩm và cách mà doanh nghiệp nên áp dụng để vượt qua từng giai đoạn này như thế nào.


Chu kỳ sống của sản phẩm và chiến lược cho từng giai đoạn
 

Mục lục

Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?

Chu kỳ sống của sản phẩm (product life cycle) hay còn được biết đến với một tên gọi thân quen khác là vòng đời sản phẩm. Hiểu một cách đơn giản, khái niệm này được sử dụng để biểu thị cho sự tiến triển của một mặt hàng thông qua các giai đoạn khác nhau, từ khi nó được giới thiệu lần đầu cho đến khi không còn tồn tại trên thị trường nữa. Cụ thể, chu kỳ sống của sản phẩm được chia thành 4 giai đoạn chính là giới thiệu, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái.

Ngoài việc chỉ ra các giai đoạn khác nhau của sản phẩm trên thị trường, chu kỳ sống còn phản ánh mối quan hệ giữa sản phẩm với khách hàng thông qua các chỉ số như lượng tiêu thụ, phạm vi tiếp cận và cả mức độ cạnh tranh. Thông qua việc thu thập và phân tích những thông tin này, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về sự phát triển của hàng hóa ngay tại thời điểm đó và đưa ra các chiến lược tiếp thị phù hợp.

Cũng chính vì lẽ đó mà việc nghiên cứu và dự đoán vòng đời của sản phẩm đã trở thành một công cụ quan trọng để giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược marketing hiệu quả, đồng thời tối ưu hóa hiệu suất kinh doanh và cạnh tranh với hàng loạt đối thủ trên thị trường.

Nguyên lý hoạt động của vòng đời sản phẩm

Thông thường, mỗi một sản phẩm sẽ đều trải qua 4 giai đoạn chính trong chu kỳ sống của mình, bao gồm: Giai đoạn giới thiệu; Tăng trưởng; Bão hòa và cuối cùng là Suy thoái. Tuy nhiên, trước khi chính thức bước vào những giai đoạn này thì sản phẩm sẽ cần phải trải qua một quá trình nghiên cứu, thiết kế và phát triển. Chỉ khi được đánh giá là có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì hàng hóa mới được sản xuất, quảng bá và chính thức cho ra mắt trên thị trường.

Nhìn chung, mỗi giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm đều có ảnh hưởng đáng kể đến cách mà mặt hàng đó được tiếp thị tới người tiêu dùng. Vì vậy, sự thành công trong việc giới thiệu sẽ tạo ra nhu cầu và tăng cường sự phổ biến của sản phẩm, đồng thời làm giảm sức hút của các mặt hàng cũ rồi đẩy nó ra khỏi thị trường.

Chu kỳ sống của sản phẩm

Tầm quan trọng của việc nắm bắt chu kỳ sống sản phẩm

Hiểu rõ chu kỳ sống của một sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý vòng đời của chính hàng hóa đó, qua đây mang lại cho doanh nghiệp các lợi ích sau:

- Hiểu rõ các giai đoạn của vòng đời sản phẩm giúp nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định thông minh về kế hoạch bán hàng và tiếp thị, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

- Việc hiểu rõ vòng đời sản phẩm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các chiến lược ra mắt hàng hóa, từ đó tăng cơ hội thành công và giảm thiểu rủi ro, dẫn đến lợi nhuận cao hơn.

- Nắm rõ chu kỳ sống của sản phẩm còn cho phép nhà quản lý có thể linh hoạt thay đổi thông điệp tiếp thị để duy trì kết nối với các đối tượng khách hàng mục tiêu qua từng giai đoạn khác nhau.

- Quản lý vòng đời sản phẩm giúp duy trì và nâng cao sự hấp dẫn của mặt hàng đó đối với người tiêu dùng cũng như tạo lòng trung thành từ khách hàng thông qua việc cập nhật, cải tiến liên tục.

- Bằng cách quản lý hiệu quả vòng đời sản phẩm, doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tận dụng mọi cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong từng giai đoạn của mặt hàng.

Ngược lại, những doanh nghiệp không áp dụng một quy trình quản lý vòng đời sản phẩm hiệu quả chắc chắn sẽ phải đối mặt với các thách thức sau:

- Thiếu kiến thức về vòng đời sản phẩm có thể sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng mặt hàng không đáp ứng nhu cầu của thị trường và sớm bước đến giai đoạn suy thoái.

- Quản lý vòng đời hàng hóa không hiệu quả có thể dẫn đến tình trạng hàng tồn kho dư thừa, gây ra tình trạng lãng phí với những khoản chi không cần thiết.

- Khi không quản lý được vòng đời sản phẩm, doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, điều này khiến cho chi phí tổn thất gia tăng nghiêm trọng.

- Sản phẩm không được quản lý vòng đời một cách hiệu quả có thể ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp do mức độ hấp dẫn của mặt hàng và lòng trung thành của khách hàng bị suy giảm.

Giải mã 4 giai đoạn trong chu kỳ sống của sản phẩm

Đứng dưới góc nhìn của người tiêu dùng, một sản phẩm trên thị trường sẽ được chia thành 3 giai đoạn dễ nhận thấy nhất, bao gồm: Ra mắt (được quảng bá trên thị trường) - Phủ sóng (Hiện diện ở khắp mọi nơi, được người tiêu dùng đón nhận) và cuối cùng là Biến mất (mặt hàng đó không còn hấp dẫn, chính thức bị đào thải khỏi thị trường).

Thế nhưng, đối với những người kinh doanh thì chu kỳ sống của sản phẩm lại được chia thành 4 giai đoạn. Thời gian ở từng giai đoạn này sẽ không được xác định một cách cụ thể mà tất cả sẽ phụ thuộc phần lớn vào các đặc điểm và tính chất của hàng hóa.

Giai đoạn 1: Phát triển sản phẩm mới (market introduction and development)

Đây được xem là giai đoạn mà doanh nghiệp đã chuẩn bị xong khâu hoàn thiện cuối cùng và sẵn sàng cho ra mắt sản phẩm chính thức trên thị trường. Cũng trong giai đoạn này thì gần như tất cả mọi khách hàng đều chưa biết đến sự tồn tại của hàng hóa.

Vậy nên mà ở trong giai đoạn đầu tiên, nhiệm vụ quan trọng cần được các doanh nghiệp triển khai hiệu quả đó là là quảng cáo thông tin và hình ảnh sản phẩm trên các nền tảng xã hội, phương tiện truyền thông phổ biến hay hợp tác với KOL, KOC,... để tăng cường nhận diện thương hiệu và giúp hàng hóa tiếp cận khách hàng nhanh chóng.

Ngoài ra, có một điều mà bạn cần lưu ý đó là việc hoàn thành giai đoạn này một cách nhanh chóng sẽ giúp sản phẩm sớm bước sang giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, thời gian này sẽ còn phụ thuộc khá nhiều vào hiệu quả của chiến lược quảng cáo và tiếp thị mà doanh nghiệp đã thực hiện. Từ đó là cơ sở để doanh nghiệp đưa ra quyết định có nên tiếp tục vào giai đoạn tiếp theo hay không.


Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
 

Giai đoạn 2: Phủ sóng và tăng trưởng (market growth)

Nếu sản phẩm tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đáp ứng được nhu cầu thị trường, nó sẽ sẵn sàng để bước vào giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ phát triển. Trong giai đoạn này, doanh số bán hàng thường có chiều hướng tăng với tốc độ chóng mặt. Điều này cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng của bạn đang ngày càng gia tăng, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng sản xuất nhằm phân phối hàng hóa trong một phạm vi rộng hơn.

Cũng trong giai đoạn tăng trưởng, sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn khi các đối thủ liên tục xuất hiện trên thị trường với những phiên bản sản phẩm tương tự, kèm theo đó là những cải tiến và ưu điểm riêng. Vậy nên ở giai đoạn này, doanh nghiệp cần xem xét việc giảm thiểu các khoản chi phí quảng cáo để tập trung triển khai những chiến lược bán hàng hiệu quả, chẳng hạn như: Đẩy mạnh quá trình sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm các đại lý phân phối hay thậm chí là phát triển thêm các dịch vụ hỗ trợ khách hàng để tạo ra sự khác biệt, độc nhất.


Chu kỳ sống sản phẩm
 

Giai đoạn 3: Đạt đỉnh và bão hòa (market maturity)

Trong giai đoạn 3 của chu kỳ sống, sản phẩm lúc này sẽ không có sự phát triển nhanh chóng như ở giai đoạn 2. Thậm chí, đôi lúc chúng ta sẽ còn cảm nhận được sức mua của người tiêu dùng đang bị chững lại và các chỉ số cũng bắt đầu giảm xuống. Nguyên nhân của tình trạng này đó là do khách hàng đã trở nên quen thuộc với hàng hóa của bạn. Không những vậy, tệp khách hàng trọng tâm cũng đã được doanh nghiệp khai thác hết và cơ hội thu hút khách hàng mới cũng không còn dễ dàng.

Điều này cho thấy sự cạnh tranh giữa các sản phẩm trên thị trường đang ngày càng tăng cao và doanh nghiệp buộc phải chi tiêu nhiều hơn để duy trì kết quả ổn định. Nếu không, hàng hóa của bạn sẽ có nguy cơ rất nhanh bước đến giai đoạn suy thoái.


Ví dụ chu kỳ sống của sản phẩm
 

Giai đoạn 4: Suy thoái (market decline)

Không có sản phẩm nào có thể tránh khỏi giai đoạn cuối của chu kỳ sống - sự suy thoái. Đây cũng được xem là thời điểm mà các chủ doanh nghiệp thường rơi vào tình trạng bế tắc nhất. Khi đó, nếu mặt hàng đó vẫn còn bị tồn kho quá nhiều hoặc khi hàng gần hết hạn sử dụng, việc giảm giá để thanh lý đã trở thành một công đoạn cần thiết được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, nếu vấn đề này vẫn diễn ra liên tục thì doanh nghiệp có thể rơi vào các tình huống tồi tệ hơn như bị khủng hoảng tài chính, thua lỗ hay thậm chí là bị phá sản nếu không tìm ra hướng đi mới cho hàng hóa của mình.

Đây cũng chính là giai đoạn mà các doanh nghiệp có lẽ nên lường trước ngay từ đầu. Bởi lẽ, thị trường kinh doanh luôn không ngừng biến động với sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn nhỏ. Lúc này, quyền lực sẽ rơi vào tay người tiêu dùng khi họ có thêm nhiều sự lựa chọn.

Có thể nói, giai đoạn suy thoái chính là một giai đoạn thử thách đối với hầu hết các doanh nghiệp. Lúc này, nhà lãnh đạo cần phải có tầm nhìn sáng suốt, nhạy bén trong việc đón đầu các xu hướng kinh doanh mới để tiếp tục tạo ra chu kỳ sống mới cho hàng hóa của mình.


Ví dụ về chu kỳ sống
 

Làm thế nào để xác định chu kỳ sống sản phẩm đang nằm ở đâu?

Không thể phủ nhận, việc hiểu rõ từng giai đoạn của sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp có thể phát triển các chiến lược phù hợp nhất. Tuy nhiên, làm thế nào để bạn có thể xác định được sản phẩm của mình đang ở vị trí nào trong product life cycle?

Xét về những yếu tố nội tại

Để xác định vòng đời của một sản phẩm, doanh nghiệp cần phải tiến hành đo lường và phân tích các thông số liên quan đến sự phát triển của chính mặt hàng này. Trong đó, các yếu tố quan trọng như chi phí đầu tư, doanh thu và lợi nhuận ròng của mỗi giai đoạn,... được xem là các chỉ số đo lường hàng đầu. Bằng cách so sánh các chỉ số phát triển của sản phẩm qua từng giai đoạn, các nhà quản lý có thể đưa ra những đánh giá chính xác về vị thế của hàng hóa trong chu kỳ sống của nó.

Xét về những tiềm lực bên ngoài

Các yếu tố liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị và sự ưa chuộng của sản phẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vòng đời của hàng hóa. Ngoài ra, việc phân tích xem hàng hóa có đang đối mặt với tình trạng bão hòa hay không, cũng như dự đoán nhu cầu của khách hàng trong tương lai đối với sản phẩm này cũng là một nhiệm vụ cần thiết để nhận biết giai đoạn của mặt hàng.
 

Ví dụ chu kỳ sống sản phẩm
 

Chiến lược trong từng giai đoạn của chu kỳ sống sản phẩm

Rõ ràng, thời kỳ hoàng kim luôn là giai đoạn mà sản phẩm sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp. Nhưng rất khó để sản phẩm có thể liên tục “đu đỉnh” và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khách hàng, nhất là khi thị trường liên tục xuất hiện những đối thủ mới. Vậy nên, nhiệm vụ của các doanh nghiệp ngay lúc này đó chính là phải tìm cách để giúp cho hàng hóa của mình luôn nằm trong giai đoạn thịnh vượng, tránh khỏi tình trạng bị “đào thải” vĩnh viễn.

1. Chiến lược cho giai đoạn triển khai, ra mắt sản phẩm

Khi sản phẩm mới ra mắt, doanh số lúc này thường khá thấp và có xu hướng tăng trưởng chậm vì sản phẩm vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm. Do đó, doanh nghiệp cần phải tập trung nguồn lực để triển khai các chiến lược tiếp thị để thu hút khách hàng trải nghiệm thử sản phẩm của bạn.

Trong giai đoạn này, mục tiêu mà các doanh nghiệp thường quan tâm đến đó chính là nỗ lực đạt được sự công nhận của khách hàng và kích thích họ dùng thử hàng hóa. Các chiến lược tiếp thị cũng nên hướng đến những tệp khách hàng ưa thích trải nghiệm mới lạ và có khả năng mua sản phẩm mới nhất.

Với giai đoạn triển khai, ra mắt sản phẩm, bạn có thể triển khai một số chiến lược sau:

- Định hình cơ sở vật chất: Hãy tập trung vào việc xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ nhằm tăng cường sự nhận biết của sản phẩm từ phía khách hàng. Điều này bao gồm việc thiết kế bao bì, slogan, chọn lựa kênh phân phối và một loạt các yếu tố khác có thể gợi nhớ đến thương hiệu của bạn.

- Chiến lược tiếp thị và quảng cáo: Vì là sản phẩm mới nên ở giai đoạn này, việc đẩy mạnh các chiến lược tiếp thị thật sự rất cần thiết để quảng bá đến với nhiều người hơn. Theo đó, bạn có thể triển khai chiến lược quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, sản xuất các ấn phẩm truyền thông đa dạng, chạy ads cho website hoặc hợp tác với những người nổi tiếng và KOL để xây dựng uy tín cho sản phẩm, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận đến một lượng lớn khách hàng tiềm năng.

- Chiến lược định giá: Đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, nhân sự, marketing, định vị thương hiệu và sản phẩm, bối cảnh kinh tế, phân khúc khách hàng mục tiêu và cả mức độ cạnh tranh trên thị trường. Với hàng loạt yếu tố trên thì trong giai đoạn này, doanh nghiệp có thể áp dụng hai chiến lược định giá như sau:

+ Chiến lược định giá thâm nhập: Doanh nghiệp có thể đặt một mức giá thấp ban đầu để nhanh chóng tiến nhập vào thị trường, sau đó có thể điều chỉnh tăng giá lại từ từ dựa trên mức độ thâm nhập hoặc các yếu tố tác động khác.

+ Chiến lược định giá hớt váng: Doanh nghiệp sẽ đặt một mức giá cao cho sản phẩm ngay từ ban đầu để tận dụng nhóm khách hàng có sức mua cao và thu hồi vốn nhanh chóng. Sau đó, khi thị trường bắt đầu phát triển thì giá bán lúc này sẽ được giảm đi để hàng hóa có thể tiếp cận đến nhiều phân khúc khách hàng mới. Hiện nay, chiến lược này thường được áp dụng cho các sản phẩm độc quyền hoặc sản phẩm công nghệ cao là chủ yếu, ví dụ điển hình là iPhone.

2. Chiến lược cho giai đoạn phủ sóng và tăng trưởng

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần triển khai các chiến lược duy trì thương hiệu để chuyển từ việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng sang việc thiết lập sự hiện diện của thương hiệu đối với khách hàng. Mục tiêu chính của doanh nghiệp trong giai đoạn này đó là mở rộng thị phần và tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ nên các chiến lược kinh doanh, tiếp thị lúc này cũng cần được điều chỉnh, cụ thể:

- Chiến lược định giá: Doanh nghiệp cần phải đánh giá lại chiến lược giá ban đầu và tiến hành điều chỉnh tăng hoặc giảm giá sản phẩm. Tuy nhiên, chiến lược này cần phải có sự thăm dò cụ thể dựa trên mức độ chấp nhận về giá của khách hàng và các yếu tố khác trong môi trường kinh doanh.

- Chiến lược sản phẩm: Trọng tâm lúc này sẽ được đặt vào việc cải tiến chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đó, doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu thị trường và tiếp nhận phản hồi từ khách hàng để hiểu rõ hơn về những yêu cầu, mong đợi của họ. Dựa trên các thông tin nhận được, doanh nghiệp cần áp dụng cải tiến lại mặt hàng để tối ưu hóa chất lượng, tính năng và giá trị của sản phẩm đối với khách hàng, từ đó góp phần gia tăng sự hấp dẫn và sức cạnh tranh trên thị trường.

- Chiến lược truyền thông: Thay vì tập trung vào việc giới thiệu và quảng bá chất lượng, công nghệ cùng những tính năng như trước đó, nội dung thông điệp của doanh nghiệp lúc này nên được chuyển hướng sang việc tăng cường phản hồi từ người dùng và chia sẻ các trải nghiệm cá nhân của chính họ. Các đánh giá và nhận xét từ khách hàng chính là yếu tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu của mình bởi theo nghiên cứu, có đến 63% khách hàng cho biết họ thường có xu hướng mua sản phẩm từ một thương hiệu được đánh giá cao.

- Chiến lược influencer marketing: Trong giai đoạn ra mắt, các doanh nghiệp thường có xu hướng hợp tác với các celeb hoặc KOL để quảng bá hàng hóa của mình một cách rộng rãi. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn 2 thì doanh nghiệp nên ưu tiên kết hợp cùng các KOC để có thể tiếp cận chính xác nhóm khách hàng mục tiêu để cải thiện doanh số hiệu quả.

- Mở rộng kênh phân phối: Doanh nghiệp hãy xem xét đến việc mở rộng mạng lưới phân phối để có thể nâng cao cơ hội tiếp cận đến nhiều khách hàng tiềm năng hơn, có thể là hợp tác với các đối tác phân phối mới hoặc tăng cường sự hiện diện trên các kênh bán hàng trực tuyến.


Product life cycle
 

3. Chiến lược cho giai đoạn bão hòa

Trong 4 giai đoạn của chu kỳ sống sản phẩm, giai đoạn 3 được xem là giai đoạn mang tính thách thức nhất khi buộc doanh nghiệp cần phải tạo ra những thay đổi và sự đột phá của riêng mình để duy trì tính hiệu quả của sản phẩm. Trong giai đoạn này, mục tiêu chính của doanh nghiệp đó là triển khai các chiến lược củng cố thương hiệu và tập trung đặc biệt vào việc phát triển nhóm khách hàng trung thành. Do đó mà một số chiến lược thường được các doanh nghiệp áp dụng ở giai đoạn này sẽ là:

- Chiến lược khác biệt hóa: Để có thể duy trì được “sức sống” cho sản phẩm, doanh nghiệp cần phải tạo được sự khác biệt mang tính tích cực so với đối thủ cạnh tranh và giữ chân khách hàng. Theo đó, để tạo nên sự khác biệt cho mình, doanh nghiệp của bạn có thể áp dụng một trong số các chiến lược phổ biến dưới đây:

+ Khác biệt về giá: Hãy tạo ra các phiên bản sản phẩm có nhiều mức giá khác nhau để phục vụ cho đa dạng tệp khách hàng, từ hàng hóa cao cấp cho đến mặt hàng có mức giá trung bình.

+ Khác biệt về thuộc tính sản phẩm: Tập trung phát triển và làm nổi bật các đặc tính độc đáo, tính năng mới hoặc công nghệ tiên tiến để sản phẩm của bạn luôn tạo được khác biệt và hấp dẫn hơn so với đối thủ.

+ Khác biệt về hiệu suất và chất lượng: Nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu suất sử dụng chính là “chìa khóa” để doanh nghiệp tạo ra sự hài lòng, tin tưởng dành cho khách hàng.

+ Khác biệt về dịch vụ chăm sóc khách hàng: Hãy luôn nhớ rằng, khách hàng chính là “thượng đế” và cảm xúc của họ quyết định đến sự tồn tại của sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, việc tăng cường các dịch vụ hỗ trợ khách hàng sau khi mua hàng như bảo hành, sửa chữa, hỗ trợ kỹ thuật và chăm sóc khách hàng,... chính là giải pháp cần được tối ưu hiệu quả để tạo ra sự hài lòng và trung thành từ phía người tiêu dùng.

- Cải tiến sản phẩm: Bên cạnh việc tạo sự khác biệt, một lưu ý quan trọng khác mà doanh nghiệp cần phải ghi nhớ đó là việc thường xuyên cải tiến và làm mới hàng hóa thông qua quá trình thiết kế lại bao bì, chất lượng, tính năng hoặc phát triển dòng sản phẩm mới để duy trì thị phần, cũng như nâng cao ưu thế cạnh tranh của mình trên thị trường.

- Giới thiệu các chương trình khuyến mãi: Trong giai đoạn này, việc không ngừng quảng bá các tính năng, ưu điểm của sản phẩm đã không còn cần thiết nữa. Thay vào đó, bạn hãy tập trung đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh về giá. Đồng thời, đừng quên việc tìm kiếm các cơ hội mở rộng sang một thị trường mới với tệp người dùng đa dạng hơn.

4. Chiến lược cho giai đoạn suy thoái của sản phẩm

Trong giai đoạn này, mức độ phổ biến của hàng hóa bắt đầu suy yếu do một số nguyên nhân sau:

- Sản phẩm của bạn không còn được yêu thích trên thị trường như trước.

- Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, với sự xuất hiện của nhiều mặt hàng khác có tính năng tương tự.

- Hàng hóa trở nên lỗi thời và không còn phản ánh được nhu cầu của thị trường hiện tại.

- Hình ảnh thương hiệu đã bị lãng quên hoặc không còn thu hút khách hàng.

- Bối cảnh kinh tế và xu hướng tiêu dùng thay đổi liên tục đã làm ảnh hưởng đến sự quan tâm cũng như nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Khi các yếu tố trong và ngoài tác động lẫn nhau thì sản phẩm rất dễ rơi vào giai đoạn suy thoái. Trong tình huống này, doanh nghiệp thường sẽ phải đối mặt với hai hướng đi:

- Định hướng 1: Nếu doanh nghiệp cảm thấy mặt hàng đó vẫn còn tiềm năng thì họ sẽ tiếp tục nỗ lực phục hồi lại vị thế của chúng trên thị trường. Khi đó, chiến lược marketing phù hợp cho giai đoạn này chính là cải tiến sản phẩm và ra mắt phiên bản mới có tính năng nâng cấp, kèm theo đó là việc đẩy mạnh hoạt động tiếp thị. Tuy nhiên, định hướng này đòi hỏi sự mạo hiểm và nỗ lực đáng kể từ doanh nghiệp, thậm chí có thể tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ.

- Định hướng 2: Nếu sản phẩm không còn triển vọng thì đã đến lúc, doanh nghiệp cần phải kết thúc vòng đời của chúng. Việc kéo dài thời gian suy thoái có thể gây lãng phí về cả thời gian lẫn tài chính, đồng thời khiến cho các khoản đầu tư vào sản phẩm không thể thu hồi được vốn, thậm chí là có thể làm chậm trễ quá trình phát triển sản phẩm mới có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, trước khi quyết định chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của chúng trên thị trường thì doanh nghiệp cần phải lên kế hoạch xử lý hàng tồn kho (nếu có) và áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro, tổn thất cho doanh nghiệp.


Vòng đời sản phẩm
 

Một số lưu ý khi áp dụng product life cycle

Để có thể đạt được nhiều thành công hơn trong quá trình áp dụng chiến lược product life cycle, doanh nghiệp của bạn cũng đừng quên bỏ túi cho mình một số lưu ý dưới đây:

1. Đừng để bảo thủ trở thành sợi dây trói buộc sự phát triển

Để có thể kéo dài vòng đời của sản phẩm và tránh tình trạng bị “kích” khỏi thị trường, việc thường xuyên cập nhật những thay đổi mới từ khách hàng lẫn đối thủ cạnh tranh là điều kiện tất yếu của mọi doanh nghiệp.

Những thông tin thu thập được sẽ là nguồn tài nguyên quý giá để doanh nghiệp có thể nhìn nhận lại tình hình, từ đó dễ dàng điều chỉnh, cải thiện lại chất lượng sản phẩm, giá cả, kênh phân phối và quảng cáo,... sao cho tương thích với từng giai đoạn của vòng đời và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Đồng thời, việc liên tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng là chìa khóa để doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh trên thị trường. Bằng cách nói không với sự bảo thủ và thường xuyên đổi mới hàng hóa, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị mới mẻ hơn. Điều này giúp doanh nghiệp luôn đủ sức thu hút được khách hàng mới và duy trì vị thế trong môi trường kinh doanh cạnh tranh như hiện nay.

2. Đầu tư thời gian phân tích chu kỳ sản phẩm không bao giờ lãng phí

Đây được xem là một trong những khía cạnh quan trọng giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sự phát triển của sản phẩm trên thị trường. Việc phân tích này không chỉ giúp doanh nghiệp nắm bắt được các hành vi, nhu cầu của khách hàng mà còn giúp đưa ra các quyết định và chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc phân tích chu kỳ sống sản phẩm cũng giúp doanh nghiệp dự báo được xu hướng và nhu cầu của thị trường. Dựa vào những thông tin được dự báo, doanh nghiệp sẽ dễ dàng điều chỉnh lại sản phẩm, giá cả, kênh phân phối và quảng cáo để mang lại hiệu quả cao nhất.

3. Doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến vòng đời sản phẩm

Yếu tố khách hàng, giá thành hay xu hướng thị trường,... thực chất chỉ là một phần nhỏ trong việc tác động đến chu kỳ sống của sản phẩm. Trên thực tế, doanh nghiệp mới là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến vòng đời của bất kỳ hàng hóa nào. Bởi lẽ, doanh nghiệp chính là đơn vị đóng vai trò quyết định khi nào sản phẩm được ra mắt, được cải tiến hay thay thế bằng một mặt hàng mới. Họ cũng là người xác định nên sử dụng chiến lược marketing nào cho hàng hóa, bao gồm giá cả, phân phối và các thức quảng cáo. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển mặt hàng để tạo ra sự đột phá trên thị trường.


Vòng đời sản phẩm là gì?
 

Ví dụ về chu kỳ sống của sản phẩm

Để giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về chu kỳ sống của sản phẩm thì trong nội dung tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn một số ví dụ trực tiếp về cách mà các “ông lớn” đang áp dụng để kéo dài vòng đời cho hàng hóa của mình.

1. Ví dụ về chu kỳ sống của sản phẩm Vinamilk

Là một thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam, Vinamilk đã áp dụng chiến lược chu kỳ sống cho dòng sữa bột Optimum Mama - sản phẩm được thiết kế dành cho các bà bầu và phụ nữ đang cho con bú như sau:

- Giai đoạn giới thiệu: Vinamilk đã triển khai một chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông như radio, blog, truyền hình, mạng xã hội  và các hội, nhóm trực tuyến của các bà mẹ nhằm giới thiệu hàng hóa đến đối tượng người tiêu dùng.

- Giai đoạn phát triển: Sau khi đã tạo được nhận thức về sản phẩm cho người tiêu dùng, Vinamilk đã tiến hành đưa hàng hóa của họ lên kệ tại siêu thị, cửa hàng đại lý và các điểm bán hàng của mình. Tại những điểm này, loại sữa này sẽ trực tiếp nhận được phản hồi, đánh giá từ phía khách hàng, từ đó cung cấp cho tập đoàn các thông tin quý báu để cải thiện và nâng cao chất lượng.

- Giai đoạn bão hòa: Vinamilk đã tăng cường sản phẩm bằng cách bổ sung thêm chất xơ, lợi khuẩn và các dưỡng chất khác dựa trên ý kiến đóng góp từ khách hàng, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng của sữa.

- Giai đoạn suy thoái: Tính đến thời điểm hiện tại, sữa bột Optimum Mama vẫn đang ở giai đoạn phát triển và chưa bước vào giai đoạn suy thoái. Đây chính là thành tựu của việc liên tục cải tiến và nâng cấp từ Vinamilk để giúp kéo dài chu kỳ sống sản phẩm, cũng như duy trì sự hấp dẫn của sữa bột trên thị trường.


Ví dụ về chu kỳ sống sản phẩm của Vinamilk
 

2. Ví dụ chu kỳ sống của sản phẩm Nokia

Chu kỳ sống của sản phẩm Nokia, đặc biệt là chiếc Nokia 1100 chính là một ví dụ điển hình cho sự thăng trầm trong ngành công nghiệp điện thoại di động. Theo đó, mặt hàng này được ra mắt vào năm 2003 và chính thức rời bỏ thị trường vào năm 2009 sau khi đã trải qua 4 giai đoạn quan trọng:

- Giai đoạn triển khai (2003): Chiếc điện thoại Nokia 1100 lần đầu được giới thiệu vào năm 2003 với mức giá phải chăng, dễ sử dụng và thời lượng pin “trâu”.Tuy nhiên thì trong giai đoạn này, doanh số bán hàng của Nokia 1100 vẫn còn tăng chậm do điện thoại cần một khoảng thời gian để người dùng nhận biết.

- Giai đoạn tăng trưởng (2004 - 2005): Đây là giai đoạn mà Nokia 1100 ngày càng trở nên nổi tiếng hơn và thu hút sự quan tâm từ người dùng nhờ vào những tính năng ấn tượng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Được đà tiến tới, nhà sản xuất đã cho cải tiếnhàng hóa bằng cách thêm các tính năng mới như đèn pin, loa ngoài và nhạc chuông,... để nâng cao giá trị của sản phẩm. Từ đó tạo thành bàn đạp để Nokia 1100 trở thành chiếc điện thoại bán chạy nhất trên toàn cầu.

- Giai đoạn bão hòa (2006 - 2007): Trong thời kỳ này, thị trường điện thoại di động đã chứng kiến sự ra đời của nhiều dòng sản phẩm mới đến từ các đối thủ cạnh tranh như Motorola, Samsung, LG,… Điều này đặt Nokia vào tình thế phải cạnh tranh với sự đa dạng và tiến bộ của các sản phẩm khác. Doanh số bán hàng của Nokia 1100 cũng theo đó mà bắt đầu giảm dần khi người dùng có xu hướng yêu thích sự đổi mới và tính năng tiên tiến từ các thiết bị khác.

- Giai đoạn suy thoái (2008 - 2009): Thời điểm này chính là lúc chiếc Nokia 1100 đã dần trở nên lỗi thời và không còn đủ sức hấp dẫn người dùng như trước. Doanh số bán hàng giảm mạnh cùng với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ như Motorola, Samsung, LG,... càng làm cho Nokia 1100 rơi vào tình trạng bị “hắt hủi”. Nhận thức được tình hình trên, Nokia đã quyết định cho ngừng sản xuất Nokia 1100 vào năm 2009 và chuyển hướng vào việc phát triển các dòng smartphone mới phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.

3. Ví dụ chu kỳ sống của sản phẩm Coca-Cola

Một nghiên cứu thú vị khác về chu kỳ sống của sản phẩm đó chính là Coca Cola. Với chiến lược marketing thông minh và sáng tạo, Coca-Cola đã thành công trong việc tiếp cận, thu hút người tiêu dùng trên toàn cầu, trong đó bao gồm cả thị trường Việt Nam. Cũng giống như nhiều hàng hóa khác, Coca Cola cũng trải qua vòng đời sản phẩm trong chu kỳ sống của mình với các giai đoạn sau:

- Giai đoạn giới thiệu: Trên thực tế, Coca-Cola không phải là loại nước có gas đầu tiên được đưa ra trên thị trường. Trước đó thì vào năm 1863, một loại đồ uống có lá coca làm thành phần chính đã được ra đời để phục vụ cho mục đích chữa bệnh.

- Giai đoạn phát triển: Từ năm 1919, Coca-Cola đã bắt đầu cải tiến sản phẩm và mở rộng thị trường sang nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Pháp, Úc, Nauy, Châu Phi, Châu Âu,...

- Giai đoạn bão hòa: Vào năm 1960, Coca-Cola đã chính thức cho mở rộng mạng lưới nhà máy và chiếm đến 60% thị phần trong thị trường nước giải khát toàn cầu. Thành tựu này lại một lần nữa củng cố vị thế của họ khi là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực nước giải khát.

- Giai đoạn suy thoái: Để xây dựng uy tín thương hiệu, Coca-Cola đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện và cải tiến mặt hàng của mình. Với đội ngũ quản lý kênh phân phối chuyên nghiệp cùng một thương hiệu mạnh mẽ, Coca-Cola đã duy trì vững chắc vị thế của mình trong suốt hơn một thế kỷ và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bước sang giai đoạn suy thoái.


Ví dụ chu kỳ sống của sản phẩm Coca Cola
 

Trên đây là toàn bộ thông tin về chu kỳ sống của sản phẩm và chiến lược triển khai tương ứng cho từng giai đoạn mà Phương Nam Vina muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng từ bài viết này, bạn sẽ có thêm kiến thức về vòng đời sản phẩm, đồng thời hiểu rõ từng giai đoạn khác nhau để áp dụng chiến lược phù hợp nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh thêm hiệu quả hơn. Chúc bạn thành công!

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website Chiến lược giá hớt váng (Price skimming strategy) là gì?

icon thiết kế website Lợi thế cạnh tranh là gì? Các cách xác định lợi thế cạnh tranh

icon thiết kế website Sales promotion là gì? Bứt phá doanh số với sales promotion

Bài viết mới nhất

Chân dung khách hàng là gì? Cách xác định customer persona

Chân dung khách hàng là gì? Cách xác định customer persona

Việc hiểu rõ chân dung khách hàng là một nhiệm vụ quan trọng đối với các chiến lược kinh doanh, tiếp thị của tất cả doanh nghiệp trên thị trường.

Marketing 5.0 là gì? Khám phá 5 xu hướng của marketing 5.0

Marketing 5.0 là gì? Khám phá 5 xu hướng của marketing 5.0

Marketing 5.0 là một xu hướng tiếp thị mới đang ngày càng bùng nổ trong thời đại số và làm thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Blog là gì? Tất tần tật những điều cần biết về web blog

Blog là gì? Tất tần tật những điều cần biết về web blog

Blog vốn xuất hiện từ lâu trên Internet và là nền tảng quen thuộc được nhiều người sử dụng để chia sẻ về cuộc sống cũng như công việc của mình.

Cross selling là gì? Bí thuật khiến khách hàng rút hầu bao

Cross selling là gì? Bí thuật khiến khách hàng rút hầu bao

Cross selling không phải là một kỹ thuật bán hàng mới nhưng là chiến lược kinh doanh được nhiều doanh nghiệp yêu thích vì hiệu quả mang lại rất cao.

 
Top 16 ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh tiềm năng, ít vốn

Top 16 ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh tiềm năng, ít vốn

Khởi nghiệp kinh doanh luôn là một chủ đề được nhiều người quan tâm và 16 gợi ý trong bài viết này sẽ hỗ trợ bạn tìm kiếm ý tưởng phù hợp.

Phương tiện truyền thông là gì? Điểm danh 10 hình thức phổ biến

Phương tiện truyền thông là gì? Điểm danh 10 hình thức phổ biến

Phương tiện truyền thông chính là những công cụ tiếp thị được nhiều doanh nghiệp sử dụng để quảng bá sản phẩm / dịch vụ và thương hiệu.

zalo